Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Phải chăng Quốc Tự Linh Mụ còn có tên gọi "Thiên Mẫu"!

Phải chăng Quốc Tự Linh Mụ còn có tên gọi "Thiên Mẫu"!

159
0

Biển đề tên chùa bằng gỗ quý có chạm trổ nghệ thuật, chiều dài khoảng 1,6m bề rộng 0,6m, được sơn son thếp vàng; nay tuy có bị hư hỏng phần khung và nhạt phai sắc màu vì thời gian trải qua 145 năm, được treo một cách trang nghiêm trên cửa chính của nghi môn.

Vào thời mở cửa, du khách nước ngoài viếng chùa, ai ai cũng thấy, rất nhiều người Âu Mỹ đọc được ba chữ Hán viết theo lối chân phương (靈姥寺) (Linh Mụ Tự). Thế mà, không hiểu vì sao, năm 1915, Công sứ A. Bonhomme lại khẳng định tên chùa là Thiên Mẫu. Tác giả ấy đã viết về Lịch sử, Miêu tả, Văn bia thành ba bài nghiên cứu dày công sức theo cách nhìn của học giả già dặn kinh nghiệm, khiến cho người đương thời có nhu cầu nghiên cứu chùa Huế, chùa Việt phải băn khoăn. Một dấu hỏi bay vút tận trời!

Bằng chứng còn lưu lại giấy trắng mực đen qua ba bài viết bằng tiếng Pháp có ghi chú trong bài với nhiều nét chữ Hán, được đăng tải trên tạp chí của Hội Đô Thành Hiếu Cổ (Butlletin des Amis du Vieux Hue, viết tắt là B.A.V.H) vào năm 1915 như y hệt:

1. LA PAGODE THIEN-MAU: HISTORIQUE.
2. LA PAGODE THIEN-MAU: DESCORIPTION.
3. LA PAGODE THIEN-MAU: LES STÈLES.

Cẩn thận hơn, tác giả A. Bonhomme lại chú thích tựa đề bằng dấu treo cao ở cuối mỗi bài viết rất công phu rằng bài viết đã thông qua Hội, tiêu biểu là trong biên bản phiên họp của Hội này, ngày 29 tháng 06 năm 1915 hoặc tháng 11 cùng năm ấy. Cụ thể hơn, điều này trùng hợp với biên bản của Hội Đô Thành Hiếu Cổ (được viết tắt bằng chữ Pháp là A.B.V.H) cùng ngày tháng đã dẫn. Xem bản dịch B.A.V.H năm 1916, trang 502, Nxb Thuận Hóa, năm 1997 thì được rõ thêm:

“Ông Bonhomme tiếp tục miêu tả chùa Thiên Mụ còn gọi là chùa Khổng Tử”

Thưa độc giả, chắc rằng người Việt Nam đọc và nghe như vậy, thì họ sẽ ngạc nhiên vì thấy là lạ: có chuyện lắc léo kiểu "con trâu néo sừng" ở đây chăng!

Không biết, học giả A. Bonhomme có nhầm lẫn do những người Âu đi trước đã quen gọi một cách “trắc nết” rằng “Tháp Phước Duyên là tháp Khổng Tử”. Người Việt dễ dàng cảm thông cho người ngoại đạo chỉ vì họ là ngoại kiều, họ là người Gaulois…

Một chi tiết tiêu biểu trong nhiều tình tiết cần làm sáng tỏ là trong bài viết thứ nhất về chùa Linh Mụ (tên gọi đương thời năm 1915) tác giả A. Bonhomme đã viết:
“… C’est un temple bouddhisme dont le nom véritable est “Temple Thiên-Mẫu” (Thiên Mẫu Tự (天姆寺), appelé aussi vulgairement Thiện Mộ on Thiên Mụ”.

Không rõ vì lí do nào, bản Việt dịch của ông Đặng Như Tùng lại bỏ nhóm từ “Thiên-Mẫu Tự” (天姆寺) khi chuyển ngữ từ tiếng Pháp ra quốc ngữ.

“… Đây là chùa của đạo Phật mà tên đúng của nó là “Thiên Mẫu Tự” hay gọi nôm na là Thiên Mộ, hay Thiên Mụ” .

Như vậy, cả người viết và người dịch đều khẳng định tên chùa Thiên Mụ vào năm 1915, là chùa “Thiên Mẫu”.

Phải chăng ba chữ Hán (天姥寺) Thiên Mụ Tự phải đọc cho đúng là Thiên Mẫu Tự? Và, các tên gọi “Thiên Mộ” hay “Thiên Mụ” là tên “gọi nôm na”. Ông Tây A. Bonhomme có nhầm lẫn không? Nếu nhầm thì kéo luôn người dịch sai lầm theo.

Chữ Mụ (姥) là chữ Hán, không phải chữ Nôm. Viết từ “Mụ” bằng chữ Nôm thì mượn y hệt từ “Mụ” của chữ Hán. Thiên Mụ là “Bà Mụ nhà Trời”. Rất nhiều người trẻ đã cho rằng, “trong hai chữ cấu tạo tên gọi của chùa Thiên Mụ” thì chữ “Thiên” là từ Hán Việt; chữ Mụ (姥 ) là từ Nôm thuần túy. Theo luật “Khử Tam Thế”, thì có nhiều từ Hán Việt tùy theo văn cảnh mà đọc sai chệch theo mức độ cho phép. Từ Mụ (姥) có cấu tạo từ một bên chữ “Nữ” (女), một bên chữ “Lão” (老), hợp hai từ này thành từ mới, viết (姥), đọc “Mụ”, hoặc “Mộ”. Xưa nay, các nhà Nho, không ai đọc chữ “Mụ” (姥) là “Mẫu” bao giờ cả. Vì sao thế? Chữ “Mẫu” (姆) là từ hội ý, một bên chữ (女), một bên chữ (母), có nghĩa là Mẹ. “Phụ Mẫu” (父母) có nghĩa là “Cha Mẹ”. Chữ Mẫu có nghĩa là “Người đàn bà lớn tuổi”.

Từ năm 1962-1975, tôi có may mắn tìm đến văn phòng Tổng Hội Cổ Học Việt Nam, đặt trụ sở tại Di Luân Đường (trong khuông viên trường Trung học Hàm Nghi

Chùa Linh Mụ thời mà A.Bonhomme viết bài "áp tên" Thiên Mẫu Tự

cũ) hỏi thăm quý cụ túc Nho khoa bảng về hai từ “Mụ” (姥) và “Mẫu” (母) có nghĩa lý như thế nào? Quý cụ Phan Ngọc Hoàn, cử nhân Hán học, Tả lý Bộ hình và cụ Phạm Lương Hàn, Tú tài Hán học, Tri phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, quý cụ đều là Hội trưởng Tổng Hội Cổ học tiền nhiệm và kế nhiệm đều khẳng định chữ “Mụ” (姥) được đọc là “Mụ”, không thể nào đọc là “Mẫu” được. Các cụ lại dặn thêm rằng; “Chữ Hán tinh tế lắm, chữ nào nghĩa nấy, không thể nào đoán nghĩa, đoán chữ rồi trả lời “bâng quơ” được đâu; không nên đùa với “chữ nghĩa của Thánh Hiền”.

Nay, tôi may mắn được người bạn tốt tặng cho sách quý Từ Điển Ngũ Thể (五體字典) của hai tác giả Lạc Hằng Quang và Dư Cự Lục, do Nxb Thuận Hóa ấn hành quý 2, năm 2006. Tra đi, tra lại nghĩa lý của hai từ (姥 ) và (姆) “Mụ” và “Mẫu” thì thấy:

“Mụ” = (姥 ) (tr. 148). “Mẫu” = (姆) (tr. 121)

Chùa Thiên Mụ đã được sách Ô Châu Cận Lục của Trung tâm Khoa học Xã Hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, năm 1997 [có phần chữ Hán nguyên bản Ô Châu Cận Lục (烏州近綠)] đã dịch nguyên tác từ sách ấy, quyển 5, mục Đền Chùa-Danh Lam, tr. 78-79 như sau:

“Chùa Thiên Mụ: Chùa ở phía Nam xã Hà Khê thuộc huyện Kim Trà, nóc sát đỉnh núi, chân gối dòng sông; cách xa trần thế, gần sát bên trời. Khách có tản bộ lên chơi thì tự nhiên phát thiện tâm và tiêu tan niềm tục. Thật là cảnh trí nơi Tiên Phật”.

Sách này viết (天姥寺) (tr. 280), phần Hán văn (tr. 61b, 62a). Chú thích (1) của sách, tr. 79 ghi rõ về địa danh Hà Khê.

Nguyên văn chép xã Giang Đạm (江淡), được sửa lại là Hà Khê. Người sửa lại chỉ khiêm tốn viết chữ nhỏ treo bên dòng chữ lớn ở trang 62a, sách trang 281, chứng tỏ người xưa “dè dặt” trong việc nghiên cứu.

Từ chuyện tìm hiểu về tên gọi lệch đi của ngôi Quốc Tự lớn nhất ở Cố đô Huế, chúng ta thấy rằng “việc nghiên cứu địa danh, danh xưng liên quan đến văn hóa, một khi gặp phải điều gì “ngờ ngờ” thì nên tra cứu, tham vấn nhiều người mới sáng lẽ, sáng lòng. Đó là một thú vị trong việc tìm tòi, học hỏi. Vội vã tin sách, tin người thì dễ dàng “nhào lộn”, rồi “lộn ngược”, “lộn xuôi” mấy vòng không còn biết trời đất chi nữa.

Tăng Ni sinh ngày nay, ít người học chữ Pháp, khi có nhu cầu tra cứu, phải chạy vạy. Nếu vội vàng tin mà không đối chiếu, suy gẫm thì dễ dàng phạm phải sai lầm đáng tiếc. Chúng tôi quý trọng các học giả như ông A.Bonhomme, viết bài này không phải “sửa lưng ông”. Ông là nhà nghiên cứu có tầm cỡ đã để lại cho người đi sau nhiều tư liệu lịch sử, liên quan đến chùa Huế… 

L.Q.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here