Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phật giáo và văn hóa dân tộc Việt Nam

Phật giáo và văn hóa dân tộc Việt Nam

132
0

Theo những dấu tích văn học dân gian, khi khai quốc lập địa, các vị Tăng Phật giáo đã dạy cho dân chúng những giáo lý căn bản của Phật giáo, kể những đoạn kinh điển từ đó trở thành những truyền thuyết dân gian. Hình ảnh ông Bụt là nơi nương tựa tâm linh của cả dân tộc. Từ câu chuyện Tấm Cám có thể thấy căn bản giáo lý Nhân quả đã gieo trong lòng người dân từ thuở xa xưa. Văn hóa Phật giáo đã đi vào lòng người không gì có thể tách rời được. Tư tưởng chủ đạo của người Việt được ươm mầm trên nền tảng văn hóa Phật giáo tạo thành dân tộc tính kiên cường bất khuất trước mọi gian lao thử thách.

Ý chí đồng điệu, đạo hợp lòng người, đây là nét văn hóa thể hiện bản chất dung hợp của Phật giáo với dân tộc, người xuất gia thì chăm lo sự nghiệp giải thoát và hướng dẫn tâm linh cho quần chúng, người tại gia thì cần mẫn lao động sống đạo đức an lành. Đó là tinh hoa của Việt Nam, giữa dân tộc và Phật giáo hằng ngàn năm nay như cá với nước, hòa chung nhịp điệu cộng sinh, hun đúc cho người Việt một tinh thần độc lập. Hơn nữa, Phật giáo xây dựng cho con người hiểu được khi sống thì chăm lo gìn giữ đạo đức, trên thuận dưới hòa, khi qua đời thì có thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Phật giáo và văn hóa truyền thống như hai bánh xe chuyên chở vận mệnh của dân tộc, như hai cánh chim bay liệng giữa trời cao. Nhân duyên hòa hợp, kết thành văn hóa của dân tộc, bên trong là tinh hoa giải thoát, bên ngoài là truyền thống dân gian. Đọc lịch sử, chúng ta thấy được các bậc tiền bối đã dày công dựng nước và giữ nước, trong đó có hình ảnh của các vị tu sỹ hết mình cống hiến cho đất nước, họ từng là quốc sư cố vấn cho triều đình, đưa ra sách kế ngoại giao, lấy tinh thần Phật giáo để ứng xử, hòa giải các dân tộc, đoàn kết gìn gữ đất nước. Còn vua chúa và nhân tài thì học hỏi và nghiên cứu kinh điển, lấy điển cố Phật giáo để dạy cho dân chúng, biết sống theo tinh thần của Phật giáo, lấy đức cho muôn dân. Tuy văn hóa Việt Nam không phủ nhận vai trò của Nho Lão, nhưng sự hài hòa cũng nhờ Phật giáo có đầy đủ các yếu tố cơ bản hơn cả.

Dân tộc lớn lên và bền vững cũng nhờ vào mạng mạch của Phật giáo, không phải dân tộc chỉ là sự di truyền huyết thống mà chủ yếu là tinh thần, mà tinh thần là văn hóa. Văn hóa của dân tộc ta là gì? Là sự dung hợp giữa phong tục Phật giáo và đạo thờ ông bà tổ tiên hay còn gọi là Lương giáo. Chỉ đơn thuần nhìn vào một hình ảnh của dân gian và Phật giáo là biết được, đó là khi một gia đình có việc kị giỗ thì sự hài hòa giữa Phật giáo và dân gian là rõ nét nhất. Rồi đến rằm hay mồng một, người dân đến chùa lễ Phật nghe pháp, hay những ngày lễ ở chùa, người dân đến làm công đức, rồi hội làng là hội chùa… Nếu có ai vì có suy nghĩ thiêng lệch hay tính tình tháo động phỉ báng luân thường đạo lí và Phật giáo thì không khác gì đã phá hoại dân tộc ta, đây là một hành mê muội, chuộng mới chê cũ, bị xúi giục. Dân tộc như một khối cát, văn hóa như chất kim loại hỗn hợp trong cát; nếu cát không có chất kim loại hỗn hợp đó thì khối cát không thành độn cát được, gặp gió đi qua thì cát bay tán loạn. Muốn dân tộc ta bền vững thì chúng ta phải nhận thức dứt khoát rằng Phật giáo là tinh hoa của dân tộc và tinh thần của dân tộc; nếu chúng ta xem nhẹ vấn đề này thì giống như sự sống và tinh thần của mình mà đi cầu xin người khác để sống, bỏ quên viên ngọc quý trong chéo áo mà cứ đi tìm bên ngoài. Điều này rất đúng với yếu chỉ của Thiền tông, “chỉ thẳng vào tâm bên trong, không tầm cầu bên ngoài.”

Có được văn hóa như thế rất quan trọng, không phải dân tộc nào cũng có, là một người Việt Nam ai ai may mắn có được trong mình một bản chất văn hóa và tinh thần như thế, một ý chí kiên nhẫn, một tinh thần từ bi nhưng bất khuất.

Phật giáo chú trọng từ bi, vì từ bi là căn nguyên của suối nguồn yêu thương hòa hợp, phải chăng là chất keo gắn kết của dân tộc. Nhưng từ bi cũng cần có trí huệ, vì trí huệ là nền tảng của cần cù, tinh thần cầu học, là kim chỉ nam, là hải đăng hướng dẫn đi đúng hướng. Cả hai yếu tố này đều được các bậc tiền nhân đi đúng hướng, cho nên để lại cho thế hệ chúng ta những di sản cao quý. Từ bi là đem lại cho mọi người hạnh phúc an lạc và giải trừ các khó khăn khổ ách; trí huệ là hướng dẫn mọi người đi đúng đượng đúng hướng, không đi quanh co nhọc nhằn và hiểm trở. Đặc biệt Phật giáo dạy cho con người biết tu thân hành thiện để tăng trưởng công đức và tinh thần kiên định, hướng đến quả vị giải thoát là mục đích hướng thượng cầu tiến. Con người Việt Nam luôn có hai đức tính này, đó là biết kiên trì chịu khó, biết tu nhân tích đức và biết bước lên để tiến bộ. Do đó, văn hóa Phật giáo luôn luôn sẵn trong con người Việt Nam chúng ta.

Trong một con người thì cơ thể và tinh thần đều quan trọng, thiếu một trong hai yếu tố này thì con người khó hoàn thiện, cũng thế văn hóa Việt Nam chúng ta đạo pháp và dân tộc là hai yếu tố chính, thiếu mất đi một yếu tố thì yếu tố tự nhiên cũng suy yếu theo. Trong lịch sử nước ta cũng đã ghi nhân như vậy, khi một triều đại hưng thịnh thì Phật giáo hưng thịnh, khi một triều đại suy yếu thì Phật giáo cũng suy yếu theo. Đây là một hợp thể không tách rời và đã có tự hằng ngàn năm nay. Chúng ta hướng về dân tộc, hướng về tổ quốc, chúng ta hướng về văn hóa của dân tộc, thì chúng ta phải biết bảo vệ truyền thống của dân tộc, chúng ta phải gìn giữ văn hóa tâm linh của dân tộc, đó là Phật giáo.

Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, mỗi người Việt Nam chúng ta đều có bản chất của tinh thần đó, một nét văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc, Phật giáo luôn song hành cùng với dân tộc trong mọi thời đại. Hay nói một cách khác văn hóa dân tộc là văn hóa Phật giáo, văn hóa Phật giáo là văn hóa của dân tộc.

T.T.C

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here