Với đàn bà, trẻ gái
Trong thời gian “ẩn dật” tại Huế, ông già Bến Ngự sống bằng tài trợ của thân hữu và đồng bào, đồng chí trong cả nước. Ông cũng sống bằng nghề viết báo, viết sách, làm thơ, văn tế, câu đối thuê. Những bài thơ ông dành cho phụ nữ đều thể hiện sự chân thật, thấu đáo tâm tư, tình cảm của họ; kể cả trong (số lớn) các bài ông tỏ tình thương mến, nể vì (14) và (số ít) các bài mô tả những người đàn bà đành hanh, tai ác, gian tham (15). Ông xúc động vì việc làm từ thiện của cô gái nhà khá giả tuổi 13, dành phần tiền coi hát biếu ông cụ kéo xe ế ẩm; cũng như thương cảm chuyện đời những người phụ nữ bất hạnh mà ông gặp hay nghe nói tới, từ « Cô gái mồ côi đi tu » (t. 5, tr. 323-324), « Bà già tự tử » (Tiếng dân, 19/7/1935, Toàn tập, t. 5, tr. 327-331) đến « Kẻ trộm gái » (sđd, tr. 324-327) là cô bé gánh nước mướn cho nhà ông.
Đặc biệt hơn, ông thưởng thức và rút ra triết lý thâm thúy từ tình bạn trẻ thơ « Khóc cười chung » của thằng Cu con Đĩ (Tiếng dân, 15/5/1935, t. 5, tr. 308-310). Khi đả kích hủ tục cưới xin linh đình, tốn kém, ông dẫn gương Nhật Bản canh tân phong tục, nhưng cũng viện dẫn lẽ tự nhiên ngàn đời ai cũng biết:
Gái trai ai cũng như ai
Hỏi thăm cả nước có người nào không ?
Nhà nào cũng ông ông mụ mụ,
Hay nhất là chuyện đó mà thôi.
Có chi là lạ lùng đời, chẳng qua khuôn để đúc rồi là xong.
Thế mà cũng lung tung rộn rực…
[…] Đẻ con là việc vợ chồng,
Họ hàng khách khứa có công cán gì ?
Khéo sinh sự no say thoa vẽ,
Nghĩ tục ngu như thế nực cười. (16)
Có lẽ một phần do cuộc sống gần dân, trong dân suốt 15 năm làm ông già Bến Ngự, trong số các nhà nho thành danh nói chung, nhà nho duy tân nói riêng, PBC là người đã sáng tác nhiều thơ văn nhứt mô tả cuộc sống vật chất, tinh thần, tình cảm của nhiều phụ nữ và trẻ gái thuộc nhiều từng lớp xã hội khác nhau. Nữ giới và nữ quyền đối với ông không chỉ là tư tưởng tiếp thu từ yếu tố ngoại sinh, khác với nhiều nhà nữ quyền nam nữ đương thời, phần lớn không che giấu tác động của thực tế mà nhiều người mô tả là « làn sóng nữ quyền » sôi nổi từ phương Tây đập vào bờ bến Việt. Trong quan điểm của PBC về vấn đề phụ nữ, yếu tố nội tại theo chúng tôi rất mạnh, hòa quyện cùng nhau là một cách hiểu khoáng đạt về chữ nghĩa, chữ nhân nho giáo – cùng chia sẻ với cả thế hệ nhà nho đã đọc tân thư – các giá trị tinh thần Phật giáo và lòng yêu nước mãnh liệt kiên cường mà đến đầu thế kỷ XX, cả từng lớp sĩ phu đã thức tỉnh dung hòa cùng các giá trị mới của văn minh phương Tây. Yếu tố nội tại còn là thực tế về gương trung liệt của nhiều bực nhi nữ anh hùng mà Phan cảm phục, về cuộc sống cơ cực của phụ nữ bình dân và về những phụ nữ trí thức mà Phan gần gũi, tập hợp, hướng dẫn đấu tranh.
Với phong trào đấu tranh nữ quyền
Đúng như nhà Việt học David Marr đã lưu ý từ 1981, tổ chức nữ quyền đầu tiên của Việt Nam đã ra đời từ 1926 ngay tại Huế, sớm nhứt trong cả nước. Đó là Nữ công học hội do bà Đạm Phương sáng lập và làm Chủ tịch. Chúng ta chưa rõ hơn ở bề sâu, nhưng mặc dù cả Phan lẫn Đạm Phương nữ sử mỗi người đều đã nói và viết về vấn đề phụ nữ và nữ quyền từ nhiều năm trước, song chính trong thời gian Phan ở Huế mà từ sự tương đắc tương tri giữa hai người, tư tưởng, trước tác và hoạt động đấu tranh nữ quyền tại Huế đã có sự phát triển mạnh mẽ, phong phú. Cái bóng của Ông già Bến Ngự lừng lững đằng sau – mà cũng không chỉ ở đằng sau – các hoạt động nữ quyền xứ Huế, nhứt là trong những năm sôi nổi nhứt của nó từ 1926 tới 1929.
Đầu năm 1926, Phan có lời kính cáo toàn dân, viết bằng chữ Hán, các báo dịch ra quốc ngữ và tiếng Pháp để đăng (17). Đây là tài liệu đầu tiên phổ biến công khai, rộng rãi về chủ trương “Pháp-Việt đề huề”, đề xướng từ 1918. Ông nói rõ:
Cái chủ nghĩa Pháp Việt đề huề là cái chủ nghĩa tôi đề xướng từ 10 năm nay, chứ không phải về đây vì được khỏi chết mà đề xướng. tôi định đề huề là đề huề với cái chính phủ khai hóa cho dân Việt Nam, chứ không đề huề với cái chính phủ áp bức dân Việt Nam. […] Nếu chính phủ định áp chế dân Việt Nam, thì tưởng nên lấy thế lực của chính phủ mà thi hành đi, không cần lợi dụng chính sách đề huề của tôi làm gì. Nếu chính phủ nghĩ rằng Pháp Việt đề huề là có lợi ích cho dân hai nước thì xin chính phủ thi hành cái lối đề huề thật cho dân tộc Việt Nam dễ theo, mà đến khi tôi hành động về chủ nghĩa ấy cho khỏi mang tiếng người ta trách là tôi bị lừa, và chính phủ đánh lừa dân Việt Nam. (tr. 29)
Những bài viết còn tập hợp được trong những ngày tháng liền ngay sau đó – ngoại trừ các bài viết liên quan đến Phan Châu Trinh nhân đám tang của ông, đã biến thành cao trào vận động chánh trị trong cả nước, đặc biệt ở các thành phố lớn – là các bài nói chuyện của PBC với nam nữ học sinh hai trường Quốc học (ngày 29/1 và 17/3/1926) và Đồng Khánh (17/3/1926). Sự ra đời của Nữ công học hội được chuẩn bị từ vài tháng trước, chắc chắn có sự góp ý, tham mưu của PBC, có lẽ chủ yếu về phương thức tổ chức. Còn về tư tưởng, sẽ rất thú vị nếu phân tích so sánh phần tương đồng và dị biệt giữa Phan và Đạm Phương, mà mỗi người đều xứng vị trí tiên phong trong chủ nghĩa nữ quyền Việt Nam. Nhưng xin hẹn một dịp khác. Lần nầy chúng tôi chỉ xin nói về Ông già Bến Ngự.
Chúng tôi ngờ rằng vai trò cố vấn của Phan chủ yếu ở phương thức tổ chức vì trong quá trình hoạt động cách mạng gian nan trước đó của ông, hẳn ông đã rút được nhiều kinh nghiệm quý. Sự giản lược và thiên vị của sử học chánh thống trong nước – mà giới nghiên cứu ngoài Việt Nam cũng không hoàn toàn tránh khỏi, bởi cùng chịu chung những tác động của bối cảnh lịch sử đương đại – đã khiến người ta nhiều lần đối lập quá đáng lập trường và phương thức cứu nước mà PBC và Phan Châu Trinh đề xướng. Riêng với PBC, vừa do nề nếp của người học rộng hiểu sâu nho học khiến ông thực sự cầu thị, vừa do những thất bại liên tiếp suốt nhiều năm mưu đồ đại cuộc, ông không chỉ có một cách nghĩ, một cách làm, như đã bị hậu thế quy giản cho ông. Cách thực hành “Pháp Việt đề huề” của ông, theo chúng tôi hiểu, không phải chủ yếu là thiết lập quan hệ gì với nhà cầm quyền thực dân, hay chánh quyền tay sai của họ; mà chủ yếu ở thái độ dung hòa tân cựu học, ở lòng trông cậy thiết tha vào lớp trẻ, là những người được hấp thụ nền giáo dục mới, song cũng là những người được ông thường xuyên giáo dục, nhắc nhở, răn dạy, huấn luyện để họ học trường của chánh phủ bảo hộ lập ra, mà học được « cái tinh thần chân văn minh », chớ không phải học « vì cầu quan to, hốt đồng bạc, để làm môi giới cho cơm Tây, mặc đồ Tây, xe Tây, lầu Tây, thì cái hồn quốc dân ta còn gì mong sống được!» (18) . Hình như chưa có sự nghiên cứu nghiêm túc nào về “chủ thuyết” nầy của Phan. Trong quá trình tìm hiểu về PBC và nữ giới, nữ quyền, chúng tôi thấy hé ra giả thuyết: việc Phan tích cực động viên các hoạt động đổi mới phong hóa của thanh niên, phụ nữ không phải chỉ xuất phát từ đồng cảm yêu nước, thương dân, mà phải chăng là thực hiện chủ thuyết mới của mình, một phương cách khác để chống thực dân, giành độc lập, với sự kiên cường của Ông già Bến Ngự, tuy thân bị giam lỏng mà chí luôn quật khởi, tự do?
Khởi phát đấu tranh
Với nữ sinh Đồng Khánh, cũng ngay từ buổi gặp chánh thức đầu tiên ngày 17/3/1926, Phan đã giới thiệu nội dung cơ bản trong tư tưởng của ông về vấn đề phụ nữ và nữ quyền. Lời đầu tiên, ông than trách về thực trạng bất bình đẳng giới
để cho nữ đồng bào ta hóa ra một hạng rất ti tiện ở trong loài người, mà lại thứ nhất là một hạng rất ti tiện ở trong dân nước ta! Chẳng những việc nhà nước không ai hỏi tới chị em, việc xã hội cũng không ai bàn tới chị em, mà thậm chí những việc rất mật thiết như gia đình và cá nhân, cũng không ai kể công tới chị em. (19)
Đối với thói trọng nam khinh nữ mà ông gọi là « thói hư gia đình thuở xưa, nết hư xã hội ngày xưa », Phan nghiêm khắc phê phán: « tôi tưởng rằng trong đạo làm người có lẽ nào mà điên đảo, đảo điên như thế? ». Thay vì viện dẫn thuyết bình đẳng, bình quyền từ Âu Tây, ông một mực dùng các khái niệm cổ truyền (nhân ư vạn vật chi linh, đạo làm người) và thực tế xã hội để làm cơ sở lý luận cho bình đẳng nam nữ. Dấu hiệu của kiến thức mới chỉ thấp thoáng khi ông khẳng định « lấy sinh lý học mà suy ra », trai gái không có gì khác biệt. Còn đối với đất nước, trước sau vẫn là “hệ quy chiếu” cơ bản đối với Phan, ông lập luận:
Trời kia là cha, đất là mẹ, người ta trong vòng trời đất, ai chẳng là đồng bào. Huống chi trong lòng mẹ nước Việt Nam sinh ra, ai nấy chẳng là một người con quý báu, vẫn đáng kêu là chị, vẫn đáng kêu là em, vẫn đáng kêu là cô, dì, thím, mợ. Nếu không có những món người ấy, lấy gì mà đủ hai mươi lăm triệu đồng bào, trong hai mươi lăm triệu đồng bào ta nếu không có các chị em, thì hai mươi lăm triệu đồng bào ta sau này ắt phải tuyệt diệt.
Không có phụ nữ (ý nói: phụ nữ mà không được làm người, BTP) thì dân tộc diệt vong. Khẳng định muôn phần mạnh mẽ đó thiệt đáng ngạc nhiên! Kể cả chúng ta ở đầu thế kỷ 21, phải chăng vẫn không phải mỗi ngày được thấy nhiều người – không chỉ là người Việt, cũng không chỉ là đàn ông – có niềm xác tín như vậy? Lưu ý là câu nầy lặp lại gần như nguyên văn một câu Phan đã viết từ 1907 trong Tân Việt Nam, bằng chữ Hán, xuất bản tại Tokyo. So sánh thân phận thấp kém của phụ nữ Việt với phụ nữ các nước tiên tiến phương Tây, hay các nước láng giềng Nhựt Bổn, Trung Hoa, đương nhiên Phan đau xót. Nhưng khác hẳn với thái độ một số nam trí thức được đào tạo từ các đại học Pháp về, hay cả các nữ trí thức đấu tranh cho nữ giới cũng được hưởng « đồng một phận làm người» (Nguyễn Thị Kiêm) như (và sau) nam giới, Phan diễn đạt nỗi đau, nhục và phương cách rửa nhục của mình như sau:
Tôi tủi hổ thay cho nữ đồng bào ta, mà tôi lại còn tủi hổ cho mình tôi, bởi vì tôi là con cưng ở nước Nam, mẹ tôi đã không danh giá gì, thì tôi còn mặt mũi nào mà sống được. Tôi suy đi nghĩ lại, muốn rửa sạch cái xấu hổ nầy, chỉ có một sự làm sao cho chị em học hành được như người các nước. Người con gái các nước vì nhiều học mà cao quí như kia, chắc là con gái nước ta vì không học mà ti tiện như thế.
Người khác cho phụ nữ là một nửa loài người, một nửa bầu trời gì đó. PBC thì rất ân tình nhớ phụ nữ là đứa con gái từng được yêu quý lúc ra đời, là người đáng kêu là chị, là em, là cô, dì, thím, mợ; đối với dân tộc là người có trách nhiệm với sự được mất, hưng vong, là mẹ dân, mẹ nước.
Nhưng không phải chỉ có yếu tố tình cảm và truyền thống trong thái độ của PBC về vấn đề phụ nữ. Tư tưởng nữ quyền của ông lý giải sâu sắc và biện chứng về sự dung hòa tân cựu.
Với các nữ sinh Đồng Khánh, ngay từ buổi đầu gặp gỡ, ông kêu gọi tự lực tự cường, tự giải phóng. Qua nhiều thế kỷ phát triển của tư tưởng nữ quyền trên thế giới, bền vững lâu dài và công hiệu sâu xa nhứt vẫn là những xu thế khuyến khích phụ nữ tự giải phóng. Tư tưởng PBC cũng theo xu hướng nầy và được diễn giải ngày càng sắc sảo, mạnh mẽ hơn. Năm 1926, ông kêu gọi còn có phần chung chung:
Trời đã sinh ra các chị em, thì các chị em cũng có trí khôn, có thể tự lập được. Nước Việt Nam đã sản xuất các chị em, thì các chị em chắc cũng có năng lực, có thể tự cường được. Chị em nếu một mai biết hăng hái để nghĩ làm người, quyền lợi của loài người ra tay tranh lấy, phẩm cách của loài người ra sức giữ lấy; xã hội hư kia có ngày ta chỉnh đốn, gia đình ác kia có ngày ta cải lương, rồi đây sẽ lấy thân đào liễu mà đỡ gánh non sông, xúm sức quần thoa mà vần xây vận hội; chắc có một ngày bà Trưng nữ vương thứ hai xuất hiện ở thế kỷ nầy!
Nói “chung chung” là so với những tinh thần, phương thức đấu tranh về sau ông sẽ bày vẽ. Nhưng ngay từ 1926, Phan đã nói rõ với cô trò trường Đồng Khánh sự kỳ vọng lớn lao và lâu dài, bền vững mà ông đặt nơi nữ giới. Cái ý tưởng: « có khi có những việc con trai không làm tới, mà chị chuốc lấy mà làm » được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, sau khi Phan đã nêu lần đầu từ năm 1907 trong « Truyện mẹ Lân, một nữ hào kiệt » (Sùng bái giai nhân, Tokyo). Những việc mà Phan kêu gọi nữ giới « chuốc lấy mà làm » lại toàn là việc tầm bà Oa Hoàng đội đá vá trời, cô Tinh Vệ ngậm cát lấp biển! Tất nhiên, cấp thiết nhứt, cao cả nhứt, trong tâm chí nhà ái quốc vĩ đại – là danh xưng phổ biến được người đương thời dùng ca tụng Ông già Bến Ngự – chính là đồng tâm cứu nước (xem Toàn tập, t. 4, tr. 53). Nhưng không chỉ có vậy.
Về đấu tranh nữ quyền, ông hướng dẫn trong bốn câu:
Một là chị em phải biết chị em cũng là người. Hai là chị em cũng phải biết chị em là dân trong nước. Ba là chị em cũng phải biết chị em cũng nên có nghĩa vụ như con trai. Bốn là chị em cũng nên được quyền lợi như con trai.
Nghĩa vụ thì ông trước hết khuyên chị em « phải lo như thế nào cho đủ tư cách tự lập, chẳng cần nương cậy đến ai, đã không chịu làm sâu mọt trong xã hội, mà cũng không để người ta gọi mình là ký sinh trùng (parasite) ». Rất công bằng, hơn cả nhiều phụ nữ đấu tranh cho nữ quyền ở phương Tây thời kỳ đầu còn dè dặt coi việc “được đóng góp” đã là “ân sủng”, Phan bảo đảm:
Phàm một người đã gánh nổi cái nghĩa vụ của một người, tất là được hưởng cái quyền lợi của một người; mà lại tất phải có cái quyền lợi của một người, mới có thể làm hết cái nghĩa vụ của một người. Chị em ta đã hay biết được cái nghĩa vụ mình cũng như con trai, và hay làm được cái nghĩa vụ của mình cũng như con trai, thì bao nhiêu cái quyền lợi của con trai, chắc các chị em ta cũng có phần được hưởng thụ.
Do đó, ông vẽ ra viễn cảnh khi phụ nữ đã tự nâng cao trình độ, thì các việc kinh tế, các quyền chính trị đều được bình đẳng với nam giới. Ông hô hào:
Xin các chị em gắng sức hết lòng, trông lên cái đỉnh tháp nhân quyền, cứ tầng tầng ráng chân mà bước tới, toàn khiến cho linh hồn bà La Lan (Roland) nước Pháp ở dưới đất chặc lưỡi mà than rằng: « Trời ôi! Chúa ôi! Con gái Việt Nam đến như thế! »
Nhìn nữ giới Việt như « hột châu tươi sáng chìm dưới vũng cát lâu ngày », như « bông lan rất thơm tho vùi lấp trong cỏ đã lâu », ông cho rằng trau dồi hột châu, bộc lộ vẻ đẹp của bông lan, « chỉ trông mong vào cái công phu học vấn của chị em ta ».
Chỉ ba tháng sau diễn văn quan trọng đó – xứng đáng được ghi vào lịch sử phụ nữ Việt Nam như bài diễn thuyết công khai đấu tranh cho nữ quyền sớm nhứt trong cả nước – Nữ công học hội ra đời. Ông Đào Duy Anh, bà Trần Thị Như Mân mỗi người trong Hồi ký của mình đều xác nhận giữa Phan Bội Châu và bà Đạm Phương đã có nhiều buổi đàm đạo chuẩn bị cho sự ra đời của học hội, dù để tránh tiếng cho tổ chức nầy, Phan đã không có mặt trong Lễ ra mắt. Quá trình xin phép, thành phần Ban Chấp hành, sự có mặt của nhiều quan chức Pháp-Nam trong Lễ ra mắt, phương thức hoạt động, tài chánh và cơ sở vật chất của Hội, sự phát triển tổ chức Hội đến một số thành phố Bắc, Trung đều thể hiện tính mẫu mực tới mức hoàn hảo, xứng đáng với sự đánh giá của tác giả Lê Thanh Hiền là người dày công sưu tập và giới thiệu tác phẩm của Đạm Phương nữ sử như sau: « Hội nữ công […] đã có ảnh hưởng chung và cất tiếng nói riêng, tiếng nói đại diện của phụ nữ Việt Nam đòi nhân quyền dưới chế độ thực dân, phong kiến»(20). Hơn mười năm sau lời kêu gọi khẩn thiết của Lê Thanh Hiền (sđd, tr. 18-19), lịch sử chánh thống vẫn chưa ghi nhận xứng đáng sự đóng góp của nữ trí thức hàng đầu xứ Huế, « nhân vật trí thức tiến bộ và yêu nước trong lịch sử cận đại Việt Nam », và chúng tôi xin thêm, một nhà nữ quyền tiên phong. Giới nghiên cứu càng chưa làm rõ được vai trò của Ông già Bến Ngự vừa là cố vấn, vừa là người ủng hộ trong bóng tối, vừa là nhà tuyên truyền, cổ động lỗi lạc đã làm chất men xúc tác cho sự khởi phát của chủ nghĩa nữ quyền Việt Nam « ở chốn kinh đô là một chốn mây mù man mác gió thu ngục quỉ trong mấy ngàn năm, bỗng chốc mà hiện ra một tia sáng chói » (21).
Dung hòa tân cựu, Đông-Tây
Trong các hình thức sinh hoạt của Hội Nữ công, ngoài việc dạy cho chị em thành thạo một nghề nữ công để có thể tự mưu sinh, còn có những buổi dạy văn hóa, dạy kiến thức phổ thông và cả những buổi diễn thuyết về các vấn đề học thuật và đạo đức. Bài diễn thuyết của PBC, không đầy hai tuần sau ngày ra mắt, có lẽ là buổi thuyết trình đầu tiên thuộc dạng nầy.
Nội dung cốt lõi nhứt trong thông điệp của PBC tại buổi đầu diện kiến Nữ công học hội giúp ta hiểu quan điểm của ông về luân lý, hay nói đúng hơn sự vận dụng thuyết Pháp Việt đề huề, Đông Tây hiệp tác của ông vào lãnh vực luân lý, văn hóa. Với nguyên tắc gạn đục khơi trong, chọn hay bỏ dở cả trong hai nền văn hóa, ông lý giải sâu sắc về các khái niệm “phục tùng” của phương Đông và “độc lập” của phương Tây.
Phục tùng tuy là điều hay nên tuân thủ, « nhưng mà nói cho đúng lẽ phải, thì phục tùng theo về đạo đức, không phải phục tùng theo về cái quyền mà không kể đến đạo đức ». Tại sao? Vì nếu chỉ phục tùng quyền lực, bất chấp lẽ phải, thì « cha lấy oai quyền áp chế con, chồng lấy cái quyền ép chế vợ, mà là người làm con, người vợ đó chỉ ngày ngày đêm đêm gông cùm ở cái vòng oai quyền, mà chỉ biết sự phục tùng là bổn phận thì gia đình đã hóa ra mù mịt tối tăm, mà cái nghĩa vụ phục tùng kia lại là một cái dây xiềng bắt người ta thành ra một tuồng nô lệ ». Vốn tam cương, ngũ thường, tam tòng tứ đức là những ràng buộc từ Tống Nho; nên nhà nho uyên bác là PBC không khó khăn gì để quay về nguồn cội, dẫn giải theo Khổng, Mạnh về nghĩa vụ « chồng phải hiệp đạo làm chồng, vợ phải hiệp đạo làm vợ » và diễn ý: « chồng có nên chồng thì vợ mới nên vợ ». Ông kết luận: « Điều gì phải lẽ mà không phục tùng vẫn là người dở, điều gì trái lẽ mà cứ phục tùng thì cũng không phải là người hay, ấy là luân lý Đông phương người ta cũng không có thể tai mà thay óc được vậy ».
Độc lập (nghĩa từ nguyên là đứng một mình, BTP) vốn có thể làm cho người theo cựu học « gai góc rụng rời, tưởng rằng độc lập là ai chỉ lo lấy một mình, thế tất đến nỗi cha lìa con, vợ lìa chồng […] gia đình có bao giờ đoàn tụ, xã hội có bao giờ kết hiệp… » Phan quả quyết hiểu như vậy là sai, và cắt nghĩa ngắn gọn: « Chữ độc lập là bảo người ta không nên ỷ lại mà thôi. » Ông còn biện giải thấu đáo:
Cha làm sự nghiệp cha, con làm sự nghiệp con, chồng làm sự nghiệp chồng, vợ làm sự nghiệp vợ, ai nấy không phiền lụy đến ai, mà ai nấy không thắt buộc được ai, không ai phiền lụy ai, tuy là ai nấy không ỷ lại ai, mà thiệt là ai nấy cũng giùm giúp cho nhau. Bởi vì, ta hết bổn phận ta, ta xong nghĩa vụ ta, tức là giùm giúp sự nghiệp cho người. Người nầy hết bổn phận, người kia xong nghĩa vụ, tức là giùm giúp sự nghiệp cho nhau. […] Vợ chỉ biết đem thân vợ mà bận bịu cho chồng, thế thì người con là dây trói cha, người vợ là cái xiềng khóa chồng, sự hạnh phúc trong gia đình còn mảy may gì nữa mà trông mong được nữa! Nếu người nào người nấy ai cũng biết đường lo độc lập thì có sự khốn nạn trên kia nữa đâu! Vậy mới biết luân lý Tây phương rất hay; người ta chớ nghe sự độc lập mà run sợ mới phải.
Đông phương thiên về “thủ cựu” (Phan dùng theo nghĩa từ nguyên là giữ cái cũ), Tây phương trọng canh tân. Phan dựa vào tục ngữ, ca dao và lẽ phải thực tế thông thường (bon sens, common sense) để chỉ trích thủ cựu (tr. 58-59) và khuyến cáo canh tân có chừng mực, tôn trọng khác biệt văn hóa (tr. 59-60). Rất sâu sắc và mạnh dạn đến làm ta sửng sốt, là sự so sánh « luân lý Đông phương trọng về hạn chế; luân lý Tây phương trọng về tự do ». Phán quyết của Phan thiệt dứt khoát:
Cứ nguyên lý loài người mà nói thì cái quyền tự do đó là khi đầu trời đất sinh ra người đã phú dữ cho ta.
Đã có tai thì có quyền nghe, đã có mắt thì có quyền dòm, đã có miệng thì có quyền nói, đã có tay chân thì có quyền hành động. Nhưng mà lại có một cái quyền rất cao quý tức là cái quyền thẩm phán. Vị thần óc bảo rằng phải là phải. Vị thần óc bảo rằng trái là trái. Điều gì trái chúng ta nên tránh, điều gì phải thì chúng ta phải nghe theo.
Vị thần óc đó là một vị chúa tể cho trong tòa pháp luật. Người ta tự do ở trong pháp luật, ấy là chân chánh tự do. Người ta tự do ở ngoài vòng pháp luật ấy thì không phải là chân chánh tự do. […] Tự do vẫn là phúc chung, nhưng chỉ được tự do ở những điều hiệp lẽ, tức là phục tùng pháp luât vị thần óc đó mà thôi.
Phân tích phân minh như vậy, nên tuy nói dung hòa, song không hề là “ba phải”. Phan kịch liệt công kích sự hạn chế là « cướp mất cái quyền tự do của người ta, mà bắt người ta thành ra một bộ cơ khí, điều phải muốn làm mà không được làm, điều trái muốn cự mà không được cự, thế thì cái vận may hạnh phúc của mình ta, hoàn toàn ở trong tay ai đâu, mà mình chỉ ra một cái bù nhìn ở trong xã hội ». Phan không ngần ngại nguyền rủa: « Ác độc thay, cái ma hạn chế kia!…» Song ông rất khéo léo đề nghị: « Cái óc luân lý người Đông phương phải pha vài giọt nước của người Tây phương mới là thập phần trọn vẹn ». Và ông chỉ ngay vào bình bông sen trên án mà cắt nghĩa:
Khi nó ở ao sâu hồ rộng hô hấp cái không khí tự do của trời cho, từ khi nứt mộng đến khi nở bông, lá tự nhiên mà xanh, hoa tự nhiên mà trắng, rỡ ràng tươi tốt, ở trong ấy biết bao khí tượng tinh thần, ấy đủ chứng cho tự do mới là lòng tạo hóa. Bây giờ chúng ta bắt nó cắm vào trong một cái bình, thì nhánh bông rực rỡ tốt tươi kia bỗng chốc mà rụng rời tan tác. Rằng vì không có nước cho nó dội hay sao? Không phải. Rằng vì không có gió cho nó hứng hay sao? Không phải. Chỉ vì nó không được tự do phát sinh nên đến nỗi héo mòn như thế.
Tới nay chúng tôi vẫn chưa có điều kiện tìm hiểu PBC đã đọc hết bao nhiêu sách, là những sách nào, và ngoài sách còn học được những gì từ những người ông có cơ hội gặp ở Nhựt, Xiêm, Trung Hoa,… trên đường bôn ba cứu nước. Cho nên hoàn toàn không xác định được từ nguồn nào ông đã nghiên cứu tư tưởng các nhà nữ quyền trên thế giới. Nhưng rõ ràng, trong thời kỳ trước 1945 (mà cả đến ngày nay nữa!) tài liệu lý thuyết đầy đủ nhứt về chủ quyền nữ quyền mà chúng tôi đọc được từ tác giả Việt viết bằng tiếng Việt lại vẫn là tác phẩm của Ông già Bến Ngự. Tác phẩm nhan đề Vấn đề phụ nữ, ban đầu được đăng trên Đông Pháp thời báo số 662, ngày 22/12/1927. Tuy là bài đăng báo, song cấu trúc rõ ràng là của một cuốn sách biên khảo, mà báo chỉ mới đăng được ba chương đầu (chưa đầy 12 trang sách khi in lại trong Toàn tập, t. 4, tr. 83-94). Theo chú thích của Chương Thâu, người sưu tầm, biên soạn Phan Bội Châu toàn tập, vì Đông Pháp thời báo bị đóng cửa vào tháng 4/1928 nên bài không thấy đăng tiếp. Năm 1929, nhà xuất bản Tam Thanh ở Sài Gòn cho ấn hành thành sách Vấn đề phụ nữ, dày 31 trang. Nhưng liền sau đó, sách bị cấm, bị tịch thu không được phát hành. Đến nay, chúng tôi chưa có cơ hội tìm lại được.
Tuy chỉ là ba chương đầu, song sách đề cập có hệ thống từ « Địa vị với lịch sử của đàn bà con gái », tới « Quyền của người đàn bà con gái (nữ quyền) » và « Phụ nữ vận động ». Đặc biệt đáng lưu ý là cách PBC đặt vấn đề nữ quyền:
Theo ở trên mặt chữ mà nói thì nữ quyền nghĩa là quyền của người đàn bà con gái, cũng như nam quyền là quyền của người con trai. Nhưng xét cho đến nguồn gốc chân lý, thăm cho tới nguồn triết học thì nữ quyền với nam quyền tất cả thâu nạp vào trong hai chữ “nhân quyền”. Nhân quyền là quyền của người mà cũng có nghĩa là quyền làm người. Rằng quyền của người tức là cái quyền đó là người thì đáng được, rằng quyền làm người tức là đã là một con người tất cả có quyền được làm con người mà không phải làm trâu ngựa. Con trai là người, con gái cũng là người, ở trong hai chữ “quyền người” đã bao bọc hết cả rồi, không phải phân biệt nam quyền nữ quyền, nếu phân biệt nam quyền nữ quyền cũng là dư. Nhưng vì từ tệ hại quân chủ chuyên chế phát sinh ra mà câu học thuyết tam cương lại làm tai hại cho một món người số rất nhiều, mất trót hết quyền người xem không khác gì trâu ngựa. (bài đã dẫn, tr. 89)
Khi nói về phụ nữ vận động (tuyên truyền, tổ chức phụ nữ, BTP), ông nhắc lại các nguyên tắc đã đề cập với nữ sinh Đồng Khánh, nhưng lược bớt nguyên tắc về “quyền lợi”. Theo chúng tôi hiểu, có lẽ tập sách nầy được viết ra nhằm mục đích huấn luyện cán bộ cốt cán, nên không cần hô hào về viễn cảnh, mà chú trọng hướng dẫn tổ chức đấu tranh. Nên biết đây cũng là lúc trí thức Huế và Trung kỳ đã tập hợp thành lập đảng Tân Việt và Đào Duy Anh, một người lãnh đạo đảng nầy, đã giao cho người vợ trẻ của mình là Trần Thị Như Mân tổ chức nữ giới của đảng. Như Mân cũng được giao nhiệm vụ cho ra đời ấn phẩm dành vận động nữ giới, gọi là Phụ nữ tùng san. Hai vợ chồng đều được PBC coi là bạn tâm giao. Phương châm vận động phụ nữ được PBC nêu gồm: mở mang đường trí thức của phụ nữ, liên kết đoàn thể của phụ nữ, chấn hưng chức nghiệp của phụ nữ, nhắc cao địa vị của phụ nữ. Các hoạt động của Nữ công học hội, của Như Mân và các đồng chí của bà đều theo sát các phương châm trên. Ngoài các công việc hỗ trợ phía sau mà chúng ta chưa biết hết, rõ ràng Ông già Bến Ngự còn đảm nhiệm chức năng là lý thuyết gia, là người biên soạn tài liệu huấn luyện chủ nghĩa nữ quyền được (nỗ lực) phát hành từ Huế vô tận Sài Gòn.
Trong lý thuyết của ông, điều được nhấn mạnh nhứt, mà ông gọi là phương pháp thần diệu, chính là cái ông dùng khái niệm mới (có lẽ do ông tự đặt ra) để gọi là sức tự động, « dùng cái sức tự động của mình mà mở mang lấy tri thức mình (Toàn tập, t. 4, tr. 94 ». Ảnh hưởng những gì ông đọc được từ văn hóa Pháp (và có lẽ được đọc bằng tiếng Pháp) thể hiện rõ trong câu chữ của lời khuyên mạnh mẽ:
Chỉ nhờ sức tự động của chị em mình, mình giáo dục lấy mình, ấy là thượng sách. Mắt chị em vẫn hay thấy, tai chị em vẫn hay nghe, miệng lưỡi chị em vẫn hay nói, óc thiêng chị em vẫn hay tư tưởng, tay chân chị em vẫn hay hành động. Nếu chị em không tự mù lấy mình, mà ai bắt mình mù đặng; mình không tự điếc lấy mình, mà ai bắt mình điếc đặng; mình không tự câm lấy mình, mà ai bắt mình câm đặng; mình không tự ngu lấy mình, mà ai bắt mình ngu đặng? […] Hễ những sự nghiệp gì rất khó khăn, rất to lớn, món trai không làm nổi, chị em ta quyết chí làm nên. […] Chị em muốn giữ quyền người, muốn tranh quyền gái cũng chỉ bấy nhiêu (22).
Nói tóm lại, đọc tác phẩm Phan Bội Châu có thể thấy trong tình cảm, ông đã dành phần ưu ái đặc biệt trong trái tim mình cho phụ nữ. Có thể không còn nhiều dấu vết để lại vì thời gian qua đã lâu, lại ít có người quan tâm tìm dấu xưa liên quan nữ giới. Song dù thiếu nguồn tư liệu từ nhân chứng hay từ nguồn khác, Ông già Bến Ngự vẫn là nhà nho đã để lại nhiều thơ văn viết về phụ nữ nhứt. Với những người phụ nữ dù trong gia đình hay ngoài xã hội, trí thức hay bình dân, dù là nhân vật lịch sử được ông tái hiện hay nhân vật tiểu thuyết do ông tưởng tượng ra, ông đều thể hiện lòng thông cảm chân thành. Đặc biệt với các vị nữ anh hùng trong lịch sử, không chỉ là sử Việt, bên cạnh lòng ngưỡng mộ vì sự nghiệp cứu nước yên dân, ông không bao giờ quên thân phận phụ nữ của họ.
Thể hiện tư tưởng tiến bộ về nữ giới và nữ quyền từ những tác phẩm cách mạng trong thập niên đầu thế kỷ 20, nhưng phải trong giai đoạn 15 năm cuối đời ở Huế, Ông già Bến Ngự mới thực sự góp phần dấy lên ngọn lửa đấu tranh và đã kiên trì nuôi ngọn lửa đó ở thanh niên nam nữ. Riêng đối với nữ giới và cuộc đấu tranh nữ quyền, ông đã có nhiều đóng góp đa dạng, sắc sảo chẳng những đối với thời mình mà vẫn còn đủ sức làm hậu thế ngạc nhiên và cảm phục sâu xa. Cũng như đối với Đạm Phương nữ sử, vừa là học trò, vừa là đồng chí và bạn tâm giao của ông, tư tưởng nữ quyền của Phan Bội Châu, hơn bất cứ nhà nữ quyền nào khác ở Việt Nam, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa truyền thống Việt.
Chẳng những trước họa ngoại xâm, mà còn trong sự va chạm, giao thoa với nền văn hóa khác, với những giá trị mới mẻ, khác lạ tưởng chừng đối lập, loại trừ nhau, văn hóa truyền thống Việt đã xiết bao trân trọng giá trị nhân nghĩa và tự hào về anh hùng liệt nữ trong lịch sử, đồng thời đủ trái tim nhân hậu, trí tuệ và dũng khí để phê phán không thương tiếc những thói tệ mà người trí thức thấm nhuần tân, cựu học thấy hết tính phi nhân của chúng. Nó cũng đủ sức sống thanh tân để tiếp thu chân thực, không cạn cợt, nông nổi mà tận bề sâu bản chất những giá trị tự do, bình đẳng, nhân bản để « giữ quyền người, tranh quyền gái » trong một chủ nghĩa nữ quyền mà người trí thức nữ cũng như nam có thể đồng tâm, hiệp tác trong sự tương kính, tương thân; họ còn thể hiện trách nhiệm giáo hóa, nâng đỡ và chia sẻ với những người cơ cực nhứt trong xã hội. Tâm chí đó hàng trăm năm sau còn tươi rói những bài học quý!
5/2010
Bùi Trân Phượng
(HẾT)
Chú Thích
14.Chẳng hạn, « Tặng cô gánh nước », Toàn tập, t. 5, tr. 155, « Khóc bà Rô Lăng », tr. 160; « Mừng Tuần báo Phụ nữ thời đàm », (3 bài) tr. 161-162; « Mừng Tuần báo Phụ nữ tân văn », tr. 168; « Tặng bạn gái », tr. 166; « Mừng bạn gái sanh con trai », tr.164; Mừng bạn gái đẻ con trai (tặng Trần Thị Như Mân khi sanh Đào Thế Tuấn) », tr. 175; Mừng bạn gái đẻ con gái », tr. 176; « Tặng Phong Tùng nữ sĩ », tr. 169; « Tặng nữ sĩ Tương Phố », tr. 322; « Điếu cô Tiêu Thu », tr. 413, v.v…
15.Chẳng hạn, « Đề mụ bán cá », Toàn tập, t. 5, tr. 128; « Gánh nước giành nhau » (chê thói tranh giành, chửi nhau của mấy cô gánh nước mướn), Tiếng dân, 10/4/1935, Toàn tập, t. 5, tr. 306-307.
16.Việt Nam quốc sử bình diễn ca (1929), thực chất là bản diễn ca chữ Nôm của Việt Nam quốc sử khảo, đã xb ở Nhật năm 1909. Đoạn trên trích từ chương 5, « Sự thịnh suy của dân quyền và dân trí nước ta », tiết thứ tư, « Dân trí nước ta thật đáng thương ». Xem Toàn tập, t. 5, tr. 62-63.
17.«Lời tuyên ngôn thông cáo cả toàn quốc », phụ trương Trung Bắc tân văn, 14/1/1926, Toàn tập, t. 4, tr. 25-29.
18. «Bài diễn thuyết tại trường Quốc học Huế », Đông Pháp thời báo, số 416 và 417, 2/4 và 7/4/1926, Toàn tập, t. 4, tr. 40-48.
19. «Bài diễn thuyết tại trường nữ học Đồng Khánh Huế », Đông Pháp thời báo, số 415, ngày 30/3/1926, Toàn tập, t. 4, tr. 49-54. Các trích dẫn liền tiếp theo đây mà không có chú thích thì đều là từ bài nầy.
20. Lê Thanh Hiền, Tuyển tập Đạm Phương nữ sử, Văn học, Hà Nội, 1999, tr. 23.
21. «Bài diễn thuyết tại Hội Nữ công Huế », 27/6/1926, Đông Pháp thời báo, 6/9/1926, Toàn tập, t. 4, tr. 55-64. Các trích dẫn liền tiếp theo đây mà không có chú thích thì đều là từ bài nầy.
22. Trả lời phỏng vấn báo Phụ nữ tân văn, số 10, ngày 4/7/1929, Toàn tập, t. 4, tr. 224-225.