Cuốn sách chưa từng có người đọc
Tháp Tôn Đức được xây dựng từ thời Lê, đây là nơi đặt xá lị của thiên sư Minh Hành (1596-1659) tổ thứ 2 của chùa Bút Tháp. Nếu như không xảy ra chuyện, phần đỉnh tháp bị cây dại xâm lấn, ăn mòn mạch vữa khiến chóp tháp bị nghiêng có nguy cơ đổ sập, khiến nhà chùa phải phát tâm công đức, trùng tu lại, thì có lẽ sự xuất hiện của 2 cuốn sách đồng tại ngôi chùa thiêng mãi mãi là một bí mật. Sách được phát hiện nằm ở giữa lưng chừng tháp, độ sâu khoảng 1m tính từ trên xuống.
Lúc tìm thấy, sách được bọc trong vài lần giấy dó, sau hơn 300 năm, những lớp giấy dó đã kết lại thành một hợp chất cứng và dày chừng 2-3cm bao quanh phía ngoài. Bên cạnh hai cuốn sách đồng, còn tìm thấy hai hiện vật có hình dáng giống như chiếc trâm cài đầu của phụ nữ. Theo đoán định của các nhà chuyên môn đây là vật người xưa dùng để mở sách, chứ không dùng tay trực tiếp sờ vào sách. Cả hai cuốn sách đồng này đều được khắc hai mặt, trừ trang đầu tiên, còn lại mỗi trang có trên dưới 50 chữ.
Có điều lạ, trong khi cuốn sách đồng 23 trang ghi rõ ràng tên sách – “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Hải Hội Phật” đồng thời cũng ghi rõ niên đại năm Vĩnh Thọ thứ 3-1660 và người dâng cúng là “Đệ tử chính khung Hoàng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, đạo hiệu Pháp Tính”, thì cuốn sách thứ 2 với 33 trang lại như một thách thức đối với nhà nghiên cứu bởi cả cuốn sách không có lấy một dòng nào về tên sách, về niên đại cũng như người cung tiến.
Hầu hết các nhà nghiên cứu khi tiếp cận bản sách trong tháp Tôn Đức đều bất ngờ bởi những nét chữ dù được khắc cách đây hơn 300 năm nhưng còn tươi mới. Lý giải về điều này, ông Lê Viết Nga – GĐ Bảo tàng Bắc Ninh cho biết, khi xem xét toàn bộ bản sách, các nhà nghiên cứu không tìm thấy dấu hiệu của việc sách đã qua sử dụng. Đây chính là đồ tùy táng – là vật đem theo người chết khi trở về cõi vĩnh hằng vì thế ngay khi vừa khắc xong, nó được đưa ngay vào lòng tháp.
Cũng theo ông Lê Viết Nga, nội dung của 2 bản sách đồng cổ này không có gì đặc biệt, chỉ là bản kinh vẫn thường được tụng trong chùa. Tuy nhiên, nếu xét theo những tiêu chí về lịch sử, niên đại và tính độc bản thì hai cuốn sách này đủ tiêu chí để trở thành bảo vật quốc gia.
Bản kinh cổ với nét chữ như vừa mới được khắc |
Nhân bản sách đồng
Hiện tại, việc có trả bản sách cũ về tháp Tôn Đức hay không đang là quyết định khó khăn của lãnh đạo Sở VH-TT&DL Bắc Ninh cũng như bảo tàng. Nếu giữ sách lại bảo tàng để gìn giữ, trưng bày phát huy giá trị, cách làm này tốt, nhưng hiện vật phải thuộc về chủ nhân thực sự của nó. Còn nếu trả lại ví trí cũ thì lại lo cho sự an toàn của sách quý.
Để tính cho chu toàn mọi đường, Bảo tàng Bắc Ninh đã lên kế hoạch phục dựng thêm một bản sách nữa. Ông Lê Viết Nga cho biết: “Có thể chúng tôi sẽ đưa bản phục dựng này vào tháp hoặc cũng có thể bản phục dựng này sẽ được trưng bày tại bảo tàng, điều này còn đợi quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh cũng như Bộ VH-TT&DL”.
Dự tính, bản sao của sách đồng chùa Bút Tháp sẽ phải làm y hệt như gốc, từ nét chữ cho tới chất liệu cũng như độ dày của các bản đồng. Khi trực tiếp được nhìn bản gốc, các nghệ nhân làng Đại Bái đều lắc đầu… không dám nhận. Việc khắc vào lá đồng, lại là khắc hai mặt không đơn giản như khắc vào chuông, vừa không có điểm tì, vừa phải đúng với nét chữ cũ… Tiếp nữa là không tìm đâu ra những lá đồng có độ dày tương đương với lá đồng của sách cổ vì những lá đồng ngày nay mỏng hơn rất nhiều.
Rốt cuộc cũng có một cơ sở mỹ thuật ở Bắc Giang nhận lời. Nghệ nhân này rành việc “đục hớt” nhưng lại không biết chữ… Hán thành ra phải kết hợp với một chuyên viên của Bảo tàng Bắc Ninh, người khắc, người đọc soát, mỗi ngày chỉ khắc được một mặt của trang sách. Dự tính, phải hơn 1 tháng nữa, bản sách phục dựng này mới xong xuôi, riêng tiền công khắc đã lên tới 60 triệu đồng.
Theo thống kê trên địa bàn cả nước mới có chừng 7-8 cuốn sách đồng, như sách đồng ở chùa Phật tích – Bắc Ninh, Đông Lao – Hà Tây (cũ), Cầu Không – Nam Định… nội dung đa phần đều là những cuốn thần tích và kinh Phật. TS Nguyễn Xuân Diện – Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết, so với các bản sách đã từng phát hiện trước đây, 2 cuốn sách ở chùa Bút Tháp có niên đại sớm hơn cả.
Điều quan trọng nhất, sách đề cập đến một nhân vật lịch sử là Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc – bà là con gái chúa Trịnh Táng, vợ vua Lê Thần Tông, được lập làm hoàng hậu năm 1630. Tương truyền, bà là người có học vấn uyên thâm, giỏi Phật pháp. Chính vì thế, việc nghiên cứu 2 bản sách đồng này chắc chắn hé mở nhiều điều về lịch sử ngôi chùa, dòng thiền thế kỷ XVII, hoàng tộc triều Lê và đặc biệt là Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc…
Quỳnh Vân (ANTĐ)