Cách đây không lâu, trước ngày đổi mới, những ai sống ở miền Bắc chắc còn nhớ cảnh mọi người quen “giả nghèo giả khổ” để yên thân, đến mức cả nhà thịt một con gà cũng nơm nớp hàng xóm soi mói, đàm tiếu.
Câu hỏi cửa miệng: “Tiền đâu mà dám ăn cả một con gà?”. Vậy mà chỉ sau mấy chục năm, ở một vùng nông thôn nghèo Hà Tĩnh đã có một người bỏ gần 50 tỉ đồng tổ chức đám cưới cho con trai.
Báo chí, dư luận trong vùng khen có, chê cũng nhiều, mọi sự rồi cũng êm xuôi. Chuyện một ông nhà giàu nào đó bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỉ xây chùa, dựng miếu, làm nhà thờ họ, xây sinh phần hoặc dựng “biệt thự” như hoàng cung, thậm chí “biệt điện” như phủ Thành Chương, phủ Mẫu The cũng là chuyện bình thường. Thời kinh tế thị trường pháp luật cũng như dư luận không vặn vẹo với câu hỏi thể hiện sự bất lực, ghen tị hơn là “ý thức chống tham nhũng”: tiền đâu dám ăn cả một con gà?
Thế mới biết cái nước mình tuy “nó thế”, nhưng cũng đã “đổi mới” biết bao!
Vâng, thái độ đối với người giàu nói chung và “đại gia” nói riêng của dân ta đã thay đổi nhiều. Đó là nhờ pháp luật và nền pháp trị tuy chưa hoàn thiện nhưng đã vượt qua thời ấu trĩ. Tham nhũng và kiếm tiền phi pháp bị lên án, ngăn chặn nhưng làm giàu chính đáng được khuyến khích. Tất nhiên vẫn khó tách bạch “một bộ phận không nhỏ” len lách và lợi dụng sơ hở của pháp luật hoặc được kẻ có quyền tha hóa bao che để làm giàu. Tâm lý người nghèo ghét người giàu vẫn còn và dễ hiểu vì người nghèo thừa biết loại “người giàu” bất minh này đang “ăn” cả mồ hôi nước mắt của mình nhưng chưa vạch mặt chỉ tên ra được.
Chính sách, pháp luật có thể thay đổi nhanh chóng theo từng thời kỳ, nhưng truyền thống văn hóa đã khẳng định là tốt đẹp của nhân loại hay một dân tộc thì khó đổi thay. Đó là cái chuẩn mực để làm người, cái nền của mọi hệ thống chính trị lành mạnh. Không vơ đũa cả nắm “ghét người giàu”, nhưng dân ta vẫn thẳng thừng chê trách những kẻ tiêu tiền gây phản cảm và thiếu văn hóa. Một chàng công tử sắm hàng chục siêu xe để đi, tuy hơi nhiều nhưng cũng không sao vì Nhà nước thu được thuế. Nhưng anh ấy tổ chức diễu hành quảng cáo không công cho hãng xe nước ngoài, khoe mẽ cái sang cái giàu của mình trước một miền Trung nghèo đói đang bão lụt thì nếu bị người bên đường ném bùn lên cũng dễ hiểu. Sắm một cái váy mấy tỉ là quyền của nhà giàu, nhưng coi nó là niềm tự hào, biểu tượng mọi giá trị của bản thân thì chắc “tấm vải được khâu thành hình tròn” này cũng thấy hổ thẹn. Bỏ hàng trăm tỉ xây chùa, xây phủ nhằm cầu Phật với Mẫu cho thêm tiền vào đống tiền đã quá kếch sù thì không Phật nào, Mẫu nào mỉm cười an lạc. Những chuyện nhà giàu xứ ta tiêu tiền không nhìn trước ngó sau, không đếm xỉa đến văn hóa kiểu như thế khá nhiều. Dư luận có quan tâm, nhắc nhở nhưng cũng rất bao dung. Mặt khác, pháp luật không thể đụng tới, còn tổn thương văn hóa thì quá tế nhị và nhiều khi cũng khá mơ hồ, không dễ như hai với hai là bốn.
Khoảng cách giữa cái cao sang của văn hóa và cái lố bịch trọc phú thậm chí còn mong manh hơn cả sợi tóc. Bỏ hàng chục tỉ (giả thiết đó là tiền sạch) xây chùa, trùng tu chùa cổ hư nát là công đức hà sa. Nhưng tận dụng cái quyền “ý người trả tiền là tối thượng”, không trùng tu mà “trung tu” chùa cổ hàng trăm năm theo ý mình, thay thế tài năng kiến trúc và thẩm mỹ đã được công nhận hàng thế kỷ của người xưa bằng kiến thức một ông chủ, rồi lấy tên mình đặt cho tên chùa cổ, tạc tượng bản thân, khắc vào bia đá tên vợ chồng con cái đặt trong chính điện, nơi phật tử đến cúng bái thì chắc là Phật không còn ở trong chùa nữa rồi. Người đã từ bỏ ngôi vua cùng bạc vàng châu báu để chọn gốc bồ đề, thì cớ sao lại chịu ở chung nơi đây với họ?
“Ta luôn ở với người nghèo”, cả Đức Phật, Đức Giêsu đều nói câu tương tự. Ngay Bill Gates, người giàu bậc nhất thế giới, nhưng cũng nhận mình “chỉ là một người nghèo có nhiều tiền mà thôi”. Có thể Bill Gates muốn nhắc người giàu hãy đánh giá và tiêu pha đồng tiền kiếm được dưới góc độ của người nghèo.
(Theo Tuổi Trẻ)