Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Phật giáo và những Dòng chảy Tư tưởng Hiện đại

Phật giáo và những Dòng chảy Tư tưởng Hiện đại

146
0

Độc tài duy lý

Sau thế  kỷ ánh sáng, thái độ trịch thượng và độc tài của khoa học không phải chỉ đối với tôn giáo mà còn đối với các khoa học ‘nhân văn’  khác. Những môn học nào không dùng lý trí và phương pháp thực nghiệm đều bị chê là ‘thiếu khoa học” hay khoa học ‘nửa vời’. Các nhà khoa học đắc thắng biến phương pháp khoa học thành ‘chủ nghĩa’ duy vật khoa học.   

Đối tượng của các khoa học tự nhiên như hóa học, vật lý, địa chất và vũ trụ học đều là vật chất. Để độc giả cảm thấy gần gũi với tư tưởng Đạo Phật, tôi xin dùng từ ngữ tương đương. Đó là khoa học quan sát chúng sinh ‘vô tình’ thuộc sắc giới. Vì là chúng sinh vô tình nên dù bị các nhà khoa học vo tròn bóp méo, chúng vẫn không thay đổi gì vì lý do giản dị là chúng không có sự sống. Nếu đối tượng nghiên cứu là chúng sinh hữu tình như trong khoa học đời sống, các nhà khoa học gặp nhiều rắc rối hơn. Khác nhau giữa ‘một bia đá’ và ‘cây cỏ’ là cây cỏ có ‘sự sống’ trong khi bia đá ngàn triệu năm chỉ có mòn bớt, nhưng đá vẫn còn là đá. Ngay cả cây cỏ dù có sự sống đơn giản nhất, chúng cũng có ‘bản năng’ sống còn, như lá hướng về ánh sáng và rễ hướng về những phần đất có mầu mỡ. Cây cỏ cũng có quá trình thành trụ hoại diệt nhưng các sinh vật phức tạp hơn và con người là một đối tượng phức tạp nhất, vì vừa có ý thức, vừa có ý thức về ý thức. Ai thực tập thiền Tứ niệm xứ đều biết là nắm bắt được tư tưởng cũng khó như đuổi theo con vượn chuyền cành hay con ngựa chạy ở đồng cỏ.  

Trịnh Công Sơn có hỏi một câu hát thơ mộng: ‘làm sao em biết bia đá không đau?’ Có thể bia đá biết đau, nhưng hiện nay chưa ai có đủ kiến thức hay kinh nghiệm để trả lời câu hỏi đó, thường chúng ta chỉ biết nước chảy đá mòn. Còn cây cỏ? Đã có người dùng âm nhạc để ‘nuôi’ cây cỏ cho tươi tốt nhưng chưa ai chắc chắn là cây cỏ có mê nhạc hay không. Còn những động vật sơ đẵng như côn trùng và chim cá? Một nhà sinh vật nghiên cứu về cá, Culun Brown thuộc đại học MacQuarie ở Sydney cho biết cá thông minh hơn chúng ta nghĩ và trí nhớ khá dài (SMH 16 Jan 2010) Nghĩa là cá cũng có cảm thọ và biết đau như con người! Phật tử nào có thói quen câu cá giải trí, nên dừng lại suy nghĩ và có lẽ tìm một môn giải trí khác! Trịnh Công Sơn cũng nên đổi lại câu hát thành ‘Làm sao em biết con cá không đau’, dù ít thơ mộng nhưng khoa học hơn. Nói năng kiểu này, những người yêu nhạc Trịnh thế nào cũng háy nguýt tôi dài dài.

Nghiên cứu thú vật đã gặp nhiều khó khăn, đến khi nghiên cứu con người các nhà khoa học còn gặp khó khăn không biết đến chừng nào. Chắc chắn tổ tiên của chúng ta và chúng ta phải có nhiều điểm tương đồng trong quá trình tiến hóa, nhưng sự khác biệt căn bản giữa hai bên là, trong khi thú vật cũng có ý thức như người, nhưng chỉ có người là một sinh vật có ý thức phản tỉnh. Homo sapiens ‘có lẽ’ hơn loài vượn-người (Anthropoid) nhờ ở ý thức phản tỉnh này. Ý thức phản tỉnh giúp con người tạo được văn minh, văn hoá và quan trọng nhất là cho chúng ta khả năng chọn lựa. Chọn lựa tức tự mình tạo nghiệp và cũng có thể giải nghiệp. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa!  

Lúc khoa học đắc thắng tột đỉnh, hai nhà tâm lý Behaviourist là Watson và Skinner đã cương quyết loại bỏ thế giới ‘nội tâm’ như tưởng thức ra khỏi phạm vi của tâm lý. Đối với behaviourism, biến đổi não bộ quyết định mọi sự và hành vi cử chỉ là phản xạ có điều kiện. Skinner tuyên bố thẳng thừng là tâm và ý không hiện hữu, mà chỉ là sản phẩm được tạo ra những giải thích ‘giả tưởng’. Nhiệm vụ chính của khoa tâm lý cũng như các ngành khoa học khác là tiên đoánkiểm soát. Ông này còn nói là những từ ngữ như cảm thọ, nhận thức, hình ảnh, ham muốn, mục đích phải bị loại ra khỏi từ điển tâm lý!  Các nhà tâm lý về sau cho thái độ cực đoan này khá lạ kỳ, vì chính nhờ những hoạt động của tưởng và thức các lý thuyết tâm lý mới được hình thành, kể cả thuyết behaviourism!

 
J.B. Watson (1878-1958)

 

B.F. Skinner (1904-1990)

Các lý  thuyết gia tâm lý hiện đại từ Freud đến Jung đều nghiêncứu không những ý thức mà còn tiềm thức và vô thức. Vấn đề then chốt hiện nay vẫn chưa ai đồng ý với ai về sự liên hệ giữa óc não và ý thức và hai bên ảnh hưởng hỗ tương đến mức nào. Ý thức là vật chất (material) hay phi vật chất (non-material)? Đây là điểm quan trọng nhất vì liên hệ đến các câu hỏi siêu hình: ý thức có còn tồn tại khi não bộ bị ‘chết’ không? Sau khi chết ý thức còn tồn tại hay không? Vì vui nên chúng ta cười hay nhờ mỉm miệng cười làm chúng ta vui? Hay con người khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười như Nguyễn công Trứ? Các nhà tâm lý behaviourist quên, hay cố tình bỏ qua, ý thức phản tỉnh và khả năng chọn lựa của con người. Ngày nay ít còn ai chấp nhận giả thuyết cho óc não quyết định mọi chuyện và xem phản ứng giữa não bộ và ý thức là con đường hai chiều. Để tránh một cuộc đối thoại giữa những người điếc, chúng ta cần xét lại định nghĩa của phương pháp khoa học và phương thức tôn giáo thường dùng để khám phá ‘chân lý’.    

Đối tượng của phương pháp khoa học được quan sát, thực nghiệm trong những điều kiện có kiểm soát và tất cả thực nghiệm trên nguyên tắc có thể được lập lại và đo lường bằng những dụng cụ phổ quát được mọi người chấp nhận. Đối tượng nào không đo lường được mà chỉ có thể định tính, không thể nào gọi là nghiên cứu ‘khoa học’. Chỉ có thế giới vật chất tự nhiên là có thật và khách quan, còn thế giới nội tâm như tình cảm, tâm ý (tưởng, hành, thức) thường chủ quan, duy nhất, siêu hiện tượng và không thể kiểm soát được. Các triết gia thực nghiệm Anh như Hume và Locke chỉ chấp nhận ‘xúc’ là thuộc lỉnh vực tâm lý; qua đến ‘thọ’ ‘tưởng’ là bắt đầu qua bình diện chủ quan. Trong khoa học đối tượng có thể được phân chia ra thành những phần nhỏ để được nghiên cứu chính xác hơn. Các dụng cụ đo lường chỉ đo được những đặc tính vật lý và cả vũ trụ do vật chất tạo thành. Dù hành-thức có hiện diện hay không, chúng cũng không ảnh hưởng gì vào sắc giới. Ngoài khoa học tự nhiên và thuần lý (luận lý và toán học), các ngành nhân văn khác không phải là khoa học ‘thực sự’ và nhất là tôn giáo chỉ ‘kể lể siêu hình’ do ảo giác sáng tạo. 

Nhà  sinh học được giải Nobel, Francis Crick, tuyên bố là khuynh hướng hiện nay (vào các năm 1960) là giải thích sinh học bằng hiện tượng vật lý và hóa học. Bị khoa học tự nhiên tấn công tới tấp, khoa học xã hội, nhất là tôn giáo, cũng đâm ra tự ti mặc cảm. Nhiều người hay gọi chủ nghĩa Marx là chủ nghĩa ‘khoa học’. Chủ nghĩa xã hội chinh phục được nhiều trí thức thế giới vì họ thấy Marxism là một triết lý binh vực cho quyền lợi của những dân tộc bị trị và giai cấp công nhân nghèo khổ sau cách mạng kỹ nghệ, chứ không phải họ ủng hộ là vì chủ nghĩa xã hội có khoa học tính. Chủ trương bênh vực người bị áp bức và cùng đinh cho đến bây giờ vẫn là lý tưởng đáng theo. Đức Phật đã cho các người Untouchables thọ giới là một phản ứng quyết liệt lại chế độ đẵng cấp thần quyền của Bà La Môn

Các  triết gia phản công và cho rằng một số ‘giả thuyết’ trong khoa học tự nhiên vẫn còn là ‘giả thuyết’. Khi phủ nhận phương pháp nghiên cứu của các ngành khác (như quán sát nội tỉnh của Phật Giáo), chủ nghĩa khoa học đã trở thành giáo điều hơn ai hết, nếu hiểu giáo điềuhệ thống duy nhất bất biến trên con đường đi tìm chân lý. Đó là loại ‘độc tài khoa học’ thay thế cho ‘độc tài thần học’ của thời Trung cổ. Khoa học hiện đóng vai trò của tôn giáo ‘độc thần’. Các nhà khoa học ‘độc tài’ này khi đề cập đến tôn giáo, họ chỉ qui chiếu các tôn giáo độc thần Tây Phương, Ky Tô- Do Thái và Hồi Giáo. Lý do giản dị là họ chưa biết gì về các tôn giáo Đông phương, nhất là Phật và Khổng. 

Tuy nhiên cũng có những người ‘lăng ba vi bộ’, cho khoa học và tôn giáo có đối tượng khác nhau nên đòi hỏi phương pháp nghiên cứu khác nhau. Nhà nghiên cứu thời cổ đại, Stephen Jay Gould, cho rằng khoa học và tôn giáo có mục tiêu khác nhau. Trong khi khoa học muốn tìm hiểu vũ trụ cấu tạo và hoạt động thế nào, mục đích của tôn giáo là đi tìm ý nghĩa và giá trị của đời người. Gould chủ trương không nên đọc kinh điển dưới ánh sáng khoa họckhoa học không nên tìm cách chứng minh giáo điều tôn giáo là không đúng sự thật. Nhà vũ trụ học Hawkings trong khi đó cho rằng không thể đặt lòng tin tôn giáo ngoài phạm vi nghiên cứu của khoa học, vì tôn giáo không những chỉ đề cập đến ý nghĩa và giá trị của đời sống mà còn muốn xác nhận về bản chất và nguồn gốc của vũ trụ.  

Cũng như trước đây Marx phán đoán về giá  trị tôn giáo (‘Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân’ là câu của Hegel, Marx chỉ nhắc lại), các người phê bình phần lớn chỉ biết các tôn giáo độc thần Ky Tô- Do Thái-Hồi Giáo. Các tôn giáo này được sử dụng như là phương tiện ru ngủ quần chúng để bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị. Theo Ken Wilber, những huyền thoại trong các tôn giáo độc thần chỉ là phương tiện khống chế quần chúng bằng chính sách ‘ngu dân’. Đó là phương tiện để duy trì đẵng cấp xã hội, chế độ ‘nô lệ tập thể’ về mặt tinh thần và nếu có ai ‘lạc đạo’ hay ‘ngoại đạo’, các tăng lữ trong giáo hội Rô-Ma không ngần ngại sử dụng phương pháp trừng trị dã man. Gần đây giáo sĩ Hồi giáo kết án tử hình một nhà văn dám xúc phạm đến ‘đấng tiên tri’ cho thấy chuyện Bruno ‘lên dàn hỏa’ không phải chỉ là chuyện xảy ra trong quá khứ. Thế kỷ ánh sáng đã làm tan bóng tối của huyền thoại và khi huyền thoại hiện nguyên hình là huyền thoại, giai cấp thống trị mất đi phương tiện chủ yếu duy trì quyền lực. 

Sự  xuất hiện của Phật Giáo khởi đầu cho một cuộc  ‘cách mạng’ nhằm phá hủy những huyền thoại  của Ấn Giáo. Khi huyền thoại này bị lộ mặt là những ‘kể lể siêu hình’, giai cấp tăng lữ Brahman dĩ nhiên mất tất cả quyền lực ‘thiêng liêng’ và hiện nguyên hình là những người khổng lồ có chân bằng đất sét!  Phật Giáo xuất hiện khiến cho những thần tượng Ấn Giáo đi vào giai đoạn hoàng hôn, như Nietzsche tuyên bố.  Nói một cách khác, sự xuất hiện của Phật Giáo trong lịch sử Ấn Độ tương tự như sự xuất hiện của thế kỷ ánh sáng ở Tây Phương. Thế kỷ ánh sáng làm sụp đổ thần học Ky Tô thời Trung cổ, ánh sáng trí tuệ của đạo Phật đã làm huyền thoại của Hindu thành những con ma trơi lập lòe. Sự biến mất của Phật Giáo ngay trên đất Ấn không phải chỉ vì 10 ngàn vị tăng già bị quân Hồi-Thổ tàn sát, nhưng một phần bởi các tăng lữ Brahman không thể tha thứ cho Phật Giáo đã làm tan vỡ những huyền thoại ‘thiêng liêng’ và do đó làm mất đặc quyền của họ.  

Nếu hiểu tôn giáo là một hệ thống tín ngưỡng và thực hành dưới sự ‘hướng dẫn’ của viễn kiến về hiện hữu và ý nghĩa của đời người, với ước vọng giải thoát, đạo Phật là một tôn giáo. Tuy nhiên đạo Phật không hoàn toàn đáp ứng tất cả tiêu chuẩn của định nghĩa này. Vì không chấp nhận một ‘đấng sáng tạo’ như các tôn giáo độc thần khác, đạo Phật không có kể lể siêu hình hay huyền thoại về quyền năng thiêng liêng nào. Trong lần giảng pháp đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như, Đức Phật chỉ giảng tứ diệu đế, phân tích nguyên nhân khổ đau và tìm ra con đường thoát khổ. Đức Phật không hề đưa ra bất cứ một giả thuyết siêu hình nào để bắt mọi người bảo vệ và ‘tử đạo’. Đức Phật không hề đề cập đến nghi lễ phiền phức nào. Nếu lột dần các lớp vỏ hình thái văn hóa để tìm tinh yếu của đạo Phật, có lẽ chúng ta kể thêm bát chánh đạo và xâu chuỗi 12 nhân duyên trong mạng lưới duyên khởi. Đức Phật ít khi đề cập đến huyền đàm, mà chỉ chú tâm đến những phương pháp hành trì để chấm dứt khổ đau, chỉ chú tâm cứu người bị tên hay chúng sinh đang ở trong căn nhà đang cháy. Trong 45 năm hành đạo, đức Phật không hề đề cập đến nghi lễ, thế mà 25 thế kỷ sau, nghi lễ đã trở nên rườm rà và đã được ‘kỹ nghệ’ hóa. Hoạt động chính của Phật giáo Nhật hiện nay là kỹ nghệ ma chay! Tôi không có đủ con số thống kê, nhưng nghĩ rằng về phương diện này, Phật giáo Việt Nam chưa chắc đã thua Phật Giáo Nhật.      

Đối thoại nghĩa là lắng nghe, để hiểu và tiếp nhận, và hai bên đối thoại có thể có những đóng góp hữu ích. Khác với các tôn giáo độc thần, đạo Phật không muốn cải đạo ai, không có cái gọi là sứ bộ  ‘thừa sai’ (missionaries) không từ chối dùng bất cứ thủ đoạn nào, kể cả bạo động diệt chủng, để ‘đem tin mừng’ đến cho những người không biết mà tin. Đức Phật không hề nói ‘ta là sự thật, ta là con đường’. Phật nhũn nhặn cho mình là người chỉ đường, một vị thầy của ‘thiên nhân’, tức là những người có ước vọng giải thoát. Đức Phật cẩn thận dặn đệ tử ‘Pháp chỉ là cái bè qua sông, nếu cần, chánh pháp còn phải bỏ, huống nữa là phi pháp’. Không thấy đâu là rừng, đâu là cây, đâu là tinh yếu, đâu là hoa lá cành, có nhiều người vẫn hì hục vác bè lên bờ, phần lớn là nghi lễ và giáo điều.  

Có  qua có lại

Không như ở thế kỷ 19, hiện nay khoa học  đã bắt đầu chịu lắng nghe phương pháp đi tìm chân lý của các ngành khác. Freud, Jung và nhất là Fromm không những nghiên cứu ý thức mà còn khai phá kho tàng tiềm thức và vô thức.

Trong vài năm qua, các nhà khoa học hiện đại chịu đối thoại và lắng nghe quan điểm của Phật Giáo, qua những công trình hợp tác với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong tác phẩm The Quantum and the Lotus, nhà sư Matthieu Richard ‘công’ nhiều hơn ‘thủ’ trong khi nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận ‘thủ’ nhiều hơn ‘công’. Schumacher không những chỉ viết về kinh tế Phật Giáo mà còn thảo luận đến triết lý khoa học, trong tác phẩm A Guide For The Perplexed, đã đề cập đến 4 loại chúng sinh khác nhau và cho rằng cần những phương pháp khác nhau để tìm hiểu các đối tượng đa diện và phức tạp như con người.

Thiền quán là phương pháp thực nghiệm thế giới tâm linh không có gì huyền bí hay huyền nhiệm cả  và kinh nghiệm nội tỉnh đã được truyền thừa qua bao nhiêu thế hệ. Muốn nghiên cứu thì phải thực tập, nghĩa là ngồi Thiền. Đã không chịu thực tập nghiên cứu mà cứ kết luận phương pháp nội tỉnh (contemplation) là chủ quan và huyền nhiệm, mới là thái độ giáo điều. Khác với các phương pháp nghiên cứu trong khoa học tự nhiên, không ai dùng lời nói để mô tả cho người khác biết kết quả của thiền quán là gì, vì nói đến mấy đi nữa, người nghe cũng chỉ thấy và hiểu ở bình diện tri thức. Muốn thực nghiệm được hương vị của giài thoát, phải tự mình áp dụng thiền quán để khám phá thế giới kỳ diệu của nội tâm. Nhập lưu. Sáu cửa vào Thiếu thất hay hai cửa chính (Thiền và Tịnh) hay bốn vạn sáu ngàn cửa không quan trọng. Vào ‘cánh cửa không cửa’ (Vô Môn Quan) lại càng tốt hơn. Điều quan trọng là bước qua ngưỡng cửa. Ai biết cái gì đàng sau kia? 

Để có thể bắt đầu cuộc đối thoại, Ken Wilber đề nghị một định nghĩa các loại phương pháp thực nghiệm: thực nghiệm vật chất, như trong các khoa học tự nhiên như hóa học vật lý, thực nghiệm lý trí như trong các khoa luận lý, toán học và thực nghiệm tâm linh, như phương pháp thiền quán của Phật giáo. Ngược lại tôn giáo phải có thái độ sẵn sàng đặt những huyền thoại phản khoa học lên thảm xanh.

Pháp thoại Đức Phật giảng đầu tiên là Tứ Diệu  Đế, hoàn toàn không dựa vào một ý niệm siêu hình nào, tuy nhiên trong quá trình phát triển, nhiều huyền thoại đã được tạo ra và trở thành niềm tin ‘bất biến’ đối với một số Phật Tử. Liệu chúng ta có can đảm giải thích những huyền thoại này theo ánh sáng của các dòng chảy nhận thức hiện đại?

Rũ  bỏ mặc cảm truyền kiếp

Trong khi nghiên cứu để viết tác phẩm Phật Giáo Nhập Thế Việt Nam, Phong Trào Phật Giáo Vào năm 1963 và 1966, tôi có ghi nhận một lời phê bình của Ngô Đình Nhu về Phật Giáo. Ông dè bĩu cho Phật Giáo là một trong những ‘trở ngại’ chính cho sự phát triển, vì Phật Giáo đầy rẫy mê tín dị đoan. Ngô Đình Nhu còn ngạo nghễ phê bình là, trong quá khứ, Phật Giáo không có đóng góp quan trọng nào vào văn hoá và xã hội Việt Nam. Nhu hàm ý là chỉ có Thiên Chúa giáo mới có thể có những đóng góp ‘tích cực’ và đưa Việt Nam vào với ‘cộng đồng văn minh Tây Phương’. Thực dân và những người cộng tác chỉ muốn cho người Việt Nam, nhất là thế hệ thanh niên, tin rằng tư tưởng truyền thống Đông Phương đã làm trì trệ trong việc canh tân đất nước. Luận điệu tuyên truyền này cũng hàm ý cho rằng việc chống đối sự xâm lăng của thực dân và việc du nhập đạo Thiên Chúa vào Việt Nam là một sai lầm. Nhiều trí thức Thiên Chúa dù lên án chế độ thực dân và việc cải đạo tập thể của các giáo hội thừa sai, cũng xem đây là một sự xấu, nhưng lại nhấn mạnh đó là một sự xấu cần thiết. Đối với các thành phần cuồng tín, việc dân tộc Việt Nam chống thực dân và Thiên Chúa là một sai lầm lớn lao. Kẻ sĩ ‘tồi hèn’, từ Văn Thân đến Đông Du, và nhất là các vị vua triều Nguyễn ‘bế quan toả cảng’ cấm đạo là những người ‘phải ăn năn và xin lỗi’ thực dân và thừa sai Thiên Chúa! Nhiều người quên bài học Nhật, họ chỉ mở cửa hải cảng Trường Kỳ và các sứ quân đã chém đầu nhiều giáo sĩ tìm cách cải đạo tập thể! Giáo hoàng đã xin lỗi nhân dân Nam Mỹ, Trung Quốc, nhưng vẫn chưa thấy xin lỗi nhân dân Việt Nam về những tác hại do các thừa sai gây ra trong ‘100 năm đô hộ giặc Tây’.

Khi nghiên cứu Phật Giáo qua sách vỡ và tư tưởng của phật tử Tây Phương, tôi mới có cơ hội thấy được sự thật đơn giản: thần học Ky Tô đã hoàn toàn tương phản với những tiến bộ khoa học và văn minh Tây Phương (Xem chương Tâm Hiện Đại). Giáo hội La Mã đã tìm mọi cách để bịt miệng những người có viễn kiến và tinh thần khoa học, đàn áp và vu khống những người suy nghĩ tự do, ngăn cản bước tiến kinh tế và xã hội, thi hành chánh sách ngu dân để con chiên mãi là con chiên ngoan ngoãn. Phong trào khai sáng dùng ánh sáng giác ngộ để giải phóng con người khỏi sự khống chế của thần học Thiên Chúa. Nói như một nhan đề một tác phẫm của Thầy Minh Châu, cứu nhân loại trước sự tàn phá tư tưởng con người. Chậm còn hơn không, Giáo Hoàng John Paul II cùng quần thần, vào ngày 12 tháng 3 năm 2000, đã công khai xin lỗi nhân loại về ‘bảy núi tội lỗi’ mà giáo hội Thiên Chúa đã gây ra cho nhân loại trong suốt 2000 năm qua.

Einstein đã sớm nhận thấy tính ‘khoa học’ của Phật Giáo và tuyên bố là nếu có tôn giáo nào xứng đáng gọi là tôn giáo toàn cầu trong tương lai, đó là Phật Giáo. Ambedkar đã quy y cho hàng triệu dân Untouchables ở Ấn thành Phật tử. Sau khi nghiên cứu các tôn giáo tại Ấn Độ như Thiên Chúa, Tin Lành, Ấn Giáo và Sikh, ông thấy chỉ có Đạo Phật đặt vấn đề giải phóng con người khỏi nô lệ tư tưởng (và xã hội). Hiện nay không phải sự tình cờ mà các khoa học và triết gia Tây phương chỉ muốn đối thoại với Phật Giáo, hay nói một cách chính xác hơn, chỉ có Phật giáo mới có đủ tầm vóc để trở thành một người đối thoại bình đẳng với khoa học. Khi kiểm điểm tội ác của các tôn giáo trong lịch sử, có ít nhất bốn triết gia Sam Haris với The End of Faith, Michel Onfray, The Atheist Manifesto, Dawkins, The Greatest Show on Earth và gần đây Christopher Hitchens với God Is Not Great, đã ca ngợi Phật giáo như một tôn giáo không giáo điều, nhờ đó không dính líu đến các cuộc tranh chấp đẫm máu trong lịch sử nhân loại.  

Hiện nay sự liên hệ giữa Phật Giáo và khoa học còn chặt chẽ hơn nữa. Các nhà tôn giáo học như Thomas Wilson và Dyer Daniel Lum cho rằng khác với Ky Tô-Do Thái, Phật Giáo với tinh thần phê phán triệt để, không chấp nhận giáo điều và nhấn mạnh vào vai trò của cá nhân trong việc giải thoát, rất gần gũi với tinh thần khoa học. Luật duyên sinh trong Phật Giáo tương tự như luật nhân quả phổ quát của khoa học. Phật Giáo là một hệ thống khoa học thực nghiệm nhằm chuyển hóa tâm linh con người và chuyển hóa được tâm linh là chuyển hoá được nhiều chuyện khác, kể cả xã hội.

Khi bắt đầu cuộc hành trình vào Phật Giáo (1963), cũng như nhiều thanh niên trí thức khác cùng thời, tôi thú nhận là có mặc cảm rằng các tôn giáo truyền thống có chứa đựng quá nhiều mê tín dị đoan. Lời tuyên truyền của thực dân và các thế lực cộng tác không phải là không có hiệu quả. Tuy nhiên, mặc cảm và nhận thức sai lạc này cũng do chính những tổ chức Phật Giáo Việt Nam lúc bấy giờ góp phần. Chùa chiền đầy dẫy những thầy cúng thầy pháp, thầy bói lăng ông, bà đồng chúa xứ. Khá hơn là các nhóm Tịnh Độ Tông, một phần nhờ chính thống, một phần các cư sĩ lãnh đạo có tu học nghiêm túc (như cư sĩ Mai Thọ Truyền, Đoàn Trung Còn…) Phần lớn đại chúng xem chùa chiền là nơi cầu xin và mua bán phước báu. Thỉnh thoảng chỉ có mấy dòng Thiền chính thống thưa thớt ẩn nấp sau mấy ngôi chùa nơi thâm sơn cùng cốc.   

Để có thể bắt đầu cuộc đối thoại, Phật tử phải can đảm rũ bỏ huyền thoại và lễ nghi mê tín và ngưng kể lể siêu hình (demytholosize). Phải khởi xướng một cuộc cách mạng giáo lý theo được theo các dòng chảy nhận thức hiện đại (và hậu hiện đại). Muốn thế phải phân tích xem đâu là tinh hoa của chánh pháp, đâu là những yếu tố có thể thay đổi thích ứng theo luật vô thường.

Q.N-P.V.M

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here