Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phật giáo trong đời sống của người Việt

Phật giáo trong đời sống của người Việt

137
0

Nhưng theo tôi, điều quan tâm trước tiên là tôn giáo hướng dẫn con người như thế nào trong cuộc sống, kể cả cuộc sống gia đình và cuộc sống xã hội, quốc gia và cuộc sống cá nhân của mỗi người. Với sự hướng dẫn của đạo Phật, đời sống cá nhân của chúng ta có được tốt đẹp lên hơn không, đem lại nhiều lợi ích cho bản thân và gia đình cũng như xã hội hay không. Nói cách khác, đạo Phật quan hệ đến đời sống của mỗi người Việt chúng ta, cũng như quan hệ đến đời sống gia đình, xã hội và quốc gia như thế nào? Quan hệ đó là tích cực hay tiêu cực?

1. Vai trò của đạo Phật trong đời sống của dân tộc và quốc gia.

Trước hết , tôi muốn nói rõ vai trò của Phật giáo trong đời sống của quốc gia và dân tộc Việt Nam. Một vấn đề mà cho đến nay, một số trí thức của chúng ta vẫn còn thắc mắc, cho rằng đạo Phật đã là đạo giải thoát và siêu thế, đạo đặc sắc không không thì sao lại còn quan tâm tới vận mệnh quốc gia dân tộc và xã hội mà làm gì. Đó là một quan điểm rất không đúng, cần được phản bác về mặt lý luận cũng như về thực tế lịch sử.

Giá trị lớn lao của đạo Phật đối với đời sống con người, tất nhiên bao gồm cả đối với đời sống như thế nào cho tốt, thiết thực có ý nghĩa cho đất nước, cho xã hội, cho gia đình và cho bản thân chúng ta. Nếu nói theo từ ngữ của đạo Phật, thì đạo Phật dạy chúng ta biết rõ thế nào là khổ, và làm thế nào để sống mà không đau khổ. Đó là mục đích chủ yếu của đạo Phật, là chân giá trị của đạo Phật.

Tất nhiên, đi chùa, lễ Phật, tụng Kinh, ăn chay cũng là sống theo đạo Phật. Thế nhưng thử hỏi, trong một tháng có bao nhiêu ngày, và trong một ngày có bao nhiêu giờ ta lễ Phật, tụng Kinh? Thế thì trong những ngày khác, giờ khác, chúng ta không đi chùa, không tụng Kinh thì chúng ta sống ra sao? Do đó, biết rằng nói sống theo đạo Phật là sống hằng ngày, hằng giờ chứ không phải chỉ trong những khi chúng ta đi chùa, lễ Phật, tụng Kinh. Do đó mà người Việt Nam chúng ta thường nói tu theo đạo Phật là tu ở nơi tâm mình, lòng mình… Đó là một đặc sắc rất quý báu của đạo Phật nói chung và đạo Phật Việt Nam nói riêng.

Nguyễn Du nói trong phần kết luận truyện Kiều: “Thiện căn ở tại lòng ta”. Ý Nguyễn Du nói gốc của điều thiện là ở lòng mình; chứ không phải ở hình thức bên ngoài.

Đi chùa, lễ Phật, tụng Kinh mà làm chi nếu: Miệng Nam mô mà bụng là cả một bồ dao găm !

Đây là câu nói dân gian. Nó quan hệ tới đạo Phật vì nó có dùng hai từ Nam mô, rất quen thuộc đối với những người niệm Phật. Nam mô có nghĩa là thành tâm quy ngưỡng. Nam mô A Di Đà Phật là thành tâm quy ngưỡng Phật A Di Đà. Nhưng câu này còn quan hệ với đạo Phật ở điểm rất quan trọng là tốt hay không tốt không phải ở nơi cửa miệng, mà ở nơi tấm lòng.

Ở các chùa, thường tối nào cũng có khóa lễ. Trong bài khóa lễ thường có tụng bài kinh ngắn là Tâm Kinh, tức là Kinh Lòng. Đọc tụng Tâm Kinh, tức là Kinh Lòng để cho tâm mình, lòng mình dần dần được trong sáng.

Lòng ấy, theo nhận thức của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Phật giáo đời Trần là đỉnh cao của Phật giáo Việt Nam, lòng ấy chính là Phật, là Bụt.

Các nhà Phật học đời Trần cho rằng, tin rằng Phật chính là lòng mình, lòng mình là Phật không khác. Do đó, mà khi vua Trần Thái Tông bỏ kinh thành lên núi Yên Tử  để tìm Phật, thì Quốc sư Viên Chứng, lúc bấy giờ đang ở chùa Hoa Yên khuyên vua rằng: “Sơn bổn vô Phật, duy tồn hồ tâm. Tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật”. Ý là : Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có ở trong lòng. Lòng lặng mà biết thì đó là ông Phật thật.

Quốc sư Viên Chứng muốn nói rằng lòng người sở dĩ không biết, không giác ngộ là vì lòng xao xuyến không yên lặng được.

Cái gì làm cho tâm mình, lòng mình không yên lặng được? Đạo Phật cho rằng có hai điều. Một là làm điều ác, khiến cho lòng bứt rứt không yên. Hai là tham lam quá nhiều, khiến lòng mình như quay cuồng chạy theo dục vọng, thanh sắc, không bao giờ dừng nghỉ.

“Tham thì thâm,
Bụt đã bảo rằng chớ có tham”.

Lòng mình tức là Bụt vốn thầm bảo ta rằng chớ có tham, nhưng ta vẫn cứ tham. Tham đủ thứ: Tham tiền, tham sắc, tham danh, tham ăn, tham ngủ…gì cũng tham. Thực ra tâm ta rất sáng suốt. Nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng nói đích thực của tâm thì chúng ta đỡ khổ biết bao nhiêu, đỡ phạm bao nhiêu sai lầm và tội ác. Nhưng đáng tiếc là trong cuộc sống thác loạn hiện nay, người ta không chịu nghe tiếng nói trung thực của lòng mình. Thí dụ, tuy bụng cảm thấy không đói nữa, nhưng vẫn tiếp tục ăn, miệng không  cảm thấy khát nữa, nhưng vẫn cứ tiếp tục uống bia, hết lon bia này sang lon bia khác, nhất là người mời lại là một cô tiếp viên xinh đẹp và duyên dáng. Hay là tuy buồn ngủ gục mà vẫn cứ xem TV.

Tôi muốn dẫn chứng sau đây bài thơ của vua Trần Nhân Tông, nhà Phật học lỗi lạc đời Trần. Các bạn sẽ thấy vua biết lắng nghe tiếng nói của lòng ông như thế nào và nhờ đó, có thể sống ung dung tự tại như thế nào.

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”.

Dịch nghĩa bài thơ của vua như sau:

“Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên,
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm,
Lặng lòng đối cảnh hỏi chi Thiền”.

Vua cảm thấy đói thì ăn, cảm thấy mệt thì ngủ. Còn chúng ta no căng bụng vẫn còn tiếp tục ăn nữa, khi có đồ ăn ngon, kèm theo vài lon bia. Đã mệt rũ người mà vẫn cứ xem TV.

Hai câu sau khó hiểu hơn. Xin giải thích như sau:

Vua Trần Nhân Tông cho rằng, và đây cũng là quan điểm chung của Phật giáo đời Trần, chân lý không ở đâu xa mà ở ngay trong lòng mình, chính là lòng mình. Chân lý đó được ví như viên ngọc quý, do đó mà vua nói: “Trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm”

Nhưng đó không phải là cái lòng quay cuồng chạy theo thanh sắc bên ngoài mà là cái lòng tự tại, không bị thanh sắc bên ngoài chi phối làm cho vướng mắc. Cái lòng tự do tự tại chính là ông Phật trong mỗi người chúng ta không tự biết đó thôi. Con người hiểu biết như vậy, cảm thấy được như vậy, thực hành đúng như vậy được xem là con người giải thoát. Trong bài phú Nôm “Cư Trần Lạc Đạo”, Trần Nhân Tông nói rõ hơn:

“Bụt ở trong nhà,
Chẳng phải tìm xa.
Nhân khuẩy bổn nên ta tìm Bụt,
Đến mới hay Bụt chính là ta”.

Con người chính là Bụt mà không tự biết, vì quên khuấy mất cái gốc của mình là Bụt. Ông Bụt gần gũi mình như vậy, cho nên trong dân gian, hình ảnh ông thật là thân thương, hiền hòa, luôn sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ những người hiền lành, tốt bụng như cô Tấm trong truyện Tấm Cám và bao truyện khác tương tự.

Hình ảnh ông Bụt trong dân gian Việt Nam rất khác biệt với Thượng Đế ở phương Tây, cũng không giống mấy Ngọc Hoàng ở phương Đông.

“Gần chùa gọi Bụt bằng anh,
Trông trhấy Bụt lành cõng Bụt đi chơi”.

Câu thứ hai cũng có người đọc: “Trông thấy Bụt lành, hạ xuống đất chơi”. Bụt chính là lòng mình, không phải ở trong chùa hay ở trên núi, cũng không phải trên Trời. Vì vậy mà Nguyễn Trãi viết: “Bụt ấy là lòng, Bụt há cầu”.

Bụt chính là lòng mình, không phải cầu ở đâu xa cả. Hãy gột sạch lòng mình khỏi mọi vết dơ tham, sân, si thì lòng ấy chính là Phật. Có lã vì vậy mà trong dân gian có câu: “Phật ở trong nhà, lại đi cầu Thích Ca ở ngoài đường”. Chính vì lòng mình, tức là tâm mình là Phật cho nên Nguyễn Du mới viết trong phần kết thúc truyện Kiều:

“Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần…”

Đó là chữ lòng, hay chữ tâm của nhà Phật trong đời sống của người Việt chúng ta. Một chữ thứ hai của nhà Phật cũng rất quen thuộc với người Việt chúng ta là chữ “Nghiệp”.

2. Chữ Nghiệp trong đời sống của người Việt.

Mọi người Việt đều thuộc lòng câu của Nguyễn Du trong truyện  Kiều :

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Xin đừng trách lẫn trời gần trời xa.”

Hỏi: Nghiệp đó, ai quàng vào thân ta? Không có ông Trời hay ông Thần số phận nào quàng nghiệp vào cho chúng ta cả, mà chính là bản thân chúng ta. Đạo Phật định nghĩa nghiệp là hành động có dụng tâm.

Khi chúng ta dụng ý thiện hay ác làm một hành động nào đó thì tức là đã tạo ra một nghiệp thiện hay ác, sẽ sinh ra hậu quả vui hay khổ trong tương lai, khi có đủ điều kiện (sách Phật gọi là nhân duyên) cho hậu quả đó thành tựu.

Do đó, khi một người lái xe bất cẩn cán chết một người đi đường, thì theo quan điểm luật pháp của Nhà nước, anh ta có thể bị luận tội sát nhân và bị tù. Nhưng theo quan điểm của Phật giáo mà xét, thì anh ta không phạm nghiệp sát, vì anh ta không có dụng tâm giết người. Anh ta chỉ là một cái nhân, hay một cái duyên khiến cho nghiệp bị cán chết của người đi đường được thành tựu. Nghiệp đó, người đi đường đã từng tạo ra trong một thời điểm quá khứ, đến nay đã chín mùi. Bị xe cán chết là nghiệp của anh ta. Đó là “Tội của nghiệp”. Thuyết nghiệp của đạo Phật ăn sâu vào tâm của người Việt chúng ta đến nỗi, chúng ta nói tội nghiệp, nghĩa là tội của nghiệp, không phải tội của anh lái xe bất cẩn, thậm chí cũng không phải là tội của người đi đường, mà là tội của nghiệp người này trong một thời điểm quá khứ.

Tội nghiệp, tội của nghiệp, đó là thuyết nghiệp của Phật giáo ăn sâu vào trong lối sống của người Việt đến nỗi, khi chứng kiến một sự cố khiến cho một người khác chết hay là bị thương tích trầm trọng, chúng ta buột mồm nói “Tội nghiệp”. Thực ra, người Việt cũng nói đến thuyết nghiệp của đạo Phật trong những câu như “Ở hiền gặp lành, gieo gió gặp bão”v.v…Hay trong rất nhiều truyện dân gian Việt Nam như truyện “Việt điện U Linh Tập”, “Lĩnh Nam Trích Quái” và cả truyện Kiều của Nguyễn Du nữa.

Đời Thuý Kiều thật lắm chuyện bất hạnh, người đọc có cảm giác như Thuý Kiều dấn thân vào chốn đoạn trường này, đến chốn đoạn trường khác. Nguyễn Du nói:

“Ma đưa lối, quỷ dẫn đường
Chỉ tìm những lối đoạn trường mà đi”.

Nhưng thật ra, không có ma hay quỷ nào hết, mà chỉ có nghiệp của Thuý Kiều tạo ra trong quá khứ mà thôi. Nghiệp đó đã đưa nàng từ người đàn ông này đến người đàn ông khác, khiến cho nàng phải nhớ lại câu của nàng thốt lên khi thương hại số phận đào hoa của Đạm Tiên:

“Sống làm vợ khắp người ta,
Đến khi thác xuống làm ma không chồng”.

May thay, nàng Kiều còn tốt số hơn Đạm Tiên, vì cuối cùng lại được tái hôn cùng Kim Trọng là người yêu cũ của mình.

Người Việt chúng ta thấm thía thuyết nghiệp rất là khoa học và công bằng của đạo Phật, cho nên nghe theo lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú:

“Tránh mọi điều ác,
Làm mọi điều lành,
Tự làm trong sạch tâm ý mình,
Là lời dạy của các đức Phật.”

Hay câu Kệ cũng trích từ Kinh Pháp Cú:

“Kẻ thù hại kẻ thù,
Oan gia hại oan gia,
Không bằng tâm hướng tà,
Gây ác cho tự thân” (Kệ 42)

Và câu:

“Điều cha mẹ và bà con,
Không thể làm được,
Tâm hướng thiện làm được,
Làm được còn tốt hơn”. (Kệ 43)

Mấy câu kệ trên rút ra từ kinh Pháp Cú (xem bản dịch Kinh Pháp Cú của Hoà thượng Thích Minh Châu) có thể nói đã thâu tóm tinh hoa của thuyết tâm và thuyết nghiệp, đã ảnh hưởng và tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống của người Việt chúng ta.

M.C

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here