Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Phật hoàng Trần Nhân Tông và bài học lợi ích dân tộc

Phật hoàng Trần Nhân Tông và bài học lợi ích dân tộc

186
0

Mềm dẻo nhưng cương quyết

Thời Trần, nếu Trần Thánh Tông là vị vua nổi tiếng có nhiều chiến tích anh hùng, góp mặt trong cả 3 lần kháng chiến chống Mông – Nguyên ở nửa sau thế kỷ XII[1], thì Trần Nhân Tông lại là vua có thái độ ngoại giao mềm dẻo nhưng cương quyết, biết hoạch định những chiến lược đúng đắn làm nền tảng vững chắc cho chính sách đối ngoại của nước Đại Việt.

Trong 30 năm gắn bó với chính sự – lên ngôi ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần (1278), nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để làm Thái Thượng hoàng vào tháng 3 năm Quý Tỵ (1293) và đi tu, mất ngày 3 tháng 11 năm Mậu Thân (1308) – Trần Nhân Tông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong chính sách đối ngoại của nhà Trần, thể hiện trên ba nội dung lớn:

– Cương quyết tập trung toàn lực đối phó với nhà Nguyên ở phía bắc để bảo vệ đến cùng nền độc lập dân tộc;

– Tăng cường hoạt động ở Ai Lao để ổn định bền vững ranh giới, bờ cõi phía tây;

– Nỗ lực kết giao với Chămpa nhằm sáp nhập và mở rộng lãnh thổ về phía nam để phát triển lâu dài.

Ngay khi vừa mới làm vua cuối năm 1278, Trần Nhân Tông đã bị sứ giả triều Nguyên hăm dọa việc "tự ý" lên ngôi mà không xin mệnh lệnh của "Thiên triều", và buộc nhà vua phải sang chầu. Vì đại cuộc quốc gia, tránh sự gây hấn với quân Nguyên nước lớn thế mạnh, nên vua cử Trịnh Đình Toản và Đỗ Quốc Kế đi sứ để làm dịu bớt sự căng thẳng giữa hai nước[2].

Sau khi diệt xong nhà Tống, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt ráo riết chuẩn bị đánh Đại Việt. Trước nguy cơ đó, Trần Nhân Tông đã cử chú họ là Trần Di Ái và Lê Mục, Lê Tuân đi sứ sang Nguyên.

 

Tượng thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông, Ảnh: Website Côn Sơn Kiếp bạc

Vua Nguyên phong Trần Di Ái tước Lão hầu, cho làm "An Nam quốc vương", tự ý đặt Đại Việt thành "An Nam Tuyên uý ty", sai Bột Nhân Kha Nhi, Sài Xuân và Hốt Kha Nhi đem 1.000 quân hộ tống Trần Di Ái trở về Đại Việt.

Tháng 4 Nhâm Ngọ (1282), trước âm mưu và thái độ ngang ngược của giặc, vua Trần Nhân Tông không chịu nhân nhượng, cho quân đón đánh Bốc Nhan Thiết Mộc Nhi ở biên giới, khiến chúng phải trốn chạy hoặc trở về nước, Trần Di Ái bị bắt đem về trị tội.

Tiếp đến, được tin 50 vạn quân Nguyên do Toa Đô chỉ huy lấy cớ mượn đường Đại Việt đánh Chămpa, vua Trần Nhân Tông vội họp triều đình bàn kế chống giặc ở bến Bình Than (Chí Linh, Hải Dương) vào tháng 10 Nhâm Ngọ (1282) , và cho quân bố phòng các nơi hiểm yếu.

Trong thời gian quân Nguyên xâm lược Chămpa, tháng 7 Quý Mùi (1283), vua Trần Nhân Tông vẫn cử sứ bộ gồm Hoàng Ư Lệnh và Nguyễn Chương sang giao hảo, với mục đích thăm dò tình hình giặc. Nhờ vậy, vua Trần biết được tin tức 50 vạn quân Nguyên sắp sửa sang xâm lược nước ta và chuẩn bị đối phó. Tháng 10 năm Quý Mùi (1283), Trần Nhân Tông tổ chức tập trận thuỷ bộ, phong Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế thống lĩnh toàn quân, cử các tướng tài chỉ huy các đơn vị quân đội.

Tháng 3 năm Giáp Thân (1284), quân Nguyên từ cảng Thị Nại (Qui Nhơn) kéo ra đóng chiếm vùng Ô – Lý (Bắc Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình hiện nay), âm mưu phối hợp cánh quân từ phía bắc xuống đánh chiếm Đại Việt. Cùng lúc đó, sứ Nguyên là Đào Bỉnh Trực đến Thăng Long mang thư dụ hàng của Hốt Tất Liệt và đòi chu cấp lương thực cho lính Nguyên đang đóng ở Chămpa. Vua Trần Nhân Tông cương quyết không chịu, nên sứ giặc phải ra về.

Đáp trả thái độ của nhà Trần, con trai của Hốt Tất Liệt là Thoát Hoan được phong làm Trấn Nam vương, đem các tướng giỏi như A Thích, A Lý Hải Nha, Lý Hằng thống lĩnh 50 vạn quân kéo sang phối hợp với Toa Đô ở phía nam tấn công Đại Việt. Nhằm tránh cuộc chiến tranh khốc liệt sắp sửa nổ ra, tháng 5 (nhuận) năm Giáp Thân (1284), vua Trần Nhân Tông cử Trần Phủ sang xin hoãn binh, nhưng Hốt Tất Liệt vẫn điều động lực lượng.

Không nản lòng, vua Trần lại cử sứ thần Nguyễn Đạo Học đi sứ. Thoát Hoan sai người cùng Nguyễn Đạo Học về Đại Việt đưa thư của A Lý Hải Nha trách hỏi vua Trần, bắt vua phải chở lương thực sang Chămpa cho quân Nguyên và thân hành đi đón Thoát Hoan, nhưng vua Trần không chấp nhận.

Trước quyết tâm của vua Trần Nhân Tông, tháng chạp năm Giáp Thân (đầu năm 1285) quân Nguyên tấn công Đại Việt. Cuộc chiến tranh ác liệt diễn ra trong 6 tháng trời, thậm chí có lúc nhà Trần phải tạm rời bỏ kinh thành Thăng Long, song cuối cùng vẫn kết thúc bằng thắng lợi của nhân dân ta.

Chiến tranh kết thúc, xóa bỏ hận thù

Kháng chiến thắng lợi, nhưng sau cuộc chiến tranh, vua Trần Nhân Tông vẫn có những cố gắng nhằm làm dịu bớt sự thù hận vì bị thua trận của nhà Nguyên.

Kết quả vào tháng 10 năm Ất Dậu (1285), Hốt Tất Liệt cử Hợp Tán Nhi Hải Kha đến Thăng Long thăm dò tình hình và bàn tính việc trả tù binh. Tháng Giêng năm Bính Tuất (1286), vua Trần Nhân Tông cho thả tù binh Nguyên về nước.

Dù đã hai lần bại trận (1258, 1285), quân Nguyên vẫn chưa nguôi mộng xâm lăng Đại Việt. Tháng 3 Bính Tuất (1286), nhà Nguyên cử A Lỗ Xích, Ô Mã Nhi cùng đại tướng Trương Văn Hổ điều 50 vạn quân, 300 chiến thuyền âm mưu đưa Trần Ích Tắc về nước lập làm An Nam quốc vương. Sứ bộ Nguyễn Nghĩa Toàn của Đại Việt đến kinh đô nhà Nguyên vào tháng 5 năm Bính Tuất (1286) cũng bị bắt giữ. Ngày 3 tháng 9 năm Đinh Hợi (11-10-1287), nhà Nguyên tiến công xâm lược Đại Việt lần thứ ba. Nhưng cũng như hai lần trước, nhân dân Đại Việt tuy trải qua nhiều gian khổ vẫn bảo vệ thành công nền độc lập dân tộc. Ngày 27 tháng 3 năm Mậu Tý (28-4-1288), vua Trần Nhân Tông và triều đình đại thắng quay trở về kinh đô Thăng Long, ban lệnh đại xá thiên hạ.

Ba lần đại thắng quân Mông-Nguyên, vua tôi nhà Trần vẫn không hề tự mãn, ngạo mạn, vẫn tìm mọi phương cách để chấm dứt dã tâm xâm lược của giặc, mở đầu bằng chuyến đi sứ của Đỗ Thiên Hứ sang nước Nguyên vào tháng 10 năm Mậu Tý (1288). Trong khi đó, dù thua trận liên tục, nhưng nhà Nguyên không từ bỏ thói kẻ cả, vẫn ngông nghênh đòi Đại Việt phải thần phục.

Tháng 11 năm Mậu Tý (1288), Hốt Tất Liệt cử sứ bộ Lưu Đình Trực sang Đại Việt, đưa theo 24 người trong đó có các sứ bộ bị bắt giữ từ trước, đòi thả hết tù binh và đòi vua Trần Nhân Tông sang chầu vua Nguyên. Trần Nhân Tông luôn nhún nhường nước "lớn", nhưng không hề hèn nhát trước yêu cầu ngang ngược của giặc. Vào tháng 2 năm Kỷ Sửu (1289), vua Trần Nhân Tông sai Nội thư gia là Hoàng Tá Thốn đưa Ô Mã Nhi và tuỳ tướng nhà Nguyên về nước, song ban đêm dùng kế dùi thuyền cho chúng chết đuối[3]. Đến khi Thượng hoàng Trần Thánh Tông mất[4], vua Trần Nhân Tông vẫn cử sứ bộ Ngô Đình Giới sang cáo phó với nhà Nguyên vào tháng 8 năm Canh Dần (1290).

Vào tháng 2 năm Tân Mão (1291), Hốt Tất Liệt sai Lễ bộ Thượng thư Trương Lập Đạo sang dụ vua Trần Nhân Tông đi chầu, vua lấy cớ có tang không tiếp, rồi cử sứ bộ Nguyễn Đại Phạp cùng sứ Nguyên sang đáp lễ. Tháng 9 năm Quý tỵ (1293), sứ Nguyên là Binh bộ Thượng thư Lương Tăng lại sang đòi vua Trần đi chầu. Lúc nầy Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con làm Thái Thượng hoàng, lấy cớ đang có bệnh để từ chối yêu cầu của sứ Nguyên, sai Đào Tử Kỳ đem sản vật địa phương đi cùng sứ Nguyên sang biếu. Nhà Nguyên giận giữ giam Đào Tử Kỳ, đến đầu năm sau mới cho về. Tháng 2 năm Ất Mùi (1295), sứ Nguyên là Lý Khản và Tiêu Thái Đăng lại sang, vua Trần cử Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo đi cùng sứ Nguyên về nước trả lễ…

Qua các cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Nguyên, Trần Nhân Tông nổi bật vai trò một vị Nguyên thủ, một chính khách ngoại giao tài ba đầy quả cảm và giàu chất nghệ sĩ, có lập trường cứng rắn trong việc bảo vệ đến cùng độc lập tự do của dân tộc, nhưng luôn mềm dẻo và vô cùng nhạy bén, linh hoạt trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, hạn chế tối đa những mối nguy hại cho đất nước. Chính sự cương quyết nhưng mềm dẻo của Trần Nhân Tông đã góp phần đánh bại âm mưu xâm lược Đại Việt của nhà Nguyên, và quan trọng hơn là dập tắt luôn ý đồ phục hận của nhà Nguyên kể từ sau cái chết của Hốt Tất Liệt[5].

Bài học lợi ích quốc gia là trên hết

 

Ảnh thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông, Ảnh Giác Ngộ

Trong 30 năm nắm giữ nền chính sự Đại Việt, Trần Nhân Tông luôn nhất quán trong chủ trương giao hảo với Chămpa. Tháng Giêng năm Kỷ Mão (1279), sứ Chămpa là Chế Năng và Tra Diệp sang cống và xin ở lại làm nội thần Đại Việt, vua Trần Nhân Tông không chấp thuận vì sợ gây tổn thương quan hệ giữa hai nước. Nhờ sự tôn trọng của vua Trần Nhân Tông, Chămpa cảm phục và thường xuyên giữ lệ cống; như tháng hai năm Nhâm Ngọ (1282), sứ bộ Chămpa gồm 100 người do Bố Bà Ma cầm đầu sang cống voi trắng, rồi những lần khác vào tháng 9 năm Quý Tỵ (1293), tháng 2 năm Tân Sửu (1301)…

Đặc biệt, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai, tháng 6 Ất Dậu (1285) vua Trần Nhân Tông còn cho đưa các quan lại Chămpa theo quân Toa Đô bị Đại Việt bắt là Ba Lậu, Kê Na Liên tất cả 30 người về lại Chămpa.

Bên cạnh chủ trương hoà hiếu, Trần Nhân Tông còn đặt nền tảng cho sự hoà hợp giữa hai dân tộc. Từ tháng 3 đến tháng 11 năm Tân Sửu (1301), Thượng hoàng Trần Nhân Tông đi kinh lý các miền trong nước và sang thăm Chămpa, đồng thời hứa gả công chúa để kết thân. Kết quả là tháng 2 năm Ất Tỵ (1305), vua Chămpa sai Chế Bồ Đài và hơn 100 tuỳ tùng sang dâng sính lễ quý để cầu hôn; đến tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), Công chúa Huyền Trân nhà Trần được gả cho vua Chế Mân, với sính lễ là 2 châu Ô, Lý.

Hoà hiếu và kết thân với Chămpa được xem là một chính sách sáng suốt, đúng đắn mà Trần Nhân Tông đã vạch ra nhằm đảm bảo sự tồn vong và phát triển mở rộng về phía nam của quốc gia Đại Việt từ đó trở về sau.

Ngược lại với Chămpa, biên giới chung giữa Đại Việt và Ai Lao thường xuyên xẩy ra sự xung đột quân sự, mà suốt đời Trần Nhân Tông dường như liên tục xảy ra những cuộc đấu tranh.

Tháng 2 năm Canh Dần (1290), vua Trần Nhân Tông đem quân đi đánh Ai Lao, bởi vua cho rằng "khi giặc Nguyên lui rồi, thì ba cõi (Ai Lao, Chămpa, Chân Lạp) tất cho là quân và ngựa của ta chết hại, thế không thể chấn khởi được, sẽ có sự khinh nhờn đối với ta, cho nên đem đại quân đi đánh để thị uy"[6]. Thậm chí khi đã trở thành Thái Thượng hoàng, vào tháng 8 năm Giáp Ngọ (1294), Trần Nhân Tông vẫn còn thân chinh đi Ai Lao.

Tiếp nối những lần động binh của Trần Nhân Tông, các tướng nhà Trần (nhiều nhất là Phạm Ngũ Lão) còn nhiều lần tiến hành đấu tranh với Ai Lao, như các trận tháng 2 Đinh Dậu (1297), tháng 10 Mậu Tuất (1298), tháng 3 Tân Sửu (1301). Các hoạt động trên đã góp phần giúp biên giới phía tây của Đại Việt ngày càng ổn định.

Trong 15 năm làm vua, 15 năm dưới danh nghĩa Thái Thượng hoàng, hoạt động nhằm ổn định biên giới ở phía tây với Ai Lao hơi thiên về quân sự có thể xem là một sự đáng tiếc trong lựa chọn phương cách giải quyết của Trần Nhân Tông; song đó là hạn chế khách quan của thời đại, của điều kiện địa lý và lịch sử khu vực. Bởi lẽ, đối với Trần Nhân Tông và nước Đại Việt, con đường sinh tồn chính là phát triển càng xa về phía nam càng có thêm hậu thuẫn mạnh, trước áp lực thường xuyên của thế lực phương Bắc. Hai đối sách còn lại của Trần Nhân Tông theo hai chiều nam-bắc tỏ ra phù hợp, và đã được các triều đại kế tiếp noi theo, tạo nên một quốc gia hùng mạnh, vững vàng với phương Bắc, hòa hiếu và rộng mở về phía nam suốt tiến trình lịch sử 700 năm sau đó.

Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Quang Trung Tiến
Đại học Khoa học Huế
77 Nguyễn Huệ, Thành phố Huế

(theo TuanVietnam.net)

 

[1] Hai lần sau Trần Thánh Tông tham gia với tư cách Thái Thượng hoàng đời vua Trần Nhân Tông.

[2] Các sứ thần nầy bị nhà Nguyên giữ lại không cho về.

[3] Viện Sử Học, Việt Nam những sự kiện lịch sử  (Từ khởi thuỷ đến 1858), Giáo Dục, Hà Nội, 2001, tr.156.

[4] Trần Thánh Tông mất ngày 25 tháng 5 năm Canh Dần (1290)

[5] Hốt Tất Liệt mất vào tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1294).

[6] Viện Sử Học, đã dẫn, tr.157.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here