Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Phật giáo và kiến trúc

Phật giáo và kiến trúc

328
0

Từ xưa đến nay, ở tất cả những nơi có tiếp xúc với đạo Phật, Phật giáo đều lưu lại trong lịch sử kiến trúc nhiều báu vật nghệ thuật đủ để tự hào trong lòng nhân thế. Ví dụ như ở Trung Hoa có chùa Vĩnh Ninh được xây dựng vào năm thứ nhất niên hiệu Hy Bình (516-518) Hiếu Minh Đế nhà Bắc Ngụy, được người đời ca tụng là “Thử tự tinh lệ, diêm phù sở vô” (Chùa này tuyệt đẹp, chốn Diêm Phù không có); lại ví dụ hang đá Đôn Hoàng ở Trung Quốc, hang đá Ajanta ở Ấn Độ, cung điện Potala ở Tây Tạng, quần thể kiến trúc Angkor Wat hay còn gọi là đền Đế Thiên ở Cambodia, tháp Borobudur ở Indonesia, tháp Shwedagon hay còn gọi là chùa Vàng ở Myanmar v.v…, có thể nói đều là những bảo tàng nghệ thuật tổng hợp, nơi tập trung kiến trúc, điêu khắc, hội họa lại một chỗ. Cho nên trong lĩnh vực kiến trúc học, Phật giáo luôn có vị trí vô cùng quan trọng.

Kiến trúc Phật giáo bao gồm tháp Phật, tự viện, hang động… Những kiến trúc này có mối quan hệ khá mật thiết đối với đời sống của con người hiện đại; trong đó, tự viện là nổi bật nhất. Tự viện là nơi Tăng chúng tu hành, là trung tâm gửi gắm tâm linh của tín đồ, cũng là nơi tuyệt vời nhất để con người có thể tìm tới nghỉ ngơi, ngắm cảnh đẹp trong không khí an tịnh, thanh nhàn. Trên hết, tự viện là đại diện của Phật giáo. Tự viện thể hiện cho sự có mặt của Tam bảo Phật Pháp Tăng; có tự viện mới có thể truyền bá giáo nghĩa, mới có thể duy trì Chánh pháp; vì vậy muốn Phật pháp hưng thịnh, thì cần phải xây chùa chiền, Tăng chúng an cư.

Kiến trúc tự viện sớm nhất của Phật giáo bắt nguồn từ thời đại Đức Phật ở xứ Ấn Độ. Sau khi quốc vương xứ Ma-kiệt-đà (Magadha) là Tần-bà-sa-la (Bimbisara) hiến tặng tinh xá Trúc Lâm (Venuvana) và trưởng giả Tu-đạt-đa (Sudatta, còn gọi là ngài Cấp Cô Độc hay Anathapindika) hiến tặng tinh xá Kỳ-viên (Jetavana), việc kiến trúc tự viện được chấp nhận trong giáo đoàn của Đức Phật. Sau này, tự viện nguy nga tráng lệ được xây cấp khắp nơi trên thế giới, từ thành thị đến thôn quê, từ rừng sâu đến núi thẳm.

Phật giáo truyền đến Trung Quốc trong khoảng niên hiệu Vĩnh Bình (58-75) dưới thời vua Minh Đế nhà Đông Hán do hai vị cao tăng Ấn Độ là Ca-diếp-ma-đằng (Kasyapamatanga) và Trúc-pháp-lan (Dharmaratna). Đạo sĩ Luận Đạo khơi dậy lòng tin của Hán Minh Đế khiến nhà vua hạ lệnh xây dựng tự viện Tỳ-kheo-ni (Bhiksuni) ở nội thành, và xây dựng chùa Bạch Mã tại Lạc Dương, trở thành ngọn nguồn kiến trúc tự viện Phật giáo Trung Quốc.

Giai đoạn đầu kiến trúc Phật giáo Trung Quốc lấy tháp Phật làm chính, đến thời đại Tùy Đường dần dần lấy điện Phật làm trung tâm, và phần lớn xây cất phỏng theo kiểu mẫu hoàng cung. Các cung điện thời kỳ đầu hiện còn ở Trung Quốc khá ít ỏi, tuy nhiên điện Phật lại có thể phản ánh hình ảnh cung điện về các phương diện như kết cấu, tạo hình, quy hoạch, cấu tạo… , trở thành những bằng chứng rất có giá trị trong lịch sử kiến trúc; đặc biệt là đã phát huy sự đóng góp không thể phai mờ đối với sự bảo tồn văn hóa kiến trúc truyền thống; ví dụ kiến trúc kết cấu bằng gỗ cổ xưa nhất hiện còn là ở chùa Phật Quang trên núi Ngũ Đài tỉnh Sơn Tây, đã giữ lại được một cách hoàn chỉnh tinh hoa nghệ thuật kiến trúc nhà Đường; hay như ở chùa Đường Chiêu Đề (Tōshōdai Temple) của Nhật Bản thì cũng có thể tìm thấy diện mạo kiến trúc Trung Quốc trong thời kỳ đầu.

Ngoài ra, kiến trúc tự viện trong hang động được phân bố ở các khu vực Tây Bộ, Bắc Bộ Trung Quốc; do sử dụng nham bàn hoặc đá núi khai đục mà thành, rất bền vững, kiên cố; vì thế, phần lớn những kiến trúc này còn được bảo tồn cho tới nay, qua đó còn lưu giữ dấu tích lịch sử Phật giáo Ấn Độ truyền vào Trung Quốc, có giá trị vô cùng. Bên trong những tự viện hang động đó có thiết đặt nhiều Phật khám (am thờ Phật), Phật đàn (bàn thờ Phật), hoa cái (cái lọng), tượng đắp, cho đến những trang sức bằng phù điêu, bích họa… , ngoài ra còn cất giữ các loại kinh điển, tranh ảnh Phật, các đạo cụ pháp khí, cũng như các văn thư tự viện… , nghiễm nhiên là kho báu nghệ thuật Phật giáo, thực sự là bảo tàng văn hóa làm rung động cả thế giới. Xét về mặt lịch sử học thuật và văn hóa, những di tích ấy đều chiếm vị trí cực kỳ quan trọng.

Từ kiến trúc, điêu khắc, cho đến vô số những tác phẩm bích họa của Phật giáo đã cho thấy Phật giáo không chỉ có nghi thức trang nghiêm, giáo nghĩa rộng lớn sâu sắc, mà còn có cả đặc chất của nghệ thuật. Trong con mắt của nhiều nhà nghệ thuật và chuyên gia khảo cổ, kiến trúc của Phật giáo là sáng tác nghệ thuật phong phú, đa dạng và mang đặc sắc mỹ cảm, quả thật là một tài sản lớn lao của giới kiến trúc thế giới.

Tóm lại, kiến trúc của Phật giáo không những có những thành tựu rất cao vời trong nghệ thuật, mà còn vô hình trung đã thúc đẩy sự lưu truyền của Phật pháp. Căn cứ di tích được khai quật cho thấy: Tinh xá thời Phật còn tại thế, quy hoạch dùng ánh sáng thông gió đều rất hoàn thiện, sự sắp xếp về liêu xá, phòng trọ, nhà bếp, thương khố, buồng tắm, chỗ ở nhà bệnh, cho đến sự bố trí về ao sen, bích họa, nhà kinh hành… , đều gồm có đầy đủ chức năng nghệ thuật và hoằng pháp.

Tháp Phật, tự viện hoặc kiến trúc hang đá, đều đại diện cho Phật giáo, trở thành trung tâm tín ngưỡng của tín đồ. Từ xưa tới nay, tự viện trên hết có đủ chức năng trường học, ví dụ: những quy hoạch trong tinh xá Kỳ viên Ấn Độ đều là giảng đường; tự viện cổ xưa Trung Quốc đều có thiết đặt pháp đường, tàng kinh lâu, chính là phòng học, thư viện của ngày nay. Thậm chí, bao năm qua Phật giáo từng tổ chức không ít trường học miễn phí, tự viện cũng trở thành trường học. Ở Trung Quốc, các bậc túc nho, danh tướng qua các triều đại như Lưu Hiệp1, Phạm Trọng Yêm2, Vương An Thạch3, Lương Thấu Minh4 … , chính là những nhân vật từng khổ luyện, dùi mài kinh sử và đã thành công từ chốn tự viện.

Tự viện thật sự giống như trạm xăng dầu của đời người, công ty tổng hợp của tâm linh, là ngôi trường bồi dưỡng nhân cách thánh hiền, cũng là nơi giao hảo qua lại của thiện hữu, và trên hết là chốn mát lành gột rửa mọi phiền tạp, u hoài. Kiến trúc tự viện trong tương lai ngoài việc bảo lưu các cơ sở như Phật điện, khách đường, trai đường, trà đường, nhà kho, còn đặc biệt trang bị thêm nhà hội nghị, giảng đường, thiền đường, phòng học, nhà trò chuyện, trung tâm nghe nhìn, trung tâm văn hóa giáo dục, phòng mỹ thuật, phòng triển lãm văn vật… , để thông qua pháp vụ, văn giáo, nghệ thuật… mà tự viện có thể phát huy đầy đủ công năng hoằng dương thánh giáo, giáo hóa xã hội, trở thành đạo tràng dung hòa chung của Tăng-tín tứ chúng, trở thành ngôi trường giáo hóa xã hội, trở thành trung tâm hội nghị nghiên cứu học thuật, trao đổi tri thức, làm cho tự viện mãi mãi trở thành là nơi quay về của lòng người và là chỗ gửi gắm tinh thần. „

  1. Lưu Hiệp (khoảng 465-520), tự Ngạn Hòa, nguyên quán ở huyện Cử, Đông Quản (nay thuộc huyện Cử, thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông). Ông là nhà phê bình, lý luận văn học nhà Lương thời Nam triều trong lịch sử Trung Quốc. Lưu Hiệp từ ‘sớm có chí hiếu học, nhà nghèo không cưới vợ, nương nhờ cửa Phật, tinh thông kinh luận đạo Phật. Vào thời Lương Vũ đế, từng giữ chức phụng triều thỉnh, đông cung thông sự xá nhân. Được thái tử Chiêu Minh trọng dụng. Những năm cuối đời xuất gia đi tu, lấy tên là Tuệ Địa. Vào cuối đời Nam Tề, viết cuốn “Văn tâm điêu long”, là một tác phẩm lớn về lý luận phê bình văn học cổ đại Trung Quốc.’ (Daitudien.net)
  2. Phạm Trọng Yêm (989-1052), tự Hy Văn, người quận Ngô, nay thuộc Tô Châu, Giang Tô. Là nhà văn, nhà giáo dục, tướng lĩnh và nhà chính trị thời Bắc Tống, Trung Quốc.
  3. Vương An Thạch (1021-1086), tự Giới Phủ, hiệu Bán Sơn lão nhân, người Lâm Xuyên, Bắc Tống, nay là Giang Tây; nhà chính trị, nhà văn, nhà tư tưởng, nhà cải cách kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc, nhưng sai lầm trong việc xúi giục vua Tống xua quân xâm chiếm Đại Việt, chẳng những thua mà còn bị Đại Việt đem quân phá tan ba châu Khâm, Liêm, Ung.
  4. Lương Thấu Minh (1893-1988), nguyên quán ở Quế Lâm, Quảng Tây, tên thật là Hoán Đỉnh, tự Thọ Minh, có các bút danh Thọ Danh, Sấu Dân, Thấu Minh; nhà tư tưởng, triết học, giáo dục nổi tiếng thời hiện đại.

Nguồn: Phật giáo và thế tục, in trong bộ sách Phật học giáo khoa thư của Tinh Vân, NXB. Từ Thư Thượng Hải, năm 2008, trang 66 – 69.

 Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 173TINH VÂN| NGUYỄN PHƯỚC TÂM dịch

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here