Trang chủ Phật học Phật dạy về Khổ như thế nào? (kỳ 3)

Phật dạy về Khổ như thế nào? (kỳ 3)

153
0

(Tiếp theo và hết)

3. Luận giải một số ngộ nhận về Khổ trong Phật học.

Ngộ nhận về khổ trong Phật học có rất nhiều, ở đây tôi chỉ nêu ra ba trường hợp thường gặp.

* Trường hợp thứ nhất: Có người nói, liệu Phật giáo có bi quan khi nói đời là khổ không?

Vấn đề này, trước hết, ta cần phải thấy rõ: Khổ là một sự thật do chính đức Phật đã tự thân chứng nghiệm rồi nói lại. Khi dạy về bốn sự thật của cuộc đời (Tứ diệu đế), Ngài nói: “Đây là khổ (Khổ đế); đây là nguyên nhân của khổ (Tập đế); đây là khổ đã được đoạn tận (Diệt đế); và đây là con đường đưa đến diệt khổ (Đạo đế)”. “Đây” là một chỉ định từ, diễn tả một sự thật đang hiện hữu đúng như thực trạng của nó. Sự thật đã đúng như thực trạng của nó thì không thể có cái gì khác ngoài sự thật ấy được. “Đây là khổ”, tức đúng như thực trạng của nó là Khổ, thì không thể là không phải khổ, tức phi khổ. Như nói đây là ghế, thì không thể là bàn, là tủ, là kèo, cột; tức phi ghế được. Như vậy, khổ đã là một sự thật, thì dù có chấp nhận hay không chấp nhận; khổ vẫn là khổ, không thể nói khác được.

Thứ đến, đức Phật nói “Đây là khổ”; đó là một nhận thức. Mà đã là nhận thức thì chúng ta chỉ nên phê phán nhận thức đó hoặc đúng hoặc sai; còn lạc quan hay bi quan thì thuộc về thái độ sống. Ngay cả thái độ sống của đạo Phật cũng chẳng liên hệ gì đến lạc quan hay bi quan cả. Vì hướng sống của đạo Phật là trung đạo: trung đạo cả nhận thức lẫn thái độ sống; tức vượt ra ngoài khổ vui. Điều này ngay chính lịch sử của đức Phật cũng đủ cho ta bằng vào đó để minh chứng.

Đọc lịch sử đức Phật, chúng ta thấy gì? Đức Phật trước khi xuất gia, Ngài là một Thái tử. Với cương vị của Ngài, đã có không ít người ngày đêm mơ tưởng còn không thể có được. Nhưng với Ngài thì ngược lại, chẳng những không cần, mà Ngài còn xem nó như cái ách không khác. Ngay từ khi mới bảy tuổi mà Ngài đã có những tư tưởng vĩ đại: Từ lần cùng vua cha ra dự lễ hạ điền, cho đến lần cứu con thiên nga ra khỏi mũi tên độc của Devadharta; từ lần thi đấu võ nghệ, tranh tài hơn thua với các công tử, cho đến những đêm thức giấc, thấy các ca nhi, thể nữ nằm ngủ hình hài như thây chết; nhất là khi cùng Channa dạo chơi bốn cửa thành… Những lần như vậy, Ngài thấy gì? Thấy cuộc sống chung quanh mình chỉ đầy dẫy những thống khổ. Cuộc sống với năm món dục lạc chỉ đem lại khổ nhiều mà vui ít. Cái vui đó lại cũng không phải là cái vui thật, vì chính nó lại là nguyên nhân của khổ. Hạnh phúc mà người đời thường quan niệm, theo Ngài chỉ là giả tạm, điên đảo, nên Ngài đã quyết chí xuất gia. Ra đi bằng cái nhìn sâu xa và bằng tình thương rộng lớn. Ra đi vì hạnh phúc chơn thật cho số đông mà quên đi hạnh phúc cá nhân giả tạm. Như vậy là bi quan, là yếm thế ư? Chẳng phải như vị lãnh tụ quốc gia với các cuộc cách mạng to lớn của họ mà ta hằng cảm ơn và khen ngợi đó sao? Vì sao ta khen ngợi, cảm ơn? Vì họ đã làm được những việc đại nghĩa (như giải phóng dân tộc…) mà ta không làm được. Một vị lãnh tụ quốc gia mà còn như thế, huống nữa là đức Phật! Ngài cũng như vậy: thấy chúng sinh vì chìm đắm, nô lệ bởi dục vọng mà đau khổ, nên Ngài ra đi làm cách mạng để giúp họ thoát khổ.(23) Cả hai đều làm cách mạng, nhưng đại nghĩa của vị lãnh tụ chỉ hạn cuộc trong phạm vi quốc gia, còn Phật thì khắp chung cho tất cả. Tình thương của vị ấy chỉ gói trọn trong một màu da, còn Phật thì bao la không ranh giới.

Nói như thế, có thể các bạn cho rằng tôi đã đứng trên quan điểm tín ngưỡng để bênh vực, vì tôi là người Phật giáo. Nhưng khi nói vậy, tôi nghĩ cũng không cần thiết lắm. Chỉ có  điều, người  nhà  nào nói việc nhà nấy, thì có cái có thể rõ hơn. Thế nên, tôi nói lại như sau.

Tôi đã cố gắng hết sức khách quan, nhưng lại không biết mình có chủ quan khi nói như thế này không: Một tôn giáo bi quan, mà lại ngoài tôn giáo ấy, người ta khó có thể tìm thấy ở bất cứ một triết thuyết nào khác, có những triết lý sống từ bi, vô ngã và bình đẳng… cao thượng đến nỗi khiến các nhà trí thức, khoa học hiện đại phải hết sức ngạc nhiên và kính phục. Nhất là người ta lại tìm thấy những tư tưởng tuyệt đối tôn trọng quyền hạnh phúc của người khác cũng như đánh giá cao khả năng giác ngộ của con người, ngay cả những loài thấp nhất như sâu bọ.

Không tin thì bạn cứ lật lại lịch sử của đức Phật xem. Tôi đố ai tìm thấy có chỗ nói rằng tâm từ bi, bình đẳng của đức Phật còn thiếu hay có giới hạn. Hung ác như Angulimala; hạ tiện như Nide gánh phân; bất hiếu giết cha như Ạitasatthu; điên loạn như kỷ nữ Liên-hoa-sắc… cũng được Ngài tế độ cho thành đạo cả. Ngay những việc của Ngài như hàng phục voi say; xâu kim cho một bà già bị mù; may áo cho một Tỳ-kheo bị bệnh… là những thái độ thiếu từ bi, bình đẳng; là bi quan, yếm thế sao? Chỉ riêng trong việc tôn trọng quyền hạnh phúc thôi, khi một xã hội còn đặt nặng về giai cấp và xem nhẹ người nữ, mà đức Phật đã cho phép đủ thành phần chủng tộc, giới tính xuất gia trong giáo pháp của Ngài, thì quả là không còn lời nào để ca tụng. Thái độ ấy, khi Phật chưa ra đời, tìm đâu ra mấy người làm được? Không lẽ đó cũng là thái độ bi quan, yếm thế?

Vậy thì, Phật nói khổ với mục đích gì? Phải chăng Ngài nói khổ chỉ để thở than hoặc an ủi chúng sinh rồi phó mặc đó? Không. Mà ngược lại, Ngài nói Khổ là để chỉ cho ta thấy rõ, rồi từ đó tìm về nguyên nhân mà giải quyết chúng: “Này các Tỳ-kheo, Như lai đã dạy các thầy những gì? Như lai đã dạy các thầy sự thật về Khổ, nguyên nhân đau Khổ, đoạn diệt đau khổ và con đường đi đến đoạn diệt đau khổ. Tại sao Như lai dạy các thầy chân lý đó? Vì chúng thật sự có ích và cần thiết để đi đến một đời sống lý tưởng; vì chúng làm cho các thầy từ bỏ mọi dục lạc, giải thoát mọi say đắm, chấm dứt mọi khổ đau, đi đến thanh tịnh, giác ngộ, Niết-bàn”.(24)

* Trường hợp thứ hai: Có người cho rằng, Phật giáo nói khổ, vậy thì ai khổ?

Thiết tưởng để trả lời câu hỏi này, tôi không có thẩm quyền mấy. Nhưng có một trường hợp tương tự trong kinh Nikàya, tôi xin được nêu ra đây, để mỗi chúng ta tự giải quyết lấy: Tôn giả Moliya Phagguna một hôm hỏi đức Phật về việc “ai là người xúc chạm, ai là người cảm thọ?”. Phật dạy: “Như Lai chỉ nói có xúc, có thọ mà không nói có ai xúc chạm, ai cảm thọ”. Ai mê, ai khổ cũng như vậy.

Thế thì, đối với vấn đề này, đức Phật đã không trả lời, vậy ta còn cố đặt vấn đề này nọ làm gì nữa cho mệt! Hơn nữa, đây không phải là phạm trù của tư duy, lại càng chẳng phải lĩnh vực hiểu biết của phàm phu, thì dù có muốn nói đi nữa, vậy ta sẽ nói thế nào đây? Có nói cũng chỉ là miễn cưỡng và chứa đầy chất liệu “chấp thủ” mà thôi, lại e không khỏi sai lạc. Vì sao? Vì như trước tôi có nói: tất cả pháp đều vô thường, biến hoại. Mà pháp vô thường, biến hoại thì đâu có cái gì để gọi là “ai”. Khái niệm “ai” là chỉ một sự lầm chấp của con người cho rằng có một thực thể tồn tại cố định, thường hằng, rộng khắp. Nhưng thực tại của thực thể ấy không có thật, mà chỉ giả có; và tại thói quen tham ái của con người từ nhiều đời nhiều kiếp đã lầm nhận rồi chấp lấy làm ngã mà thôi. Nên sở dĩ con người sinh tử luân chuyển trong ba đường sáu nẻo(25) cũng do nhận lầm cái ngã ấy, chứ thật ra không có một cái gì gọi là “ngã” cả. Ngay trong luân hồi sinh tử cũng không có cái ngã nào hết.

Do vậy, nếu trả lời câu hỏi đó, thì chẳng khác nào trả lời các phiếm luận: vũ trụ là thường hay vô thường; là hữu biên hay vô biên; con người có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết?… Trả lời như vậy cũng đồng nghĩa với việc trả lời các chuyện vô bổ như: người huyễn hoá ăn mấy đấu gạo? sông Hằng có bao nhiêu hạt cát?… Như thế thì có khác gì chỉ phí công đi tìm lông rùa, sừng thỏ, nhưng làm gì có! Vậy nếu có trả lời chăng, thì tôi sẽ mượn lời đức Phật để nói như thế này: Bị trúng độc, việc trước mắt bạn phải làm gì? Nhổ mũi tên độc ra trước, hay nhất thiết phải hỏi để tìm hiểu chính xác cho bằng được: mũi tên này do ai bắn, bắn từ đâu và vì sao mà bắn… rồi mới chịu nhổ ra? Làm như vậy liệu có còn sống không? Chắc chắn không. Và tôi tin rằng, sẽ không có bất cứ ai trong chúng ta lại làm một việc dại dột như vậy. Cũng thế, nếu chúng ta thật sự còn thấy mình mê mà khổ, thì hãy cố diệt trừ nó đi, thế thôi. Thì đâu cần đặt vấn đề ai mê, ai khổ làm gì cho mệt!

Nói như thế là mỗi chúng ta không có quyền được biết mình khổ hay sao? Nếu tôi không biết tôi khổ thì làm sao tôi có thể hướng mình đến giải thoát an vui được?

Vấn đề không phải vậy. Điều mà ở đây tôi muốn nói chính là để trả lời cho sự lầm chấp của chúng ta, rằng có một cái ngã ở đằng sau sự thọ khổ đó: “Không có người chịu khổ thì ai là người giải thoát khổ? Không có người chịu khổ thì ai là người thực hiện Niết-bàn?”… Nhưng phải vậy! Mà đúng nghĩa của giải thoát khổ hay chứng nhập Niết-bàn là gì? Là  không còn sự chấp thủ ngã, tức vô ngã. Vô ngã thì mới nhập được Niết-bàn! Vì sao? Vì “Niết-bàn là cái gì tuyệt đối không dung ngã. Niết-bàn không có hạn lượng, không có nơi chốn, vì Niết-bàn vô tướng – vô tướng nên rất khó vào. Muốn vào Niết-bàn, ta cũng phải vô tướng như Niết-bàn. Cửa Niết-bàn rất hẹp, chỉ bằng tơ tóc nên ta không thể mang theo một hành lý nào mà hy vọng vào Niết-bàn được cả. Cái thân đã không mang theo được, mà cái ý niệm về tôi, về ta cũng không thể đem vào được. Cái ta càng to thì càng xa Niết-bàn. Nên biết, hễ hữu ngã thì luân hồi, mà vô ngã là Niết-bàn”.(26)

Như vậy, có vô ngã thì mới nhập được Niết-bàn, bằng còn ý niệm ngã thì không thể giải thoát khổ đau, sinh tử. Hay nói cách khác, vô ngã là Niết-bàn; Niết-bàn là vô ngã. Do đó, ở đây chúng ta cần phải hiểu rằng, vô ngã thì chứng nhập Niết-bàn, chỉ là dựa trên ngôn từ khái niệm mà nói, chứ kỳ thật Niết-bàn không có nhập xuất gì hết. Bởi vậy, nếu cho rằng có một cái “ngã” ở đằng sau sự giải thoát hay nhập Niết-bàn ấy, thì đó chỉ là ngộ nhận, chứ thực ra không có một cái ngã nào cả. Ngộ nhận này, hiện tại không riêng gì chúng ta vấp phải, mà ngay trong quá khứ và cả mai sau cũng thế. Chỉ khi nào được trí tuệ “thấy đúng như sự thật các sự vật hiện tượng” soi rọi thì khi đó con người mới hết ngộ nhận ấy.

Có lẽ trả lời như vậy e là phức tạp quá. Chắc tôi phải nói lại thế này thì đơn giản hơn và thực tế hơn: Ai khổ? Thì còn ai vào đó nữa: Chính bạn khổ, tôi khổ, chúng ta khổ, chứ còn ai nữa. Khổ đó, tất cả chúng ta, tuy không giống nhau, nhưng ai cũng có. Vì ai cũng có nên ai cũng muốn hết khổ và muốn được thoát khỏi khổ. Nhưng thoát khổ không có nghĩa là quên nó đi, cắt phứt đi cho xong, chẳng suy tư làm gì cho mệt. Thái độ như thế chỉ là trốn chạy, tiêu cực, không thể chấp nhận. Mà trái lại, phải tích cực: phải trực diện với khổ để nhận ra nó, để thấy rõ mặt mũi xưa nay của nó, rồi tiêu diệt nó.

Nhưng như thế cũng không có nghĩa rằng tôi chỉ biết mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân tôi, rồi tôi chẳng thèm màng gì đến những người chung quanh nữa; thậm chí còn chà đạp lên hạnh phúc của họ. Thái độ như thế cũng thiếu nhân bản, không thể chấp nhận. Mà ngược lại, phải thấy và phải có trách nhiệm: “Bởi vì ai cũng khổ cho nên ai cũng muốn thoát ra khổ, ai cũng muốn được sung sướng. Ai cũng muốn thoát ra khổ cho nên ai cũng có quyền thoát khổ, và quyền đó giống nhau nơi mọi người. Ai cũng muốn sung sướng, cho nên ai cũng có quyền được hưởng hạnh phúc và quyền đó giống nhau nơi mọi người, bất cứ ở đâu, bất cứ ở thời đại nào… Chính vì tôi biết tôi khổ và tôi muốn thoát ra khổ, cho nên tôi hiểu được nỗi khổ nơi người khác và hiểu được người khác muốn thoát khỏi khổ như thế nào. Hiểu như vậy cho nên tôi không gây khổ cho người khác. Hiểu như vậy, quyền được hưởng hạnh phúc có cơ sở thực tế, có đạo đức hướng dẫn, chứ không phải là lý thuyết, viễn vông, từ đâu trên trời, hoặc từ đâu trong thiên nhiên phát ra, ban xuống”.(27)

* Trường hợp thứ ba: Có người nói, Phật giáo nói khổ, tôi chấp nhận. Nhưng khổ ấy tôi không bao giờ suy nghĩ, cũng như không thấy mình khổ, thì có khổ gì?

Xin thưa: Ai hỏi câu này thì chính người ấy đã và đang khổ rồi đó. Vì sao? Vì khi nói không khổ, không có nghĩa là người ấy không khổ, mà chỉ tại anh ta không chịu suy nghĩ cũng như không chịu thấy mình khổ. Nhìn một người đau khổ đang đứng đối diện bạn, anh ta có thấy mình khổ không? Chắc chắn là không. Nhưng làm sao bạn thấy mà anh ta không thấy? Đơn giản: vì anh ta đang khổ mà bạn thì đâu có khổ. Nếu anh ta thấy mình khổ thì anh ta đã không khổ rồi! Bởi vậy, chỉ cần khi nhìn vào người đối diện, thì ta cũng phần nào biết được tâm trạng của họ. Nhìn một người đang khổ, với vẻ mặt thiểu não hay buồn bã, ta cũng dễ dàng nhận biết được: chính khổ đã làm cho tinh thần người ấy mê muội. Mà khi mê muội thì họ đã không còn thấy mình là ai, huống nữa là thấy khổ!

Nói đến đây, tôi chợt nhớ một câu chuyện mà tôi thích từ nhỏ. Song vì chuyện này do đọc đã quá lâu nên tôi không rõ xuất xứ, nhưng chắc là ai cũng biết. Có lẽ lúc còn là Oanh vũ trong tổ chức Gia đình Phật tử, nhờ chuyện này mà tôi càng kính phục đức Phật.

Chuyện là: Xưa, một người đàn bà nọ có đứa con chết. Vì thương con quá nên đêm ngày than khóc mà ôm xác con đi khắp để cầu mọi người chữa cho nó sống lại. Mọi người thương tình chỉ đến chỗ Phật. Phật bảo bà ta hãy đi xin về cho Ngài một nắm tro ở nhà nào ba đời chưa có người chết, thì Ngài sẽ cứu sống được. Nghe nói thế, bà mừng rỡ, đi ngay. Nhưng đến nhà nào hỏi xin, người ta cũng lắc đầu bảo không có. Cuối cùng thì bà ngộ được, vui vẻ trở về đem con đi chôn và quy y đức Phật.

Chuyện quá đơn giản và quá gần gũi, nhưng ai dám bảo đức Phật không cao siêu? Qua chuyện đó, chúng ta thấy gì? Chắc chỉ cần hai chi tiết này thôi, cũng đủ cho ta thấy cả một triết lý quá hay, quá xúc cảm mà tôi phải kính phục.
Chi tiết thứ nhất: Người đàn bà vì mất con nên đã quá đau khổ nhưng lại không thấy mình khổ. Điểm này tôi quan tâm nhất, vì nó giải quyết vấn đề mà tôi đang nói. Chi tiết này cho ta thấy: cuộc sống đừng bao giờ đau buồn quá, vì đau buồn quá hoá khổ. Mà khổ thì không còn trí tuệ.

Có lẽ ở đây tôi phải nói thêm ý này, để tránh các bạn cho rằng, tôi nói khổ là mất trí tuệ, thì vì sao trong lịch sử lại có nhiều người nhờ khổ mà thấy được chân lý? Như thế chẳng phải con người nhờ khổ mà có trí tuệ sao?

Không phải vậy. Vấn đề ở đây chính là thực trạng của một người đang khổ. Một người đang khổ thì ngay ở thời điểm đó người ấy hoàn toàn bị cảnh khổ chi phối, không có cái khác xen vào được. Cũng như khi ta nói trời tối vì mưa, thì không thể lúc ấy là trời tạnh (sáng) được. Nhưng sau khi hết mưa thì trời tạnh là một chuyện khác. Khổ ở đây cũng vậy: Khi đang khổ thì hoàn toàn không có mặt của trí tuệ; còn nhờ khổ mà thấy được chân lý là một chuyện khác. Mà ở đời mấy ai thấy được chân lí như vậy nhỉ?

Tôi nói tiếp chi tiết thứ hai: Đức Phật chỉ cho người đàn bà thoát khổ bằng cách bảo bà đi tìm nắm tro ở nhà nào ba đời chưa có người chết. Chi tiết này tôi cũng càng quan tâm không kém: Sao mà đức Phật khéo thế! Không khéo sao người đàn bà có thể quy y? Mà quy y đúng nghĩa nữa chứ: quy y với nỗi khổ bay mất! Thử đặt trường hợp của ta lúc đó xem: Ta sẽ làm gì? Thuyết pháp ư? Liệu ta có thuyết hết một thời và bà ta có nghe nỗi câu thứ ba hay không? Tôi e là chúng ta bị phí công mất! Đối với người đàn bà lúc ấy, có ai đem cả đống vàng bạc đến tặng cũng còn không thiết, huống nữa là nghe pháp! Cái hay của Phật là ở chỗ đó. Thay vì thuyết pháp, Ngài lại để cho bà tự suy nghiệm và tự ngộ lấy chân lý: có ai sinh ra mà không chết? Sống chết là quy luật tất yếu, thì vì sao ta phải quá đau buồn khi con ta chết? Ta khổ là do đâu? Do ta quá si mê chứ đâu. Vì tham ái nên ta luôn mong muốn người thân của mình đừng bao giờ chết. Đến khi cái chết của người thân xảy ra đột ngột thì thành ra ta đau khổ.

Như thế, một khi đã quá đau khổ thì chính khổ ấy làm cho ta mất hết trí tuệ. Và khi không có trí tuệ thì ta cũng không còn nhận định sự vật đúng như thật nữa.

Ở đây, tôi mới chỉ nói thấy và không thấy, mà chưa nói khi thấy rồi, còn phải tìm cách giải quyết nữa. Giải quyết thế nào? Thì phải tu.. Nhưng nếu tôi tu mà bị lạc hướng thì sao? Dĩ nhiên là không phải “tu mù”! Mà tu mù thì khổ lắm, vì không thấu rõ Chánh pháp. Không thấu rõ Chánh pháp thì rốt cùng cũng trôi lăn trong nẻo luân hồi như đức Phật đã từng dạy: “Đêm rất dài với người mất ngủ; đường rất xa với kẻ lữ hành mỏi mệt. Cũng vậy, dòng luân hồi sẽ mãi tiếp nối với những ai ngu si không thấu rõ Chánh pháp”(28). Vậy để thấu rõ Chánh pháp thì phải làm gì? Phải có chính kiến, tức phải có cái nhìn sự vật bằng trí tuệ đúng như thật. Có chính kiến thì mới thấy các dục lạc là vị ngọt hấp dẫn, là gánh nặng, là ma, là kẻ sát nhân thù địch, là rắn độc, là ung nhọt, là gai nhọn, là lửa dữ… là như sương sớm, như điện chớp, như sóng nắng, như bọt nước, như bong bóng nước, như hoa đốm, như mộng, như huyễn hoá… là khổ, không, vô thường, vô ngã… Thực hành như thế, thì lo gì không "vượt qua hết thảy khổ ách"!

Nhưng chính kiến như vậy e là khó quá. Có cách nào khác dễ hơn không? Có chứ. Trong các kinh sách Phật nói chính kiến có rất nhiều thứ: nào là chính kiến đoạn tận khổ đau, chính kiến chưa đoạn tận khổ đau; chánh kiến do nghe (văn), suy nghĩ (tư) và tu tập (tu) đạt được… Nhưng hình như Ngài nói nhiều quá, tôi nhớ không hết, lại không nắm rõ. Tôi chỉ nhớ có một chuyện trong kinh Phạm Động, nội dung diễn tả chính kiến mà tôi rất lấy làm thích thú và cũng xin được kể ra:

Có hai thầy trò ngoại đạo một hôm đi sau Phật và đại chúng. Thầy Thiện Niệm thì dùng đủ mọi lời lẽ xấu xa tục tĩu để phỉ báng đức Phật. Trò Phạm-ma-đạt thì ngược lại, dùng đủ mọi lời hay để ca tụng. Phật chỉ im lặng và không một chút thay đổi sắc mặt. Khi về đến tinh xá, chúng tăng đem chuyện ấy ra bàn luận. Phật dạy: “Khi nghe khen, chớ vội mừng; khi nghe chê cũng chớ vội buồn; vì vui buồn theo khen chê, cả hai đều làm cho ta sa đọa”.(29)

Có lẽ tôi cũng không cần nói gì thêm, bởi nội dung Phật dạy đã quá rõ. Nhưng qua đó, tôi cũng muốn lồng thêm mấy ý nhỏ, không ngoài ý tưởng vẽ rắn thêm chân: Vui buồn theo khen chê, chính là còn mê đắm, gọi là chấp đắm (ngã ái) về danh, một trong năm món dục lạc (tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ) mà người tu hành nếu không tỉnh giác rất dễ vấp phải. Ngược lại, không mừng trước lời khen, không buồn trước lời chê, tức là đã thực tập được bước đầu của hạnh quán Vô ngã như bài kệ sau của đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú:

        “Như đá tảng kiên cố,
        Gió cuồng nộ chẳng lay.
        Ở giữa mọi khen chê,
        Người trí không dao động ”.  (PC. 81)

Đồng thời như thế cũng là đã thực tập được bước đầu của hạnh ly dục để đoạn trừ khổ đau của cõi Dục, từ đó làm nền tảng dần dần tiến lên đoạn trừ phiền não khổ đau của cõi Sắc và cõi Vô sắc, giải thoát ra khỏi ba cõi. Đây chính là một phần ý nghĩa của thiểu dục (ít muốn), tri túc (biết đủ) hay trung đạo. Đồng thời cũng là một phần nội dung và chủ đích trong suốt 45 năm giáo hoá của đức Phật.

Như vậy, muốn hết khổ thì phải có trí tuệ, tức phải có chính kiến. Mà muốn có chính kiến thì không gì hơn là sống ít muốn, biết đủ hay ly dục, tức trung đạo như ý nghĩa sau mà đức Phật thường dạy: “Nên sống thăng bằng điều hòa; không nên vui quá cũng không nên buồn quá”. Vì sao? Vì như dây đàn, khi lên cao quá, thì tiếng sẽ đứt. Ngược lại, khi xuống thấp quá thì tiếng bị chùng; cả hai đều làm cho người nghe không thích thú. Tâm lý buồn vui cũng như vậy. Buồn quá càng khổ mà vui quá cũng khổ. Sao lại vui mà khổ? Bởi như ruồi ham mật mà chết; như trẻ con ham đường phèn trên dao mà bị đứt lưỡi. Người đời cũng như thế: ham mê theo năm dục mà không thấy đằng sau năm dục là khổ. Vì vậy, trong vui đã có sẵn mầm khổ, nên buồn hay vui đều là nguyên nhân của khổ. Nhất là vui hết thì khổ càng nặng, mà khổ càng nặng thì càng mất trí tuệ.

Khổ như vậy, nếu ai không chấp nhận thì đấy không phải là anh ta không công nhận khổ như chính tự bản thân; mà chỉ tại anh ta không chấp nhận Phật giáo nói khổ, do vì cả đời muốn che đậy sự thật khổ của chính anh ta mà thôi. Nếu ai khổ mà thấy mình không khổ thì cũng nên thực hành được như thế, chứ đừng chỉ lí luận suông. Nghĩa là khi gặp khổ, bạn chớ than trời, van đất là được. Song bạn và tôi cũng chớ quên rằng, chẳng phải ta luôn miệng kêu khổ một ngày dăm bảy bận!

Tóm lại, Phật nói khổ là một sự thật. Sự thật đó chẳng những ở phạm vi con người mà còn chung cho cả ba cõi; chẳng những với thân vật lí mà còn cả tâm lí; chẳng những trong một ngày, hai ngày mà còn ngay trong từng sát-na, hơi thở. Bao giờ, bất cứ nơi nào và bất cứ ai tâm lý còn bị luật vô thường chi phối, thì nơi ấy, người ấy chưa thể hết khổ. Khổ ấy chỉ có đức Phật mới thấy được một cách cùng tột, còn chúng sinh thì không thể thấy hết. Vì chúng sinh không thể thấy hết nên đức Phật thương mà nói lại, để giúp cho họ thấy được, rồi từ đó có hướng sống mà ra khỏi. Và dĩ nhiên, Phật nói khổ không phải vì buồn bã, chán nản, mà cốt để chỉ cho ta thấy rõ sự thật ấy. Như người bạn tốt, biết trước đường hiểm bảo ta đừng đi qua, hoặc có việc phải đi, thì khi gặp nạn, ta cũng khỏi bất ngờ mà chuẩn bị được phương tiện và tâm lí tốt để đối phó. Lại như cha mẹ thương con, vì sợ con khổ mà chỉ cho nó biết điều nào nguy khốn, điều nào an ổn để cho nó lựa chọn. Phật cũng như vậy. Tình thương cha mẹ có khi còn bị đối đãi, nhưng Phật thì không. Tình thương của Phật là tình thương của đại từ bi, là tình thương không có điều kiện. Ngài là người bạn tốt không mời mà đến. Thấy chúng ta khổ do vô minh tà kiến nên Ngài thương mà nói lại, để khi gặp khổ, chúng ta có tâm lí đối phó mà không sợ hãi.

Mặc dù trên đây tôi chỉ mới đưa ra một số vấn đề về Khổ trong Phật học mà có lẽ chưa luận giải hết, song tôi muốn kết thúc bài viết của mình ở đây. Trước khi chấm dứt, tôi xin phép đọc lại bài thơ sau để minh chứng cho những gì mà nảy giờ tôi nói:

        “Biển khổ mênh mông sóng ngập trời,
        Khách trần mãi thả chiếc thuyền trôi,
        Thuyền ai ngược gió hay xuôi gió,
        Ngẫm lại cùng trong biển khổ thôi”.

Tôi không biết bài thơ xuất xứ từ đâu và tác giả là ai. Tuy chưa có lối thoát, nhưng tác giả cũng đã cho ta thấy được một phần nội dung của sự thật Khổ mà đức Phật đã chứng nghiệm.

Như vậy, Khổ mà đức Phật nói là một sự thật. Đã là sự thật, thì dù có chấp nhận hay không chấp nhận thì khổ vẫn là khổ. Đã có thân thì chắc chắn khổ, như Khổng Tử dạy: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân; nhược ngô vô thân, hà hữu chi hoạn?” (Ta có khổ lớn vì ta có thân, nếu không có thân thì ta có khổ gì?). Tục ngữ Việt Nam cũng đã một lời khẳng khái: “Có thân thì khổ, có khổ mới nên thân”. Như thế là Tục ngữ đã cho ta biết trong khổ đã có sẵn mầm vui rồi đó. Vậy chẳng phải đức Phật đã khám phá nó và chỉ dẫn cho ta đó sao?

P.T

* Chú thích:

(23) HT. Thích Thiện Siêu, Chữ Nghiệp trong đạo Phật, Nxb. Tôn giáo, 2002; tr.55
(24) Kinh Tương ưng bộ V, tr.437. (Trích lại của Nguyên Tuấn, Phật học Cơ bản, BHPTƯ GHPGVN, Nxb. Tp.HCM, 1999; tr.55-56)
(25) Ba đường (tam đồ): Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh; Sáu nẻo = sáu đường.
(26) HT. Thích Thiện Siêu, Vô ngã là Niết-bàn, Sđd, tr.68.
(27) Cao Huy Thuần, Thượng đế, thiên nhiên, người, tôi và ta, Sđd; tr.86-87
 (28) HT. Thích Thiện Siêu (dịch), Lời Phật dạy (Dhammapada-sutta), Nxb. Tôn giáo, 2000, tr.31
(29) Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm (dịch), Kinh Trường A-hàm I, ĐTKVN, Viện Nghiên cứu PHVN ấn hành, 1991, tr.63-64.
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here