Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phật giáo và con người đất Bình Định

Phật giáo và con người đất Bình Định

348
0

 

Con người và văn hóa đất Bình Định, trong đó có tinh thần chân lý như thị của Phật giáo đóng góp rất lớn, đem nhiều lợi lạc cho cuộc sống hôm nay và cả đến mai sau. 

1 – Con người đất Bình Định
Khi nói đến con người và văn hóa Bình Định, một cách tổng quan, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những khía cạnh nhân văn rất đáng ngưỡng mộ. Trước hết đó là  Đào Duy Từ (1572 – 1634), trải lòng trắc ẩn qua những áng văn thơ của một danh sĩ bôn ba đội lốt chăn trâu, chí nam nhi thời loạn, sự thức thời của sứ mạng vua tôi bên cạnh lẻ ứng sử trong bối cảnh một đất nước tồn vong vì họa ngoại bang. Ông còn là người đầu tiên mang về cho Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635) bộ môn nghệ thuật Hát Bội (Tuồng) đặc sắc. Là một Đào Tấn (1845 – 1907), ông Hậu Tổ của nền nghệ thuật Hát bội đặc sắc của dân tộc, ông còn là nhà  nhà văn, nhà thơ lỗi lạc, rất am tường Phật học lẫn Nho học. Rời một Mai Xuân Thưởng (1860 – 1887) với mỗi tiếng thơ làm mỗi tiếng thốt ra từ cõi lòng trước lúc đầu rơi. Một Tăng Bạt Hổ (1858 – 1906) với con đường truân chuyên bôn ba tứ xứ. Một Nguyễn Bá Huân ưu thời mẩn thế (1853 – 1915). Nguyễn Trọng Trì (1854 – 1922) chí khí lắng sâu đêm nguyệt tận, một lòng  một dạ với nghĩa quân Cần Vương. Là Đào Phan Duân (1864 – 1947) tiết tháo,  bỏ mặc ven đường học vị Phó Bảng đề đánh Tây. Một Hồ Sĩ Tạo (1841 – 1907) xả thân dưới cờ nghĩa, nằm lại đất này cho thơm tiếng Bình Định ngàn sau. Hay như đất Vân Sơn có năm anh em nhà họ Nguyễn rất giỏi thơ phú, thi ca, tiếng tốt vang xa ai cũng đều mến phục.

Riêng trong dòng thơ mới, đất Bình Định còn sản sinh ra những nhà thơ tài danh như một Xuân Diệu (1916 – 1985) với nỗi cô đơn lai láng trong biển tình nhân thế. Hàn Mặc Từ (1912 – 1940) bó hoa của những miền phiêu linh. Một Chế Lan Viên  (1920 – 1989) với gạch rụng sao rơi vắt ngang những ánh mắt Chiêm Thành. Còn có một thi nhân Quách Tấn trang trọng, đài các của ngọn gió Đường Thi phả trên bờ dậu lũy tre, suối ngọt mây thơm quê hương Bình Định. Nơi này còn có tiếng gọi đò chờn vờn trong trăng lạnh của một Yến Lan (1916 – 1998) trầm mặc bên cạnh  ngọn bút viết kịch  tài hoa. (1)  

Đó là chưa nhắc đất Bình Định gắn liền với câu ca dao xưa ca ngợi là một miền đất võ vang lừng khắp đó dây, nhất là khi cuộc chiến thắng của anh em nhà Tây Sơn thì môn võ đặc thù đã được thành hình và lan rộng mọi nơi. Trong đó, trống võ Tây Sơn đã trở thành một môn nghệ thuật xuất sắc mà đến bây giờ vẫn còn làm du khách say đắm mỗi khi ghé thăm.

 

2 – Phật giáo đất Bình Định
Miền đất võ Bình Định cũng là miền đất Phật, miến “đất lành chim đậu”, được nhiều chư thiền Tổ ghé bước hoằng hóa và Chư tôn thiền đức bản địa xây dựng  mạng mạch Phật đạo từ trong sâu thẳm, qua nhiều giai đọan, thời gian, đã xây dựng nên hình ảnh Phật giáo Bình Định rạng rỡ như ngày hôm nay. Đặc biệt trước tiên có thể kề đến Tổ Nguyên Thiều (1648 – 1728), Hòa thượng Thích Phước Huệ (1875 – 1963), Hòa thượng Bích Liên – Trí Hải (1876 – 1950)… Nếu chúng ta tính từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1619 – 1682), khi Tổ Nguyên Thiều từ Quảng Đông (Trung Quốc) sang An Nam và an trú ở Quy Ninh (tức Bình Định ngày nay) vào năm Ất Tỵ (1665) và kiến tạo chùa Thập Tháp Di Đà, thì Phật giáo Bình Định đã thực sự bước vào trang sử chung trong công cuộc hoằng hóa của Phật giáo Việt Nam. Hơn thế nữa, Tổ Nguyên Thiều còn là cầu nối giữa Phật giáo hai nước An Nam và Trung Hoa, trao đổi nhiều kinh điển có giá trị để cùng nhau tu học. Điều này cho thấy, lý tưởng Từ Bi và con đường  hoằng hóa của Phật đà luôn mang trong mình sức sống vị tha, nhân ái và hòa bình, hữu nghị qua từng bước chân hài cỏ của chư tổ ngàn xưa mà hình ảnh Tổ Nguyên Thiều là một điển hình cao đẹp ấy. Với Hòa thượng Thích Phước Huệ, vị danh tăng làm rạng danh thêm cho Phật giáo và vùng đất Bình Định, khi vào các triều vua Thành Thái (1889 – 1907), Duy Tân (1900 – 1945) và Khải Định (1885 – 1925) thường mời vào cung thuyết giảng nên được triều đình và sơn môn đồ chúng tôn xưng Quốc Sư.  

Năm 1970, để tưởng niệm và ghi công, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bình Định đã chọn pháp hiệu của Hòa Thượng đặt tên cho Phật học viện tại tổ đình Thập Tháp: Phật học viện Phước Huệ. “Cái tướng Hữu, Vô trong tâm pháp của Ngài đã thống nhất, giúp cho hạnh nguyện độ thoát quần mê và sự tự tồn dân tộc qua Duy Tân (Vua), Tâm Minh (cư sĩ), Mật Thể, Thiện Hoa (tu sĩ).v…v.. trở thành ngọn nguồn bất tận, đến muôn đời sau của Phật giáo Việt Nam” (2).

Hòa thượng Bích Liên – Thích Trí Hải, người con của đất An Nhơn hiền hậu, Ngài cũng góp phần làm rạng danh Phật giáo Bình Định nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung trong quá trình tích cực tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo, phụng sự tạp chí Từ Bi Âm thường xuyên, góp phần gióng lên hồi chuông thức tỉnh cho Phật giáo đồ khắp chốn.Với văn phong chữ Nôm rất chỉnh chu, Hòa thượng phiên dịch trước tác các tác phẩm giá trị như Liên Tông Thập Niệm Yếu Lãm, Tịnh Độ Huyền Cảnh, Tây Song Ký, Tích Lạc Văn. Đặc biệt hơn các bài sám nghĩa “Sơn Cảnh Sách” và “Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi”, hai tác phẩm chữ Nôm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp văn chương của Hòa thượng và là các bản sách gối đầu giường cho các thế hệ mới bước vào nẻo xuất gia. Đó là chưa nói đến hành trạng và công lao của Chư tôn thạc đức khác của Phật giáo Bình Định, từng vị với nhiều trọng trách khác nhau và điều kiện thời gian khác nhau, góp phần nâng cao vị thế  Phật giáo tỉnh nhà thêm cao trong lòng dân tộc. Như Hòa thượng Hưng Pháp (1887 – 1075), HT.Tâm Hoàn (1924 – 1981), HT.Giác Tánh (1911 – 1987), HT.Thích Đổng Quán (1925 – 2009), Ni trưởng TN Diêu Hiền ( 1939 – 2014), HT.Thích thiện Nhơn (1931 – 2015), HT.Thích Quảng Bửu (1944 – 2016), HT.Thích Tịnh Nhẫn (1948 – 2013), HT.Thích Phước Thành (1918 – 2014) …

Phật giáo Bình Định còn sản sinh ra dòng tán tụng của riêng mình, so với Phật giáo Huế và Phật giáo Phú Yên, ba vùng đất có hệ tán tụng trong nghi lễ Phật giáo của vùng Trung Trung bộ này, góp phần không nhỏ vào sự đa dạng văn hóa, nghệ thuật, phổ cập trong công cuộc hoằng hóa theo chiều dài lịch sử của từng vùng đất Phật giáo hiện diện. Điều này chứng tỏ Phật giáo Bình Định  xứng đáng là một vùng đất vốn là nơi xuất thân của nhiều bậc danh tăng lỗi lạc.

3 – Hát Bội đất Bình Định
Võ truyền thống, văn chương kiệt xuất, tất cả như thấm đượm tinh thần thưởng thiện phạt ác và từ bi vị tha của Phật giáo qua hai ngàn năm chia ngọt xẻ bùi và hòa quyện cùng dân tộc. Chỉ riêng bộ môn nghệ thuật hát Bội thôi cũng đủ chứng minh Bình Định chính là cái nôi sản sinh cho gia sản văn hóa dân tộc bộ môn đặc sắc này. Ở Bình Định, hầu như vùng nào người dân cũng ghiền và biết ca diễn Hát Bội. Có thời, mỗi xã thậm chí mỗi thôn nào cũng đều có thành lập một đoàn Hát Bội. Song để  có được tính chuyên nghiệp cao để được mời đi hát Tế, hát Thứ Lễ thì không phải đoàn nào cũng làm được. Thí dụ, ví nằm gần làng Hát Bội Nhơn Hòa, gần học bộ đình Vinh Thạnh của Đào tấn nên người Nhơn Thành, An Nhơn không chỉ mê mà còn rành Hát Bội. Đã có nhiều gánh hát Bội thì phải có bộ phận chuyên dựng rạp, sàn diễn. Vì thế ở vùng Đại Chí, xã Tây An, huyện Tây Sơn xưa có một tốp thợ chuyên phụ trách chuyện dựng rạp đi hát lễ. Đám hát nào họ cũng được mời đến trang trí rạp trước, ví có tay nghề cao và mang tính chuyên nghiệp hẳn hoi (3).

Không chỉ là yếu tố giải trí đơn thuần, người Bình Định nói riêng và khắp nơi nói chung, ngay từ buổi đầu sơ khai của bộ môn nghệ thuật Hát Bội đã mang lại,  người ta yêu thích bởi nội dung chứa đựng đạo đức, nhân văn của  Hát Bội rất dầy đặc. Vì thế các vở diễn thường có kết cục có hậu dù rằng ai cũng có thể biết trước. Điều rất thú vị là ở chỗ đó của Hát Bội. Điều này cũng ví như từng gương mặt hóa trang, điệu bộ, vũ đạo, khi diễn viên vừa bước ra sân khấu  người xem nhận ra ngay hành tung của nhân vật đó ngay. Chính yếu tố đạo đức, nhân văn cao của hát Bội mà ông bà ta xưa đã xây dựng lối nghệ thuật ước lệ thông minh, không rườm rà hình thức tranh dành với giả hợp  chung quanh, để người xem tập trung vào nhân vật, vào nội dung vở diễn.

Như đã nói, Phật giáo là một trong những nguyên tố quan trọng, góp phần hình thành nên nếp sống, lối sống của người và văn hóa đất Bình Định. Nghệ thuật hát Bội cũng nằm trong nếp sống văn hóa ấy. Khổng Tử đã nói “Thẩm âm tri chính” – Qua âm nhạc, nghệ thuật, để muốn biết giá trị tinh thần văn hóa nơi đó ra sao. Còn văn hào Pháp Victor Hugo (1802 – 1885) thí chinh trị hóa hơn khi cho rằng “Một dân tộc nô lệ, nghệ thuật làm cho nó tự do; một dân tộc tự do, nghệ thuật làm cho nó vĩ đại”. Vì thế chúng ta từng chủ trương ra và sức bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc  chính là gìn giữ ý nghĩa  to lớn này. 

 

Một thí dụ điển hình về giá trị tinh thần Phật giáo, con người và văn hóa đất Bình Định qua nghệ thuật Hát Bội. Đó là cụ Đào Tấn (1845 – 1907), một người con đất Bình Định (người làng Vĩnh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), một người rất am tường Phật học lẫn Nho học. Cụ là người có công lao rất lớn khi có một cuộc chỉnh biên các vở tuồng Hát Bội trong phường bản – tức các vở  đã có trước lưu hành trong dân gian. Và khi chỉnh biên xong đã trở thành các vở của kinh bản, dưới triều vua Minh mạng (1791 – 1841). Vở hát Bội tiêu biểu nhất mà cụ dày công chăm chút  là vở San Hậu. Một trong những vở Hát Bội hoàn toàn của đất nước và con người An Nam chúng ta, không phải của Trung Hoa, dù nội dung có giã định từ ngữ “Nhà Tề “ và “Nhà Tạ”. Theo các nhà nghiên cứu, chính cụ Đào Tấn đã chỉnh sửa và viết lại toàn bộ hồi thứ III của vở San Hậu, Nơi mà có rất nhiều tình huống nhân vật kịch chạm rất sâu vào tư tưởng Phật giáo. Trước hết  về “thứ tự cấp bậc”( xin phép được nói vui) trong nhà Phật. Khi bà Nguyệt Hạo Tam Cung (Tạ Nguyệt Kiểu) vì buồn  chán ba đứa em dòng họ Tạ nhà mình, bỏ vào tây Sơn Tự  xuất gia, nơi đó hiện có bọn xấu (Giả Ngu) mạo danh tu hành chiếm ngụ, bày sẵn kế mưu để hảm hại bà, nhưng Hộ Pháp “ra lệnh” cho Thành Hoàng: “Phụng mệnh Như Lai khiến / Nào dương cảnh Thành Hoàng (nghe ta dặn) Nay có bà Nguyệt Hạo nương/ Thìn lòng nhân đức. có dạ tu trì/ Vã đây gần sơn tự ác tăng/ khá bảo hộ người lành kẻo hại.” Thành Hoảng đáp: “Thừa kim Thần sắc hạ/ Quản chúng tới hộ tòng/ Phòng khi chúng nó hành hung / Thời đã có ta bảo hộ”. Xuất hiện trong vở chỉ có mấy câu đới đáp đó chỉ bằng âm thanh hậu trường, thay vì cho Quan Âm Bồ Tát ra tay thậm chí Như Lai Phật Tổ giáng phép, bấy nhiêu đó cũng đủ chứng minh ngòi bút của Đào Tấn hiều biết Phật học ở cấp độ nào. Đã có nhiều ý kiến khẳng định Nội dung Hát Bội  hầu hết đều đề cao Nho gia, ca ngợi khí tiết quân chủ “Quân xử thần tử, Thần bất tử bất trung, bất hiếu”. Do đó con có thể chống lại cha mẹ hay ngược lại, anh em, thân bằng quyến thuộc có thể trở thành cừu nhân chỉ vỉ để bảo vệ nề nếp của đạo quân thần tử theo kiều ấy. Và như thế người ta so sánh vai trò Phật giáo trong các vở hát Bội thường bị lu mờ, thậm chí trái ngược với chủ đề nền tảng Nho gia. Thật ra  sự xuất hiện của Phật giáo trong nội dung  Hát Bội thường nằm ở góc độ tiềm ẩn và bàng bạc trong các nội dung là triết lý Nhân – Quả khá rỏ nét. Có thể gọi đó là cái NHU so với cái CƯƠNG của Nho gia trong Hát Bội. Trong vở hát Bội San Hậu thì những điều đề cao Nho gia đều bị hụt hẩng bởi cái NHU của Phật giáo thắng thế. Quả thật cụ Đào Tấn  luôn muốn đề cao triết lý Từ Bi, Nhân – Quả  của Phật giáo rõ nét hơn, phủ trùm lên nhiều nhân vật. Khi bọn Giã Ngu bị Thành Hoàng Thổ địa vặn họng bẻ tay thì kịp lúc Đổng Kim Lân và Phàn Diệm cũng tới nơi và nói “Tới đây vì có Thần linh/ Cứu đặng cũng nhờ ơn Phật”. Và triết lý từ bi Nhân – Quả của Phật giáo trong vở được cụ Đào Tấn đầy lên đỉnh điểm ở phần cuối vở San Hậu. Đó là cảnh trước Phật đài hương khói uy nghiêm của Tây Sơn Tự Bà Tam Cung Nguyệt Hạo – hiện cũng là  một vị Ni giới xuất gia, cho năm anh em dòng họ Tạ (hiện đang còn sống sót có hai Tạ Thiên Lăng và Tạ Lôi Vân), đang quỳ phủ phục, thấy rõ cái Quả mà họ đã tạo ra trước đây mà mình đã từng khuyên ca nhưng không được. Với cái NHÂN lành của bà Nguyệt Hạo trước đây, từng ra tay cứu giúp mẹ con thứ phi Phượng Cơ và ấu chúa, nay vua đã được  6 tuổi, bà van xin tha mạng cho hai đứa em tội nghiệp do nghiệp chướng sâu dầy. Hoàng tử vội đỡ  bà đứng lên và kính thưa lễ phép “Thưa Á Mẫu! Chi hai mạng chẵng dung/Ước còn năm cũng thứ”. Thông thường đạo vua tôi Quân – Thần – Tử, công và tội phân minh. Xử chém trước rồi nói chuyện ơn nghĩa sau. Ở đây lại khác, cụ Đào Tấn nhấn mạnh đức hiếu sinh và lòng từ đại lượng của Phật giáo bao giờ, lúc nào, ở đâu cũng nằm trên thế  thượng võ, đáng được đề cao.

Tưởng cũng cần nói thêm rằng trong nghệ thuật hát Bội có nhiều thể loại để phân định qua cách gọi Tuồng Đồ, Tuồng Pho, Tuồng Truyện, Tuồng Hài, Tuồng Dân Gian…Như vậy vở San Hậu thuộc thể loại Tuồng Đồ, tức phóng tác hay dựa theo, không có trong sử sách. Tuồng Pho là thể lọai biểu diễn dài hơi, kéo dài nhiều đêm mới hết vở diễn. Tuồng Truyện phần lớn thuộc  truyện của Trung Hoa như Tam Quốc Chí, Tiết Nhơn Quý…Tuồng Hài như“Ông Trượng Tiên Bửu, Ông Địa và Nàng Tiên, Trương Ngáo Đòi Nợ Phật, Trương Đồ Nhục…Tuồng Dân Gian như Ăn Khế Trả Vàng, Quan Âm Thị Kính. Quả Báo Nhãn Tiền…Qua đó, chúng ta thấy rõ không phải vở diễn Hát Bội nào cũng  thuộc  lịch sử, câu chuyện của Trung Hoa. Ngay cả cách hóa trang, điệu hát hoàn toàn  không giống bất kỳ một chi tiết nào của thể loại Kinh Kịch của xứ người. Có thể, còn chút vương vấn  bị cho là “lai Tàu” hoặc qua  các bộ giáp trụ của diễn viên Hát Bội chúng ta? Nhưng điều đó cũng không cáo gì sai trài một khi tinh túy và hình thức của Hát Bội đã hoàn toàn  thuộc về bản sắc người An Nam từ lâu. Ngay như Hát Bội Bình Định (đại diện cho cả khu vực miền Trung) và Hát Bội miền Nam cũng đã rất khác nhiểu mặt, dù nội dung các vỡ diễn vẫn trung thành, thống nhất như nhau. Tưởng cũng chẳng thứa khi chúng ta  biết thêm một thí dụ nữa là về vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại (miền Nam gọi thân mật là Thầy Ba Đợi), vốn là một nhạc quan triều đình nhà Nguyễn, chạy tránh loạn vào nam sáng tác các bài bản được cho là các bản Tổ của Nhạc Lễ và  nhạc tài tử Nam Bộ, dựa vào tiêu chuẩn của hệ thống  nhạc cung đình Huế và ca Huế trong dân gian. Vì thế tuy nghe tựa đền bài hát không khác với Ca Huế  hay nhạc cung đình như Lưu Thủy, Cổ bản Kiêm Tiền, Phú Lục, trong hệ thống “Ba Nam, sáu Bắc, Bảy bài”, hay “Tám bản Ngự”…nhưng khi nghe thì khác xa nhau hoàn toàn. (Long vị của ông Ba Đợi thờ tại đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ huyện Cần Đước tỉnh long An: “Phụng sự quá vãng Nguyễn Quang Đại nhứt vị chi linh – Hoàng triều nhạc sư – Nam Bộ đại nhạc tông”).

4 – Tổng Luận
Như vậy, con người và văn hóa đất Bình Định, trong đó có tinh thần chân lý như thị của Phật giáo đóng góp rất lớn, đem nhiều lợi lạc cho cuộc sống hôm nay và cả đến mai sau. Có những con người, những vấn đề vì  nhiều nguyên do khách quan nào đấy, còn đang chờ đợi nhân duyên tác hợp để củng cố và tăng cường cho sức mạnh Phật giáo cũng như con người Bình Định. Ai trong chúng ta cũng đều có chung một niềm tin như thế vì đó là một niềm tin chánh đáng, và trên hết bằng tinh thần yêu truyền thống dân tộc thiết tha, nhất định một tương lai tươi sáng sẽ sẵn chờ đón phía trước.
 
Dương Kinh Thành
—————————
Các chú thích:
1) Trích văn Hóa và con người Bình Định.

2) Trích Danh Tăng Việt Nam-NXB Tôn Giáo 2017-Đồng Bổn chủ biên.

– Lược Khảo Phật Giáo Sử VN- Vân Thanh- VHĐ ấn hành 1974.
– Lịch sử Phật giáo Đàng trong- Nguyễn Hiền Đức- Tập I-NXB thành Phố 1996
3) Theo Hát Bội Bình Định-Văn Hoc Nghệ Thuật-vanchuongviet.org.
Và các  bài viết chuyên đề Nghệ thuật sân khấu Phật giáo của  tác giả đăng trong các tạp chí và Tập Văn BVNTW/GHPGVN số 41/ NXB TP.HCM 1998.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here