Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Phật giáo và tư duy Tây Phương

Phật giáo và tư duy Tây Phương

140
0

Không phải như thông tục có người thường nghĩ và cho rằng Phật giáo đã giảm trừ thành một hư vô chủ nghĩa (le nihilisme) và xa rời thực tế! Trái hẳn với sự nghĩ tưởng vội vả, nông cạn ấy, Phật giáo đã đem lại lợi lạc nhiều cho loài người, nên Phật giáo đã long thịnh trên nhiều phần đất của thế giới. Phật giáo đã biểu lộ như một tổng thể triết học, tâm thức, và tính linh rộng lớn, bao hàm một nhân sinh quan và một vũ trụ quan gần như trọn vẹn.

Về nhân sinh quan, tất cả những gì có liên quan đến con người nói chung, mà các môn học của Tây phương có đề cập đến như xã hội học, tâm lý học, luận lý học, đạo đức học… thì trong Phật giáo đều đã có nói. Những đề tài chuyên biệt trong ngành tâm lý học như ký ức, những bệnh của ký ức, hoang chứng, ảo tưởng, mộng du; tưởng tượng hồi cố, tưởng tượng sáng tạo; sự tương quan giữa sinh lý và tâm lý… thực không có mặt nào mà trong học lý Phật giáo lại không nói; tất cả đều đã được Đức Phật thuyết giảng, mà thuyết giảng rất tường tận; từ ngữ và cú pháp để biểu đạt những môn này lại vô cùng chính xác, chặt chẽ.

Về vũ trụ quan thì học lý Phật giáo đã làm nổi bật lên những ý niệm phong phú và phóng khoáng, mở rộng; những quan niệm rất đa dạng, như thời gian, không gian, vị trí, sự chuyển động, sự tương tác, sức hút lẫn nhau để giữ quân bình trong vũ trụ, với lý luận chặt chẽ, với những quan sát tinh tường mà cho đến nay quan niệm vũ trụ của Albert Einstein cũng chỉ hé mở được một phần nhỏ; hiện tại, khoa thiên văn học với viễn vọng kính Hubble đặt trên trạm không gian đang hoạt đông khám phá được vô số hành tinh mới, nhất là các vũ trụ thiên hà xa xăm, cách chúng ta mấy tỷ năm ánh sáng, cũng vẫn là chỉ mới bắt đầu chứng minh được ngưỡng cửa vũ trụ quan Phật giáo; bởi vì sau những giải thiên hà mà viễn vọng kính Hubble đã chụp được, thì vẫn còn lờ mờ nhiều đám ánh sáng biểu thị còn các vũ trụ thiên hà xa hơn.

Đến phạm trù vật lý, vật lý hạt nhân, phản hạt, sóng và hạt, cơ học lượng tử… đều đã có trong kinh Phật. Đến cả vấn đề vi trùng, siêu vi, biến thái của siêu vi; rồi dến vấn đề sinh vật học như ADN của người, của thực vật; ADN của người và của thực vật có sự giống nhau v.v và v.v. trong đạo Phật đều có nói đến. Cho nên Albert Einstein (1879-1955) đã nói: “Nếu có một tôn giáo nào có thể đáp ứng được những đòi hỏi của khoa học hiện đại, thì tôn giáo đó chính là Phật giáo” (If  there any religion that would cope with modern-scientific needs, it would be Buddhism).

Về mặt tư tưởng triết lý thì có lẽ không đâu trong nhân loại có thể vượt qua được Phật giáo. Bên phương trời Tây Âu, kể từ thời tiền Hy Lạp, Héraclite, sống ngang thời Đức Phật, với thuyết biến hành phổ quát (l’universel devenir) của ông: “tất cả đều qua đi, không có gì tồn tại; không có gì hiện hữu, mà tất cả đều đang trở thành”; thì trong kinh Kim Cương Phật đã thuyết sự biến hành (le devenir) của vạn pháp. Từ chỗ này, đã dẫn tới một biện chứng pháp rất siêu việt. Vạn vật hiện hữu như nó đang là mà thực không phải nó đang là, đó mới chính là nó đang là. Một triết gia khác là Socrate, sống vào khoảng sau khi Đức Phật nhập diệt, lại thường tâm niệm và dạy người câu: “Connais-toi toi-même” tức là “nhà ngươi hãy tự biết rõ lấy mình”; thì đây cũng chính là câu mà Đức Phật đã dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Về sau, phần đông các triết gia Âu châu sống vào các thế kỷ thứ XVII, XVIII và XIX tl. thì trong tư tưởng của họ đều có khía cạnh này hay khía cạnh khác tương tự như hoặc có ảnh hưởng Phật giáo.

Nói chung, tư tưởng thâm viễn, biểu đạt chính xác, và nhất là tính chất thực tiển, lấy con người làm gốc; và cho con người biết vạn hữu có đó nhưng không thật; chấp vào cái có đó biểu kiến của vạn hữu mà cho là thật, thì chỉ là nhận định vô minh và rước khổ vào mình; đã làm cho Phật giáo có sức cuốn hút rất mạnh đối với trí tuệ loài người. Chân trời khoa học càng mở rộng, loài người càng thấy lời thuyết dạy của Đức Phật là những lời siêu tuyệt, có giá trị vượt cả thời gian lẫn không gian tương đối của loài người.

                                                                                                                                                                                                                                                                                B.H.T.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here