Tiếng kêu của loài dị điểu trong thơ ông thật bi thảm, vừa cất lên đã rụng xuống dòng sông rộng. Cái chết sinh ra để phụng hiến tình yêu. Yêu đến buồn chết, thật là khó để người đời hình dung một tu sĩ có đời sống phong kín nơi cảnh chùa lại có ý nghĩ như vậy.
Tôi hay đến ngồi chơi với ông ở bên ngoài quán cà phê Hoa Vàng ở cư xá Bắc Hải. Một đôi dép nhựa, một túi xách lỉnh kỉnh thơ, tài liệu, thuốc… dưới chiếc ghế xếp. Ông như một lão nông hiền hậu luôn tươi cười đón khách. Sau những vòng khói thuốc, đôi mắt như nhìn vào một cõi hư không nào đó. Hàng chục lần đến thăm ông, tôi vẫn thấy ông ngồi như vậy. Không biết ông viết khi nào nhưng số lượng những câu thơ, những tác phẩm ra đời đều đều. Đến nay ông đã viết được 126 nghìn câu thơ… Ông là người viết rất nhanh, lại viết theo kiểu “rót” thơ ra từ vô thức. Ông nói ông thi hóa kinh Kim Cang trong 4 ngày, 10 bài Đạo ca ông chỉ viết trong 2 ngày, tập trường thi Động hoa vàng cũng chỉ 7 ngày liền động bút là xong…
Phạm Thiên Thư là người Việt Nam độc nhất đã thi hóa 7 bộ kinh Phật bằng một ngôn ngữ thuần Việt, sáng tác Từ điển cười (Tiếu liệu pháp) bằng thơ, làm Từ điển châm ngôn, viết 3.320 câu lục bát kể chuyện lịch sử trong Hát ru Việt sử thi. Có rất nhiều kỷ lục, nhiều điều để tự hào, để kiêu hãnh, nhưng dường như ông không để ý đến những thứ ấy. Ông khoái nhất là chuyện ông "rất giống" với cụ Nguyễn Du. Ông kể một tràng: "10 tuổi bố Nguyễn Du mất, tớ cũng vậy. Mẹ Nguyễn Du là một người phụ nữ đất quan họ Bắc Ninh, vợ lẽ dòng thứ hai. Gia đình cụ Nguyễn có bốn anh em, cụ lại sinh hạ được bốn người con (?). Tớ cũng y chang như vậy". Ông còn tâm đắc kể thêm "cụ Nguyễn và tớ đều là tú tài. Cụ Nguyễn lưu lạc 10 năm ở Thái Bình, còn bố tớ quê chính cũng là Thái Bình. Cụ Nguyễn mất năm 1840 (?), đúng 100 năm sau, 1940 tớ ra đời…".
Nói chung, thi sĩ họ Phạm “vận” hết mọi dữ kiện có thể có để thấy mình “giống y xì” cụ Nguyễn Du. Thế nhưng, thực sự mẹ Nguyễn Du là vợ lẽ thứ ba của cụ Nguyễn Nghiễm, một đại quan có đến 8 bà vợ và 21 người con trai. Mẹ Nguyễn Du có đến 5 đứa con, còn cụ Nguyễn mất năm 1820 chứ không phải 1840 như Phạm thi sĩ kể…
Song cũng có một điều cho thấy ông khá "gần gũi" đại thi hào Nguyễn Du, ấy là Phạm Thiên Thư đã “dũng cảm” dám qua mặt cụ Nguyễn để viết lại Truyện Kiều. Ông đĩnh đạc “phá bỏ” thành tích đỉnh núi thơ ca dân tộc để viết Đoạn trường vô thanh, một tác phẩm xem như hậu Truyện Kiều. Ông đã cố gắng Việt hóa câu chuyện Kim Kiều để “sáng tác phải có cái riêng của Việt Nam” như ông nói. Ở thi phẩm này, ông còn "hơn" cụ Nguyễn Du những… 20 câu lục bát. Lục bát là một thể tính đặc thù của văn hóa Việt, trên hành trình sinh hóa của nó, Phạm thi sĩ chính là một trong số ít các nhà thơ đã chạy tiếp sức cho cụ Nguyễn Du một cách rất xứng đáng bằng những vần thơ sang trọng, tuyệt bích…
Tôi không rõ nét mặt của cụ Nguyễn Du, nhưng theo chính sử nhà Nguyễn đã ghi thì khuôn mặt cụ Nguyễn dường như nhàu nhĩ, in hằn nếp nhăn ưu tư về phận người và sự chán nản cảnh quan trường gượng ép. Trong khi khuôn mặt Phạm tiên sinh ngời lên vẻ thanh thoát, cười cợt, vô ưu. Không biết ông có phải “hậu thân” của Hồng Sơn lạp hộ (biệt hiệu của cụ Nguyễn Du) hay không nhưng chỗ ông trú ngụ hiện nay lại là đường Hồng Lĩnh, cũng là tên một ngọn núi ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, quê cụ Nguyễn. Chuyện “hậu thân” Nguyễn Du là Phạm Thiên Thư có lẽ nên hỏi con vạc đậu bờ kinh vậy: Hỏi con vạc đậu bờ kinh/Cớ sao lận đận cái hình không hư/Vạc rằng: Thưa bác Thiên Thư/Mặc chi cái áo Thiền Sư ỡm ờ… (Động hoa vàng).
T.L (TNO)