Chi nhánh của Phật Học Viện
Phật Học Viện có 3 chi nhánh, đặt tại Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn
1. Chi nhánh Phật học viện Báo Quốc – Huế:
Số học tăng theo học tại đây khá đông, chương trình đào tạo bao gồm cả nội điển và ngoại điển. Tại chi nhánh này, từ trước đã có trường Trung học tư thục Bồ đề Hàm Long đóng tại đây, do Giáo Hội Tăng già quản lý. Nhưng kể từ khi Phật Học Viện Trung phần mở chi nhánh tại đây thì trường Bồ đề Hàm Long cũng được nhập chung, đặt dưới sự quản lý của Phật học viện Trung phần.
2. Chi nhánh Phật học viện Phổ Đà – Đà Nẵng:
Số lượng học tăng theo học tại đây không đông bằng Huế, nội dung đào tạo chỉ thuần về nội điển, có một số giờ bổ túc thêm kiến thức quốc văn và ngoại ngữ. Chi nhánh Phật học viện Phổ Đà chính thức được khai giảng ngày 19 tháng 2 năm Canh Tý (1960). Trường được đặt tại chùa Phổ Đà, do Hội Phật học Đà Thành nhượng cúng cho Phật học viện Trung phần.
Hai chi nhánh Phật học viện Báo Quốc và Phật học viện Phổ Đà được coi là những trung tâm đào tạo và tuyển chọn tăng tài của Phật Học Viện Trung phần. Những học tăng nào sau khi hoàn tất khoá học tại hai chi nhánh này, nếu có trình độ khá sẽ được tuyển chọn vào Phật học viện Trung phần tại Nha Trang để tiếp tục đào tạo, trước khi được phân bổ đi phụ trách hoằng pháp tại các địa phương.
3. Chi nhánh Tu viện Quảng Hương Già Lam:
Tu viện Quảng Hương Già Lam là chi nhánh đầu tiên của Phật Học Viện Hải Đức – Nha Trang đặt tại miền Nam, do Hoà thượng Thích Trí Thủ, thừa uỷ nhiệm Ban quản trị Phật Học Viện, thành lập năm 1961, để làm nơi lưu trú và tu học cho các học tăng sau khi đã tốt nghiệp Phật Học Viện, vào Sài Gòn tiếp tục học lên những ngành cao hơn.
Tại tu viện Quảng Hương Già Lam hiện còn lưu giữ một quả Đại hồng chung nặng 330kg, đường kính 1.0m, được chú đúc tại Phật học viện Trung phần Nha Trang năm 1966. Trên thân chuông có khắc bài Ký sự do chính Hoà thượng Thích Trí Thủ soạn, nói rõ lý do thành lập cũng như quá trình khai kiến Quảng Hương Già Lam, có đoạn viết: “Quảng Hương Già Lam là chi nhánh của Phật học viện Trung phần, thành lập năm 1956, đến năm 1961, Phật học viện Trung phần đã đào tạo được một số học tăng học xong Trung học (nội điển cũng như ngoại điển), cần vào Sài Gòn tiếp tục các nghành Đại học. Để có nơi cư trú thuận tiện cho số học tăng ấy, Ban quản trị Phật học viện uỷ nhiệm tôi thiết lập Già Lam này… Mọi giấy tờ về động sản và bất động sản của Phật học viện Trung phần ở Nha Trang cũng như của Quảng Hương Già Lam ở Sài Gòn đều do tôi đứng tên với tư cách Giám Viện, thừa uỷ nhiệm của Ban quản trị Phật học viện Trung phần” (7)
Tu viện Quảng Hương Già Lam chính thức mở cửa đón học tăng đến nhập chúng tu học năm 1962, gồm 6 vị. Về sau, mỗi năm mỗi đông thêm, cao điểm nhất là vào đầu năm 1975, tổng số tăng sinh tu học tại đây là 120 vị.
Các tăng sinh cư trú tại đây, một số theo học trường Cao đẳng Phật học Pháp Hội, sau này là Viện Đại học Vạn Hạnh, một số theo học các nghành như Y Dược, Luật khoa, Kiến trúc, Triết học, Văn chương… của các Đại học bên ngoài. Sau khi hoàn tất chương trình, các tăng sinh sẽ được điều phối đi đảm trách phật sự tại các địa phương.
Ngoài ba chi nhánh kể trên, Phật Học Viện Trung phần còn có ba Ni Viện trực thuộc, đó là Ni Viện Diệu Quang tại Nha Trang, Ni Viện Bảo Quang tại Đà Nẵng và Ni Viện Diệu Đức tại Huế.
Các hoạt động của Phật Học Viện
Phật Học Viện Trung phần không chỉ chuyên trách công tác giáo dục mà còn đặt biệt quan tâm đến vấn đề truyền trì mạng mạch của tăng già cũng như công tác hoằng pháp. Hoạt động tiêu biểu nhất của Phật Học Viện kể từ khi thành lập năm 1956, đến năm 1975 là đã tổ chức được ba kỳ Đại Giới Đàn và một Đại hội Hoằng pháp toàn quốc.
Đại hội Hoằng pháp toàn quốc:
Phải nói rằng, Đại hội Hoằng pháp toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Phật Học Viện Trung phần Nha Trang năm 1962 có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính từ Đại hội này, một đường lối hoằng pháp hết sức thiết thựcđã hoạch định, làm cơ sở cho Đại hội hoằng pháp lần 2 (1964, tại chùa Xá Lợi) và Đại hội hoằng pháp lần 3 (1969, tại chùa Ấn Quang) sau này triển khai thực hiện.
Đại Giới Đàn lần thứ nhất: Giới đàn diễn ra trong ba ngày 7, 8, 9 tháng Chạp năm Bính Thân, nhân dịp kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo và cũng là ngày khánh thành Phật Học Viện. Đường đầu Hoà thượng là Hoà thượng Thích Giác Nhiên (Viện trưởng Phật Học Viện), Chánh chủ đàn là Thượng toạ Thích Trí Thủ (Giám Viện), Phó chủ đàn là Thượng toạ Thích Thiện Minh và các Thượng toạ trong Ban quản trị Phật Học Viện. Hội đồng Thập sư được cung thỉnh gồm chư tôn đức trong toàn quốc.
Số lượng giới tử từ Bắc chí Nam về thọ giới lên đến ngàn người. Và có khoảng ba ngàn tăng ni và Phật tử về dự hội. Thủ Sa di của chúng Tỳ kheo là Đại đức Thích Trừng San, tri sự Phật Học Viện; Thủ chúng Bồ tát tại gia là đạo hữu Chơn An Lê Văn Định.
Đại Giới Đàn lần thứ hai: Giới đàn được tổ chức trong ba ngày 17, 18, 19 tháng 6 năm Mậu Thân (nhằm ngày 12, 13, 14 tháng 7 năm 1968), do Thượng toạ Thích Trí Thủ làm Chánh chủ đàn.
Đường đầu Hoà thượng là Đức đệ nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, Đại vị Đường đầu Hoà thượng là Hoà thượng Thích Phúc Hộ, Yết ma A xà lê là Thượng toạ Thích Thiện Hoà, Giáo thọ A xà lê là Thượng toạ Thích Mật Nguyện và Thượng toạ Thích Thiện Hoa.
Thành phần Tôn chứng gồm các Thượng toạ: Thích Huyền Tân, Thích Trí Nghiêm, Thích Diệu Hoằng, Thích Đạo Quang, Thích Giác Tánh, Thích Trí Thành, Thích Hưng Sơn.
Dẫn thỉnh là Thượng tọa Thích Thanh Trí và Thượng tọa Thích Đức Thiệu. Quản giới tử là Đại đức Thích Chánh Trực, Đại đức Thích Đức Phương.
Hội đồng khảo thí do Thượng toạ Thích Mật Nguyện làm Chánh chủ khảo, Thượng toạ Thích Huyền Quang làm Chủ tịch Hội đồng, Đại đức Thích Thiện Bình làm Tổng thư ký.
Giới tử Tỳ kheo tham dự khảo thí gồm 350 vị, chỉ có 103 vị trúng tuyển; giới tử Sa di dự thi gồm 493 vị, chỉ có 126 vị trúng tuyển. Tỳ kheo ni có 37 vị, Sa di ni 19 vị, Thức xoa ma na 19 vị. Giới tử Thập thiện gồm 200 người; giới tử Ưu bà tắc và Ưu bà di gồm 350 người.
Thủ Sa di của chúng Tỳ kheo là Đại đức Thích Nguyên Phương (chùa Già Lam, Sài gòn); Vĩ Sa di là Đại đức Thích Lưu Hoà (chùa Trúc Lâm, Huế) và Đại đức Thích Thiện Lương (Khánh Hoà).
Đặc biệt, tại Giới đàn này, lần đầu tiên Ban kiến đàn đã cho thực hiện một Bản tin báo chí, do Đại đức Thích Giác Tuệ và nhóm học tăng Phật Học Viện phụ trách, đã tường thuật khá tường tận mọi thông tin về Giới đàn.
Đại giới đàn lần thứ ba: Nhân kỷ niệm 10 năm (1963 – 1973) ngày viên tịch của Đại lão Hoà thượng Thích Phước Huệ (nguyên trú trì Tổ đình Hải Đức Nha Trang, khai sơn Tổ đình Hải Đức Huế), Ban quản trị Phật Học Viện quyết định tổ chức Giới đàn lấy tên là Đại Giới Đàn Phước Huệ, để truy niệm công đức của ngài. Giới đàn này được tổ chức trong ba ngày 19, 20, 21 tháng 9 năm Quý Sửu (nhằm ngày 14, 15, 16 tháng 10 năm 1973), do Hoà thượng Thích Trí Thủ làm Chánh chủ đàn.
Đường đầu Hoà thượng là Hoà thượng Thích Phúc Hộ; Yết ma A xà lê là Thượng toạ Thích Giác Tánh; Giáo thọ A xà lê là Thượng toạ Thích Trí Nghiêm và Thượng toạ Thích Huệ Hưng; Tuyên luật sư là Thượng tọa Thích Trí Tịnh.
Thành phần Tôn chứng gồm các Thượng toạ: Thích Đạo Quang, Thích Ấn Tâm, Thích Tịch Tràng, Thích Trí Thành, Thích Giải An, Thích Hoàn Thông, Thích Quảng Hiệp. Dẫn thỉnh là các Thượng toạ: Thích Nhật Lệ, Thích Quang Thể, Thích Đức Phương, Thích Tâm Hướng. Quản giới tử là Thượng toạ Thích Chánh Trực, Thượng toạ Thích Thiện Nhơn.
Hội đồng khảo thí do Thượng toạ Thích Đức Nhuận làm Chánh chủ khảo, Thượng toạ Thích Đức Tâm làm phó chủ khảo, Đại đức Thích Thiện Hạnh, Thích Minh Tuệ làm Thư ký.
Tại Giới đàn này, có 214 giới tử Tỳ kheo và 217 giới tử Sa di được tuyên danh trúng tuyển. Có 115 giới tử kém may mắn không được tuyên danh, trong đó có 61 giới tử Tỳ kheo và 54 giới tử Sa di. Thủ Sa di của chúng Tỳ kheo là Đại đức Thích Hải Ấn (Phật học viện Báo Quốc – Huế).
Kết thúc Đại giới đàn, Ban kiến đàn có tổ chức Đại lễ cầu quốc thái dân an và trai đàn chẩn tế. Đặc biệt, Bản tin Đại giới đàn Phước Huệ lần này có một bước cải tiến đáng kể so với bản tin của Đại giới đàn trước đó (1968), cả về nội dung cũng như hình thức. Bản tin ra cả thảy 5 số, do Đại đức Thích Nguyên Chứng (Tuệ Sỹ) và nhóm học tăng của Phật Học Viện phụ trách.
Ngoài các hoạt động kể trên, hàng năm, Ban quản trị Phật Học Viện còn quyết định lấy ngày kỷ niệm Đức Phật thành đạo (mồng Tám tháng Chạp) làm ngày Về nguồn cho các thế hệ học tăng cũng như các vị giáo thọ của Viện.
Công tác đối ngoại của Phật Học Viện
Cùng với việc trao đổi giảng sư với các Phật học viện, các Đại học Phật giáo và các trường Đại học thuộc hệ thống công lập ở trong nước, Ban quản trị Phật Học Viện còn lên kế hoạch đưa giảng sư và học tăng đi hoằng pháp và du học ở nước ngoài. Tiêu biểu như Thượng toạ Thích Minh Châu du học tại Ấn Độ, Thượng toạ Thích Thiên Ân du học tại Nhật Bản, đó chính là những vị Giảng sư cơ hữu của Phật học viện.
Uy tín của Phật Học Viện không chỉ được giới nhân sĩ trí thức trong nước biết đến, mà ngay cả những bậc cao tăng, các vị học giả nước ngoài mỗi khi đến Việt Nam cũng đều đến thăm và làm việc với Phật Học Viện.
Phật Học Viện đã từng tiếp đón hai vị cao tăng Trung Hoa là Pháp sư Siêu Trần và Pháp sư Diễn Bồi đến thăm và làm việc ngày 15 tháng 7 năm 1958; tiếp Đại đức Narada, Tích Lan, đến thăm và làm việc với Phật học viện ngày 6 tháng 12 năm 1959; tiếp Giáo sư Richard A.Gard, Đại học Yale, Mỹ, đến thăm và tìm hiểu về tổ chức của Phât giáo Việt Nam, ngày 4 tháng 8 năm 1960.
Đặc biệt, vào tháng 8 năm 1958, Phật Học Viện đã tiếp một vị khách đặc biệt, ông Frank M. Bazl, một kỹ sư người Mỹ, tìm đến Phật Học Viện ngày 27 tháng 8 năm 1958 và tự nhận mình là con kiếp trước của Hoà thượng Phước Huệ (nguyên trú trì chùa Hải Đức Nha Trang). Ông được Hoà thượng Phước Huệ thâu nhận, cho pháp danh là Chơn Trí. Bấy giờ, ông Frank M. Bazl đang làm việc tại đô thành Sài Gòn, tuy đã lập gia đình nhưng vẫn chuyên tu thiền định. Sau ngày cha con gặp nhau, mỗi Chủ nhật hằng tuần ông đều đáp tàu từ Sài Gòn ra Nha Trang, tổ chức nhiều buổi diễn thuyết tại Phật Học Viện. Tin đồn lan xa, mật thám của Ngô triều để ý, vậy là chỉ một thời gian sau ông đã bị triệu hồi về nước.
VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC NHA TRANG
Để tiến đến thành lập một Đại học Phật giáo tại Nha Trang theo đúng kế hoạch mà ngay từ đầu Ban quản trị Phật Học Viện đã xác định, Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang ra đời chính là một bước đi cần thiết, nhằm thực hiện nhiệm vụ đào tạo trình độ Đại học Phật giáo cho tăng sinh.
Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang chính thức được thành lập năm 1974, nhưng để có được bước đi này, kể từ năm 1970, Ban quản trị Phật Học Viện đã cho mở những khoá đào tạo chuyên khoa Phật học Trung đẳng II, và đến trước năm 1974, ít nhất đã có 2 lớp chuyên khoa Phật học đã tốt nghiệp. Theo báo cáo của Tổng vụ Giáo dục GHPGVNTN tại Đại hội năm 1974, cho biết: Năm 1972, Phật học viện Trung phần Nha Trang đã đào tạo được 21 tăng sinh tốt nghiệp chuyên khoa Phật học Trung đẳng II; năm 1974, đã đào tạo được 29 tăng sinh tốt nghiệp chuyên khoa Phật học Trung đẳng II; và từ năm 1971 đến năm 1974, tại Phật học viện đã có 100 tăng sinh đỗ Tú tài toàn (Trung học phổ thông) theo hệ thế học.
Vậy là kể từ năm 1974, Phật học viện Trung phần Hải Đức Nha Trang đã bước sang một thời kỳ mới – thời kỳ của Viện Cao đẳng Phật học. Để trực tiếp điều hành hoạt động của Viện, Giáo Hội và Ban quản trị Phật học viện đã thỉnh cử Thượng toạ Thích Thiện Siêu làm Viện trưởng, vì bấy giờ Hoà thượng Thích Trí Thủ phải đảm nhiệm chức Viện trưởng Viện Hoá Đạo, thay thế Hoà thượng Thích Thiện Hoa vừa viên tịch.
Thành phần Ban Giám Viện
Viện trưởng: Thượng toạ Thích Thiện Siêu
Phó Viện trưởng: Thượng toạ Thích Đỗng Minh
Tổng Thư ký: Thượng toạ Thích Thiện Bình
Thư ký: Tuệ Sỹ
Tri sự: Đại đức Thích Trừng San
Trong đó, Thượng toạ Thích Đỗng Minh vừa giữ chức Phó Viện trưởng vừa kiêm luôn chức vụ Trưởng Ban kinh tế tự túc của Viện.
Nội dung – chương trình đào tạo
Song song với việc giảng dạy nội điển, như kinh, luật, luận thuộc Hán tạng, khi xây dựng chương trình Cao đẳng Phật học, Ban Giám Viện còn đặc biệt chú ý đến việc đào tạo sinh ngữ, cổ ngữ và một số môn ngoại điển căn bản cho tăng sinh, như Sanskrit, Pali, Hán cổ, Anh ngữ, Nhật ngữ, Văn học, Sử học, Triết học, Sử Phật giáo, Văn học sử Phật giáo, Nghi lễ, Diễn giảng…
Với chủ trương đào tạo đó, ngay trong lời Diễn từ nhậm chức Viện trưởng, đọc trước Hội đồng Giám Viện và toàn thể tăng sinh ngày 28 tháng 11 năm 1974, Thượng toạ Thích Thiện Siêu đã khẳng định: “Bên cạnh công phu nghiên tầm nội điển, tăng sinh còn cần có những kiến thức bao trùm các nghành văn hoá, dù là kiến thức đại cương nhưng không thể không có, mà có thể đáp ứng được thời cơ, vận dụng khả năng hoằng pháp vào mọi trường hợp, để chuyển hướng lòng người về đường Giác ngộ. Ngày xưa Đức Phật đã từng dùng bốn Tất-đàn trong việc hoá đạo, nên ngài đã nhiếp hoá được mọi người, đủ mọi trình độ. Ngày nay, một nhà đạo sĩ nếu chưa thành tựu được quán chiếu thì phải là một nhà văn hoá, mới mong phát huy sự nghiệp hoằng hoá của mình trước mọi biến chuyển của thời đại. Do đó, những môn văn chương, triết lý, sinh ngữ… đều được kèm theo chương trình nội điển từ thấp đến cao” (8) .
Thành phần Ban Giáo thọ
Thành phần Ban Giáo thọ gồm có: Thượng toạ Thích Thiện Siêu, Thượng toạ Thích Trí Nghiêm, Thượng toạ Thích Viên Giác (phụ trách Kinh học thuộc Hán tạng); Thượng toạ Thích Đỗng Minh (phụ trách Luật học); Thượng toạ Thích Thiện Bình (phụ trách diễn giảng); Tuệ Sỹ (phụ trách Luận học và cổ ngữ Sanskrit, Pàli); Giáo sư Lê Mạnh Thát (phụ trách Sử Phật giáo, văn học Phật giáo); Nguyên Hồng, Doãn Quốc Sỹ (phụ trách Văn học); Cao Hữu Đính (phụ trách Văn học sử Phật giáo); Võ Hồng (phụ trách Văn chương và Nhật ngữ).
Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang ra đời và hoạt động được khoảng chừng một năm thì đến ngày đất nước thống nhất. Từ giữa năm 1975 đến năm 1981, trong giai đoạn chuyển giao để tiến đến thành lập Trường Cao Cấp Phật Học tại chùa Quán Sứ và Thiền viện Vạn Hạnh ở hai miền Nam Bắc, Viện tuy không tiếp tục chiêu sinh nhưng vẫn duy trì việc giảng dạy nội điển cho các tăng sinh nội trú, và công việc chính yếu của Ban Giám viện cũng như các vị Giáo thọ lúc này là tập trung nghiên cứu và phiên dịch kinh điển. Phần lớn những bộ kinh, luận quan trọng, các công trình nghiên cứu của Hoà thượng Thích Thiện Siêu, Hoà thượng Thích Trí Nghiêm, Hoà thượng Thích Đỗng Minh và một số vị trong Ban Giáo thọ đều được hoàn thành tại đây trong khoảng thời gian này.
LỜI KẾT
Phật Học Viện Trung phần Hải Đức – Nha Trang ra đời và hoạt động chỉ trong vòng 20 năm, từ 1956 đến 1975, đó không phải là quảng thời gian đủ dài để định hình cho một đường hướng giáo dục, nhưng cũng không phải quá ngắn để người ta dễ dàng lãng quên. Nói đến giáo dục, nhất là giáo dục Phật giáo, không phải tính xem ngôi trường đó có tuổi thọ bao nhiêu, mà vấn đề là nó được trưởng thành như thế nào?
Trong 20 năm hiện diện, Phật Học Viện Trung phần đã làm được những gì, và để lại cho chúng ta điều gì?
Phật Học Viện đã làm được nhiều việc. Và để lại cho chúng ta, không phải là cái hào quang vang bóng một thời, mà chính là một thông điệp vô cùng giá trị. Thông điệp đó, khi mở ra, đã nhắn nhủ với chúng ta một điều, rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, để hoàn thành sứ mệnh hoằng pháp lợi sanh, người con Phật phải luôn ghi nhớ: “Không có vấn đề cá nhân tranh thắng, chỉ có vấn đề Đạo pháp trường tồn”! (9).
“Đạo pháp trường tồn”, đó là lời nguyện mà chúng ta thường đọc lên mỗi ngày. Và chúng ta đều biết, chỉ có “Đạo pháp trường tồn” (chứ không phải cái ta “cá nhân tranh thắng” trường tồn) thì chúng sanh mới được an lạc. Nói thì dễ, nhưng thực hiện được thật khó. Vì biết khó nên chư Tổ mới dạy phải lập chí, lập nguyện.
Hoà thượng Thích Thiện Siêu, trong lời Diễn từ nhậm chức Viện trưởng Viện Cao Đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang, một lần nữa đặt lại vấn đề này để xác định rõ quan điểm, lập trường của Viện: “Phải chăng, nói bao giờ cũng dễ, làm bao giờ cũng khó? Khó nhất là khi việc làm đó lại là việc làm của sự giác ngộ, siêu thoát trước mọi quyền lực, đam mê đang ẩn núp trong tâm niệm luân trầm, như từng khiến bao kẻ hăng hái lên đường, nhưng một thời gian sau nhìn lại, thấy mình đang thối lui hoặc dẫm chân tại chỗ. Chúng tôi chỉ còn chút hy vọng, nhờ kiểm điểm lại lịch sử diễn tiến xưa nay, trong đó có nhiều trường hợp giúp chúng tôi xác tín hơn lên về sức mạnh của ý chí, của tinh thần giác ngộ, đã có thể làm chủ được mọi sự, kể cả cái bản ngã ươn hèn của mình” (10) .
Bằng thông điệp đó, và trong hướng đi đó, Phật Học Viện Trung phần đã quy tụ và nối kết được những trái tim nhiệt huyết, những con người có cùng tâm nguyện sát cánh bên nhau, cùng nhìn về một hướng. Những con người đó đã luôn tìm cách nuôi dưỡng và truyền hơi ấm cho biết bao thế hệ học trò của mình, để rồi, những tăng sinh ấy sau khi ra trường lại mang bầu nhiệt huyết đó lên đường với một sứ mệnh cao cả. Họ có thể là những vị giáo thọ tại các Phật học viện, là người quản lý, giảng dạy tại các trường Bồ đề, là những vị trú trì tại các tự viện, hoặc là những vị giảng sư đang hoá đạo tại các địa phương. Tất cả họ, trong mỗi ánh mắt luôn sáng ngời niềm tin, trong mỗi trái tim luôn cháy bùng lý tưởng phụng sự.
Nha Trang là Xứ Trầm Hương, là nơi đã nuôi dưỡng và lưu xuất biết bao những bậc hùng tăng, những tấm gương hành đạo và hộ đạo sáng ngời trong lịch sử. Với 20 năm Phật Học Viện Trung phần đóng tại đây, Nha Trang một thời là nơi hội tụ của những tinh hoa Phật giáo thế kỷ 20. Đó không chỉ là một điểm son của Phật giáo Khánh Hoà mà còn là một đóng góp quan trọng của Phật giáo Xứ Trầm Hương cho lịch sử Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.
T.K.N
Chú thích
7. Thích Đức Chơn, Khai kiến Quảng Hương Già Lam, Kỷ niệm 30 thành lập Tu viện Quảng Hương Già Lam: 1961 – 1992.
8. Thích Thiện Siêu, Diễn từ nhậm chức Viện trưởng Viện Cao Đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang, ngày 28 tháng 11 năm 1974, tr.3 (tư liệu Thư viện Từ Đàm, Huế).
9. Huấn từ của Ban Quản trị Phật Học Viện Trung phần, Kỷ yếu Đời Sống Đạo, Phật Học Viện Trung phần ấn hành, Nha Trang 1960, tr.56.
10 Thích Thiện Siêu, Diễn từ nhậm chức Viện trưởng Viện Cao Đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang, ngày 28 tháng 11 năm 1974, tr.2 (tư liệu Thư viện Từ Đàm, Huế).