Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phật giáo và Dân tộc Việt Nam

Phật giáo và Dân tộc Việt Nam

141
0

PHẬT GIÁO VÀ DÂN TỘC VIỆT NAM

Bài thuyết trình của ông Phan Công Tuyên, 

Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, 

Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế 

 

tại lễ đài Nghinh Lương Đình, thành phố Huế

nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc – Vesak 2014)

Thành phố Huế, ngày 11 tháng 5 năm 2014 (13/4 Giáp Ngọ)

Kính thưa ….

Kính thưa chư tôn giáo phẩm, chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, tăng, ni,

Kính thưa quý vị đại biểu,

Kính thưa đồng bào phật tử các giới,

Năm nay, cùng với chức sắc và đồng bào phật tử trong cả nước, Phật giáo Thừa Thiên Huế hân hoan đón chào Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc – VESAK 2014 được tổ chức tại Việt Nam. Đây là lần thứ hai nước ta đăng cai tổ chức sự kiện mang tầm cỡ quốc tế của Phật giáo thế giới, sau lần đầu tiên vào tháng 5/2008, Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc – VESAK 2008 tổ chức thành công tại Hà Nội, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới về đất nước, con người và đời sống tôn giáo – tinh thần ở Việt Nam.

Hòa chung trong niềm vui đó, hôm nay, tôi rất hân hạnh được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh mời tham gia thuyết trình tại lễ đài chính Nghinh Lương Đình. Tự thấy đây là một việc quá sức mình, nhưng Ban Trị sự đã tín nhiệm, có giấy mời trang trọng và động viên chân thành, nên tôi không thể từ chối. Được thuyết trình trước chư vị tôn đức, các bậc chân tu đạo cao đức trọng, thiện nam, tín nữ, trước quý vị đại biểu và đồng bào phật tử các giới ở lễ đài nơi công cộng là một vinh dự lớn, nhưng do sự hiểu biết và trình độ có hạn, tôi không dám trình bày những vấn đề triết lý cao siêu mà chỉ xin phép được nêu một số suy nghĩ về Phật giáo và Dân tộc Việt Nam theo đề nghị của Ban Tổ chức Đại lễ.

Tháng 5 về trên đất nước ta trong niềm vui dạt dào của cả dân tộc Việt Nam. Có một sự trùng hợp đầy ý nghĩa, đồng bào Phật tử đón mừng Ngày Đại lễ Phật đản Phật lịch 2558 cũng là với dịp nhân dân cả nước ta kỷ niệm tròn 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” (07/5/1954 – 07/5/2014), kết thúc cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ “đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ XX; đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”; là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trước những thế lực xâm lăng bạo tàn. Tháng 5, cũng là dịp toàn dân tộc ta hướng đến kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu – Bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, Người anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất thế giới. Đối với đồng bào phật tử, ngày rằm tháng tư âm lịch hằng năm là ngày Đại lễ đón mừng Đức Từ Phụ ra đời trong ngào ngạt hương hoa mùa hạ, trong âm hưởng vang vọng của hơn 2560 năm về trước: “Thành Catyla sống yên vui đời Tịnh vương/ Người người vui sướng Thích ca Ngài vừa ra đời”. Có thể nói, mùa Phật đản hằng năm – mùa hoa sen nở là một dịp lễ quan trọng nhất đối với đồng bào phật tử và những người có niềm tin vào Đức Phật. Năm nay, mùa Phật đản lại càng có ý nghĩa hơn vì Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc – VESAK 2014 được tổ chức tại Việt Nam và cũng là dịp nhân dân Việt Nam kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.

Trước khi đi vào trọng tâm chủ đề buổi nói chuyện, tôi xin được cung cấp thêm một số thông tin về ý nghĩa của Đại lễ VESAK Liên hiệp quốc và Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc – VESAK 2014 tại Việt Nam

Như chư vị đã biết, theo truyền thống Phật giáo Đại thừa ở một số nước, trong đó có Việt Nam, Đại lễ Phật đản là Đại lễ kỷ niệm Ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, được tổ chức vào ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm. Đối với Phật giáo theo truyền thống nguyên thủy, Đại lễ Phật đản trùng với ngày Đức Phật thành đạo và Đức Phật nhập Niết bàn nên gọi là Đại lễ Tam hợp Đức Phật (còn gọi là Đại lễ VESAK). VESAK là tên gọi tháng  thứ hai, tháng mưa trong năm theo lịch cổ của Ấn Độ; người Ấn Độ theo Đạo Phật xem tháng VESAK là tháng linh thiêng bởi vào ngày trăng tròn của tháng này có 3 sự kiện đồng thời diễn ra gắn với thân thế, sự nghiệp của Đức Phật, bao gồm: Đức Phật đản sinh, Đức Phật thành đạo và Đức Phật nhập Niết bàn. Do vậy mà Đại lễ Tam hợp Đức Phật theo truyền thống nguyên thủy được gọi theo tháng là Đại lễ VESAK. Từ xa xưa, Đại lễ VESAK đã được tổ chức tại một số nước có Phật giáo, từ Sri Lanka, Ấn Độ, sau đó truyền sang Thái Lan, Campuchia, Lào… Đối với Việt Nam, theo truyền thống Phật giáo thì vẫn gọi là Đại lễ Phật đản, bởi vậy mà Đại lễ VESAK Liên hiệp quốc 2014 ở Việt Nam được gọi là Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2014 để cho gần gũi với nhân dân và đồng bào phật tử.

Để tôn vinh Đức Phật – bậc vĩ nhân văn hóa của nhân loại, tôn vinh các giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, bình đẳng và bất bạo động, chứa đựng tinh thần hòa hợp, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, và nhằm để tạo dựng mối tương thích, hiểu biết giữa các quốc gia và dân tộc trên toàn thế giới, kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 54, ngày 15/12/1999 đã công nhận Đại lễ Phật đản (hay còn gọi là Đại lễ tam hợp) là Đại lễ VESAK Liên hiệp quốc. Đây là một trong các hoạt động văn hóa tôn giáo mang tính quốc tế của Liên hiệp quốc và từ năm 2000 đến nay, những hoạt động của Đại lễ VESAK sẽ được diễn ra hằng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên hiệp quốc ở trên thế giới. Khi tìm hiểu về Đại lễ Phật đản VESAK, chúng ta biết được rằng, hiện nay trên thế giới duy nhất mới có Phật giáo được Liên hiệp quốc công nhận là Đại lễ văn hóa tôn giáo quốc tế. Sau đây, tôi xin trích đọc một đoạn trong bài viết của tác giả Nguyễn Kha để quý vị hiểu rõ ý nghĩa trọng đại của sự kiện này:

“… Cho đến năm 1999, Tổ chức Liên hiệp quốc đã thiết lập 51 ngày để nhấn mạnh và nhắc nhở nhân dân toàn thế giới các vấn đề toàn cầu đặc biệt cấp thiết quan tâm. Liên hiệp quốc kêu gọi các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế vinh danh các ngày này như một điểm nhấn, mà cũng là một sức bật, để cùng phối hợp với các tổ chức ban, ngành của Liên hiệp quốc đẩy mạnh và triển khai các kế hoạch và chương trình hành động tương ứng (các ngày Liên hiệp quốc này nhiều khi do các tổ chức chức năng trực thuộc Liên hiệp quốc chủ xướng, như Tổ chức Y tế thế giới – WHO với Ngày y tế thế giới (7/4) và Ngày bỏ thuốc lá quốc tế (31/5); Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc – UNESCO với Ngày nước quốc tế (08/3), Ngày quốc tế bảo toàn lớp Ozone (16/9), Ngày tình nguyện quốc tế và phát triển kinh tế – xã hội (05/12)…)

Điều đặc biệt là trong toàn bộ 51 ngày đó của Liên hiệp quốc, không có một ngày nào được chọn để vinh danh một cá nhân, nhất là cá nhân đó lại là giáo chủ của một tôn giáo cả. Làm sao có thể vinh danh tôn giáo được khi mà cho đến năm 1999 đó, dù trong buổi giao thời giữa hai thiên niên kỷ của tôn giáo, thì trên hành tinh chật chội của chúng ta lại đang diễn ra ít nhất 12 cuộc chiến tranh mà yếu tố tôn giáo là một trong những mâu thuẫn chính. 

Thế nhưng, như một biệt lệ lạ lùng và kỳ diệu, Đức Phật và giáo lý của Ngài bỗng được thế giới khám phá và tái khai dựng. Đức Phật hiện ra như một vĩ nhân văn hóa kiệt xuất, Phật pháp trình hiện như một con đường tâm linh cao cả cho cả loài người chung sống trong hòa bình và nhân đạo, đồng thời giới thiệu một quy trình vận động văn hóa và xã hội khả thi để bền vững xây dựng một thế giới hài hòa. Cho nên, dù tính theo số lượng tín đồ thì Phật giáo chỉ xếp hạng thứ 5 trong tổng số 17 tôn giáo lớn trên thế giới, và dù rất khác với các tôn giáo khác, Phật giáo có một lối hành hoạt nhập thế bám chặt vào đất nhưng lại rất phiêu bồng nên ít khi dan díu với chốn cung đình, vốn là nơi xuất phát các tham vọng quyền lực vô minh. Đại hội đồng Liên hiệp quốc cũng đã có được thông tuệ và viễn kiến để mạnh dạn chọn lựa ba biến cố lớn trong đời Đức Phật (đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn) để thông qua ngày hội lớn đó, vinh danh một vĩ nhân văn hóa và đồng thời gửi đến toàn thể nhân loại một thông điệp về từ bi và trí tuệ, một lộ đồ về hòa bình và hạnh phúc.

Chính vì vậy và ông cựu Tổng Thư ký Kofi Annan, từ năm 2002, đã vinh dự thay mặt 192 quốc gia thành viên đa dạng và đa văn của Tổ chức Liên hiệp quốc mà xác quyết rằng: Những lý tưởng đạo đức và nhân văn cao thượng của Đức Phật đã khai sinh ra một truyền thống tâm linh sinh động mà hơn 2500 năm sau vẫn tiếp tục làm cho đời sống của hàng triệu người trở nên cao cả… Trong thời đại bất trắc toàn cầu hôm nay, quan niệm về hòa bình và tiềm năng cao cả nhất của con người mà Đức Phật đã chỉ ra, bỗng trở nên thích đáng hơn bao giờ hết.

Và năm 2007, ông Tổng Thư ký đương nhiệm Ban Ki-moon, tái khẳng định rõ hơn rằng: Hơn 2500 năm qua, những lời dạy của vị Đạo sư Giác ngộ – Phật Thích ca – vẫn tiếp tục là kim chỉ nam và đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của hàng triệu người trên thế giới… Như lời Đức Phật đã dạy: Chúng ta cần tỉnh thức trong chánh ngữ và chánh mạng, và ý thức về những hệ quả của chúng đối với những người xung quanh chúng ta. Chúng ta cần hiểu được tính tương duyên giữa các thành phần trong xã hội, và coi trọng hạnh phúc của cộng đồng và của nhân loại như chính hạnh phúc của bản thân mình.

Thật không còn gì mô tả rõ ràng hơn về Đức Phật như một nhà văn hóa cao cả đáng kính, khởi đi trong đau khổ của con người và hành hoạt vì hạnh phúc của con người. Và cũng thật không còn gì trình bày rõ ràng hơn về Phật pháp như một cống hiến nhân văn tuyệt vời, vừa là kim chỉ nam chính xác, vừa là nguồn tư lương bất tận cho nhân loại trên con đường cộng sinh hòa bình. Cho nên, Ngày tam hợp VESAK Liên hiệp quốc là lẽ đương nhiên, là điều tất yếu…”.

Có lẽ những nhận định trên đây đã khái quát đầy đủ ý nghĩa của việc Liên hiệp quốc chọn Đại lễ VESAK Liên hiệp quốc hằng năm.

Sau khi có quyết định của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, năm 2000, Đại lễ VESAK lần đầu tiên đã được tổ chức trọng thể tại trụ sở Liên hiệp quốc ở thành phố New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đại biểu đến từ 34 nước. Từ 2004 đến nay, trải qua 10 kỳ, Đại lễ VESAK Liên hiệp quốc được tổ chức ở nhiều quốc gia, (Thái Lan là quốc gia đăng cai nhiều lần nhất, với 9 lần, vào các năm: 2004, 2005, 2006, 2007, 2009, 2010, 2011, 2012 và 2013). Việt Nam chúng ta đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc lần thứ 5, năm 2008 và cũng là lần đầu tiên tổ chức ở nước ta tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình – Hà Nội; năm nay, Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc lần thứ 11 lại được diễn ra tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình. Đại lễ có sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu quốc tế và khoảng 10.000 đại biểu trong nước, bao gồm các vị tăng thống, chủ tịch các giáo hội. Chủ đề chính của Đại lễ năm nay là “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc”. Ngoài ra, còn có các chuyên đề phụ với các diễn đàn khác có ý nghĩa.

Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc lần thứ 11 tổ chức tại Việt Nam năm nay có những ý nghĩa sau:

1. Ý nghĩa tâm linh

Đại lễ nhằm thiết lập nhịp cầu tâm linh và học hỏi kinh nghiệm Phật sự của hơn 800 phái đoàn Phật giáo thế giới đến từ gần 100 quốc gia, đồng thời thực hiện các nghi thức hành trì của các tông môn pháp phái Phật giáo trên khắp thế giới; tạo hiệu ứng rộng lớn về niềm tin vào các giá trị tốt đẹp của Phật giáo, mang lại cho đời sống xã hội các giá trị hòa bình, an lạc và hữu nghị.

2. Ý nghĩa Giáo hội

Là cầu nối giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo thế giới, là cơ hội để Phật giáo khắp thế giới tập hợp nhau lại, để cùng nhau xây dựng cuộc sống hữu nghị, hòa bình, vì hạnh phúc của con người. Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đây là cơ hội quý báu lần thứ hai, sau sự thành công năm 2008, để tỏ rõ vị thế của Phật giáo trong giai đoạn mới, qua đó khẳng định với thế giới về tinh thần đoàn kết tôn giáo và đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam.

3. Ý nghĩa văn hóa

Tưởng niệm Đại lễ VESAK Liên hiệp quốc là ngày quốc tế về tôn giáo và văn hóa, tạo sự giao lưu, học hỏi các tinh hoa văn hóa các nước; đồng thời kêu gọi ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa thế giới, trong đó bao gồm các di sản văn hóa Phật giáo cấp thế giới và quốc gia.

4. Ý nghĩa đạo đức

Trong thời đại mà nền kinh tế, khoa học – kỹ thuật phát triển không ngừng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội thì áp lực về vật chất ngày càng gia tăng, đè nặng lên đời sống tinh thần của mỗi cá nhân. Do đó, con người có nhu cầu tìm về những chuẩn mực giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Trong bối cảnh đó, đạo đức Phật giáo có một ý nghĩa quan trọng đối với việc bồi đắp đời sống tinh thần lành mạnh đối với con người.

5. Ý nghĩa ngoại giao

Tạo hình ảnh tốt đẹp đối với bạn bè thế giới về đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, hòa hợp, đoàn kết và phát triển. Qua đó, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên thế giới, tăng cường thiết lập bang giao và hữu nghị với tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; đồng thời cũng thể hiện sự gánh vác, vai trò của Việt Nam với việc thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc; sự hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam nhằm xây dựng hòa bình trên thế giới và khu vực.

6. Ý nghĩa kinh tế

Đại lễ VESAK 2014 sẽ một lần nữa góp phần tích cực trong việc phát triển du lịch và đầu tư kinh tế vào Việt Nam, để Việt Nam trở thành điểm đến của du khách quốc tế từ hình ảnh đẹp mà Việt Nam tạo được qua Đại lễ VESAK Liên hiệp quốc 2014.

Hưởng ứng Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2014 tại Việt Nam, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã hết sức coi trọng, tích cực ủng hộ và trợ duyên để Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và đồng bào phật tử tổ chức nhiều hoạt động phong phú, trang nghiêm và đạo vị.

Sau phần tìm hiểu khái quát về Đại lễ VESAK Liên hiệp quốc 2014 tại Việt Nam, tôi xin trình bày nội dung tiếp theo với chủ đề “Phật giáo và dân tộc Việt Nam”.

Dân tộc ta có lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, hun đúc nên nhiều truyền thống quý báu còn được lưu truyền cho đến ngày nay, nổi bật nhất là lòng yêu nước nồng nàn. Có thể nói, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là chuẩn mực cao nhất của đạo lý và đứng đầu trong thang bậc giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam, là động lực nội sinh to lớn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tạo nên sức mạnh vô địch để chiến thắng trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Chủ nghĩa yêu nước là của mọi người Việt Nam, của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, của các tôn giáo, các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, trong đó có vai trò to lớn của Phật giáo. Có thể nói, từ khi vào nước ta cách đây hơn 2000 năm cho đến nay, Phật giáo đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng trong việc hình thành, xây dựng và phát triển nền văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, từ thời Lý, Trần, văn hóa Phật giáo đã luân lưu vĩnh viễn trong dòng chảy của văn hóa dân tộc, làm nên một nước Việt Nam anh dũng, kiên cường, bao phen chặn đứng ngoại xâm phương Bắc, đẩy lùi ngoại xâm phương Tây, giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc. Phật giáo và dân tộc đã gắn kết với nhau thành một khối thống nhất, và trải qua những biến động, thăng trầm của lịch sử thì sự gắn kết ấy ngày càng chặt chẽ. Yếu tố dân tộc đã làm cho Phật giáo Việt Nam có những sắc thái riêng, và ngược lại, Phật giáo đã góp phần làm cho văn hóa dân tộc Việt Nam trở nên phong phú hơn, đa dạng hơn.

Lòng yêu nước thường bắt đầu từ tình yêu quê hương, xứ sở, nơi sinh ra và lớn lên của mỗi người; từ sự gắn bó giữa những thành viên của dân tộc, trước mắt là gắn bó với thiên nhiên, với quê hương và quá trình xây dựng quê hương, đất nước. Đây là cơ sở chung của tinh thần yêu nước của tất cả các quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, cơ sở này không hoàn toàn giống nhau đối với mỗi quốc gia, dân tộc do điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử cụ thể khác nhau quy định, như lời một bài hát quen thuộc: “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nỗi thành người”, hay như một câu danh ngôn: “Trên đời này, anh có thể lựa chọn nhiều thứ, nhưng có hai thứ anh không thể lựa chọn, đó là Mẹ và Tổ quốc”.

Đất nước Việt Nam ta với đặc điểm về vị trí địa lý, khí hậu, được thiên nhiên ưu đãi cũng nhiều, nhưng sự khắc nghiệt cũng không phải là ít. Hằng năm, bão lụt, hạn hán hoành hành rất dữ dội, cướp phá nhiều tài sản và tính mạng của con người, để lại hậu quả rất nặng nề. Vì vậy, quá trình ông cha ta trụ lại, khai phá mảnh đất này cũng đồng thời phải đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên. Điều đó làm cho sự cố kết cộng đồng, sự gắn bó giữa các thành viên lại với nhau trở thành nhu cầu tự nhiên, tất yếu để tồn tại và phát triển. Tất cả những thành tựu trong quá trình xây dựng quê hương đều thấm đượm mồ hôi, nước mắt và xương máu của bao thế hệ. Từ đó, mọi người Việt Nam đều nặng tình nặng nghĩa với quê hương. Đó là cơ sở bền chắc của tình yêu đất nước.Tình yêu quê hương, đất nước của mỗi người Việt Nam gắn với “cây đa, bến nước, sân đình, lũy tre, mái chùa” và tiếng chuông chùa vang vọng, ngân xa mỗi sớm chiều man mác: “Quê tôi có gió bốn mùa/ Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm/ Chuông hôm, gió sớm trăng rằm/ Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi”. Và nghe tiếng chuông chùa, tâm hồn ta nhẹ nhàng như quên bao nỗi phiền muộn, lo âu: “Xa xa vang tiếng chuông ngân/ Như đang gọi khách đường trần nghe đây/ Thanh âm linh diệu mỗi ngày/ Tiếng chuông hóa độ chuyển xoay tâm từ”. Tiếng chuông chùa vang vọng xa đưa – một biểu tượng của tâm linh mà khi tâm trạng của ta buồn thì nó là niềm chia sẻ, động viên; khi ta vui nó cùng hòa chung niềm hạnh phúc: “Chuông sương kêu gọi hồn kim cổ/ Lầu gió đi về bóng sắc không”.

Ngôi chùa, cửa Phật không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của những người xuất gia, mà còn là công trình văn hóa, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc, là môi trường rèn luyện đạo đức, nhân cách, giáo dục lòng từ bi, hỷ xả, làm lành, tránh dữ cho tăng ni, phật tử. Tiếng đại hồng chung là quốc hồn, quốc túy, là âm thanh cảnh tỉnh, vang vọng, giải thoát linh hồn người quá cố, làm thanh thản tâm hồn người đang sống. Gắn bó với quê hương, gắn bó với ngôi chùa, tiếng chuông chùa như một tự tình dân tộc, và đó cũng là cội nguồn, là cơ sở vun xới cho tinh thần yêu quê hương, đất nước để hình thành nên chủ nghĩa yêu nước của dân tộc ta.

Cùng với quá trình đấu tranh dựng nước, lịch sử dân tộc ta là lịch sử của quá trình giữ nước lâu dài và bền bỉ. Hiếm có một dân tộc nào trên thế giới phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm như dân tộc ta. Trong hơn 22 thế kỷ, tính từ cuộc đấu tranh chống nhà Tần từ thế kỷ thứ III trước công nguyên đến cuộc kháng chiến chống Mỹ ở thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam đã có hơn 12 thế kỷ phải tiến hành các cuộc kháng chiến giữ nước và đấu tranh chống ách đô hộ của ngoại bang. Độ dài thời gian, tần số xuất hiện, số lượng các cuộc đấu tranh của dân tộc ta lớn hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Trong các cuộc chiến chống ngoại xâm ấy, dân tộc ta luôn phải đương đầu với kẻ địch lớn mạnh hơn mình gấp nhiều lần, là những đế chế hùng mạnh bậc nhất ở phương Đông thời cổ – trung đại và những cường quốc phương Tây thời cận – hiện đại. Các cuộc chiến đấu rất không cân sức đó đã diễn ra hết sức ác liệt, nhưng cuối cùng dân tộc ta đều giành được thắng lợi. Nguyên nhân chủ yếu làm nên chiến thắng trong các cuộc đấu tranh ấy là dân tộc ta đã phát huy cao nhất chủ nghĩa yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động sức mạnh vật chất và tinh thần của toàn dân để chiến thắng hung tàn, bạo ngược. Một điểm đáng lưu ý nữa là các cuộc đấu tranh của dân tộc ta chống những thế lực ngoại bang là không chỉ để bảo vệ chủ quyền, thống nhất quốc gia, dân tộc mà còn là để bảo vệ thuần phong, mỹ tục và nền văn hóa riêng của mình. 

Những đặc điểm trên đã tác động sâu sắc đến toàn bộ tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam, ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn hóa Việt Nam và các tố chất tinh thần của dân tộc. Nó rèn luyện, hun đúc tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí thống nhất, độc lập, tự chủ, tạo nên khí phách anh hùng, quật cường của nhân dân ta. Trong quá trình dựng nước và giữ nước bi hùng đó, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, hay nói như Nhà sử học – GS Lê Văn Siêu: “Dân tộc là Phật giáo, Phật giáo là dân tộc”. Nếu nghiên cứu kỹ về lịch sử thì chúng ta càng thấy rõ vai trò và sứ mệnh của Phật giáo.

Vào thưở ban đầu của nền độc lập, tự chủ của nước ta, khởi đầu từ Ngô Quyền (năm 938), Phật giáo đã có tầm ảnh hưởng khá lớn trong đời sống xã hội. Dưới thời Đinh và tiền Lê (980 – 1009), nhà vua đã trọng dụng các danh tăng để làm quốc sư và đối ngoại với nhà Tống ở phương bắc, trong đó nổi bật là Thiền sư Khuông Việt và Thiền sư Pháp Thuận. Theo sử cũ chép lại, hai vị Thiền sư rất được vua Lê Đại Hành kính trọng, thường được mời vào triều để luận bàn việc chính trị, quân sự và ngoại giao. Có câu chuyện rằng: vào năm Thiên Phước thứ bảy (986), Sư Pháp Thuận được vua Lê Đại Hành nhờ cải trang làm người lái đò để đón sứ nhà Tống là Lý Giác sang phong tước hiệu cho nhà vua. Khi thuyền đang đi trên sông, bất chợt Lý Giác thấy hai con ngỗng đang bơi, cảm hứng ngâm hai câu thơ: “Nga nga lưỡng nga nga/ Ngưỡng diện hướng thiên nha”, nhà sư liền ứng khẩu ngâm tiếp: “Bạch mao phô lục thủy/ Hồng trạo bãi thanh ba” (sau này, Thượng tọa Mật Thể đã dịch: Song song ngỗng một đôi/ Ngửa mặt ngó lên trời/ Lông trắng phơi dòng biếc/ Sóng xanh chân hồng bơi). 

 Đến khi quốc thái dân an, cả hai đều không nhận sự phong thưởng của vua mà lui về lo việc tu tập, sống đạm bạc nơi cửa Phật. Cũng trong thời tiền Lê đã xuất hiện hai vị Thiền sư nổi tiếng là Vạn Hạnh và Lý Khánh Vân – những người có công nuôi dưỡng, giáo dục và un đúc nên một Lý Công Uẩn – sau này là vua Lý Thái Tổ, Người mở đầu triều đại nhà Lý, Người đã thể hiện một tầm nhìn chiến lược, mang tính quyết định đối với lịch sử dân tộc, khi dời đô từ  Hoa Lư, Ninh Bình về Đại La – Thăng Long (năm Canh Tuất – 1010) và từ đó đến nay, Thăng Long – Hà Nội mãi mãi là niềm tự hào của mỗi người con dân nước Việt, là một thủ đô của nước Việt Nam ngàn năm văn hiến. Dưới triều đại nhà Lý (1009 – 1225), đất nước ta đạt nhiều thành tựu phát triển rực rỡ cả về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, lập Văn Miếu để ghi công những người đỗ đạt cao, có công trạng với đất nước; mở Quốc tử giám – Trường đại học đầu tiên của nước ta để giáo dục, đào tạo nhân tài. Đặc biệt, vốn xuất thân từ Thiền Môn, được sự nuôi dạy của hai Thiền sư uyên bác Khánh Vân và Vạn Hạnh, vua Lý Thái Tổ hết sức coi trọng phát triển Phật giáo, xây dựng nhiều chùa, đình, miếu, mạo để vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, vừa làm chất xúc tác để gắn bó lòng dân trong xã hội. Mặc dù là một Phật tử, nhưng vì nhiệm vụ với đất nước, vì an sinh xã hội, nhà vua buộc lòng phải xuất chinh để giữ sự bình yên cho muôn dân và mở mang bờ cõi cho đất nước. Đó chính là thể hiện tinh thần bi – trí – dũng của Đức Phật. Các đời vua sau như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông đều mang ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo trong chính sách an bang trị quốc. Nói đến triều đại nhà Lý, chúng ta không thể không nhắc tới Thiền sư Vạn Hạnh – một trong hai người đã có công un đúc nên vị vua anh minh, nhân từ Lý Công Uẩn. Là một thiền sư, nhưng lại là một thiền sư uyên thâm tam giới, đem sở học sở chứng để xây dựng đất nước, đứng ngoài danh lợi thế sự mà vẫn tạo được lợi danh cho dân tộc một thời. Tu mà không rời bổn phận với đất nước; tham chính mà không dính mắc lợi danh; tâm linh là ngọn đuốc dẫn dắt mọi hành động, Đạo – Đời viên dung, mãi mãi được lưu danh sử sách.

Nói tóm lại, như sử gia Hoàng Xuân Hãn đánh giá: “Triều đại nhà Lý là triều đại thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó là nhờ ảnh hưởng của Phật giáo”. Các vua nhà Lý đều được học Phật và mời các thiền sư vào hoàng cung để đàm luận giáo lý, vì thế thiền học đời Lý đã thực sự phát triển với sự xuất hiện nhiều vị cao tăng như Khánh Hỷ, Viên Chiếu, Thường Chiếu, Bảo Giác… Các vị cao tăng này đã đóng góp vào kho tàng văn học Việt Nam một số thi ca, trước tác, bi minh rất đáng kể.

Như một quy luật, thành – trụ – hoại – không, triều đại nhà Lý tồn tại được 216 năm thì mất, đất nước bắt đầu với một triều đại mới – triều đại Nhà Trần, mở đầu là vua Trần Thái Tông (1225 – 1258). Trong lịch sử dân tộc ta, thế kỷ thứ XIII dưới triều nhà Trần, nước ta phải đối mặt với những thử thách sống còn đến từ ngoại bang, khi ba lần phải tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mông – Nguyên, một đế quốc hùng mạnh và tàn bạo vào bậc nhất vào thời bấy giờ, và cuối cùng, với ý chí, bản lĩnh, trí tuệ và sự đoàn kết thống nhất cao độ, dân tộc ta đều giành thắng lợi vẻ vang, đất nước ta giữ được độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Triều đại nhà Trần có nhiều vị vua rất sùng mộ Phật – Pháp và có công lao to lớn trong việc truyền bá đạo Phật trong cả nước. Một điều đặc biệt là các vua Trần thường nhường ngôi cho con lúc đang tại vị để làm Thái Thượng hoàng và xuất gia nơi cửa Phật. Tuy vậy, các vị vẫn luôn quan tâm, theo dõi chính sự của đất nước. Nổi bật trong số các vua Trần là Trần Nhân Tông – người đã trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288) của nhân dân ta đến thắng lợi, để lại cho đời hai câu thơ nổi tiếng “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng). Năm 1299, sau 14 năm làm vua, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông rồi làm Thái thượng hoàng và đi tu, trở thành người sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử – Phật hoàng Trần Nhân Tông. Chủ trương của Thiền Trúc Lâm là nhập thế, mà nhà vua là đệ nhất tổ, là Điều Ngự Giác Hoàng và còn được coi là hậu thân của Đức Phật Thích Ca. Đây là một phái thiền để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng dân tộc Việt Nam. Nhân Tông Thiền sư là một triết gia lớn của Phật học, giúp triết học Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ, thể hiện đầy đủ trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, đó là tinh thần thực tiễn, chiến đấu và ngoan cường. Con người Nhân Tông là sự tổng hòa, hòa quyện của một anh hùng cứu nước – triết nhân – thi sĩ.

Kết thúc triều đại nhà Trần, nước ta lại bị bước vào giai đoạn hơn 20 năm chịu ách thống trị của nhà Minh. Với thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, đất nước lại được thái bình. Dưới nhà Lê, do điều kiện chính trị – xã hội thời bấy giờ, vị trí của Phật giáo có phần kém thế hơn so với Nho giáo. Điều này cũng xuất phát từ thực tế là các vua nhà Lê phải lo củng cố chính quyền nhà nước phong kiến, thiết lập trật tự, kỷ cương xã hội sau nhiều năm bị phong kiến phương bắc thống trị, và muốn vậy thì nhà vua phải dựa vào các tư tưởng của Nho giáo để thực hiện. Song, Nho giáo chỉ phổ biến ở tầng lớp trên của xã hội, còn đại bộ phận dân chúng vẫn thấm đượm tư tưởng và đạo đức của Phật giáo. 

Có thể nói, đất nước ta từ thế kỷ XVI, XVII trở về sau xảy ra nhiều biến động chính trị – xã hội lớn. Có thời kỳ đất nước bị chia cắt hàng mấy trăm năm (Nam triều – Bắc triều, Đàng trong – Đàng ngoài), đời sống nhân dân chịu nhiều tai ương, khổ ải. Không nằm ngoài vận mệnh của dân tộc, Phật giáo thời kỳ này cũng chịu nhiều nỗi thăng trầm. Tuy vậy, dưới thời nhà Mạc, một số công trình chùa chiền cũng đã được xây dựng, sự quan tâm của vua nhà Mạc đối với Phật giáo cũng được thể hiện rõ hơn so với nhà Lê sơ. 

Vào thời kỳ đầu của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đã có nhiều chùa, tháp nổi tiếng được xây dựng. Có thể hiểu rằng, các chúa Nguyễn muốn lấy Đạo Phật làm chỗ dựa tinh thần cho công trình lập quốc và mở mang đất nước về phương nam của dòng họ Nguyễn. 

Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII là xã hội sôi động của những cuộc đấu tranh, của những biến động liên tục. Khởi nghĩa Tây Sơn thắng lợi đem lại những tư tưởng mới cho lịch sử Việt Nam, các trí thức thời kỳ này đã tìm cách kiến giải mới về xã hội, về tôn giáo, nhưng tôn giáo thời kỳ này vẫn chưa thoát khỏi tư tưởng tam giáo đồng nguyên.

Dưới triều nhà Nguyễn (1802 – 1945), hệ tư tưởng của Nho giáo giữ vị trí chủ đạo, song Phật giáo vẫn có chỗ đứng ngay trong cung đình, trong gia đình triều thần, trong các nho sĩ quan lại. Do vậy, việc tu sửa chùa chiền thời này vẫn được diễn ra và để lại những ngôi quốc tự nổi tiếng cho đến nay, tiêu biểu là Tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế, chùa Túy Vân… Phật giáo đã thấm sâu vào tư tưởng nhân dân, nó được quan hệ làng xã lưu giữ, duy trì. Trong quan niệm của nhân dân, trong văn học – nghệ thuật – kiến trúc… đều mang dấu ấn của Phật giáo.

Đánh giá về vai trò của Phật giáo đối với lịch sử dân tộc ta dưới các triều đại phong kiến, có lẽ không gì xác đáng hơn nhận định sau đây của Hòa thượng Mãn Giác: “Trong lịch sử dân tộc ta, Phật giáo đã có những thời vàng son thịnh đạt, nhưng chưa bao giờ Phật giáo tồn tại như một quyền lực thế trị và độc trị. Trong những thành đạt lịch sử cao nhất, có thể đem lại cho tôn giáo và tín hữu của mình những đặc ưu, đặc quyền to tát nhất, nhưng Phật giáo trước sau vẫn tồn tại với quần chúng, với triều đình, với chính quyền như một thế lực văn hóa mà thôi. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chỉ có những nhà vua bỏ triều đình đi làm nhà sư, chứ chưa hề có một trường hợp ngược lại; chỉ có những người phật tử xả thân cứu nước, chứ chưa hề có những người phật tử vì quyền lợi cá nhân, đồng đạo hay tôn giáo của mình mà hy sinh quyền lợi của quốc gia, dân tộc”.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dân tộc ta chịu nhiều biến động lớn về chính trị – xã hội. Đất nước rơi vào vòng đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân ta bị lầm than, khổ cực. Trong thời kỳ này, sự chấn hưng của Phật giáo đã tạo bước quan trọng của quan niệm dấn thân, gắn hoạt động tôn giáo với hoạt động chính trị – xã hội, gắn ý thức dân tộc với ý thức Phật giáo. Phật giáo đã tạo ra những phong trào lớn cho lịch sử Phật giáo và lịch sử dân tộc.

Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, những người phật tử không thể giáo điều, máy móc ôm khư khư giới luật là không phạm giới, mà để cho kẻ thù, quân xâm lược đang hung hãn giết hại đồng bào mình. Họ sẵn sàng dấn thân, giết một người để cứu muôn người. Không thể vì một điều thiện nhỏ cho cá nhân mà quên điều thiện lớn cho dân tộc, ở đây là phá giới theo tinh thần phá chấp. Chả thế mà ca dao ảnh hưởng của Phật giáo có câu “Dù xây chín bậc phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người”. Cứu một con người còn hơn cả xây chín bậc phù đồ. Bởi vậy, việc cứu cả một dân tộc, một đất nước, cả trăm họ là công việc khẩn thiết, cấp bách hơn cả, dù có phải vi phạm giới luật. 

Trong kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), Sư Thiện Chiếu cũng đã viết đôi câu đối lên trước cửa chùa Linh Sơn, nơi ông làm giáo thụ: “Phật giáo nhu nhập thế, nhi phi yếm thế/ Từ bi nãi sát sinh, từ độ chúng sinh” (Đạo Phật là nhập thế chứ không phải yếm thế/ Từ bi là hy sinh để cứu độ chúng sinh).

Quan niệm từ bi của Sư Thiện Chiếu nói riêng, của Phật giáo Việt Nam nói chung là hoàn toàn khác so với Phật giáo nguyên thủy. Phải chăng đó là điểm độc đáo, đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, một cống hiến mới vào kho tàng Phật giáo thế giới? Nếu quả vậy thì cống hiến này, một mặt là do tinh thần sáng tạo của người Việt Nam tạo nên (dân tộc tính), một mặt nó được quy định bởi hoàn cảnh địa lý, lịch sử, kinh tế, xã hội, chính trị của nước ta. “Cái khó bó cái khôn”, nhưng “Cái khó cũng ló cái khôn” là vậy.

Chính với tinh thần nhập thế cùng dân tộc như vậy mà trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đại đa số đồng bào phật tử cùng nhiều chư tăng, chức sắc đã tích cực ủng hộ và tham gia các hoạt động do Việt Minh phát động, góp phần giành lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc sau hơn 80 năm chịu thân phận nô lệ. Trong thư gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bác Hồ có viết: “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ vững thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Thế là chúng ta đã làm theo lòng đại từ, đại bi của Đức Phật Thích ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ nô lệ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đi theo truyền thống yêu nước của Phật giáo Việt Nam, nhiều nhà sư trên con đường giác ngộ Phật giáo đã giác ngộ cách mạng, nhiều nhà tu hành giúp đỡ và đi theo kháng chiến, họ bị tù đày, thậm chí hy sinh anh dũng, nhiều chùa chiền trở thành cơ quan của cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám, một đơn vị quân đội gồm toàn tăng ni đã được thành lập ở Đông Triều, Quảng Ninh, theo Trung tướng Nguyễn Bình vào Nam chiến đấu và họ đã chiến đấu anh dũng, nhiều người hy sinh nằm lại ở chiến trường miền Nam. Những đóng góp của đồng bào phật tử trong kháng chiến kiến quốc trong buổi đầu mới giành được độc lập là rất quan trọng, mà thư gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1947, Bác Hồ đã viết: “Trong cuộc kháng chiến cứu nước, đồng bào Phật giáo đã làm được nhiều việc. Tôi cảm ơn đồng bào và mong đồng bào cố gắng thêm, cố gắng mãi, cho đến ngày trường kỳ kháng chiến thắng lợi, thống nhất độc lập thành công”.

Phát huy tinh thần yêu nước và nhập thế của đạo Phật, trong những năm đất nước bị chia cắt, ở miền Nam, đồng bào Phật tử đã vùng lên đấu tranh chống lại chế độ độc tài, gia đình trị và chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Được hun đúc bởi truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, được thấm nhuần tinh thần giáo lý nhà Phật, lại được diễn ra trong một thời kỳ mà cả đất nước đang tiến hành cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc, chính những yếu tố đó đã cho phép tăng ni, phật tử, mọi giới đồng bào miền Nam trong phong trào Phật giáo phát huy cao nhất tinh thần yêu nước, yêu đạo để đương đầu với chính sách bất công của chính quyền họ Ngô. Diễn ra chưa đầy 6 tháng của năm 1963, trong phong trào Phật giáo đã có biết bao hình ảnh bất khuất làm xúc động lòng người, mà cao nhất là hình ảnh của những nhà sư ngồi thiền bất động tự thiêu với một tâm nguyện cao đẹp là đất nước thanh bình, chúng sinh an lạc. Hòa thượng Thích Quảng Đức lấy thân mình làm ngọn đuốc thiêng, với trái tim bất diệt, đã trở thành vị Bồ tát. Ngài để lại những bài kệ giàu tính nhân văn và tâm huyết: “Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình/ Làm đèn soi sáng nẻo vô minh/ Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác/ Tro trắng phẳng san hố bất bình/ Thân cháy nát tan ra tro trắng/ Thần thức nương về giúp sinh linh/ Hỏi ai mộng ảo đang còn mộng/ Hãy gấp tỉnh đi kẻo giật mình” và “Cùng hàng Phật tử tại gia/ Hãy quên bản ngã bỏ cái ta/ Gấp sửa thâm tâm vì đại cuộc/ Ngàn năm sử Việt vẫn Phật gia/ Thân tôi dù cháy linh thiêng máu/ Thần thức tôi luôn giúp đạo nhà/ Đã mang danh thế con dòng Thích/ Bi, trí, hùng sao chẳng đem ra?”.

Ngọn lửa thiêng ấy vẫn âm ỉ cháy trong lòng người dân Việt cho đến khi vận hội non sông đến, đất nước được thống nhất, hòa bình và đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh mới, để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của cả nước, ngày 01/12/1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra đời trên cơ sở hợp nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo ở nước ta với hơn 15 ngàn ngôi chùa, 03 Học viện Phật giáo, 01 Viện Nghiên cứu Phật học, 30 trường trung cấp Phật học. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo chung của đồng bào Phật tử cả nước, tổ chức Phật giáo hợp pháp duy nhất ở Việt Nam. Với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, nhập thế, hộ quốc, an dân, có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực không chỉ để hành đạo mà còn ra tay giúp đời. Với những công lao to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh – Huân chương cao quý của Nhà nước ta. Từ khi có Giáo hội, Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển: bộ kinh Đại tạng lần đầu tiên được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt; hệ thống các trường Phật học được mở rộng, kinh sách Phật giáo được phổ biến, số lượng tín đồ ngày càng tăng… Sự phát triển của Phật giáo Việt Nam không tách rời sự phát triển của đất nước, hay nói cách khác, Phật giáo Việt Nam đã, đang và luôn luôn đồng hành cùng dân tộc trong tiến trình phát triển. Tính từ khi hòa bình, thống nhất đến nay, nước ta đã đi một hành trình dài để từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị bao vây, cô lập trở thành một nước có thu nhập trung bình trên thế giới, vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng cao và Việt Nam không chỉ là biểu tượng của tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm mà còn là một biểu tượng của hòa bình, hòa hợp, năng động và hiếu khách. Đặc biệt, trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) do Liên hiệp quốc khởi xướng từ năm 2000, Việt Nam là một trong ít quốc gia trên thế giới có khả năng hoàn thành các mục tiêu đến năm 2015, trong đó thành tựu ấn tượng nhất là về giảm tỷ lệ đói nghèo. Trong thành tựu ấy có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, mà không thể không nhắc tới sự góp phần có hiệu quả của Phật giáo Việt Nam. Làm cho mọi người cùng được hưởng hạnh phúc, an bình, chẳng phải là lời dạy của Đức Phật hay sao? Do vậy, việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam chọn chủ đề cho Đại lễ VESAK Liên hiệp quốc tổ chức năm nay tại Việt Nam là “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc” lại một lần nữa chứng minh tinh thần nhập thế, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Sẽ thật là thiếu sót nếu nghiên cứu về Phật giáo mà chúng ta không nói đến Phật giáo Huế. Là một bộ phận của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Huế vừa mang những đặc tính của dân tộc, vừa có những nét riêng khác của vùng đất, con người cố đô. Trải qua thời gian, cùng với sự tác động của nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa, địa lý, nhân văn, đến nay, nhiều nhà nghiên cứu vẫn khẳng định rằng, Huế là một trong 3 trung tâm Phật giáo lớn của cả nước. Phật giáo Huế đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng nước, giữ nước, giữ gìn, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đối với người dân Huế, kể cả người theo đạo Phật lẫn những người không theo đạo Phật, thì câu ca dao“Gió đ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here