Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phát hiện mới nhất về lễ nhạc thời Lê

Phát hiện mới nhất về lễ nhạc thời Lê

183
0

Đó chính là việc tìm ra 5 bản nhạc chương Nôm được dùng để tấu trong các nghi lễ họ Trịnh. Phát hiện về nhạc chương Nôm được dùng trong cung miếu nhà Trịnh mà tác giả là các bậc đại bút tiêu biểu cho các nho sĩ phong kiến sẽ bổ sung thêm cho những hiểu biết về văn học các thế kỷ XVII và XVIII.


Theo các từ điển cổ của Trung Quốc, Nhạc chương là các bài thơ (câu thơ) hay bài từ thuộc về ca từ (phần lời) của các bản nhạc được dùng trong các nghi lễ tế tự, triều hội, yến ẩm, khánh hạ… (được diễn ra khi không còn tang sự).


Ở Việt Nam, tài liệu xưa nhất cho biết về việc viết ca khúc là Việt sử lược, ghi chép về Lý Nhân Tông là người “rất giỏi âm luật, những ca khúc mà nhạc công tập đều do vua thân hành sáng tác”. Tuy nhiên Việt sử lược không cho biết về tên gọi của làn điệu hoặc trích dẫn ca từ của các ca khúc do Lý Nhân Tông soạn.


Về đời Trần, qua An Nam chí lược của Lê Trắc, ta biết được tên của một số điệu hát: Nam thiên nhạc, Ngọc lâu xuân, Đạp thanh du, Mộng du tiên, Canh lậu trường. Sách Sứ Giao Châu tập của Trần Cương Trung cho biết có các ca khúc: Trang Chu mộng điệp, Bạch Lạc Thiên mẫu biệt tử, Vi Sinh Ngọc tiêu đạp thanh ca.


An Nam chí lược còn cho ta biết một thông tin hết sức thú vị, đó là ngoài ca khúc Trung Quốc, ta cũng dùng thổ ngữ làm các ca khúc để tiện ngâm nga.


Về thời Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức 26 (1495) nhân thời tiết thuận hòa, được mùa lớn, trong nước thanh bình, nhà vua làm 9 bài: Phong niên, Quân đạo, Thần tiết, Minh lương, Anh hiền, Kỳ khí, Thư thảo, Văn nhân, Mai hoa. Sau đó chín bài thơ này được ghép vào khúc hát nên gọi là Quỳnh uyển cửu ca.


Những bài thơ chữ Hán này, là các ca khúc bằng chữ Hán được tấu lên cùng nhã nhạc và biểu diễn trong cung đình thời Lê Hồng Đức thịnh trị.


Như vậy, ca khúc đã có từ đời Lý, rất thịnh vào đời Trần (với các bản ca khúc, được viết bằng thổ ngữ – có thể là chữ Nôm Việt chăng?), nhưng chúng ta không còn biết được ca từ. Các ca khúc thời Hồng Đức trong Quỳnh uyển cửu ca tuy chưa bao giờ được gọi là nhạc chương nhưng có thể xem như những ca khúc sớm nhất được biết cả phần lời.


Năm bản Nhạc chương đời Lê mới phát hiện


Nghiên cứu về văn hóa và âm nhạc cổ, chúng tôi có may mắn đọc được bản Cố Lê nhạc chương thi văn tập lục (gồm hai ký hiệu A.1186 và VHv.2658) thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đây cũng là nhóm văn bản nhạc chương đời Lê duy nhất hiện biết trong kho sách Hán Nôm, và đặc biệt hơn nó lại được viết bằng chữ Nôm.



A.1186 là bản xưa hơn VHv.2658, trên văn bản có dấu của Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp, và là bản chép tay trên giấy bản cũ, chữ dễ đọc, đã được chấm câu. Các bản nhạc chương được chép trong các trang từ 1a đến 3b. Tên sách có hai chữ “Cố Lê” cho thấy nó được sao chép lại khi nhà Lê đã mất (tức là khoảng thời gian được tính từ sau năm 1788).


Bản VHv.2658 cũng là bản chép tay và là Phụ bản của Thư viện khoa học xã hội, sao từ bản A.1186. Các bản nhạc chương được chép trong các trang từ 1a đến 4a.


Hai văn bản này không có sự sai khác gì đặc biệt. Mở đầu phần chép nhạc chương có dòng chữ “Phụng nghĩ nhạc chương ngũ đạo, do quốc âm” (Vâng mệnh soạn nhạc chương năm đạo, bằng quốc âm). Ghi chép ấy cho biết các nhạc chương này đã được biên soạn theo lệnh của vua chúa.


Những nhân vật được nhắc tới và ca tụng trong các bản nhạc chương đều là các tiên liệt dòng chúa Trịnh và đều được gọi bằng tôn hiệu. Cụ thể như sau:


– Chiêu Tổ Khang vương Trịnh Căn (ở ngôi chúa từ năm 1682 đến 1709).


– Lương Mục vương Trịnh Vĩnh (là con trưởng của chúa Trịnh Căn), mất sớm, chưa chính thức nối ngôi chúa.


– Tấn Quang vương Trịnh Bính (là con trưởng của Lương Mục Vương và là cha của chúa Trịnh Cương). Mất sớm, chưa chính thức nối ngôi chúa.


– Hy Tổ Nhân vương Trịnh Cương (ở ngôi chúa từ năm 1709 đến 1729).


– Nghị Tổ Ân vương Trịnh Doanh (ở ngôi chúa từ năm 1740 đến 1767).


Tiểu sử và sự nghiệp của các tiên liệt họ Trịnh hiện lên trong các bản nhạc chương với lối ước lệ và khoa trương trong âm hưởng tụng ca, nhưng không phải là không hé mở những chi tiết đáng lưu ý xung quanh hành trạng các nhân vật này.


Các bản nhạc chương tấu trong nghi lễ ở cung miếu họ Trịnh được viết bằng chữ Nôm là điều ít ngờ tới. Song, còn ngạc nhiên hơn, khi chúng ta biết các tác giả của các bản nhạc chương này. Họ đều là những nhà khoa bảng lừng danh (trừ Mai Thế Uông chỉ đỗ Hương cống), là những nhà văn, nhà thơ, những sử gia, chính trị gia nổi tiếng.


Trong số 5 tác giả: Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Hoãn, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Oánh, Mai Thế Uông, thì Mai Thế Uông hiện chúng ta chưa biết nhiều về các tác phẩm văn học của ông. Còn lại, các ông đều là những người có sở trường về Nôm.


Nguyễn Huy Oánh không chỉ là tác gia y học, văn học chữ Hán mà còn là tác giả của bản ca Nôm Huấn tử ca với độ dài 632 câu thơ lục bát. Lê Quý Đôn, bên cạnh các trước tác khảo cứu còn có các tác phẩm Nôm khá độc đáo. Nguyễn Nghiễm không chỉ là một sử gia nổi tiếng, ông còn có bài phú Nôm Khổng Tử mộng Chu công… Nguyễn Hoãn cũng vậy, ông có tới 15 bài thơ Nôm.


Phát hiện về nhạc chương Nôm được dùng trong cung miếu nhà Trịnh mà tác giả là các bậc đại bút tiêu biểu cho các nho sĩ phong kiến sẽ bổ sung thêm cho những hiểu biết về văn học các thế kỷ XVII và XVIII. Việc sáng tác văn chương chữ Nôm ở thời kỳ này khá sôi nổi và thực sự có tiếp thu từ nguồn mạch dân gian. Các chúa Trịnh rất yêu thích và đã sáng tác bằng chữ Nôm mà trường hợp Thiên hòa doanh bách vịnh (88 bài thơ Nôm) của Trịnh Căn, Càn Nguyên ngự chế thi (240 bài thơ Nôm) của Trịnh Doanh là những ví dụ tiêu biểu.


Việc dùng nhạc chương Nôm trong nghi lễ cung miếu cũng như việc các trí thức lớn của thời đại sáng tác nhạc chương Nôm theo yêu cầu của chúa Trịnh đặt trong bối cảnh văn hóa, xã hội và văn học bấy giờ, cho thấy đây là một thời đại tương đối cởi mở với nhiều xu hướng.


Theo TS. Nguyễn Xuân Diện
(Viện Hán Nôm)-Thạc sĩ Đinh Thanh Hiếu (Đại học Quốc gia, HN






Việc phát hiện các bản nhạc chương Nôm đời Lê có ý nghĩa rất quan trọng đối với các vấn đề văn hóa và âm nhạc nước ta. Như chúng ta đều biết, lễ nhạc của các triều đại phong kiến luôn luôn chịu ảnh hưởng từ phía Trung Hoa, trong đó chịu ảnh hưởng lớn nhất là các hình thức nhạc nghi lễ, tế tự.

Và điều này thấm sâu đến tận lễ nghi phong tục trong dân gian. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta biết cha ông ta đã dùng chữ Nôm trong nghi lễ tế tự chốn cung miếu. Các bài này lại được soạn theo lệnh của chúa Trịnh, và người soạn lại là các nhà khoa bảng lớn cũng là các quan chức quan phương làm việc trong chính phủ của phủ chúa và triều đình nhà Lê.


Các bản Nhạc chương Nôm đời Lê cho thấy thời đại này đang xây dựng cho riêng một lề lối “y – quan – lễ – nhạc” khác Trung Hoa, khẳng định sự độc lập và riêng khác của văn hóa Việt, trong thế đối thoại với Trung Hoa. Đáng tiếc là sau đó, triều Nguyễn đã không nối tiếp được điều này.







Phát hiện về nhạc chương Nôm được dùng trong cung miếu nhà Trịnh mà tác giả là các bậc đại bút tiêu biểu cho các nho sĩ phong kiến sẽ bổ sung thêm cho những hiểu biết về văn học các thế kỷ XVII và XVIII


Việc sáng tác văn chương chữ Nôm ở thời kỳ này khá sôi nổi và thực sự có tiếp thu từ nguồn mạch dân gian. Việc dùng nhạc chương Nôm trong nghi lễ cung miếu cũng như việc các trí thức lớn của thời đại sáng tác nhạc chương Nôm theo yêu cầu của chúa Trịnh đặt trong bối cảnh văn hóa, xã hội và văn học bấy giờ, cho thấy đây là một thời đại tương đối cởi mở với nhiều xu hướng


http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/vanhoa/186016/

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here