Trang chủ Phật học Phật Đản: Đức Phật Dạy Gì?

Phật Đản: Đức Phật Dạy Gì?

167
0

Trước khi tìm hiểu Đức Phật dạy gì, nên nói qua tiểu sử. Đức Thích Ca Mâu Ni  là một Thái Tử, có tên là Tất Đạt Đa, họ là Cù Đàm, sống ở Miền Bắc Ấn Độ vào thế  kỷ VI trước Tây Lịch. Thân phụ Ngài là Quốc Vương Tịnh Phạn, cai trị bộ tộc Thích – Ca, ở xứ Nepal ngày nay. Mẹ Ngài là Hoàng Hậu Ma-Gia. Ngài kết hôn rất sớm, năm 16 tuổi  với Công Chúa Da-Du-Dà-La và có một con là La Hầu La.Thái tử Tất Đạt Đa sống trong cung vàng điện ngọc với đầy đủ những xa hoa vật chất, khi có dịp ra ngoài thành thấy cảnh sống khổ sở của kiếp người như già, lão, bệnh, tử… Ngài quyết ra đi tìm con đường giải thoát khỏi cảnh khổ.  Năm 29 tuổi Ngài rời  bỏ cung điện, đi vào rừng sâu tầm đạo.

Sau sáu năm khổ hạnh tu tập với nhiều đạo sư, Ngài  không thỏa mãn với những lý thuyết cũng như cách hành đạo khổ hạnh của họ. Ngài đã vạch ra  một con đường riêng cho mình. Rồi một đêm kia dưới cội bồ đề, bên bờ sông Ni-liên-thiền Ngài được chứng đạo (enlightment). Từ đó Ngài  được tôn xưng là Phật Thích Ca Mâu Ni,  năm đó Ngài 35 tuổi.

Sau đó Ngài đi giáo hóa suốt 45 năm khắp nơi ở Ấn Độ, năm 80 tuổi Ngài nhập diệt ở Câu-thi-na. Ngài đã nhập diệt trên hai ngàn năm trăm năm nhưng đã để lại cho nhân loại một  kho tàng giáo lý vô cùng thâm sâu mầu nhiệm; không những phù hợp với sự phát triển của khoa học hiện đại mà còn vượt xa hơn nữa mà khoa học cần phải tìm hiểu và khám phá để minh xác giáo lý của Ngài là chơn lý.

Khoa học gia vĩ đại của thế kỷ 20  Albert Einstein đã  tuyên bố: “Nếu có một tôn giáo nào có thể thích nghi với nhu cầu  của khoa  học hiện đại thì đó là Phật Giáo. Phật Giáo không cần duyệt xét quan niệm của mình để cập hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không phải từ bỏ những quan niệm của mình để chấp nhận khoa học. Phật giáo là chiếc cầu  nối liền tôn giáo và những tư tưởng khoa học. Chiếc cầu Phật Giáo đã kích thích con người khám phá những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong chính nó và trong môi trường sống chung  quanh nó. Phật giáo  siêu việt qua thời gian và mãi mãi có giá trị.”

 Đức Phật Thích Ca  đã dạy Phật tử những gì? 

Phật dạy  “Từ, Bi, Hỷ, Xả” và tận diệt “Tham,  Sân,  Si” vì đó là nguồn gốc của khổ đau.  Phật cũng dạy bản thể của vạn  vật là VÔ THƯỜNG, đổi thay trong từng sát na ( một phần ngàn giây), VÔ NGÃ là không có tự tính. Vạn vật trên thế gian này là do nhân duyên hợp thành, không có chủ thể cố định. Do không có thực thể cố định nên vạn vật là giả tạm.

Giáo lý Duy Thức, Vi Diệu Pháp là những môn học quan sát, nghiên cứu  về tâm và những phương pháp chuyển hóa những tâm niệm xấu ác thành tâm niệm lành mạnh, chuyển hóa một con người phàm phu trở thành một vị thánh hiền.

Đức Phật cũng giải thích tại sao chúng ta  có mặt trên đời và khi chết thì đi về đâu? Tại sao cùng sinh ra trên đời mà lại có ngừơi giàu, kẻ nghèo, người sang, kẻ hèn, kẻ thông minh người ngu dốt, người đẹp kẻ xấu, ngừơi sống lâu kẻ chết yểu vv.. Sở dĩ có sự  sai khác giữa chúng sinh là do  “Nhân –  quả”  chi phối. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Trồng cam, có quả cam; trồng quít, có quả  quít.

Phật thấy rõ nguyên nhân của dòng sinh tử là do động lực của  vô minh. Từ vô minh mà phát sinh ra Hành, rồi phát sinh Thức,  phát sinh Danh sắc, từ Danh Sắc phát sinh Sáu căn: xúc, thọ, ái, chấp, thủ, hữu, sanh. Từ sanh đưa đến  già, bệnh, chết. Nếu chặt đứt được một trong mười hai  nhân duyên  thì dòng sanh tử sẽ chấm dứt.

Phật dạy: Vạn vật do duyên hợp mà có, duyên tan sẽ trở về KHÔNG. Chữ “Không” vô cùng quan trọng trong Đạo Phật. “Không” không có nghĩa đối nghịch với “có” , mà  KHÔNG đây là không chủ thể, không cố định, ví như đám mây, tụ đó rồi tan đó, có đó rồi không đó, thương đó rồi ghét đó. Vạn vật là hư ảo. “Có “ và “không” đều là giả tạm. Phật dạy: “ thấy được lý nhân duyên là  thấy được chân lý. Nếu chúng ta chấp “giả” là “thật”  thì chúng ta là người si mê. 

Chữ “Nhẫn” cũng rất quan trọng trong đạo  Phật. Kinh Pháp Cú có câu :“Thắng một vạn quân không bằng thắng chính mình. Thắng chính mình mới là chiến công oanh liệt”. Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta gặp rất nhiều điều bất đắc ý. Nếu chúng ta không có sức chịu đựng, không có sự kiên nhẫn thì chúng ta sẽ đau khổ triền miên.  Đức Phật dạy: “chỉ một đóm lửa sân nhỏ sẽ đốt cháy cả một rừng công đức”. Nếu chúng ta luôn nghỉ tới đạo đức,  nghỉ tới công phu của mình tu tập thì đừng để những cơn nóng giận khởi lên. Nhẫn nhục với người: Đối với những chuyện phiền lòng  mà chúng ta bỏ qua hết, không buồn giận thì đó là chúng ta nhẫn nhục với người. Chúng ta cũng phải nhẫn với hoàn cảnh, phải chấp nhận những khó khăn trong cuộc sống.  Gương nhẫn nhục và từ bi được thể hiện qua câu chuyện trong dân gian về  Đức Quan Thế  Âm bị nghi oan. Đức Quan Thế Âm không hề chứng minh. Với lòng từ bi và nhẫn nhục cuối cùng Ngài được tôn thờ là một vị Phật. 

Có hằng ngàn pháp môn (cửa) để vào nhà Phật. Lời Phật dạy quý giá vô cùng, nếu chúng ta cố gắng ứng dụng những lời Phật dạy vô đời sống hằng ngày thì chính mình bớt khổ đau và những người chung quanh cũng nhờ ơn phước này mà được hạnh phúc lây. Chúng ta tu theo Phật là để được “giải thoát”. Không phải đợi đến sau khi chết mới được giải thoát khỏi luân hồi sinh tử  mà  hãy phấn đấu, tự thắng,  để tự giải  thoát mình ra khỏi những cuồng si, vọng tưởng, sân hận,  phiền não trong từng giây phút sống hiện tại.  “Mỗi bước đi trong cuộc hành trình là chính cuộc hành trình” . Nói khác đi đời sống của chúng ta là nối kết của những giây phút sống hiện tại. Thật là tội nghiệp cho những ai bỏ quên, đánh mất hiện tại cho những mộng tưởng hão huyền xa xôi. 

Đức Phật không bao giờ tự nhận mình là “Đấng Toàn Năng”, tạo ra vũ trụ, mà Ngài tuyên bố một cách rất bình đẳng “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” (nếu đi theo đạo –  con đường Phật dạy).  Nên tu tập bằng cách giữ giới và thiền định. Khi  thân tâm được an lạc thì sẽ phát sinh huệ (trí, định, tuệ).  Nhờ phát huệ, Đức Phật đã thấy biết sự việc đúng như thật. Còn chúng sinh vì vô minh thấy và biết không đúng nên đau khổ và tạo nhân  bất thiện nên phải chịu nghiệp  báu khổ đau và sinh tử luân hồi. Mục đích duy nhất của Phật hiện ra trong đời là chỉ cho chúng sanh “ngộ nhập tri kiến Phật”, tức thấy biết như Phật để giải thoát sinh tử và chấm dứt khổ đau.

Đức Phật Thích Ca đã rời bỏ vật chất xa hoa, cung vàng điện ngọc,  tu tập sáu năm trong rừng già và 49 ngày nhập định dưới cây bồ đề, Đức Phật đã thành  Phật (enlightment) ngay lúc tim còn đập, máu còn chảy, còn thở ra thở vào như chúng ta trên thế gian. Chúng ta cũng có thể thành Phật,  hãy cố tận diệt THAM SÂN SI, phát huy TỪ BI HỶ XẢ như lời Phật dạy. 

T.M: thantamanlac
 
 
 
 
 
 
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here