Trang chủ Phật học Phật đản: Lý tưởng tự do và bình đẳng trong đạo Phật

Phật đản: Lý tưởng tự do và bình đẳng trong đạo Phật

153
0

Theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy, Vesak lại là ngày lễ Tam hợp cả ba duyên sự trọng đại là Đản sanh, Thành đạo và Niết bàn của đức Phật. Ngày đại lễ này từ xưa đến nay được cử hành vào ngày trăng tròn (Rằm) tháng Tư hằng năm.

Cũng như những tôn giáo khác có khuynh hướng thánh hóa cuộc đời của vị giáo chủ của họ, đức Phật cũng đã được người đời sau thêm thắt nhiều chi tiết huyền bí và siêu việt về sự việc Ngài hóa sanh nơi cõi ta bà này. Như chuyện hoàng hậu Ma-Gia chiêm bao thấy voi trắng sáu ngà từ trên cõi trời bay xuống, tỉnh ra biết là đã thụ thai; khi bà vịn cành cây nơi vườn Lâm Tỳ Ni thì rồi từ hông bên phải của bà mở ra diệu môn để sanh hạ thái tử Sĩ Đạt Ta. Và không như những trẻ con mới lọt lòng mẹ thì nằm khóc oa oa, thái tử lại cất bước đi bảy bước, mỗi bước chân ngài nở một đóa sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất thốt lên lời rằng “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Bấy giờ cả vũ trụ đều rung chuyển với những ánh sáng chói rọi, thiên thần mưa hoa xuống để ngợi mừng một đấng cứu thế vừa ra đời. Đây là những huyền thoại đẹp đẽ nhất để Thánh hóa một vĩ nhân vì chúng ta hay quan niệm cách thường tình rằng một vĩ nhân đương nhiên phải có một cuộc sống khác với người tầm thường. Cho nên những huyền thoại như thế không có tai hại gì cả, không thương tổn gì đến dữ kiện lịch sử có thật có thể nghiệm chứng được.

Đức Phật là một con người, ngoài những huyền thoại Thánh hóa vĩ nhân, hạ sanh làm một người như chúng ta, Ngài không hề tuyên bố là thần thánh hay chúa tể cõi trời nào, nhưng qua nỗ lực không ngừng mà khả năng con người cho phép, Ngài đã thành Phật, thành Người giác ngộ. ngài không phải là trời Phạm Thiên, không phải là trời Đế Thích, không phải là Bà-la-môn (Brahma-Vishnu và Shiva của Ấn Độ giáo), mà Ngài thẳng thừng tuyên bố, Ta là người giác ngộ. Và sau khi giác ngộ, Ngài đã vì lòng từ bi rộng lớn của Bồ tát cứu độ chúng sanh mà giảng bài pháp Chuyển pháp luân đầu tiên. Cho nên, chúng ta là con người đều có thể giác ngộ, có thể thành Phật như Ngài, như chính Ngài đã khẳng định với chúng ta. Đó là lí tưởng bình đẳng nhất, mà các học giả Tây phương ngày nay đã vô cùng bái phục và quay về nghiên cứu cũng như tu tập theo đạo lý của đức Phật Thích Ca.

Mỗi một đức Phật thị hiện đều vì lợi ích quần sanh. Cả Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa đều đồng ý về sự hiện hữu của sáu vị Phật quá khứ, từ Tỳ-bà-thi (Vipassi), Thi-khí (Sikkhi), Tỳ-xá-phù (Vesabhu), đến Ca-diếp Phật (Kassapa), v.v…, mỗi vị đều xiển dương giáo lý đưa đến niết bàn giải thoát là chân lý vĩnh cửu, bất biến, vô biên; Mỗi vị tồn tại một Phật kiếp (Buddha-kalpa) trong vũ trụ này. Một Phật kiếp bao gồm hằng hà sa số Đại kiếp (Mahà-kalpa) trong đó lại gồm vô tận tiểu kiếp (Kalpa), mà mỗi tiểu kiếp lại tồn tại hàng triệu năm trên vũ trụ; cho ta thấy khái niệm về thời gian và vũ trụ quan của Phật giáo thật là vô cùng tận. Và chỉ một khái niệm về thời gian không thôi, đạo Phật cũng đủ hấp lực để ngạo nghễ đường hoàng tiếp nhận và ứng phó với những tiến bộ và khám phá của tân vật lý học ngày nay; những gì mà khoa học không gian thành tựu chẳng qua để chỉ đến gần chút nữa mà Phật giáo đã tuyên bố từ hơn hai ngàn năm trước, trong một bối cảnh thời không vô thủy vô chung vô biên vô tận của sự sống mà thôi.

Cho nên sự vĩ đại của đức Phật Cù Đàm Thích Ca, vị Phật thứ bảy, không phải là ở nơi Ngài đã chứng đắc Niết-bàn, mà ở chỗ, sau bao nhiêu kiếp biến mất ở thời mạt pháp của đức Phật Ca-diếp, Niết-bàn lại một lần nữa được đức Thích Ca khám phá, công bố, và diễn đạt cách thực tiễn, không phải cho riêng Ngài, mà cho vô số chúng sanh. Đạo pháp lại một lần nữa xiển dương cho đến khi đức Di Lạc, vị Phật tương lai, tiếp tục chỉ dẫn chúng sanh con đường giải thoát, bởi vì, giáo lý của chư Phật, trong quá khứ hằng hà sa số kiếp cũng như ở tương lai miên viễn vô cùng, chỉ có một vị: Đó là vị giải thoát. Là Phật tử chân chánh, chúng ta cần khẳng định:

Trong bối cảnh lịch sử có thể kiểm chứng được theo khoa học và đạo pháp của đức Phật Thích Ca quả thật là độc tôn. Mà giáo pháp của đức Phật là những lời dạy rất thực tiễn và khoa học có thể nghiệm chứng được. Ngay chính đức Phật cũng khuyến khích đệ tử Ngài phải tự suy tư, tự xét đoán cho chính bản thân mình, dùng trí tuệ để thẩm định, phân tách và ngay cả phê bình đến những lời Phật dạy trước khi thực chứng những lời đó là đúng với sự thật rồi mới được tin theo. Những lời Ngài dạy như: “Tin Ta mà không hiểu Ta là hủy báng Ta”, hay khi Ngài nói kinh cho Kalama nghe, là những tuyên bố mà ngày nay hầu như mọi Triết gia trên thế giới đều phải bái phục đức Phật là một Người có tinh thần cởi mở và giải phóng nhất, không đặt để một giáo điều hay một khuôn thức nào để ràng buộc những đệ tử chân chánh của Ngài: “Này Kalama, đừng vội tin một điều gì chỉ điều đó được người ta nhắc nhở đến đến luôn; đừng tin một điều gì, dù là di bút của người xưa để lại và bảo ta phải tin; đừng tin một điều gì, dù điều ấy được những ý kiến thiên vị hay một tập quán lâu đời bênh vực; đừng tin một điều gì, dù điều ấy ở dưới mãnh lực của một ông thầy hay một nhà truyền đạo. Này Kalama, tất cả những sự thật, theo kinh nghiệm của ngươi và được xác nhận rõ ràng là phù hợp với lẽ phải, tạo thành hạnh phúc cho ngươi và cho các loài, thì chính đó là sự thật, này Kalama, và người hãy sống theo sự thật ấy” (Tăng Nhất A Hàm 188)

Theo tinh thần cởi mở này, ngay cả đến những giáo lý hay luật nghi cũng được các đệ Ngài nghiệm xét kỹ lưỡng. Ví dụ như ngay khi đức Phật diệt tịch, có một vị Tăng sĩ cho rằng chính ông đã được tận tai nghe được lời đức Phật dạy như thế, thì những lời tuyên bố đó sẽ phải giảo chứng lại bởi các vị tôn túc khác, bởi vì sự ghi nhận hay ý kiến riêng thêm của ông ta không hẳn là đáng tin. Giáo pháp mà đức Phật dạy cho chúng ta được gọi là vĩnh cửu (sanàtana), là vô cùng (akàlika).

Lời tiên tri của đạo sĩ Asita rằng: “Đức Phật Đản sanh vì sự lợi lạc cho nhân sinh” đã được xem như một sự thật của lịch sử, chứ không còn là một huyền thoại của sấm truyền dự đoán nữa. Cho nên, đức Phật hạ sanh không phải chỉ vì cá nhân, mà vì chúng sanh, vì lợi lạc cho chúng sanh, cho tất cả trời và người, do lòng từ bi vô bời bến, Ngài là Thiên Nhơ Sư, là Thế Tôn.

Ngày nay chúng ta vinh danh đức Thế Tôn không phải vì Ngài là một La hán thần thông, không phải là vị đã đạt Niết-bàn bất diệt, mà vì Ngài là đức Phật, là Người Giác ngộ, đã hội đủ chức năng siêu nhiên bằng tu tập Thập độ qua hằng hà sa kiếp, không thầy chỉ dẫn, đã đánh bạt những chướng ngại trên đường đi đến Niết-bàn và một lần nữa, tiếp nối bước chân như Phật ngàn xưa, mở toang con đường giải thoát đó cho chúng sanh được đi lại để tự tìm phương tiện đạt đích điểm cho chính mình. (Sangharaksita, A Survey of Buddhism, tr.69-70). Căn bản sự phân biệt giữa đức Phật và các đệ tử của Ngài, cũng như chư Tổ hay hàng triệu Phật tử xưa nay, trong đời hiện thế này, đã khám phá ra con đường đi đến Niết-bàn và chỉ dẫn cho chúng ta con đường đó; những người khác chỉ là đi theo con đường đó mà thôi.

Cũng thế, về những ngày cuối cùng của đức Phật, cũng có những huyền thoại chen lẫn vào những dữ kiện lịch sử. Như trong kinh “Đại Bát Niết Bàn”, có đoạn ghi rằng đức Phật biến thể trước khi tịch diệt, cái y của Ngài rực lên, một vầng hào quang chói rạng vây quanh thân Ngài. Và những cành hoa trên hai cây sa-la nơi Ngài nằm quằn xuống như để hầu quạt Ngài, ta nghe chừng như là thiên nhiên cũng đang ngừng thở để cúi đầu đảnh lễ Đấng Thế Tôn sắp giã từ cõi thế. Ngày nay, chúng ta cúng dường đức Phật bằng cách dâng cúng hoa tươi trước tượng Ngài, có phải chăng là do từ hình ảnh những cành hao sa-la lả lướt này? Cho nên mặc dù là đức Phật đã dặn dò chúng ta không nên bao giờ tỏ lòng tôn kính Ngài bằng những sự dâng cúng như thế, chúng ta vẫn không cảm thấy đã trái với những lời dạy của Ngài khi tâm thành mang đến chùa những cành hoa tươi đẹp để cúng Phật. Giữa sự thật là những lời dạy của Ngài và thói quen thường lệ dựa trên những huyền thoại, ta đã làm tròn bổn phận của một người Phật tử thuần thành đáng ngợi. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là thực hành những lời Phật dạy. Khi A Nan lo lắng không biết là sẽ cử hành lễ táng của đức Phật như thế nào, thì Ngài dạy rằng, không nên bối rối về những nghi thức tang chế cho Ngài mà phải: “Nỗ lực tinh thấn để đạt đến giải thoát” bởi vì “Như Lai chỉ là người chỉ đường”.

Là con người, Thái tử Sĩ-đạt-ta đã áp dụng nguyên tắc thực nghiệm khi đi tìm chân lý, nguyên tắc thí nghiệm và sai lầm, thất bại, không phải một lần mà nhiều lần. Ngài đã học hỏi với sáu đạo sư này, trong sáu năm trường ròng rã, nhưng tất cả các phương pháp mà họ chỉ dạy đều không hoàn toàn, đều không đưa đến giải thoát. Sáu năm trời khổ hạn rừng già cũng khiến Thái tử nhận chân là những gì thuộc cực đoan, một bên là quá hoan lạc, một bên là quá khổ hạnh, cũng không đưa đến giải thoát. Chỉ có con đường chính giữa, trung dung, như cây đàn được lên giây vừa phải mới phát được âm thanh tuyệt vời, không quá nhùng, không quá căng thẳng, mới đưa đến giác ngộ. Sau 49 ngày thiền định dưới cội Bồ-đề \, cũng vào ngày trăng tròn tháng Tư, Thái tử Sĩ-đạt-ta nhà tu hành đã đạt Giác ngộ, đạt Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (Samyak Sambodhi), chứng đắc Chân lý mà xưa nay chưa ai biết đến, cho nên duy nhất đức Phật là bậc không thầy chỉ dạy.

Sau khi Thành đạo, đức Phật nhớ nghĩ đến các vị thầy cũ nên cố ý tìm họ, nhưng không may cho họ đã qua đời, qua đời mà không chứng đắc được giải thoát như Ngài. Đức Phật mới tìm đến năm vị đồng tu khổ hạnh khi xưa, và Ngài đã thuyết bài pháp đầu tiên về Tứ Diệu Đế và Duyên sanh cho năm anh em Kiều Trần Như nghe. Đất trời chuyển động, vì Chân lý đã được tuyên bố, một chân lý tuyệt đối, xuyên thời gian vượt không gian, không một triết lý nào có thể sánh bằng.

Những lời dạy cuối cùng của đức Phật cho ông Tu-đạt-đa (Subhadda) đang là một đề tài cho bao nhiêu nghiên cứu về sau này. Ông hỏi đức Phật rằng, sáu người đạo sư đương thời (lục đạo ngoại sư) có thấu triệt chơn lý không. Sáu người đó là: 1. Pura Kassapa, chủ trương thuyết định mệnh, 2. Makkhali Gosala, thuyết hữu thần. 3. Ajita Kesakambali, chủ nghĩa duy vật, 4. Pakudha Kaccayana, thuyết khẳng định, 5. Sanjaya Balatthiputta (thầy cũ của Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên) chủ trương thuyết bất khả tri hay hay hoài nghi, và 6. Nigantha Nataputta chủ trương thuyết tương đối và chiết trung.

Nói cách khác, giáo lý của các đạo sư Alàra Kàlàmà, Ud daka Rafmaputta, v.v. không phải hoàn toàn sai nhưng mà chưa hoàn toàn, bởi vì không đưa đến giải thoát mà chỉ là một trạng thái phỉ lạc của tâm thức mà thôi, vì dựa trên những nền tảng hoài nghi và không chân thật, Phật giáo siêu việt vì đạo Phật rất thực tiễn và có thể nghiệm chứng được. Thực tiễn và nghiệm chứng được chỉ vì đế lý mà đức Phật khám phá ra sẽ được áp dụng bình đẳng và đồng đều với tất cả mọi sinh vật, không phải chỉ riêng cho Phật tử mà thôi, sự chết, bệnh tật sẽ đến viếng thăm bất cứ người nào. Không ai có thể chối cãi được điều đó; vì thế mà giáo lý của đức Phật là một giáo lý phổ cập, không thiên vị, không hạn cuộc gì cả.

Theo đức Thế Tôn nếu không tu tập theo Bát Chánh đạo thì sẽ không đưa hành giả đạt đến bốn quả Thánh, tức là đến cứu cánh giải thoát, tôn giáo được xem chân chính là một tôn giáo phản ánh được Bát Chánh Đạo, bởi vì Bát chánh Đạo gói trọn ba hoạt động thân, miệng và ý nơi mỗi con người chúng ta, tức là toàn diện một con người sống thực. Ta hãy lấy một thí dụ về Chánh niệm. Hành giả phải giữ ý niệm luôn luôn trong sạch và an lạc, luôn luôn nghĩ đến đạo lý vô thường và cô ngã, diệt trừ những kiến chấp mê lầm, đoạn tận những tư tưởng bất chính, không để dục vọng cuốn lôi, luôn luôn nhớ nghĩ đến tâm từ bi và lòng cởi mở. Tà niệm thì đưa đến những ý tưởng tiêu cực, ác độc, bị đắm chìm trong dục vọng mê mờ.

Khi giác ngộ về chân lý như thế, dưới cội cây Bồ-đề, sau 49 ngày trầm mặc thiền quán, là đức Phật đã Giác ngộ từ nội tại của trí tuệ vô phân biệt và bình đẳng tánh của Ngài, chứ không phải là một mặc khải từ ngoại tại đưa tới. Chính vì từ nội tại, cho nên đức Phật đã cả quyết rằng Ngài là vị Phật đã thành, và chúng ta, ai biết đi theo con đường mà Ngài chỉ dạy một cách chân chính, rồi cũng sẽ thành Phật như Ngài. “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”, ngày nay đã được tất cả các triết gia và học giả trên thế giới nhận chân là một thông điệp về tự do và bình đẳng của nhân loại. Chỉ có con đường của đức Phật là đưa đến giải thoát, an lạc và giác ngọ hoàn toàn. Con đường đó, là con đường trực thẳng, trung dung giữa hai cực đoan hưởng thụ và hổ hạnh. Ngài đã đi qua con đường đó, và đã Giác ngộ, Thành đạo; nay Ngài chỉ lại cho chúng ta, nếu đi đúng con đường đó, cũng sẽ Giác ngộ như Ngài.

Ta cũng cần nên nhớ rằng sự Giác ngộ của đức Phật không phải chỉ hạn cuộc trong phạm trù Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, nguyên lý Thập Nhị Nhân Duyên, Vô Thường, Vô Ngã hay Niết Bàn. Ta không thể đo lường được trí tuệ Giác ngộ của đức Phật. Như tỷ dụ mà Ngài dạy ta, nơi rừng Simsapa, với một nắm lá cầm trong tay, Ngài đã nói rằng Trí tuệ của Ngài như lá trong rừng mà những lời Ngài dạy cho chúng ta chỉ nư nắm lá này mà thôi. Nhưng một nắm lá cũng đủ tượng trưng cho toàn lá trong rừng rồi. Bởi vì chúng ta chỉ cần được dạy biết và thực hành những điều đức Phật chỉ dẫn cho chúng ta là đã có thể Giác ngộ được như Ngài.

Ngày nay ta chưa tìm được lý do tại sao Bắc tông Phật giáo lại chia 4 ngày Đản sanh, Xuất gia, Thành đạo và Nhập Niết-bàn của đức Phật lại khác nhau, trong lúc Nguyên thủy Phật giáo lại Tam hợp cả ba ngày trọng đại nhất là Đản sanh, Thành đạo và Nhập Niết-bàn; tuy nhiên, dầu một hay khác ngày chúng ta cũng đã được ân triêm công đức vô cùng từ bi của đức Phật khi Ngài thị hiện Đản sinh để mang đến cho ta một giáo lý siêu việt, phổ cập và dung thông nhất trên cõi ta bà này. Ta may có nhân duyên lớn được sanh làm người, lại được nghe giáo pháp của Phật, nếu không phát tâm tu tập thì chẳng hóa ra cô phụ công đức từ bi của đức Phật vì thương xót chúng sanh mê muội mà thị hiện nơi cõi ta bà này lắm sao. Tu tập có nhiều pháp môn, mà phổ hiện nhất là Tịnh Độ cầu sanh về thế giới Cực lạc của Phật Di Đà và Thiền định quán tưởng để thấu triệt tánh của vạn hữu. Pháp môn nào của đức Phật chỉ dạy chúng ta đều đưa tới giải thoát, đó là một sự thật thể nghiệm được, qua bao nhiêu sự tích chứng đắc của các thầy tổ và cư sĩ tu đạo chân chính trải qua bao nhiêu thế kỷ. Cho nên ngày Phật Đản sanh là ngày làm cơ duyên cho bao nhiêu sinh hoạt Phật giáo ngày nay, ta cử hành Đại lễ Phật Đản chính là để ghi nhớ công đức thị hiện của Phật vậy.

P.T.Y.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here