Có thể nói rằng lễ Phật Đản đẹp nhất và trang nghiêm nhất thế giới phải nói đến Việt Nam, hân hoan và thành kính nhất phải nói đến ở Huế.
1-Lễ đài Phật Đản
Để chuẩn bị đón chào ngày Đản Sanh của Đức Phật, toàn thể người dân thành phố Huế hân hoan và vui rộn hẳn lên, chùa chiền đều thiết trí lễ đài. Nhiều lễ đài tinh xảo do những bàn tay nghệ nhân, nhưng cũng có lễ đài đơn sơ tùy theo hoàn cảnh, tuy nhiên tâm của mọi người đều thành kính, họ hăng say làm công việc trang hoàng mong đóng một chút công sức để dâng lên ngày Đản Sanh của đức Từ Phụ. Biểu tượng lễ đài rất phong phú về hình thức lẫn nội dung, mang sắc màu hòa bình như quả Địa cầu – hành tinh xanh, cờ Phật giáo, hào quang, voi trắng 6 ngà, chín rồng… mỗi lễ đài mỗi vẻ đẹp, nói lên lòng thành kính và tâm niệm cầu hòa bình cho toàn nhân loại.
2-Bảy Hoa Sen trên sông Hương
Đây là cụm biểu tượng nỗi bật giữa lòng thành phố Huế, truyền thống này được bắt nguồn từ ý tưởng của nhóm Tăng Ni trẻ ở Huế phát họa và thực hiện từ năm Lễ Vesak 2008, từ đó hằng năm được sự cho phép của tỉnh nhà, GHPG tỉnh TTH và người dân chú ý quan tâm, Bảy Hoa Sen cứ đến mùa Phật Đản là nở rộ trên sông Hương. Hoạt động này rất có ý nghĩa và ấn tượng, trong đó phải kể đến lễ thắp sáng 7 hoa sen. Đêm mồng 8 tháng 4 âm lịch, lễ được sự chứng minh và tham dự của đông đảo mọi người, khi tiếng hát và dàn giao hưởng cất lên bài Đóa Sen Trắng, thì từng đoa sen được thắp sáng, hoa đăng lung linh dưới ánh trăng, tô điểm cho sông Hương một vẻ đẹp huyền bí, thành phố Huế trở nên chan hòa ấm áp giữa tiếng cầu nguyện thanh bình.
3-Trang hoàng đường phố, công viên, cổng làng xóm và tư gia
Ngoài công việc thiết trí lễ đài, Phật giáo Huế còn trang hoàng các cụm biểu tượng Phật Đản ở đường phố và nơi công cộng. Hằng năm, con đường rước Phật từ chùa Diệu Đế về lễ đài chính chùa Từ Đàm là một hoạt động đặc sắc của Phật giáo, lễ rước Phật diễn ra vào chiều 14 tháng 4 âm lịch, với sự tham dự của hàng vạn người và có thể nói rằng toàn dân thành phố đều chờ đến giây phút thiêng liêng này. Để tiến hành cho lễ rước Phật, con đường từ chùa Diệu Đế đến chùa Từ Đàm đi qua đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, cầu Trường Tiền, đường lê Lợi, Điện Biên Phủ. Trên những đoạn đường này được chuẩn bị nghiên trang, có nhiều lễ đài đón chào, cờ đèn và biểu ngữ long trọng để chào đón đoàn rước Phật đi ngang qua.
Hai đầu thành phố, phía bắc là công viên An Hòa và phía nam là công viên An Cựu. Ở đây là hai cụm biểu tượng chính của thành phố, có logo, biểu tượng và cờ đèn được trang hoàng hoàn tất vào trước tuần lễ Phật đản. Mỗi cụm biểu tượng đều mang ý nghĩa thanh tịnh và hòa bình. Khi nhìn những cụm biểu tượng như thế, người đi vào thành phố thấy lòng yên bình và an lạc của thánh địa Phật giáo.
Hai bên đường trong thành phố là những lễ đài tư gia, cờ đèn điểm xuyết. Cho đến các cổng làng, cổng xóm đều được trang hoàng cờ đèn và tôn tượng Đản Sanh. tạo thành một khung cảnh linh thiêng và thành kính của người dân xứ Huế đón chào ngày Đản Sanh.
4-Diễu hành thuyền hoa và rước Phật
Diễu hành xe hoa và thuyền hoa cũng là hoạt động mùa Phật Đản ở Huế, hoạt động này được chuẩn bị chu đáo, kêu gọi toàn bộ các chùa, tổ chức Phật giáo, khuôn hội, niệm Phật đường, đoàn thể, đạo tràng trong toàn tỉnh tham gia. Phải nói rằng sự chuẩn bị của những chiếc xe hoa và thuyền hoa là công phu và cần đến những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân dân gian. Cứ năm này xe hoa thì năm sau sẽ là thuyền hoa. Trên xe hoa là những biểu tượng Phật giáo, thường là hình ảnh về những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật, các hình ảnh về chùa tháp, đại pháp khí văn hóa Phật giáo và dân tộc…, tất cả đều có nội dung kính mừng Phật đản và cầu nguyện thế giới hòa bình, quốc thái dân an.
Diểu hành thuyền hoa thường diễn ra chính ở trên sông Hương. Lễ diểu hành thuyền hoa còn có thêm hoạt động phóng sanh đăng, những ngọn đèn lung linh và các loài sinh vật được thả xuống sông với lời cầu nguyện an lành. Con sông tiếp nhận một hào khí hòa bình và an lạc của mỗi mùa Đản Sanh. Dòng sông tâm linh trìu mến của người dân xứ Huế, mang thông điệp an vui hòa bình đến cho mọi người..
5-Lễ hội hoa đăng
Lễ hội hoa đăng là một truyền thống trong Phật giáo, việc cúng dường đèn hoa kèm với việc phóng sanh để tích phước và cầu nguyện, đã trở thành một nét văn hóa mang sắc màu tâm linh, riêng ở Huế, lễ hội này thường được tổ chức trong những kì đại lễ Phật giáo và ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian.
Mỗi cánh hoa đăng được đốt lên kèm theo một lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, mỗi chúng sinh được thả là một hành vi hướng thiện cộng sinh. Lễ hội hoa đăng là nét đẹp truyền thống văn hóa tốt đẹp vừa mang tính tâm linh vừa làm cho cảnh vật đất thần kinh thêm lung linh huyền diệu. Đặc biệt nam nay, lễ hội hoa đăng lần đầu tiên được Ban Trị sự tổ chức quy mô lớn và hoành tráng về hình thức, sâu lắng, ấn tượng về nội dung.
Những hoạt động của Phật giáo trong ngày lễ Phật Đản đều mang đậm sắc màu Hòa Bình, một sự mong ước của toàn thể nhân loại. Đức Phật ra đời vì mục đích an lạc của chúng sanh, xây dựng hòa bình bằng tình thương rộng lớn, bình đẳng và đem những điều tốt đẹp đến với mọi người. Nhìn thấy những biểu tượng Phật giáo mang ý nghĩa cao quí như thế, cho dù chúng ta là Phật tử hay không, khi mùa Phật Đản trở về nhìn thấy những biểu tượng được trang hoàng trên đường phố và những hoạt động của ngày đại lễ, chúng ta cũng chắp tay nguyện cầu cho thế giới hòa bình và mọi người đều hạnh phúc.
T.T.C