Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phật giáo Thừa Thiên Huế phụng sự đạo pháp và dân tộc

Phật giáo Thừa Thiên Huế phụng sự đạo pháp và dân tộc

154
0

Bằng tinh thần vô ngã vị tha, Tăng Ni, Phật tử Thừa Thiên Huế đã tiếp nối dòng sử vàng của Phật giáo Huế, kế thừa truyền thống vẻ vang 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam trên bước đường phụng sự đạo pháp và dân tộc, góp phần xây dựng trang nghiêm ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và quê hương Thừa Thiên Huế nói riêng.

Huế trung tâm kinh đô Phật giáo cả nước
 
Một thời Huế là kinh đô của cả nước, chính nơi đây, Phật giáo sớm trở thành một tôn giáo chính thống trong đời sống tâm linh của người dân. Điều đó thể hiện rất rõ khi ngược dòng thời gian cũng như hiện hữu kể từ khi Phật giáo được du nhập vào xứ Thuận Hóa và trải qua bao biến cố của dòng chảy lịch sử mà Phật giáo ở Huế không thể ngoài cuộc. Chính trong dòng chảy đó của lịch sử, Phật giáo ở Huế đã không phải ngẫu nhiên trở thành nơi trung tâm Phật giáo của cả nước. Không có nơi nào như Huế, đa phần cư dân theo đạo Phật (trên 60%). Từ thành phố, thị tứ, đồng bằng đến những nơi xa xôi hẻo lánh A Lưới, Nam Đông… đều có các cơ sở và hoạt động Phật pháp trong bầu không khí an lành, hướng thiện. Chỉ tính riêng một phường nhỏ Thủy Xuân – Huế đã có hơn 50 ngôi chùa và niệm Phật đường; trên các sân trường vẫn thấp thoáng màu áo lam và nhiều chú tiểu tóc còn để chỏm. 
 
Lãnh đạo tỉnh cùng các vị chức sắc, Tăng ni, Phật tử dự lễ khánh thành công trình trùng tu chùa Từ Đàm 30/5/2010
 
Thừa Thiên Huế hiện có trên 1.000 tu sĩ; gần 600 tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường… Nhớ lại, ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ V Giáo hội Phật giáo tỉnh, một sự kiện hoan hỷ không chỉ đối với giáo hội và bà con phật tử ở Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) đã long trọng tổ chức lễ khánh thành, bàn giao công trình bảo tồn, tu bổ và trùng tu tổng thể chùa Thiên Mụ với nguồn kinh phí ngân sách quốc gia 26,5 tỷ đồng. Đó chính là một trong chuỗi sự kiện các công trình Phật giáo được kế tiếp và làm mới. Hàng trăm tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường và nhiều công trình lớn như chùa Hà Trung, Thánh Duyên, Tổ đình Từ Đàm, Thiền Tôn, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Khu văn hóa du lịch tâm linh Quán Thế Âm, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã… được trùng tu, sửa chữa, xây dựng mới; nhiều công trình được Nhà nước giao đất để chuẩn bị xây dựng như chùa Pháp Vân, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế..
 
Đạo và đời
 
Đạo với đời gắn bó làm một, “đẹp đạo để tốt đời”. Ngoài các hoạt động trong khuôn khổ phật pháp, các hoạt động tham gia xã hội đã được giáo hội chú trọng không kém, nhất là lĩnh vực từ thiện xã hội. Những cái tên Tuệ Tĩnh đường Tuệ Tĩnh, Hải Đức và Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, Cô nhi viện Đức Sơn, cơ sở dạy nghề tại chùa Tây Linh, Long Thọ, Trường mầm non Quảng Tế, Trường mầm non Phước Vân,… đã trở nên thân thuộc với công chúng. Các hoạt động từ thiện, cứu tế chúng sanh trong thiên tai, hoạn nạn, những hoàn cảnh éo le, luôn được những tấm lòng từ bi nơi cửa Phật chia sẻ. Dẫu cho công việc từ thiện của phật giới là không đo đếm, song con số đóng góp cho xã hội quả không nhỏ, lên đến hàng trăm tỷ đồng trong các nhiệm kỳ qua của giáo hội. 
 
Chuyến cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở Thanh Hóa năm 2012 của Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế.
 
Một điều đáng ghi nhận, đó là sự đồng hành của giáo hội với chính quyền các cấp ở địa phương trong các chương trình, các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội. Tiêu biểu như các phong trào hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới”, phòng chống các tai tệ nạn xã hội… mà các tăng tín đồ Phật giáo đã tích cực tham gia hưởng ứng. Đặc biệt, trong năm 2010-2012, Phật giáo Huế đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như lễ tưởng niệm lần thứ 702 ngày Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại Tổ đình Từ Đàm, lễ cầu quốc thái dân an đầu năm tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ và trai đàn chẩn tế tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh…
 
Các lễ hội Phật giáo làm Huế thêm đẹp
 
Đã có rất nhiều ý kiến đề xuất về một “Festival văn hóa Phật giáo”, “Festival Phật Đản Huế”. Điều đó xuất phát từ những lần lễ hội Phật giáo đầy chất nhân văn và hoành tráng đang cùng song hành với các kỳ Festival Huế. Có thể nói rằng, tuần lễ văn hóa Phật giáo hưởng ứng Đại lễ Phật Đản thế giới tại Việt Nam năm 2008 của Phật giáo Huế đã để lại ấn tượng sâu sắc. Lần đầu tiên, hàng vạn dân chúng Huế hưởng ứng Đại lễ Phật Đản thế giới trọng thị, an bình đến như vậy. Và kể từ đó “bảy đóa sen” khổng lồ được thắp sáng trên sông Hương suốt kỳ lễ hội đã trở thành biểu trưng cho Phật Đản Huế. Đối với các lễ hội truyền thống Phật giáo như Phật Đản, Vu lan… hằng năm trên địa bàn tỉnh đã diễn ra bằng các hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng cao, lại nằm trong chuỗi lễ hội của các kỳ Festival Huế, chính vì thế mà Festival Huế như được dài thêm, rộng thêm về không gian và thời gian. Trên những nẻo đường của Huế các cuộc diễu hành xe hoa, thuyền hoa trên sông Hương, rực rỡ cờ hoa trên khắp phố phường; những cuộc triển lãm thư pháp, tranh hội họa, hội chợ ẩm thực chay, thuyết trình các đề tài về phật học, kinh tế, giáo dục, xã hội, tôn giáo, văn học, văn hóa… mỗi ngày thêm bồi đắp cho vùng đất văn hóa Phật giáo thêm dày dặn; góp phần làm nên nét văn hóa Huế đa dạng, phong phú và trong thẳm sâu là tâm hồn, tính cách của con người xứ Huế.
 
Tâm Hành (Báo Thừa Thiên Huế)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here