Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Phật giáo Việt Nam đang lụi tàn hay khởi sắc (Phần 4:...

Phật giáo Việt Nam đang lụi tàn hay khởi sắc (Phần 4: Tánh Phật giữa đời thường)

133
0

Nhưng động lực xoay chuyển bước đi của tôn giáo lại là con người.  Con người lại là con vật chiến tranh.  Sự tương tranh, giành giật địa bàn và quần chúng cho mục đích tôn giáo là cả một quá trình đầy máu lệ vì người ta đã nhân danh Chân mà làm điều dối gạt và nhân danh Thiện mà làm điều ác xẩy ra khắp nơi trên mặt địa cầu nầy.  Vì thế, chiến tranh tôn giáo có khi còn gây ra nhiều tang thương và dai dẳng hơn cả chiến tranh dành quyền lực thống trị đời thường. Từ những cuộc chiến “Tô-Tem” giữa các bộ lạc cổ sơ đến những cuộc Thập Tự Chinh thời Trung Cổ và muôn vàn hình thức Thánh Chiến tử đạo, triệt đạo, truyền đạo và cải đạo ngày nay có vẻ như mỗi ngày một leo thang gay gắt hơn xưa.  Với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại, càng ngày sự giao lưu càng dễ thì địa cầu càng nhỏ lại.  Đất sống càng nhỏ thì sự cạnh tranh “thị trường bành trướng tâm linh” càng trở nên quyết liệt và bất chấp hơn…

Giữa những cơn sóng gió trầm luân ấy, đạo Phật từ khi xuất hiện cho đến thời điểm nầy, vẫn còn đứng ngoài mọi hình thức tranh chấp tôn giáo và thế cuộc.  Trong lịch sử lâu dài của Phật giáo Đông Tây, điểm son sáng chói nhất của đạo Phật là sự nhất quán về tinh thần từ bi, hỷ xã, phá chấp, vô ngại.  Cũng đã có những thời kỳ mà đạo Phật bị các thế lực thế quyền và thần quyền thù nghịch bức hại, tàn sát, tiêu diệt:  Chùa viện, tượng đài bị phá tán; kinh điển bị thu hồi và thiêu hủy; tăng lữ, tín đồ bị giết chóc.  Thế nhưng chưa bao giờ lịch sử để lại một trường hợp phản ứng bạo động có dính dấp tới hận thù, xương máu nào của Phật giáo dưới hình thức chiến tranh tôn giáo.  Phải chăng nhờ bản chất hòa bình và an lạc đó mà Phật giáo còn tồn tại đến ngày nay và tiếp tục lan rộng đến những vùng đất Âu Mỹ; trong lúc những tôn giáo khác cùng quê hương phương Đông như Ấn Độ giáo, Thần đạo Nhật, Khổng giáo, Lão giáo, Mayan… vẫn không tiến ra khỏi vùng đất phát sinh.

Tôn giáo là một nguồn suối tâm linh.  Tìm đến với đạo Phật là tìm về một suối nguồn an lạc nội tại:  Không so sánh to nhỏ, không tính toán hơn thua, không phân biệt ta người, yên tâm trong một dòng chảy bình an và tự tại.  Đức Phật đã cho rằng, tất cả các pháp thế gian đều là Phật pháp.  “Phật” ở đây chẳng phải là pháp vị của một đức Phật nào cá biệt trong hằng hà sa số chư Phật mà đó là “tánh phật” – không viết hoa – là tánh thật tự tại có sẵn trong mọi loài và mọi người.  Thế gian xưa nay lớn nhỏ mới có chừng một trăm tôn giáo.  Mỗi tôn giáo nhìn về vũ trụ, thế giới và con người theo một phương cách khác nhau. Bằng tuệ giác của tánh thật, đạo Phật không những nhận ra có tám vạn bốn ngàn mà là vô số pháp môn, vô số cách nhìn và cách ứng xử khác nhau.  Vào cửa Phật mà còn bị chận lại bởi phương tiện môn là chưa tìm ra khóa để tự mở ngõ mà vào.

Ngày nào mà một tôn giáo còn biến tướng thành một “cao trào” hay một “thoái trào” như những biến cố chính trị và thương mãi dấy lên hay xẹp xuống theo thời cơ thì ngày đó tôn giáo chỉ còn là cái vỏ rùa khô cho con người lợi dụng trang trí.  Nếu nói theo những nhóm từ “thoái trào hay cao trào” kiểu Nguyễn Hữu Liêm thì đấy chỉ là hiện tượng bề mặt nổi sinh hoạt của một cuộc xuống đường hành hương ồ ạt – tốc tụ, tốc tán; bạo phát, bạo tàn –  của những người theo một tôn giáo nào đó trong một thời điểm nào đó chứ chưa phải hình ảnh hay hiện trạng thực sự của tôn giáo đó.

Trên quan điểm tôn giáo tiến bộ ngày nay, nếu có chăng sự “cạnh tranh” giữa các tôn giáo là trọng tâm về phẩm chất và phẩm cách chứ không phải về số lượng và lực lượng. Một tôn giáo bạn như Tin Lành mà NHL đề cập trong bài viết chẳng hạn, nếu thực sự tạo nên đà phát triển lớn mạnh mà không làm phương hại tới ai và bằng phương tiện nhân văn, ý hướng nhân bản thì ít ra, đó cũng là một phương tiện tích cực vì thông thường xưa nay, khi nhà chùa, nhà thờ, nhà trường mọc lên thì nhà tù, nhà giam, nhà chứa giảm xuống.

Sau ngày mừng Xuân Tân Mão 2011, bài viết Lên Kế hoạch Ngày Tàn Phật giáo của Allen Carr được phổ biến rộng rãi trong môi trường truyền thông báo chí Phật giáo trong và ngoài nuớc.  Phản ứng của quần chúng Phật tử khá sôi nổi.  Nhưng nóng bỏng nhất  là luồng ý kiến “vận động quốc tế chống cải đạo”. 

Khi nói tới hiện tượng truyền đạo và cải đạo quyết đoán và xông xáo nhất, người ta nghĩ ngay đến chiếc nôi của “văn hóa cải đạo” là Hoa Kỳ.  Ai sống ở Mỹ lâu năm mà không quen thuộc với hình ảnh của những nhóm người hoạt động tôn giáo không bao giờ mõi mệt, đi gõ cửa từng nhà để nói chuyện truyền đạo và cải đạo.  Dẫu cho bạn có ưa hay không thì khó có thể phủ nhận sự kiên nhẫn và thái độ “tốt bụng” của họ.  Thật ra, họ không phải là sản phẩm của tôn giáo mà là phó sản của hình thái “văn hóa football” và “văn minh quảng cáo”.  Trong môn chơi football, cầu thủ phải chế ngự đối thủ, lăn xả lên hàng đầu, lấn từng tấc đất để thủ thắng.  Trong kỹ thuật quảng cáo phải rao bán hết mình, hạ thủ các đối tượng cạnh tranh, kết quả lợi nhuận sẽ biện minh cho phương tiện.  Trên đất Mỹ, người ta đã nhẵn mặt với những sinh hoạt xã hội hằng ngày như thế.  Nhưng nếu xuất cảng ra nước ngoài có khi lại rất “ăn khách” và tạm thời được việc vì sân chơi còn mới mẻ và giới tiêu thụ chưa có kinh nghiệm.

Những Phật tử cũng như những người thuộc các tôn giáo khác trên đất Mỹ chẳng có ai bận tâm về chuyện “thường ngày ở huyện” như truyền đạo, cải đạo.  Lý do là tại vì con người ở Mỹ dư thừa cơm áo và có một trình độ dân trí tương đối cao.  Sự độc lập kinh tế và vững vàng về tri thức khiến việc lựa chọn đời sống tôn giáo vừa chủ động, vừa tích cực lành mạnh, chẳng có ai bị lôi kéo hay đủ khả năng lôi kéo “theo đạo”.  Trong một xã hội văn minh, tôn giáo là phương tiện tâm linh của con người chứ không ai áp đặt để biến con người thành phương tiện của tôn giáo cả.

Phương tiện tự nó chẳng có tội tình gì. Con dao, tự nó, không có công mà cũng chẳng có tội. Tội hay công là do người dùng nó để giết người hay cứu người mà thôi. Tôn giáo, phần lớn và nói chung, là một phương tiện tốt.  Nhưng tác dụng xấu hay tốt là do người hành xử. Cũng tương tự như thế, quá trình truyền đạo và cải đạo là một phương tiện sinh hoạt bình thường của nhiều tôn giáo. Nhưng nó chỉ trở thành một hình thái chuyển hóa tâm linh thô bạo và độc đoán khi có kẻ biến nó thành một loại vũ khí để chặt đứt dòng sống thiện của người khác đang thành tâm thực hành tôn giáo, hay không tôn giáo của người ta. Bứng con người  ra khỏi gốc lành để kéo họ vào con đường khác bằng ảo tưởng vọng tín, bằng tiền của vật chất, bằng hứa hẹn hão huyền là một tội ác tâm linh.  Nó có thể hợp pháp, hợp với chuyện cung cầu cơm áo đời thường, nhưng lại không xứng hợp nhân luân và đạo lý làm người; nhất là với người có đức tin tôn giáo.

Trước những nguồn thông tin khá sôi nổi về chuyện truyền đạo, cải đạo ở quê nhà; đặc biệt là những vùng quê, vùng cao, vùng sâu nghèo khổ… phản ứng của giới Phật tử trong và ngoài nước tuy rất khác nhau về mức độ, nhưng tựu trung cũng rơi vào một trong hai tuyến nhân vật, xin tạm quy về hai khuynh hướng cổ điển là bảo thủ và cấp tiến:

Khuynh hướng bảo thủ:  Dè dặt và vô ngại.  Những vị theo khuynh hướng nầy cho rằng, đạo Phật lấy tinh thần từ bi, hỷ xả làm đầu nên cứ hoan hỷ chấp nhận bất cứ sự việc nào xảy ra và nên “thương hại” những thế lực nào muốn ra tay đánh phá Phật giáo. Lời nhận định của cư sĩ Thái Liên Hoa: Từ bi mà thiếu trí tuệ thường đưa tới thái độ dễ dãi thỏa hiệp bề mặt, nặng tính trình diễn hơn là phát khởi từ chánh niệm. Chánh niệm không phải là ngồi yên gỏ mõ tụng khinh, mủ ni che tai mà phải biết dụng công cải tà quy chánh; dụng chánh đuổi tà.

Khuynh hướng cấp tiến: Xông xáo và quái ngại.  Những vị theo khuynh hướng này cho rằng, cải đạo là vi phạm quyền tự do tâm linh của con người. Vì vậy họ đề nghị những phương tiện “phản công” chống cải đạo như phát hành tài liệu sách báo và vận động dư luận quốc tế chống cải đạo.

Lời nhận định của cư sĩ Thái Liên Hoa:  Cổ thư có dạy, muốn giữ thành cho vững thì phải giữ vững lòng tin của người trong thành trước đã.  Khi tăng già hòa hợp, tứ chúng đồng tu, thiền môn thanh tịnh thì đạo Phật hưng thịnh.  Đạo Phật hưng thịnh làm sáng niềm tin, khi đó chẳng cần chống ai cả mà những vọng ngữ và vọng động phi Phật giáo sẽ tự lụi tàn.

Thái quá và bất cập đều dễ đưa tới cực đoan, vọng động và vọng nghiệp.  Con đường phong quang và tinh túy nhất của đạo Phật là Trung Đạo.  Có trí tuệ để nhìn đúng mới biết làm đúng.  Có từ bi để thương yêu mới biết sống cho và sống với.  Có hỷ xả để vui mới giữ được tâm an lành và hạnh phúc.  Hoa sen vẫn nở được trong biển lữa. Hỷ xả được trong mọi hoàn cảnh để giữ tâm bồ đề kiên cố, phát huy năng lực hoằng pháp độ sanh bất thối chuyển chính là hạnh Dũng tuyệt vời trong tam pháp hạnh Bi, Trí, Dũng của người Phật tử.

Trước câu hỏi:  Phật giáo Việt Nam đang lụi tàn hay khởi sắc (?!)

Nếu nói chung tình hình đạo Phật trên toàn thế giới thì câu trả lời quá rõ ràng.  Khoa học kỹ thuật càng tiến bộ, môi trường truyền thông đại chúng càng phát triển, tư tưởng của con người càng tự do và tâm linh nhân loại càng vươn lên cao hơn sự trói buộc của thần quyền và mê tín dị đoan thì đạo Phật càng được cả hai thế giới phương Đông và phương Tây càng đánh giá cao về cả 3 phương diện: tự do, nhân bản và khoa học.  Đặc biệt bản chất từ bi, chánh kiến hòa bình và tinh thần an lạc của Phật giáo là vốn quý của nhân loại toàn cầu trong một thế giới dẫy đầy chiến tranh, bạo loạn và xung đột như ngày nay.

Nếu nói về mặt triết lý thì sự lụi tàn hay khởi sắc của vạn pháp chỉ là sự biến tướng do nhu cầu hình tướng bên ngoài. Đó chỉ là ảo ảnh.  Mọi sự cố xảy ra đều do duyên khởi. Tánh Phật là Tánh Không.  Không có tự tánh thì lấy gì để còn hay mất, khởi sắc hay lụi tàn.

Tuy nhiên, hình tướng vẫn phải trải qua sinh diệt.  Dẫu cho một nghìn năm cõi trần chỉ bằng một chớp mắt trên cung trời Đạo Lợi thì tất cả đều phải trải qua Đương niệm Hiện tiền (the very existing flash). Trong chớp mắt “đương niệm hiện tiền”này, có mặt Phật giáo Việt Nam.

Riêng về Phật Giáo Việt Nam hải ngoại, theo nhà nghiên cứu Phật giáo Thiên Trúc hiện đang làm việc cho phân viện nghiên cứu tôn giáo thuộc cơ quan PEW, một “think tank” lớn nhất của Hoa Kỳ về tôn giáo, thì hiện nay có khoảng 345 ngôi chùa, trung tâm thiền học và viện nghiên cứu Phật giáo của người Việt Nam tại nước ngoài.  Có khoảng 1500 tăng ni người Việt thuộc các bộ phái, pháp môn khác nhau đang hành đạo ở hải ngoại.  Trong số đó có hai phần ba là tu sĩ trẻ.  Nhìn chung, tu sĩ và tín đồ Phật giáo Việt Nam hiện đang có từ 9 đến 13 nhóm phái sinh hoạt tự trị như những hình thức “giáo hội” độc lập.

Một “giải pháp chưa có giải pháp” để làm khởi điểm cho một khả năng hóa giải và chấn hưng đạo Phật Việt Nam trong một tương lai gần trước mắt được đa số Phật tử góp ý qua môi trường truyền thông đại chúng gồm 2 trọng điểm:

– Trang bị một cách nhìn mới, thích hợp với thời đại.  Đó là tinh thần hóa giải, hòa hợp “đa lưu chi” (nhiều dòng, nhiều nhánh); tương tự như khuynh hướng “đa nguyên” làm căn bản xây dựng cho một cấu trúc xã hội tự do và dân chủ thực sự. Có thể nói đây là một truyền thống ưu việt của đạo Phật.  Lịch sử Phật giáo trải qua nhiều thời kỳ kết tập phân ra trên 20 bộ phái tuy phải nương vào “khế cơ” để linh động vầ mặt cấu trúc cho hợp với nhu cầu của hoàn cảnh và thời đại; nhưng vẫn giữ vững “khế lý” để yếu nghĩa tinh hoa lời dạy của đức Phật không hề suy chuyển.

– Chư tăng ni và quý Phật tử cần thể hiện “đức” hy sinh. Hy sinh tiền bạc và kể cả thân mạng có khi còn dễ hơn là hy sinh thói quen, định kiến và cố chấp.

Hệ lụy của quyền lực quân quyền và phụ quyền trong xã hội Việt Nam truyền thống đã vô hình chung tạo ra lề thói cố chấp hàng dọc.  Đó là kiểu cách phân liệt tuổi đời, tuổi đạo, hoàn cảnh xuất thân, sở học, địa vị, danh tiếng, tiền bạc, xưng danh, tôn vị, tâm mãi dính mắc với chùa to tượng lớn… đây chính là động cơ phân hóa trong sinh hoạt các tăng đoàn và đạo tràng.  Người ta chỉ chăm bẳm nhìn vào hình tướng của nhau nên không nhìn thấy đạo.

Hệ lụy của xã hội phương Tây quá thực dụng, chuộng vật chất và sùng bái tự do cá nhân chủ nghĩa đã tạo ra những phản ứng ly khai ra khỏi tập thể trong sinh hoạt Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại.  Hậu quả khó tránh khỏi đã thực sự xảy ra. Điển hình và rất phổ biến là hiện tượng cá nhân tăng ni và Phật tử đơn phương đứng ra lập chùa, lập hội, chiêu mộ tín đồ, thành lập nhóm phái, ấn tống kinh điển, lạm dụng pháp khí… đang trên đà tự phát tùy tiện và nghiêm trọng.

Phật tử đang mong đợi sự hy sinh cụ thể của chư Tôn đức và Tăng Ni trong thời điểm tranh tối tranh sáng này.  Ước ao quý ngài chí thành đảnh lễ Phật, chân thành đảnh lễ nhau để ngồi lại với nhau trong ngôi nhà pháp bảo.  Đối với tầm nhìn của hàng Phật tử tại gia nói chung, không có sự vọng động nào phi Phật pháp và xuống cấp nghiệt ngã hơn là hình ảnh chư Tăng, Ni lên đài, lên mạng, lên báo để buông lời thế tục; thậm chí đả kích nhau, khích bác nhau, châm chích nhau, đay nghiến nhau… làm mất hết pháp uy cần phải có của một trưởng tử Như Lai.  Kẻ thế tục không thiếu vọng ngữ; duy chỉ thiếu ái ngữ mà thôi!  Kẻ thế tục lại càng không thiếu các xảo thuật tâm lý, sách lược xã hội và thủ đoạn chính trị; duy chỉ thiếu lòng từ bi và hỷ xã!

Không những hàng cư sĩ Phật tử tại gia mà giới xuất gia cũng có niềm thao thức tương tự.  Trong bài pháp của một tăng sĩ thuộc thế hệ trẻ, thầy Thích Đạo Quảng trú trì chùa Tam Bảo ở Baton Rouge, Louisiana, Mỹ nhân ngày lễ Thượng nguyên đã chia sẻ: “Đạo Phật Việt Nam tại hải ngoại đang bỏ phí nguồn năng lực tiềm tàng và phong phú của mình.  Nếu tình trạng này kéo dài, Phật Giáo Việt Nam sẽ tự biến ba thế mạnh thành ba thế yếu: (1) Mất ảnh hưởng tích cực của văn hóa PGVN trên những quốc gia đang định cư; (2) mất cơ hội giáo dục và truyền thừa tinh hoa đạo Phật cho thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài; (3) mất đi một sức mạnh tổng hợp quan trọng để làm chỗ dựa tâm linh cho hàng tu sĩ và đại chúng trên đường tu học và hoằng dương Phật pháp.  Nhu cầu cấp thiết của đạo Phật Việt Nam hôm nay chưa phải là những gì lý thuyết cao xa ngoài tầm tay với. Đạo Phật là chánh niệm, là hơi thở của sự sống hàng ngày.  Hơi thở đó cần phải trong sáng, hài hòa, thương yêu, từ ái.  Chúng ta đang trải qua một Pháp Nạn Tự Thân.  Đó là sự phân hóa nội bộ đang tạo ra cảnh “trùng sư tử ăn thịt sư tử” và bắt nguồn cho cảnh dậu đổ bìm leo, ngoại đạo đánh phá. Ngoại đạo chẳng phải ai khác mà chính là ta; một cái Ta chấp ngã đang làm lu mờ tánh Phật của chính mình.  Người con Phật sẽ rất tán thán công đức của bất cứ ai – kể cả quý linh mục, mục sư và tín đồ các tôn giáo bạn… –  góp tay giúp hóa giải những xung đột nội bộ đã và đang quá phí phạm hồng ân chư tổ, phản lại tinh thần lục hòa của chốn thiền môn, làm mỏi nản lòng tin và coi rẻ công phu xây dựng tu hành của đại chúng.”[10]

Hàng tu sĩ trẻ, chưa dày tuổi đạo, còn nói lên được lời tâm huyết như thế. Lẽ nào hàng niên trưởng xuất gia, hàng cư sĩ, thiện tri thức và Phật tử tại gia đang nắm trong tay quyền lực tài chánh, kinh tế lại nỡ lòng nhắm mắt ngồi yên hay đang tâm thỏa hiệp với những chướng duyên vọng động?!

Napa – Sacramento, Xuân Tân Mão 2011
                       Trần Kiêm Đoàn

————————–

[10] Thích Đạo Quảng: Pháp Thoại tại chùa Tam Bảo.  Baton Rouge, Louisiana, Hoa Kỳ. February, 20, 2011

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here