Trang chủ Phật học Phật Giáo và vấn đề siêu hình

Phật Giáo và vấn đề siêu hình

187
0

Tôi thích đọc những quyển sách về thiền thực hành để có thể tập thiền ngay cả những lúc bận rộn nhất. Nấu ăn cũng có thể thiền, nghe nhạc hay xem TV hay đi ngoài đường phố cũng có thể thiền. Tôi đi dạo phố một chiều đẹp trời hôm nọ, nhớ đến những chương mục nói về thiền đi bộ. Tôi để ý đến hơi thở của mình theo từng bước đi. Khi khác, tôi để ý đến nhịp tim. Một lúc khác nữa, tôi lại lắng nghe tiếng cát vụn xào xạc dưới gót giày. Thật ra bất cứ lần đi bộ nào tôi cũng cố gắng thực hành hết. Có lúc thành công, theo nghĩa rằng tôi đến chỗ tôi muốn đến hồi nào không hay, không hấp tấp vội vàng, cũng chẳng thấy mệt mỏi. Tuy nhiên rất nhiều lần thất bại, nhất là những lúc tôi phải đến đích đúng giờ hoặc càng sớm càng tốt. Vào những lúc như thế tôi thường mất sự chú tâm. Chỉ đếm được vài nhịp thở thì quên mất. Dự định quan sát hoạt động của đèn xanh đèn đỏ, chỉ chú tâm được một lúc thì xao lãng ngay.

Hôm nay thật đẹp trời. Hiển nhiên tôi tự nhủ lòng “phải tập thiền đi bộ.” Xác suất để thất bại rất cao nên lần này cũng thất bại. Không phải vì phố đông người. Tôi  thất bại lần này vì bị thời gian bắt cóc! Tôi thả hồn vui buồn nơi chốn cũ:

Thẩn thơ từng bước hôm nay
Chạnh lòng thương nhớ những ngày đã qua.

Rồi lúc khác tôi lại thả hồn lãng mạn như đang nhớ thương ai:

Thật nhiều áo tím chiều nay
Thấy lòng rộn rã mới hay nhớ người.

Lúc tỉnh táo trở lại, tôi lẩm bẩm: Ông già dịch! Nhưng thay vì trở lại tập thiền, tôi len lén nhìn quanh xem có ai đang cho tôi một cái nhìn chế nhạo nào không. Tôi chất vấn, nhưng chỉ nói trong bụng thôi:

Có ai biết tôi đang buồn vơ vẩn
Đang lang thang giữa đô hội phồn hoa
Đang bơ vơ dưới ánh nắng chan hòa
Đang chìm sâu trong nhạt nhòa mê muội?

Bỗng tôi được cứu, saved by the bell! Bên vệ đường thấy người ta đứng bu quanh mấy chiếc bàn đầy sách, CDs và DVDs. Tôi tiến lại gần xem. Toàn sách và đĩa nói về Phật Giáo. Hơn nữa, tất cả đều tặng miễn phí. Tôi tham lam chọn hầu hết, mỗi thứ một bản. Tôi vui mừng thầm nghĩ: Về nhà tha hồ xem. Tất nhiên có nhiều bổ ích, chẳng hạn những bài giảng về đạo đức ngũ giới thập giới hay những chuyện về Phật Thích Ca trước khi xuất gia. Tuy nhiên khi xem một số khác, tôi không khỏi trầm ngâm suy nghĩ:

Phải chăng Phật Giáo quá chú trọng về thế giới siêu hình? Động cơ thúc đẩy Phật Thích Ca xuất gia là để cứu khổ trần gian. Trần gian đầy khổ đau. Sanh lão bệnh tử là khổ đau. Tham sân si là khổ đau. Kỳ thị giai cấp, kỳ thị chủng tộc, thủ cựu, mê tín dị đoan, áp bức bóc lột, cường hào ác bá là khổ đau. Chiến tranh là khổ đau. Xã hội đương thời của Ngài là như thế. Và bây giờ dường như cũng chẳng khác bao nhiêu. Nhưng phải chăng lời dạy của Ngài là lời hứa hẹn sẽ đưa chúng sanh đến một thế giới siêu hình vĩnh cửu đầy cực lạc?

Chẳng hạn, khái niệm “bồ tát” nguyên thủy là một khái niệm rất hiện thực, không mang một sắc thái siêu hình nào. Người ta thường gọi thái tử Tất Đạt Đa sau khi xuất gia và trước khi đắc đạo thành Phật là một vị Bồ Tát. Sau khi Ngài đã thành Phật, danh xưng bồ tát được dành cho những vị sắp đắc đạo, sắp vượt qua dòng sông, là người sắp trở thành một vị la hán hay một vị phật. Nói chung, bồ tác là người, không phải thần thánh. Họ cùng chung sống với chúng ta. Họ nhìn thế giới chung quanh họ như một Tây Phương Phật trong lúc tầm nhìn của chúng ta có thể hoàn toàn khác hẳn, khi lên khi xuống khi vui khi buồn khi thương khi giận. Một ví dụ về những thế giới chủ quan có thể có của đa số chúng ta:

Một người đi với một người
Một người hớn hở tươi cười không đâu
Cảnh vui lan tận rừng sâu
Người vui cảnh có buồn đau bao giờ.
Người kia thơ thẩn thẫn thờ
Màng đêm vây phủ phải chờ bao lâu
Cảnh buồn lan tận rừng sâu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Tuy những vị bồ tát và chúng ta có thể bắt tay nhau, nhưng mỗi người lại nhìn vạn vật bằng những khung trời khác nhau. Dù vậy họ không bao giờ tự xem mình cao quý hơn, thuộc giai cấp thượng tầng, để rồi kỳ thị người khác. Trái lại họ hòa mình hợp tác và giúp đở kẻ khác mà họ luôn luôn xem như đồng loại, vì họ hiểu rất sâu sắc rằng giữa họ và những người khác, tuy hai mà một. Họ tạo cho mọi người một niềm tin yêu ngay trong cõi đời này, mắt thấy tai nghe. Thế giới của những người khác như đang xích lại gần với thế giới của những vị bồ tát đó.

Nhưng rồi, theo thăng trầm của thời gian, những vị bồ tát cứu khổ cứu nạn, có hình hài, có xương có thịt đó dần dần “bị” siêu hình hóa, biến mất khỏi trần gian. Thế giới của họ là một Tây Phương Phật xa xôi huyền bí. Niết Bàn cũng vậy, vô cùng huyền bí. Dòng tâm thức biến thành những thứ thiêng liêng có linh hồn. Chúng sanh muốn tìm hiểu, nhưng câu trả lời rất gọn nhẹ: Không thể mô tả những huyền bí đó những thiêng liêng đó bằng ngôn ngữ hay lời nói. Chúng sanh được giáo hóa rằng muốn đến được những nơi đó cần phải tu hành vô số kiếp, phải khấn vái cầu xin những đấng linh thiêng ra tay phò hộ. Nếu vụng tu hay sống một đời sống vô đạo thì bị hăm dọa rằng kiếp sau sẽ bị đày xuống Địa Ngục, một nơi huyền bí khác, vô cùng ghê rợn.

Chúng sanh vốn si mê lầm lạc, nói sao nghe vậy. Cố gắng làm theo lời giáo hóa. Nhưng đường xa vời vợi, đến hàng ngàn hàng vạn kiếp, đầy gian nan, lại không có những bàn tay thiết thực giúp đở như thời vàng son xa xưa của tiền nhân. Họ ngao ngán. Họ chán nản. Và đa số bỏ cuộc.

Thật khó tin rằng Phật Thích Ca chú trọng đến những thế giới siêu hình trong lúc Ngài bác bỏ chủ thuyết về một linh hồn bất diệt. Khi người ta hỏi Ngài sau cõi đời này Ngài sẽ đi về đâu, Ngài trả lời đây là vấn đề không có giá trị thảo luận. Ngài thường khẳng định lập đi lập lại rằng quan tâm duy nhất của Ngài là sự đau khổ của chúng sanh. Ngài đi tìm con đường giải thoát cho chúng sanh hoàn toàn không nghĩ đến một phần thưởng nào cho cá nhân mình, dù phần thưởng đó thuộc vào thế gian này hay thuộc vào một thế giới siêu hình (nếu có) nào đó. Ngài chỉ biết mình làm những việc cần phải làm hầu giải thoát sự khổ đau của chúng sanh. Ngài muốn xây dựng một Tây Phương Phật ngay trên đia cầu này.

Nhưng tại sao Phật Giáo bị siêu hình hóa? Thật ra Phật Giáo không hề bị siêu hình hóa trong lòng rất nhiều Phật tử, nhất là Phật tử ngày nay. Nhưng qua nhiều kinh sách (được viết từ mấy thế kỷ sau khi Phật quy tiên và vẫn được lưu truyền cho đến nay) chúng ta có thể thấy Phật Pháp đã nhấn mạnh khá nhiều về những cảnh giới siêu hình. Có thể chăng do khoa học còn phôi thai? Có thể chăng khi Phật Giáo lan truyền sang các nước khác, vì thường phải tìm cách ăn khớp với những tín ngưỡng địa phương, Phật Pháp đã dần dần biến hóa? Phải chăng có những nhóm muốn siêu hình hóa Phật Giáo với ý đồ thống trị: Xem Phật chẳng khác nào thượng đế, để rồi muốn chúng sanh nghe theo mệnh lệnh của mình, chỉ cần “hù” rằng mệnh lệnh đó là ý của Phật? Tôi nghĩ đây là một vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Có kiếp sau tức phải có linh hồn, hơn nữa linh hồn đó là bất diệt. Cho dù kiếp sau có biến đổi so với kiếp trước, chẳng hạn trở thành dốt hơn hay thông minh hơn, trở thành hung bạo hơn hay đạo đức hơn, trở thành khác phái, v.v., linh hồn đó vẫn tồn tại, tồn tại vĩnh viễn. Rõ ràng Phật không dạy chúng sanh có một linh hồn như vậy. Phật đã từng dùng những ví dụ về hậu kiếp trong nhiều bài giảng của Ngài. Nhưng tôi tin Ngài chỉ xem những ví dụ đó như những huyền thoại, cần phải dùng đến khi những người nghe là những người quá mê tín về luân hồi chuyển thế. Nếu có ai hỏi Ngài có tin luân hồi không, Ngài sẽ trả lời – một cách Trung Đạo – rằng nếu có thì bài giảng của Ngài vẫn có giá trị hữu dụng. Nếu có người khư khư muốn Ngài chỉ trả lời một cách khẳng định “có” hay “không”, Ngài sẽ nói “những vấn đề siêu hình không có giá trị thảo luận”. Khoa học bây giờ cũng chỉ có thể trả lời như thế. Trả lời “chắc chắn có” hoặc “chắc chắn không” trong lúc chưa thể chứng minh được một cách khoa học là những câu trả lời cực đoan.

Tôi xem đĩa DVD vừa mới mang về nhà, giảng về Kinh Địa Tạng. Từ đầu đến cuối, tôi chỉ nghe thấy toàn những hình ảnh ghê rợn ở những vùng núi non âm u ma quái, nơi đó gồm những người bị đày sau khi lìa trần. Và khỏi phải nói, cực hình tra tấn thì triền miên. Sống mà có tội thì sau khi chết sẽ bị đày xuống đó. Chỉ câu nói này cũng đủ hàm ý mỗi người có một linh hồn và linh hồn đó tồn tại vĩnh viễn. Điều này hoàn toàn trái ngược với lời dạy của Phật. Hơn nữa cuốn phim không nói lên một lời khuyên bảo nào hết, chỉ nói đến toàn những tra tấn cực hình như là những lời răng đe khủng bố hăm dọa. Tôi nghĩ những cuốn phim như thế này chỉ làm cho giới trẻ ngày nay xem Phật Giáo như là một tôn giáo mê tín dị đoan không hơn không kém.

Ngày nay đa số đều có cơ hội cắp sách đến trường. Đa số đều có những kiến thức khoa học cơ bản. Mê tín dị đoan vẫn còn đó, nhưng đang trên đà xuống dốc. Bất cứ một lý thuyết nào khẳng định sự tồn tại những thế giới siêu hình đều có thể bị họ cho là một lý thuyết mê tín dị đoan. Và tôi tin rằng nhiều người suy nghĩ như vậy. Tuy đó là cực đoan nhưng tôi thiển nghĩ đa số không còn thích nghe những hứa hẹn hão huyền về những miền cực lạc hay thiên đàng nữa. Họ chỉ muốn phiền não lo âu đau khổ giảm xuống và bình yên hạnh phúc vui tươi tăng lên, không phải cho kiếp sau, mà cho ngay sự sống hiện tại của họ. Rót vào tai họ những thế giới siêu hình mỹ miều chỉ làm họ xa dần với Phật Giáo. Linh thiêng hoá và thần thánh hóa Phật và các vị bồ tát càng làm họ xem Phật Giáo như một đạo thần quyền, điều mà Phật Thích Ca luôn luôn bác bỏ.

Einstein từng nói “Một tôn giáo thiếu khoa học là một tôn giáo què quặt.” Một tôn giáo chỉ đáng tin cậy khi tôn giáo đó không những bao trùm toàn bộ khoa học hiện tại mà còn bao trùm cả những phát triển khoa học trong tương lai. Tương lai thì chưa đến. Chúng ta chưa thấy được những phát triển khoa học sẽ đến. Làm sao để có thể chọn một tôn giáo đáng tin cậy? Phật Giáo quả thật là một tôn giáo đáng tin cậy. Phật có bảo chúng ta rằng những lời dạy của Ngài không phải là những giáo điều bất di bất dịch. Phải biết áp dụng đúng từng hoàn cảnh thời gian và không gian chính là lời dạy của Ngài. Những niềm tin hoàn toàn trái ngược với khoa học cần phải hũy bỏ. Những niềm tin mà khoa học đang dè dặt cần được nghiên cứu kỹ lưỡng ăn khớp với những bước tiến của khoa học. Chỉ cần Phật Giáo đi những bước đường như thế thì Phật Giáo sẽ luôn luôn là một tôn giáo đáng tin cậy nhất. 

T.Đ
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here