Trang chủ Phật học Phật dạy về Khổ như thế nào? (kỳ 1)

Phật dạy về Khổ như thế nào? (kỳ 1)

178
0

Cho đến nỗi nhiều khi tôi tưởng chừng như con người không có lúc vui vậy: gặp cảnh nhà cháy kêu khổ đã đành, mà lúc bình yên người ta cũng “bắt bớ” khổ. Như các cụ xưa mỗi lần đi đâu về thường buột miệng với hai từ “cơ khổ”: qua nhà hàng xóm chơi cũng “cơ khổ!”(1). Chưa đủ, trường hợp hai mẹ con lâu ngày xa nhau, đến khi gặp lại cũng than khổ. Nghĩa là khi buồn, khi vui và khi không khổ không vui, con người cũng đều kêu khổ. Khổ như là sản phẩm đã được nung chín trong tiềm thức họ, để bây giờ chỉ có việc tuôn ra thôi vậy. Thế thì khổ ấy đúng như sự thật thứ nhất (đệ nhất Khổ đế) trong bốn sự thật (Tứ diệu đế) mà đức Phật đã nói rồi còn gì!?

Thế nhưng đến nay vẫn còn có không ít người chưa hoàn toàn chấp nhận. Có người chấp nhận một trăm phần trăm nhưng có người chỉ mới năm chục. Có người chấp nhận bốn mươi, ba mươi mà cũng có người chưa được mười mươi. Thậm chí có người còn cho rằng, chẳng những đời không khổ mà trái lại còn vui nữa: nào là tôi có chức tước, địa vị, tiền của, danh vọng… trên cả trăm ngàn thiên hạ, có cái gì thiếu đâu mà bảo rằng tôi khổ? Đạo Phật chỉ biết nhìn đời bằng cặp mắt bi thương thôi, chứ chẳng giúp ích gì cho cuộc đời cả!

Cũng có người nói, dẫu biết đời là khổ, nhưng tôi không bao giờ suy nghĩ cũng như không thấy mình khổ, thì có khổ gì? Vân vân và vân vân.

Do đâu có các ngộ nhận ấy?

Điều này chẳng có gì khó hiểu: bởi hoàn cảnh và cảm nhận khổ của mỗi người hoàn toàn sai khác. Vì vậy ở đây, tôi muốn đưa ra những lí giải đúng đắn để chúng ta cùng nhau đi đến thống nhất quan điểm, vẫn là cần thiết.

Nhưng khi đặt vấn đề này, tôi không có tham vọng đi sâu vào ngõ ngách của Khổ để chia chẻ rồi nói lên những gì mới mẻ. Tôi chỉ thử bàn một số vấn đề về Khổ trong Phật học, để qua đó, muốn hiểu ý nghĩa Khổ theo đúng tinh thần Phật dạy mà thôi. Do đó nội dung chính của bài này gồm ba phần như sau: 1. Xác định lại nghĩa từ gốc của Khổ (Duhkha) trong Phật học; 2. Khái quát về thực trạng của Khổ; và, 3. Luận giải một số ngộ nhận về Khổ trong Phật học.

Dẫu phân chia vậy nhưng đây chỉ là một bài bàn về Khổ mà không phải là một đề luận khảo cứu, nên hẳn nhiên không thể tránh khỏi những thiếu sót. Do đó, người viết rất mong nhận được sự lân mẫn chỉ giáo của các bậc đi trước.

1. Xác định lại nghĩa từ gốc của Khổ (Duhkha) trong Phật học.

Trước hết, Khổ có nghĩa là gì?

Khi nói đến Khổ, một cách máy móc thì ai cũng hiểu. Nhưng để đúng vơi tinh thần Phật học, thì cho đến nay vẫn còn không ít người nhầm lẫn. Vì vậy ý nghĩa của từ này, theo tôi, chúng ta cần phải phân thành hai quan điểm: một theo lối nhận thức phổ thông, và một phát xuất từ chữ Duhkha trong Phật học.

Khổ được hiểu theo nhận thức phổ thông như thế nào?

Theo Việt Nam Tân từ điển của Thanh Nghị(2), thì Khổ được định nghĩa là: “1. (p. malleur, peine; malheurx, douloureux) Cực, đau đớn, vất vả”. Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên(3) định nghĩa: “Khổ: I. Tt. 1. Quá khó khăn, thiếu thốn về vật chất, hoặc bị giày vò về tinh thần; 2. Tồi tàn, trông thảm hại; 3. Từ dùng cửa miệng khi than thở. II. Dt: Nỗi khổ. III.* Đắng, trái với cam (ngọt). IV.* Tận lực, chịu đựng, kiên nhẫn để làm việc gì”.

Hai định nghĩa Khổ trên là của hai cuốn tự điển tiếng Việt tiêu biểu cho hai giai đoạn trước và sau 1975. Hai định nghĩa này đã cho ta một khái niệm cụ thể về nhận thức Khổ chung của toàn thể nhân loại. Song như tôi vừa nói, đây mới chỉ là ý nghĩa phổ thông chứ chưa phải là ý nghĩa theo đúng nguyên từ Duhkha trong Phật học. Thế nhưng trong giới Phật học, vẫn còn có người khi giảng về Khổ, lại giải thích: “Khổ: tiếng Phạn là Duhkha, là sự đau đớn cùng cực, sự không thể chịu đựng được. Khổ lấy đau đớn làm nghĩa, lấy bức bách làm tướng, gọi là khổ”.(4)

Đã từ lâu, tôi xem đây như là định nghĩa Khổ chuẩn xác và hoàn toàn đúng với tinh thần Phật học. Nhưng nó thật sự chưa ổn. Bởi nếu Khổ được định nghĩa là “sự đau đớn cùng cực, sự không thể chịu đựng được”, thì chỉ mới hạn cuộc ở thân vật lý, mà chưa phải bao hàm cả tâm lý. Khổ như vậy chỉ mới phần thô và phổ thông chứ chưa diễn tả được phần vi tế mà đức Phật muốn nói. Bởi vì theo đức Phật, chúng sinh có 3 hạng: hạng ở cõi Dục, lấy Dục làm vui nên bị Dục thiêu đốt; hạng ở cõi Sắc, lấy Sắc làm vui nên bị Sắc thiêu đốt, và hạng ở cõi Vô sắc (thiền định), lấy Vô sắc làm vui nên bị Vô sắc thiêu đốt. Chất liệu thiêu đốt chính là Tham, Sân, Si.

Do vậy, nếu khổ chỉ được hiểu như định nghĩa trên thì chúng sinh ở cõi Sắc và Vô sắc vẫn chưa có gì gọi là khổ cả; thậm chí ngay chư thiên ở cõi Dục vẫn chưa có gì khổ. Vì sao? Vì chúng sinh ở các cõi này đâu có chịu sự đau đớn cùng cực, mà chỉ hưởng toàn vui (theo nghĩa phổ thông)!

Như thế, đức Phật nói khổ, là chỉ cho con người và các loài chúng sinh thấp hơn người thôi sao? Bởi chỉ có các loài này mới có những trạng thái đau đớn cùng cực ấy! Và nếu cõi Vô sắc đã hoàn toàn hết khổ, thì Thái tử Tất-đạt-đa đâu cần phải từ giã hai vị thầy của mình là A-la-la và Uất-đầu-lam-phất, khi đã tu chứng được thiền định ngang bằng họ. Ngược lại, Ngài phải nhọc công sáu năm khổ hạnh, bốn mươi chín ngày tham thiền nhập định, mong chứng được quả vị Phật để ra khỏi ba cõi? Và sự thật của ba cõi theo Phật dạy là gì? Là “không an như nhà lửa” (Tam giới bất an do như hoả trạch). Như vậy, chẳng phải cõi Vô sắc vẫn còn khổ sao? Thế thì đã quá rõ. Mặc dù đây chỉ là tư tưởng của kinh Pháp Hoa, nhưng cũng là tiêu biểu cho toàn bộ nền giáo lý của đức Phật. 

Vậy nếu định nghĩa Khổ theo Phật học mà chưa thật sự diễn tả đúng tinh thần của nó, thì hẳn nhiên ta cũng không thể ngăn nổi những ngộ nhận sẽ được đặt ra: Khổ ấy vẫn chưa phải là khổ, và có tu hoài đến thành Phật vẫn không hết khổ. Vì sao? Vì khổ ấy chỉ là hệ quả tất yếu của Nghiệp. Nghĩa là người ta từ khi sinh ra và lớn lên, sự có mặt khổ đã hoàn toàn tất yếu: không thích cũng phải chịu, mặc dù tâm lí không muốn đón nhận. Và Khổ đã là một quy luật, thì tại sao tôi có thể không khổ khi tôi có thân? Mà có thân thì phải có già; có già thì phải bệnh, phải chết…? Góp mặt với cuộc đời, ai có thể tránh khỏi các khổ ấy? Ngay như đức Phật mà Ngài còn không thể tránh khỏi: chẳng phải đức Phật Thích-ca đã bị bệnh nặng trước lúc nhập diệt đó sao? Như thế mà Ngài không khổ à? Nếu bảo đó chỉ là thị hiện của Ngài đi nữa, thì trên mặt sinh lý, Ngài có khổ không? Nói không thì vô lý quá. Vì sao? Vì Ngài cũng có sinh ra; Ngài cũng có già, bệnh, chết như bao nhiêu người khác. Mà có sinh, già, bệnh, chết là do có thân; và có thân thì phải có khổ, thế sao lại nói không? Như vậy, tu đến thành Phật vẫn không hết khổ rồi còn gì?!

Và tự nhiên trong cách hỏi ấy, tôi cũng cho phép mình đặt lại những vấn đề tương tự rằng: Thật đơn giản, như trời lạnh, vậy muốn không khổ thì tôi phải làm gì nếu chẳng phải là mặc thêm áo? Vì sao? Vì tôi biết mình không thể cưỡng lại được trời lạnh nên chắc chắn phải khổ nếu tôi không mặc. Như thế, trời lạnh thì mặc thêm áo, là việc bảo vệ tự nhiên của tôi. Vậy có khác nào các sự khổ ở đời, một khi đã quá tất yếu và quen thuộc đối với tôi rồi, thì bản năng tự nhiên sẽ cho phép tôi làm gì để tự vệ. Thế thì có gì đâu mà khổ?

Tôi dài dòng văn tự như thế chỉ để nhấn mạnh một điều rằng, chúng ta cần xem lại và rất thận trọng khi định nghĩa nguyên từ Duhkha trong Phật học. Có như thế thì mới khỏi sai lạc và sa vào ngộ nhận một cách đáng tiếc được.

Vậy Khổ được hiểu đúng theo nguyên từ Duhkha trong Phật học như thế nào?

Về ý nghĩa của từ này, theo Hòa thượng Walpola Rahula trong What The Buddha taught(6), ngoài ý nghĩa phổ thông như trên, Duhkha còn có các ý nghĩa quan trọng khác, như: “bất toàn”, “vô thường”, “trống rỗng”, “giả tạm”… Tương tự, khi trình bày về Khổ đế, HT. Thích Thiện Siêu cũng nói: “Duhkha phải được hiểu đầy đủ với bốn nghĩa Khổ, Vô thường, Không và Vô ngã”.(7) Bốn nghĩa này cũng gọi là bốn hành tướng. Hay nói cách khác, Duhkha có bốn hành tướng là Khổ, Vô thường, Vô ngã và Không. Bốn nghĩa này thường được đức Phật nhắc đi nhắc lại ở rất nhiều nơi trong các kinh. Cũng còn gọi là Bốn Pháp ấn (bốn khuôn dấu của Phật pháp). Trong mỗi ấn đã bao hàm ý nghĩa của ba ấn kia và ngược lại. Do vậy Bốn pháp ấn này đã thật sự không thể thiếu được cho mỗi người học Phật khi muốn thẩm định giá trị lời dạy của đức Phật với triết thuyết của các tôn giáo khác. Tôi sẽ đề cập trở lại bốn hành tướng này ở phần sau.

Tôi xin nhắc lại. Duhkha có ý nghĩa quan trọng như vậy, nên khi viết What The Buddha taught, ở phần đệ nhất Khổ đế, Hòa thượng Walpola Rahula đã rất thận trọng: “Thật khó tìm một chữ có thể bao quát toàn thể quan niệm của danh từ Duhkha… và vì thế tốt hơn nên để vậy đừng phiên dịch, hơn là gây một ý tưởng sai lầm không xác đáng về nó bằng cách dịch dễ dãi tiện lợi thành ra khổ hay đau khổ”.(8) Và như trước tôi có nói, Khổ theo đúng nghĩa của danh từ Duhkha mà đức Phật diễn tả, không chỉ giới hạn ở sự thô thiển của thân vật lý mà còn cả sự vi tế của tâm lý; không chỉ giới hạn ở cõi Dục mà ngay cả cõi Vô sắc. Nghĩa là, mọi hình thái hạnh phúc, kể cả về phần vật lý như khoái lạc giác quan, vẫn nằm trong ý nghĩa của Duhkha; mặc dù trong khi nói khổ, đức Phật không bao giờ phủ nhận những giá trị hạnh phúc tương đối. Đây chính là ý nghĩa đích thực về bốn hành tướng Vô thường, Khổ, Không và Vô ngã mà Duhkha nội hàm đầy đủ.

P.T
  (Kỳ 2: Khái quát về thực trạng của Khổ)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here