Các nhà khảo cổ học làm việc tại một khu khai quật ở Động Tuyugou ở khu tự trị Tân Cương, Tây bắc Trung Quốc, đã công bố khám phá ra một đoạn văn cổ xưa được cho là bản sao của kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, được dịch sang tiếng Trung bởi vị du tăng, học giả Huyền Trang nổi tiếng của nhà Đường.
Bản dịch kinh Bát-nhã được cho là của ngài Huyền Trang dịch
Nhóm nghiên cứu từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và Academia Turfanica, đã kết thúc đợt khai quật thứ 8 Động Tuyugou vào tháng 1, đã khai quật được 1 bản thảo lớn, khoảng 20cm x 18cm, mang một phần văn bản Phật giáo bằng tiếng Trung Quốc. Mặc dù đã có hàng trăm năm tuổi, các nhà khảo cổ nói rằng tài liệu hiếm hoi còn hơn 70% còn nguyên vẹn.
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là bản kinh thuộc hệ thống Bát Nhã thường được cho là do triết gia Phật giáo Đại thừa Long Thọ soạn và sau đó được ngài Huyền Trang và các trợ lý dịch sang tiếng Trung.
Mặc dù dòng đầu của văn bản chỉ ra rằng bản kinh đã được dịch bởi ngài Huyền Trang theo lệnh của vua Đường Thái Tông (626-649), nhưng các nhà nghiên cứu cho biết không có cách nào để chắc chắn người đã tạo ra tài liệu đặc biệt này.
Nhóm các nhà khảo cổ học tại động Tuyugou
Giáo sư Xia Lidong của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết: “Không có bằng chứng nào chứng tỏ bản kinh đặc biệt này được viết bởi Pháp sư Huyền Trang. “Nhiều nơi đã thực hiện công việc dịch thuật và nhiều người được thuê để làm bản sao của bản kinh ở Trường An và Lương Châu (tỉnh Cam Túc). Có thể kinh điển này là bản sao của một cộng sự tại một trung tâm dịch thuật”.
Tuy nhiên, Xia đã quan sát thấy rằng bởi vì “chữ viết được viết một cách cẩn thận và đẹp mắt” nên văn bản đã được một người chuyên môn viết ra.
Ngoài tác phẩm Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, hơn 150 bản thảo khác có chứa kinh cũng được khai quật tại địa điểm này.
Pháp sư Huyền Trang được coi là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử Phật giáo. Ngài nổi tiếng trong việc dịch thuật nhiều kinh điển Phật giáo từ tiếng Phạn sang tiếng Trung Quốc, sau khi thực hiện cuộc hành trình dài 17 năm từ Trung Quốc đến Ấn Độ, nơi ngài đã sống hơn 13 năm. Thời gian ở Ấn Độ bao gồm 5 năm tại trường đại học Nalanda, một trung tâm tu học Phật giáo vĩ đại, nơi ngài đã tiếp nhận kiến thức về tiếng Phạn, triết học Phật giáo và tư tưởng Ấn Độ.
Sau khi trở về Trung Hoa năm 645, ngài đã sống tại một tu viện và cống hiến tài năng của mình để dịch các bản văn Phật giáo sang tiếng Trung cho đến khi viên tịch. Theo tiểu sử, ngài đã trở về từ Ấn Độ với “hơn 600 văn bản Đại Thừa và Tiểu Thừa, 7 bức tượng Phật và hơn 100 viên xá-lợi”.
Tài liệu chi tiết về cuộc hành trình của Pháp sư Huyền Trang được ghi lại trong hồi ký Đại Đường Tây Vực Ký, sau này trở thành nền tảng cho tác phẩm Tây Du Ký kinh điển của nhà văn triều nhà Minh Ngô Thừa Ân.
Quần thể khu vực động Tuyugou
Một khám phá quan trọng khác ở động Tuyugou là phần còn lại của một tu viện cổ, có tên là Ding Gu, cùng với các bản kinh trong cả hai thứ tiếng Trung Quốc và Uyghur, đồng xu Uyghur, hàng dệt, vật liệu xây dựng bằng gỗ và các văn bản không thuộc tôn giáo, trong đó có khế ước ghi chép thương mại giữa tu viện Ding Gu và các tu viện khác.
“Khế ước không chỉ liệt kê danh sách tu viện Ding Gu”, Xia nói.
“Bạn cũng có thể thấy tên của các tu viện khác, và tất cả chúng đều liên kết với tu viện Ding Gu”, ông cho biết thêm.
Xia lưu ý rằng các hiện vật sẽ giúp các học giả hiểu rõ hơn về nền kinh tế của thời kỳ giao thương và mối liên hệ giữa triều đại nhà Đường với các khu vực phía Tây của Trung Quốc hiện đại. “Chúng ta có thể học được rất nhiều từ khám phá mới này”, Xia giải thích.
“Tất cả những di vật đã được khai quật này cung cấp một cái nhìn cho phép chúng ta thấy được thái độ đối với Phật giáo đang thay đổi trong khu vực như thế nào. Thêm vào đó, nó cho chúng ta một khuôn khổ để nghiên cứu thêm về các hang động”.
Nằm gần thị trấn Tuyugou trong huyện Thiện Thiện, động Tuyugou là hang động Phật giáo hình thành sớm nhất ở phía đông Tân Cương và là nơi tìm kiếm chính cho lịch sử và nghệ thuật Phật giáo dọc theo Con đường tơ lụa. Tác phẩm nghệ thuật được phát hiện trong các hang động có niên đại từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 13, trong khi một số lượng lớn tài liệu văn bản đã khám phá ghi lại chi tiết về cuộc sống hàng ngày, tôn giáo và văn hoá trong khu vực.