Hệ thống giáo lý Phật giáo cao siêu mầu nhiệm, phù hợp với khoa học thực nhiệm , khoa học càng tiến sau bao nhiêu thì càng dễ thuyết minh những chân lý trong các kinh điển của Phật giáo mà từ trước đến giờ chưa ai giải thích được. Khoa học càng tiến bộ thì những tôn giáo sùng bái nhất thần hoặc đa thần càng bị khoa học công kích duy chỉ có Phật giáo: “Khi khoa học càng xương minh, thì giáo lý Phật giáo càng rực rỡ, sáng tỏ ở những nước Âu Tây”.
Phật giáo đối với mọi vấn đề đều tìm đến nguyên nhân, tìm cho tận nguồn gốc tập khởi của muôn pháp để rồi cách giải quyết. Giáo lý Tứ Đế Phật giáo dạy người ta tin, những đức tin ấy phải gắn liền sự hiểu biết đúng đắn, cho phép ta có quyền hoài nghi, Hoài nghi lớn thì giác ngộ lớn, hoài nghi nhỏ thì giác ngộ nhỏ, không hoài nghi thì sẽ không bao giờ có được giác ngộ.
Phật giáo là sản phẩm của lý trí, là ngọc hải đăng phá tan bóng tối soi sáng chúng sanh khiến cho trí tuệ của con người phát triển không ngừng để đạt tới giác ngộ hoàn toàn, hiểu được chân như của các Pháp. Phật giáo đối với quan niệm nào cũng viên dung cùng khắp. Phật giáo đúng là một tôn giáo lý trí, phù hợp tinh thần khoa học và siêu việt hơn cả khoa học.
Nét nổi bật của Phật giáo đó là sự thâm nhập một cách hòa bình vào những quốc gia, không dùng phương pháp cưỡng bức, đàn áp bất công để truyền bá giáo lý như một số tôn giáo khác. Phật giáo không loại trừ, không xáo trộn những tín ngưỡng sẳn có mà hòa nhập với tín ngưỡng bản địa ấy làm cho xã hội ngày càng thăng hoa.
Phật giáo là một tôn giáo tôn trọng hòa bình, từ bi và bình đẳng như lời của đức Joseph Wain ghi nhận. Phật giáo truyền dạy một lối sống, không phải bằng cách thống trị mà bằng nguyên tắc, một lối sống tốt đẹp khoan dung rộng lượng. Đây là một hệ thống từ thiện nhất dưới mặt trời, không bao giờ và không nơi nào có máu đổ trong cuộc truyền đạo, không bao giờ có hành hạ hoặc ngược đãi những ai không theo cùng tín ngưỡng, một bài học mà một người Cơ đốc giáo vẫn còn phải học. Đức Phật dạy con người làm cho ngày một tốt đẹp và hiên tại thánh thiện. Đạo Phật luôn hòa nhập với dân tộc hơn 20 thế kỷ qua. Khi Phật giáo thịnh kỳ, quốc gia tự chủ độc lập phú cường, ngược lại khi đất nước suy yếu thì Phật giáo vẫn chụi ảnh hưởng một cách hữu cơ, sự thăng trầm của đạo Phật luôn đi kèm theo những biến cố của đất nước, những bước ngoặc lịch sử. Từ hoạt động của Phật giáo đến triết lý của đạo Phật đều hướng về chúng sanh, phụng sự cho chúng sanh chứ không phục vụ cho riêng chỉ đối tượng nào.
Đấng sáng lập Phật giáo với trí tuệ siêu việt, tinh thần lợi lạc quần sanh dung cảm chống lại sự phân biệt đẳng cấp, sự sai trái của các lãnh đạo trong xã hội Ấn Độ cổ đại, mở ra một xã hội mới của kỷ nguyên mới, một cuộc sống mới không có sự phân biệt sang hèn, “không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”. Tâm Phật và chúng sanh đều không có sai khác “con người có phân chia Bắc-Nam chứ Phật tính không có Nam-Bắc”, bình đẳng không hai không khác.
Nghiên cứ Phật giáo một cách khoa học, nhìn nhận Phật giáo một cách toàn diện và bằng thái độ khách quan. Chúng ta thử xem lời nhận định sau đây về Phật giáo của Nguyễn Tư Tài in trong tập Phật Giáo và Thế Giới Quan Người Việt Nam Trong Lịch Sử, nhà xuất bản UBKHXHVN.1986, P37:
“Phật giáo chỉ thấy cá nhân con người mà không thấy xã hội con người, chỉ thấy con người nói chung mà không thấy con người thuộc các gia cấp đối kháng nhau trong xã hội trước đây, không thừa nhận đấu tranh gia cấp trong xã hội. Do đó không thấy được nguyên nhân xã hội đưa đến sự khổ ải của con người, không thấy được sự cần thiết phải đấu tranh chống áp bức bốc lột. Và vì thế quan niệm từ bi, bác ái của Phật giáo không có trường hợp cho sự đấu tranh giải phóng quần chúng bị áp bức”.
Câu hỏi đặt ra là: Ngày xưa đức Phật nhìn vị trí của người Phụ nữ trong xã hội và trong tôn giáo như thế nào? Có phải chăng đạo Phật “không thấy con người thuộc các giai cấp đối kháng nhau trong xã hội trước đây” nên “không thấy được sự cần thiết phải đấu tranh chống áp bức bóc lột” của quần chúng nói chung và sựu đấu tranh cho quyên bình đẳng nói riêng.
Ở đây, chúng ta không đưa ra lời phản bác hay ý kiến chấp thuận nhận định trên. Chỉ yêu cầu những ai có quan điểm ấy thử đặt mình vào xã hội Ấn thời đức Phật và nhận định đứng về những gì Ngài đã làm. Việc thành lập giáo đoàn không phân biệt đẳng cấp, chủng tộc, giới tính chẳng phải xuất phát từ sự không phân biệt đẳng cấp ư? Ngài phản đối sự bất công xã hội, sự áp bức bốc lột của giai cấp “thượng lưu” với giai cấp “hạ đẳng” bằng cuộc đấu tranh phá bỏ tận gốc rễ tư tưởng phân biệt, kỳ thị trong tư duy của mỗi người , của những nhà lạc đạo thời ấy.
Đạo Phật là đạo từ bi, hòa bình nên phương pháp đấu tranh làm cách mạng giải phóng quần chúng bị áp bức khác hẳn phương pháp đấu tranh thông thường của nhân loại. Đức Phật đã thành công trong việc đem lại bình đẳng giai cấp bằng phương pháp “chiến tranh hòa bình”, không làm đổ máu, không gây khổ đau cho bất cứ ai, giúp mọi người nhận ra chân lý sống với nhau trong sự yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Giáo lý Duyên khởi, Vô ngã của đức Phật cho thấy giáo lý của Phật giáo nhìn nhận sự tồn tại của con người và thế giới như sự hiện hành của tương duyên không có một sinh thể nào có thể tồn tại một cách độc lập mà không cùng tương hệ điều hòa với các điều kiện cấu thành. Một tôn giáo có hệ thống triết lý như vậy thì làm sao có thể là một tôn giáo: “chỉ thấy cá nhân con người mà không thấy xã hội con người, chỉ thấy con người nói chung mà không thấy con người thuộc các giai cấp đối kháng”.
Giáo lý đức Phật như ánh trăng mát dịu soi sáng đêm dài sanh tử. Ánh sáng ấy sẽ hiện lên trong nước dù là nước đục hay nước trong. Trong bất kỳ ai có tâm hồn dịu hòa ngay thật đều thấy Phật. Ngài đã từng tuyên bố: “Ta ra đời không phải vì lợi ích cho người nam mà còn vì lợi ích cho người nữ vì lợi lạc cho tất cả quần sanh” Đạo Phật là một tôn giáo nhập thế môt tôn giáo không lìa thế gian “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Nếu ai cũng làm như lời Phật dạy thì cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn, chúng ta đâu lo gì chiến tranh xẩy ra, môi trường ô nhiểm, tài nguyên cạn kiệt.
Đạo Phật là một tôn giáo mang đậm nét nhân bản, là tôn giáo đầu tiên thiết lập lại sự bình đẳng giữa con người là tôn giáo thực sự bình quyền nam nữ. Và người đầu tiên dám lên tiếng chống lại sự bất bình đẳng của xã hội ngay trong lòng xã hội Ấn đầy dẫy bất công chính là đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
H .M