Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phật giáo Châu Thuận dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng

Phật giáo Châu Thuận dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng

137
0

Địa danh Quảng Trị chính thức có từ tháng 8, mùa Thu năm Tân Dậu (1801), kể từ khi vua Gia Long cho sáp nhập hai huyện Hải Lăng và Đăng Xương thuộc phủ Triệu Phong và huyện Minh Linh thuộc phủ Quảng Bình đặt làm Dinh Quảng Trị (1). Tuy nhiên, trước khi địa danh Quảng Trị ra đời, vùng đất này còn có các tên gọi khác như Ô Châu, hoặc Thuận Châu. Người đời thường thích cái thú phóng dật trong ngôn ngữ giao tiếp, tùy vào cảnh ngộ của cuộc thế vuông tròn mà có khi còn thêm vào địa danh này các từ như “ác địa” hoặc “thiện địa” để hợp thành các thành ngữ. Tuy vậy, thực tế lịch sử đã minh chứng rằng, người Quảng Trị xưa nay tính khí vốn thuần lương, do thế giới quan của cư dân vùng này chịu ảnh hưởng của Tam giáo và tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo, như sách Đại Nam nhất thống chí đã cho biết (2).

Về công nghiệp của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đối với xứ Thuận Quảng nói chung, Châu Thuận nói riêng, từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu làm sáng tỏ. Trong tham luận này, với đề tài “Phật giáo Châu Thuận dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng”, bằng cách tiếp cận từ góc độ văn hoá tín ngưỡng truyền thống, chúng tôi xin góp thêm một điểm nhìn mới để làm sáng tỏ những ảnh hưởng của Phật giáo trong đường lối trị nước của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng; qua đó giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về tình hình Phật giáo trên vùng đất này trong suốt 55 năm Chúa Nguyễn Hoàng tổng trấn tại đây.

Theo đó, bài viết nầy sẽ tập trung làm rõ 2 nội dung chính: (1) Châu Thuận với bước đầu khởi nghiệp của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng; (2) Tình hình Phật giáo Châu Thuận từ năm 1558 đến 1613.

I. CHÂU THUẬN VỚI BƯỚC ĐẦU KHỞI NGHIỆP CỦA NGUYỄN HOÀNG

1. Về thân thế, sự nghiệp của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng

Nguyễn Hoàng sinh ngày Bính Dần, tháng 8, mùa thu năm Ất Dậu (1525), là con trai thứ hai của Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim, mẹ là Tĩnh Hoàng hậu Nguyễn thị. Triệu Tổ Nguyễn Kim vì giận họ Mạc tiếm nghịch ngôi vua, muốn khôi phục nhà Lê nên đã dẫn thân tộc và những thuộc hạ thân tín trốn sai Ai Lao, đợi thời cơ mưu sự nghiệp lớn. Năm Ất tỵ (1545), khi Triệu Tổ Nguyễn Kim dẫn đoàn tuỳ tùng chạy sang Ai Lao thì chúa Nguyễn Hoàng mới 2 tuổi, được thân phụ gửi lại nhờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ nuôi dạy. Đến lúc trưởng thành, Nguyễn Hoàng được sung làm quan dưới triều Lê trung hưng, được phong Hạ khê hầu.

Năm Mậu Ngọ (1558), Nguyễn Hoàng chính thức được vua Lê chỉ dụ vào làm tổng trấn Thuận Hóa, được các danh thần nhà Lê như Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống… theo phò. Nguyễn Hoàng chiêu mộ đông đảo con dân của 2 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An cùng vào <st1:place w:st=”on”>Nam xây dựng cơ nghiệp. Đoàn tuỳ tùng cùng chúa Nguyễn Hoàng dong thuyền theo đường biển tiến vào cảng Cửa Việt, chọn Ái Tử (thuộc Châu Thuận, hoặc Ô Châu, tức Quảng Trị ngày nay) làm nơi đặt làm trị sở đầu tiên. Trong suốt 55 năm trấn nhậm tại đây, tức từ năm 1558 đến năm 1613, Chúa Nguyễn Hoàng có 2 lần trở ra Bắc hà yết kiến vua Lê chúa Trịnh, và tương ứng theo đó, cũng có 2 lần chuyển dời dinh cơ sau mỗi lần từ Bắc hà trở về.

Trong đó, lần thứ nhất Nguyễn Hoàng ra Bắc vào năm 1569, khi mang quân lương ra hỗ trợ vua Lê đánh nhà Mạc, được vua Lê chúa Trịnh giao cai quản luôn đất Quảng Nam. Trở lại Thuận Hoá, năm 1570, Nguyễn Hoàng thực hiện ngay cuộc dời đô từ Ái Tử về Trà Bát. Lần thứ hai Nguyễn Hoàng ra Bắc vào năm 1593, lần này cũng đưa quân ra giúp vua Lê chúa Trịnh đánh dẹp quân nhà Mạc và ở đây suốt 8 năm trời, được phong Đoan quốc công (3). Trịnh Tùng lo sợ hoạ cát cứ về sau nên cố giữ chân Nguyễn Hoàng ở lại Bắc hà. Sau khi khéo léo thoát khỏi sự kìm kẹp của họ Trịnh, Nguyễn Hoàng trở về <st1:country-region w:st=”on”>Nam và thực hiện ngay cuộc dời đô lần thứ hai từ Trà Bát về Dinh Cát. Kể từ đó, Nguyễn Hoàng quyết tâm xây dựng binh hùng tướng mạnh để hùng cứ phương <st1:country-region w:st=”on”>Nam, vĩnh viễn không trở lại Bắc hà.</st1:country-region></st1:country-region>

Như vậy trong suốt 55 năm trấn thủ đất Thuận Hoá, Ái Tử được Nguyễn Hoàng chọn làm trị sở đầu tiên, định đô 12 năm (từ 1558 – 1570); Trà Bát là trị sở thứ hai, định đô 30 năm (từ 1570 – 1600); và Dinh Cát là trị sở thứ ba, định đô 26 năm (từ 1600 – 1626, trong đó có 13 năm dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và 13 năm dưới thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên).

Ngày 3 tháng 6 năm Quý Sửu (nhằm ngày 20 tháng 7 năm 1613), chúa Nguyễn Hoàng yếu mệt, cho triệu công tử thứ sáu và thân thần đến bên giường bệnh, bảo rằng: “Ta với các ông cùng nhau kham khổ đã lâu, muốn dựng nên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên cùng lòng giúp đỡ cho thành công nghiệp”. Rồi chúa cầm tay hoàng tử Nguyễn Phúc Nguyên dặn rằng: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; anh em trước hết phải thương yêu nhau. Con mà giữ được lời dặn đó thì ta không ân hận gì”. Lại nói tiếp: “Đất Thuận Quảng phía bắc có đèo Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ đất đai để chờ cơ hội, chớ đừng bỏ qua lời dặn của ta” (4).

Sau khi Nguyễn Hoàng băng hà, mộ chúa được an táng tại thượng nguồn sông Thạch Hãn (thuộc địa phận thôn Thạch Hãn ngày nay), về sau được cải táng đưa vào an trí tại lăng Trường Cơ thuộc địa phận làng La Khê, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguyễn Hoàng là một vị chúa anh minh, tài đức, xuất thân từ Gia Miêu Ngoại Trang thuộc Bắc hà nhưng sự nghiệp và chí nguyện của chúa lại gắn bó với vùng đất Nam hà, đặc biệt là xứ Thuận Hoá. Công đức của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đối với vùng đất này, đặc biệt là với lịch sử ngàn năm đi mở cõi của dân tộc, mãi mãi sẽ được hậu thế tôn vinh, ca ngợi.

2. Đường lối trị nước của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng

Cách đây 455 năm, kể từ khi chúa Nguyễn Hoàng dựng đô khởi nghiệp ở xã Ái Tử, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong (5), trấn Thuận Hóa (nay là làng Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) vào năm 1558, Quảng Trị được xem là điểm khởi đầu của vương triều nhà Nguyễn ở Đàng Trong, có vị trí trọng yếu trong tiến trình Nam tiến, mở mang bờ cõi của lịch sử dân tộc. Một đời người với 55 năm gắn bó mật thiết với con dân trấn Thuận Hóa, xứ Đàng Trong, ranh giới cương thổ kéo dài từ Đèo Ngang ở phía bắc Quảng Bình đến tận núi Thạch Bi ở phía nam Phú Yên, công nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng, đặc biệt là những lời di huấn cuối đời của ngài là bức thông điệp vô giá cho hậu thế noi theo: “Giữ vững và mở mang bờ cõi nước Đại Việt”.

Đối với con dân xứ Thuận Hoá, chúa Nguyễn Hoàng được xem là vị tổng khai canh, đại khai khẩn của hầu hết các làng quê ở đất Thuận Hoá, mà cho đến nay một số lớn các làng quê ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đều tôn thờ chúa Nguyễn Hoàng cùng các tuỳ tướng của ngài như những vị Thần hoàng, khai canh hoặc khai khẩn. Chẳng hạn như trường hợp làng An Ninh Hạ, Dương Hòa, Thai Dương… ở Thừa Thiên Huế, hoặc các làng thuộc Ngũ Kiên ở Quảng Trị. Không những thế, chúa Nguyễn Hoàng còn có công rất lớn trong việc tạo nên một diện mạo mới cho vùng đất này, như Đại Nam thực lục cho biết: trấn Thuận Hoá dưới thời Nguyễn Hoàng “chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp; thuyền buôn các nước đến nhiều, trấn Thuận Hoá ngày càng trở thành một nơi đô hội lớn”. Chính vì thế vua Lê và chúa Trịnh hết sức tin tưởng, giao Nguyễn Hoàng cai quản luôn đất Quảng Nam. Đó chính là bàn đạp giúp Nguyễn Hoàng thực hiện kế sách Nam tiến, mở rộng biên cương của Đại Việt vào tận núi Đá Bia, phía nam tỉnh Phú Yên sau này.

Về cốt cách, đức độ và tài mưu lược của Nguyễn Hoàng, sử sách xưa nay đã hết lời xưng tụng. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục có nhận xét rằng: “Nguyễn Hoàng là người có oai phong và mưu lược, mật xét người rất nghiêm minh nên không ai có thể lừa dối được” (6). Còn trong Nam triều công nghiệp diễn chí, Nguyễn Khoa Chiêm cũng dành những lời trang nhã nhất khi viết về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng: “Nam chúa Đoan Vương Nguyễn Hoàng tướng mạo đĩnh đạc khác kẻ bình thường, bản tính thông minh xuất chúng, có khí phách như Tống Tổ, Đường Tông; từ khi cai quản hai xứ Thuận Hóa – Quảng Nam nhân chính ban khắp gần xa ơn đức bao trùm mọi chốn, người người yêu chuộng ngưỡng mộ như cha mẹ, trên thuận đạo trời, dưới hợp tình dân, đúng là bậc minh chúa tài ba sáng suốt” (7).

Trong đường lối trị quốc an dân, chúa Nguyễn Hoàng thường “thi hành chính sự một cách khoan dung hòa nhã, tiết chế quân đội rất nghiêm minh và kính cẩn, cho nên quân đội cũng như nhân dân hai xứ đều tin yêu, kính phục ông” (8). Đối với triều đình nhà Lê, Nguyễn Hoàng luôn giữ đúng đạo nghĩa của một trung thần, như Phủ biên tạp lục cho biết: “Hằng năm Nguyễn Hoàng cho chuyển vận thuế khóa giúp cho quân nhân và nhà nước, triều đình được nhờ rất nhiều” (9).

Tài năng, đức độ và đường lối chính trị khoan dung của Nguyễn Hoàng không chỉ làm cho quân dân trăm họ trong nước kính phục, là nơi quy hướng lòng người mà kể cả các lân bang cũng đều tỏ lòng cảm kích và đã thiết lập những mối quan hệ hữu hảo. Trong Nam triều công nghiệp diễn chí, Nguyễn Khoa Chiêm cho biết: “Vương [tức Nguyễn Hoàng] rộng mở thi hành nhiều việc chính sự giáo hóa, ơn chăm trăm họ, bề tôi tuân phục vui lòng, các nước láng giềng đều đến viếng thăm, thiên hạ đều xưng tụng cho là bậc vua sáng ở đời Thái bình” (10).

 II. TÌNH HÌNH PHẬT GIÁO CHÂU THUẬN TỪ NĂM 1558 ĐẾN NĂM 1613

1. Thế giới quan Phật giáo của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng

Trong suốt hành trình Nam tiến của lịch sử dân tộc, kể từ thời Lý Thánh Tông trở đi, các thế hệ di dân của Đại Việt mỗi khi đi đến đâu là nghĩ ngay đến việc dựng chùa. Mái chùa luôn hiện hữu trong tâm thức họ như một biểu tượng thiêng liêng nhưng hết sức gần gũi, là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá, tín ngưỡng truyền thống ngàn đời của dân tộc. Không những thế, mái chùa còn là nơi để họ gửi gắm niềm tin, tình cảm, là điểm kết nối cộng đồng, như chính câu nói “Đất vua chùa làng phong cảnh Bụt” hoặc “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”, mà Thuận Hoá không phải là ngoại lệ.

Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An, một tác phẩm sưu khảo lịch sử được hoàn thành và khắc in năm 1553, tức trước khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng dong thuyền vào Nam và đặt chân lên vùng đất này 5 năm, mô tả khá rõ về tình hình Phật giáo Thuận Hoá thời bấy giờ, đặc biệt là hai ngôi chùa Sùng Hoá và Thiên Mụ: “Trấn Thuận Hóa có hai danh lam là chùa Sùng Hóa và chùa Thiên Mụ. Chùa Sùng Hóa là ngôi chùa nổi tiếng nhất của Hóa Châu, còn chùa Thiên Mụ ở phía nam làng Hà Khê, là một cảnh trí thần tiên” (11).

Chúng ta biết rằng, Thuận Hoá (bao gồm cả Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay) vốn là đất sính lễ mà Chiêm Thành dâng cho Đại Việt vào năm Bính Ngọ (1306), sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông vân du hoá đạo tại Chiêm Thành trở về và gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Vùng đất này do vậy, được sáp nhập vào bản đồ Đại Việt bằng con đường hoà bình, bằng đức hy sinh và tinh thần vô ngã, vị tha mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Công chúa Huyền Trân (về sau xuất gia có hiệu là Ni sư Hương Tràng) chính là những hiện hình sống động. Điều đó cho thấy, nếu tính từ năm 1306, khi Phật hoàng Trần Nhân Tông vận động sáp nhập 2 châu Ô, Lý vào bản đồ Đại Việt, đến khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá năm 1558, Phật giáo Đại Việt đã có hơn 250 năm cắm rễ sâu bền trên vùng đất này. Mặc dù dấu ấn Phật giáo Nguyên thuỷ của vương quốc Chăm-pa vẫn còn phảng phất đâu đây, nhưng sắc thái Phật giáo Đại thừa của Đại Việt mới là chủ đạo. Đó là một thực tế mà một người mẫn cảm như Nguyễn Hoàng không thể không nhận ra, để từ đó có thể hoạch định những kế sách phù hợp cho đường lối trị quốc an dân của mình.

Do vậy, kể từ khi đặt chân lên vùng đất này chắc chắn Nguyễn Hoàng phải nhận ra Thuận Hoá chính là xứ sở Phật giáo; thấy rõ đời sống tín ngưỡng của cư dân Thuận Hoá, đặc biệt là tín ngưỡng Phật giáo có những đặc điểm ưu việt so với Phật giáo Bắc Hà lúc bấy giờ. Khác hẳn với Phật giáo Bắc Hà – nơi mà Phật giáo đang có dấu hiệu thoái trào, đang phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt của hệ tư tưởng Nho giáo kể từ sau khi nhà Trần tan rã, điểm nổi bật nhất của Phật giáo Thuận Hoá chính là tính phổ quát. Có nghĩa rằng, Phật giáo gần như giữ một vị trí độc tôn, chính yếu trong đời sống văn hoá, tín ngưỡng của cư dân Thuận Hoá đương thời, tuy rằng bên cạnh đó vẫn tồn tại tín ngưỡng thờ mẫu nhưng chỉ là thiểu số, không đáng kể.

Vả lại, khi Nguyễn Hoàng đặt chân đến đây, Thuận Hoá được xem là miền biên ải xa xôi, là chốn dung thân của những kẻ thất thời, lỡ thế; là nơi sinh cơ lập nghiệp của những tầng lớp thứ dân. Ở đây tuyệt nhiên vắng bóng những lý thuyết về vương đạo của Nho gia, những quy chuẩn khắt khe của cung đình. Với một cơ cấu xã hội như vậy, dĩ nhiên đời sống văn hoá, tín ngưỡng của cư dân Thuận Hoá chắc chắn không phải là đạo tu tề trị bình của Nho giáo hay thuật trường sinh của Lão Trang, mà chính Phật giáo với đạo lý từ bi, cứu khổ, vô ngã, vị tha mới là tín ngưỡng căn bản của họ.    

Là một người có nhãn quan chính trị nhạy bén, coi Thuận Hoá là đất dung thân để mưu cầu nghiệp lớn, trước một thực trạng xã hội có tính đặc thù như vậy, dĩ nhiên Nguyễn Hoàng tự biết rõ cần phải hoạch định kế sách gì, và dương lên ngọn cờ nào để thu phục nhân tâm, ổn định xã hội. Và tất nhiên, Phật giáo – một tôn giáo truyền thống của dân tộc, là tín ngưỡng căn bản của cư dân Thuận Hoá, với một nền tảng giáo lý có sức khai phóng và cảm hoá con người mạnh mẽ chính là lý luận được Nguyễn Hoàng lựa chọn, để từ đó ông hoạch định và thực thi một đường lối chính trị đầy tính nhân văn như chúng ta đã thấy. Đó chính là cơ sở để hình thành nên thế giới quan Phật giáo của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Trong suốt 55 năm trấn thủ đất Thuận Hoá, nhãn quan chính trị của Nguyễn Hoàng đã có những bước chuyển biến đáng kể và tiệm cận dần với tinh thần Phật giáo. Điều đó được biểu hiện khá rõ qua tính cách và những hành xử của ông, như tính ẩn nhẫn, lòng khoan dung, hoà hiếu, độ lượng, đức hy sinh, tinh thần khai phóng…, đặc biệt là trong đường lối trị nước của ông. Việc Nguyễn Hoàng cho trùng tu chùa Sắc Tứ Tịnh Quang ở Thuận Châu, trùng tu chùa Sùng Hoá và chùa Thiên Mụ ở Hoá Châu, cầu thỉnh cao tăng giảng pháp, lập đàn cầu siêu độ, cầu quốc thái dân an, chăm sóc đời sống tín ngưỡng của bá tánh…, như sách Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm ghi lại không phải là không có cơ sở.

Có thể nói, sở dĩ Nguyễn Hoàng thành công trong kế sách trị nước, thu phục nhân tâm, ổn định xã hội, xây dựng được mối quan hệ hoà hiếu với lân bang cũng như Đàng Ngoài vì ông biết dương cao ngọn cờ Phật giáo để quy hướng lòng người. Mà điều tiên quyết là ông đã dương cao ngọn cờ ấy một cách “thành tâm”. Vì có “thành tâm” nên ông đã cảm hoá và quy phục được lòng người. Không những thế, về sau ông còn truyền trao ngọn cờ ấy cho các hậu duệ của mình, như Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên, Minh Vương Nguyễn Phúc Chu…, để tiếp tục dương cao và đạt được những thành tựu to lớn trong hành trình mở cõi sau này.

2. Tình hình Phật giáo Châu Thuận dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng

Phật giáo Châu Thuận (tức Quảng Trị ngày nay) nói riêng, Phật giáo Thuận Hoá hoặc Thuận Quảng nói chung dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, kể từ năm 1558 đến năm 1613, có diện mạo như thế nào, tình hình sinh hoạt ra sao, hiện còn quá ít sử liệu cho chúng ta biết rõ về điều này.

Tuy vậy, qua những gì được ghi lại trong các sách như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, Ô Châu cận lục của Dương Văn An, Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, Mộng kinh sư của Phan Du…, chúng ta cũng biết được phần nào diện mạo Phật giáo Thuận Hoá thời bấy giờ, nhất là về tình trạng các ngôi danh lam cổ tự như Sắc Tứ Tịnh Quang ở Thuận Châu, chùa Sùng Hoá và chùa Thiên Mụ ở Hoá Châu. Và cũng chính từ những tài liệu này, với những thông tin ít ỏi, cũng phần nào giúp chúng ta hình dung được không khí sinh hoạt Phật giáo tại Thuận Hoá thời bấy giờ, đặc biệt là những sinh hoạt Phật giáo tiêu biểu, có liên quan trực tiếp đến vai trò hộ pháp đắc lực của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Chẳng hạn, chỉ với một chi tiết được ghi lại trong <st1:country-region w:st=”on”>Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm cũng đủ giúp chúng ta biết được những thông tin hết sức giá trị: “Năm Nhâm Dần, niên hiệu Hoằng Định thứ ba (1602), thượng tuần tháng 7. Bấy giờ Đoan Vương Nguyễn Hoàng ái mộ đạo Phật từ bi, khuyên việc thiện, trồng duyên lành, nhân gặp tiết Trung nguyên, ngày Rằm tháng Bảy bèn ra chùa Thiên Mụ cúng Phật, niệm kinh giải oan cầu phúc, tế độ chúng sanh, giúp người cứu khổ, công đức viên thành” </st1:country-region>(12). Với những mô tả như thế, chúng ta biết đây chính là Lễ hội Vu lan báo hiếu, ngày Rằm tháng Bảy xá tội vong nhân – một lễ hội truyền thống của Phật giáo diễn ra tại Thuận Hoá thời bấy giờ. Lễ hội được tổ chức tại chùa Thiên Mụ với không khí khá sinh động, do đích thân Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đứng ra chủ trì. Trong ngày lễ hội này, ngoài việc thiết lập đàn tràng tụng kinh cầu siêu độ, cứu tế người nghèo khổ, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng còn khuyên mọi người siêng năng làm việc thiện, gieo trồng căn lành…, quả đúng như lời Nguyễn Khoa Chiêm nhận định: “Đoan vương Nguyễn Hoàng là người có lòng ái mộ đạo Phật từ bi”.

Theo Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, đất Ô Châu (hoặc Thuận Châu), tức Quảng Trị ngày nay, riêng tính từ địa phận Vĩnh Linh vào đến dòng Ô Lâu thuộc địa phận huyện Hải Lăng có 4 ngôi danh lam cổ tự tiêu biểu, như chùa Sắc Tứ Tịnh Quang, chùa Thiên Tân, chùa Long Phúc, chùa Cổ Trai… Những ngôi danh lam cổ tự này, đặc biệt là chùa Sắc Tứ Tịnh Quang, một ngôi chùa có vai trò khá quan trọng trong đời sống văn hoá tín ngưỡng của cư dân Châu Thuận, kể từ thời chúa Nguyễn Hoàng trở đi, luôn được triều đình quan tâm, tu sửa và mời các danh tăng về kế nhiệm trú trì.

Riêng tại đất Hoá Châu, sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An cho biết, ở trấn Thuận Hóa bấy giờ có hai ngôi danh lam, đó là chùa Sùng Hóa và chùa Thiên Mụ. Chùa Sùng Hóa (nay đã tàn, chỉ còn lại nền móng, người ta dựng lên đó ngôi chùa mới lấy tên là chùa Lại Ân) là ngôi chùa nổi tiếng nhất của Hóa Châu thời bấy giờ; còn chùa Thiên Mụ là một ngôi danh lam nằm ở phía nam làng Hà Khê, có cảnh trí thần tiên, gắn liền với giai thoại của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng kể từ buổi đầu đặt chân lên vùng đất này.

Đọc Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm và Mộng kinh sư của Phan Du mới biết rõ thêm nhiều chi tiết quan trọng liên quan đến hai ngôi chùa nổi tiếng là Sùng Hóa và Thiên Mụ, đặc biệt là sự kiện đại trùng tu chùa Sùng Hoá dưới thời chúa Nguyễn Hoàng: “Vương nghe nói thế [chùa Sùng Hóa đã có từ lâu]…, bèn sai thợ mộc làm lại điện thờ, gác chuông, lầu trống, phụng thờ chư vị Bồ tát để cầu phước phù hộ cho dân, sau vài tháng chùa làm xong quy mô tráng lệ, lòng Vương cả mừng. Vương bèn sai cai bạ Lâm đề biển hiệu Sùng Hóa Tự” (13). Không những thế, sau khi đại trùng chùa Sùng Hoá, vào“năm Quý Mão, niên hiệu Hoằng Định thứ tư (1603), mùa Hạ tháng Tư, Đoan Vương Nguyễn Hoàng lại thỉnh nhà sư trú trì đứng ra mở hội Đại Pháp, đọc kinh Đại Thặng, giải phép Thượng Thặng cứu độ cho chúng sanh ba đường sáu lối, cầu siêu cho bảy tổ chín huyền được vẹn thành Chánh giác” (14).

Qua những trích dẫn ở trên cho thấy, đối với Phật giáo Châu Thuận nói riêng, Thuận Hoá nói chung, kể từ khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đặt chân lên vùng đất này năm 1558, ông không chỉ dốc lòng xây dựng, trùng tu các danh lam cổ tự trở thành những ngôi phạm vũ uy nghiêm, làm nơi quy hướng tâm linh cho dân chúng, mà còn đặc biệt lưu tâm khuyến tấn hàng tăng đạo thường xuyên tổ chức những buổi pháp hội giảng giải kinh điển Đại thừa, giúp dân chúng hiểu rõ để thực hành đúng theo lời Phật dạy. Không những thế, hằng năm Nguyễn Hoàng còn thành tâm kiến lập đàn tràng cầu quốc thái dân an, âm siêu dương thái; nương vào phép Phật nhiệm mầu để “cứu độ cho chúng sanh ba đường sáu lối, cầu siêu cho bảy tổ chín huyền được vẹn thành Chánh giác”.

Với những việc làm như thế, nếu không phải là người có một nhãn quan Phật giáo vững vàng và niềm tin kiên định đối với giáo lý Phật Đà, không biết nương theo nguồn tuệ giác Phật để mưu cầu an lạc, hạnh phúc cho dân chúng thì chắc chắn Chúa Tiên Nguyễn Hoàng sẽ không bao giờ làm được như vậy.

KẾT LUẬN

Cùng với Phật hoàng Trần Nhân Tông và Huyền Trân Công chúa, có thể nói Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là người có công rất lớn đối với vùng đất Thuận Quảng nói chung, Thuận Hoá nói riêng, đặc biệt là đối với Châu Thuận của chúng ta ngày xưa cũng như Quảng Trị hôm nay.

Chúng tôi hết sức hoan hỷ và tán thán việc tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Quảng Trị – Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng”, do Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Trị cùng Viện Sử Học và Hội Khoc Học Lịch Sử Việt Nam đồng chủ trì, mà tôi vinh hạnh được tham dự. Đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa để hậu duệ chúng ta hôm nay, dù đang sinh sống ở đâu, có cơ hội cùng nhau tỏ lòng tưởng nhớ và truy niệm công đức to lớn của ngài. Hội thảo này lại càng ý nghĩa hơn khi được diễn ra ngay chính trên quê hương Quảng Trị – nơi mà cách đây 455 năm Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này, dựng nghiệp tại đây, lấy đó làm bàn đạp để các chúa kế vị về sau như Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Khoát tiếp tục cuộc trường chinh tiến về phương Nam, mở mang bờ cõi của dân tộc.

Với tư cách là một tu sĩ Phật giáo, lại là con dân của xứ Quảng Trị, chúng tôi nghĩ rằng, những ý kiến và ưu tư mà chúng tôi nêu ra trong bài viết không gì hơn ngoài việc nhằm góp thêm một góc nhìn khiêm tốn của mình về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, để từ đó chúng ta cùng suy gẫm và có những đánh giá đầy đủ hơn về công đức sâu dày của ngài.

H.T.T.T.H


Chú thích và chú giải:

Đại Nam Thực Lục, Tập I, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Viện Sử Học dịch, Nxb Giáo Dục – Hà Nội, tr.461.
(1)Vua Gia Long chọn Khâm sai Cai cơ hậu quân Đinh Văn Dụ làm Lưu thư Dinh Quảng Trị. Địa phận Dinh Quảng Trị thời bấy giờ (1801) gồm 2 huyện Đăng Xương và Hải Lăng thuộc phủ Triệu Phong và huyện Minh Linh thuộc phủ Quảng Bình.
(2) Chất phác thuần lương là đặc điểm của người Quảng Trị. Giọng nói của cư dân Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ có âm sắc gần giống cư dân Lệ Thủy (Quảng Bình), vì khi thành lập huyện Vĩnh Linh, một phần đất của huyện Lệ Thủy được sáp nhập vào huyện Vĩnh Linh. Đất Gio Linh khi hình thành, một phần lớn được lấy từ đất của Minh Linh,
Đăng Xương và một phần lấy từ đất của Cam Lộ.
(3) Đại <st1:place w:st=”on”>Nam Thực Lục, Tập I, sđd, tr. 37
(4) Đại <st1:place w:st=”on”>Nam Thực Lục, Tập I, sđd, tr. 37. Xem thêm: Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, bản dịch của Lê Xuân Giáo
(5) Phủ Triệu Phong: Địa danh này có từ năm 1469 đời Lê Thánh Tông, gồm các huyện Võ Xương, Hải Lăng, Minh
      Linh và 3 châu. Đời chúa Nguyễn Hoàng đổi tên huyện Võ Xương thành Đăng Xương.
(6) Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn, Lê Xuân Giáo dịch, Sài Gòn – 1972, tr. 71
(7) Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí, Nguyễn Khoa Chiêm, sđd, tr. 90
      Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập II, Nxb Văn hóa Thông Tin, Hà Nội – 2004, tr. 766
      Đặc san Nguyễn Hoàng số 1, năm 2008, Nxb Thuận Hóa –  Huế, tr.26
(8), (9) Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn, Lê Xuân Giáo dịch, Sài Gòn – 1972, tr. 71
(10) Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí, Nguyễn Khoa Chiêm, sđd, tr. 88
(11) Ô Châu Cận Lục, bản dịch của Bùi Lương, Nxb Văn hóa Á Châu, Sài Gòn – 1961, tr. 63
(12) Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí, Nguyễn Khoa Chiêm, sđd. 86 – 89
(13), (14)  Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí, Nguyễn Khoa Chiêm, sđd. 86 – 89

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here