Quay nhìn về quá khứ cách đây hơn 300 năm, tại Hoàng Long sơn, một vùng đất phía Nam Sông Hương, đối diện với Kinh thành Huế đã xuất hiện một am tre của một vị Đại sư từ Trung Hoa sang là Tổ Minh Hoằng – Tử Dung.
Am tre là hình ảnh đầu tiên của Ấn Tôn tự. Như một đám mây lành lan tỏa, qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, Ấn Tôn tự được xây dựng thêm, được trùng tu, được đón nhận Đại sư Liễu Quán từ Phú Yên đến thọ học rồi được truyền tâm ấn, trở thành Nhị Tổ và từ đó mở rộng dòng thiền Lâm Tế cho đến ngày nay.
Hơn ba thế kỷ, Ấn Tôn tự hay Từ Đàm tự (được cải danh cách đây khoảng 150 năm) đã trãi qua không biết bao nhiêu lần mở rộng xây dựng, trùng tu để rồi nay trở thành một tổng thể kiến trúc trang nghiêm, đẹp đẽ, thuận lợi cho các phật sự, đáp ứng yêu cầu hoằng pháp, tu tập của chư Tăng Ni và Phật tử trong thời đại mới, xứng đáng là một danh lam của đất thần kinh.
Điều đáng nói là Từ Đàm của hôm nay vẫn mang linh hồn của Ấn Tôn -Từ Đàm từ thời được khai sơn bên trong một vóc dáng thanh nhã của kiến trúc truyền thống Phật giáo Việt Nam.
Chừa Từ Đàm xưa
Với ngôi tháp uy nghiêm và mỹ thuật; với những tòa kiến trúc rộng rãi, cân đối, hài hòa; với cách tranh trí bày biện bên trong; với những di tích, cổ vật được lưu giữ cẩn thận, hiển nhiên ngôi chùa xứng đáng là một danh lam, một viên ngọc quý của cố đô Huế.
Tăng, Ni và Phật tử tại TT Huế nói riền và khắp nơi trong và ngoài nước nói chung mỗi khi về Huế, đứng trước ngôi phạm vũ huy hoàng ai cũng đều rất đồng tình và hoan hỷ với việc chùa Từ Đàm với dáng vẽ hiện đại mà cũng rất truyền thống này. Đó là công đức, là tâm huyết lớn lao của cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu trụ trì Tổ đình Từ Đàm trước đây, cũng như của Ban Trị sự và HT. Thích Hải Ấn, đương vị trú trì cùng công đức của chư vị ân nhân đã giúp đỡ, tài trợ cho việc xây dựng ngôi chùa Từ Đàm được như ngày hôm nay.
Chùa Từ Đàm ngày nay
Tưởng cũng không thừa khi nhắc lại rằng chùa Từ Đàm, cũng như hầu hết những ngôi chùa Huế, đã được xem như những tự viện cổ kính có hoạt động Phật sự nghiêm túc, ảnh hưởng mạnh mẽ đối với quần chúng Phật tử đến chùa trong việc phát triển tâm linh, rời hẵn những hình thái mê tín dị đoan, giữ gìn tính chất uy nghiêm của Phật môn.
Hiện nay, có một số nơi trên đất nước ta, tại những nơi trang nghiêm, tại một số lễ hội, đã xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực, những hình thái phi văn hóa. Tại các tụ điểm, nhiều hoạt động giải trí, nghệ thuật chiều theo thị hiếu nhất thời đã pha tạp vô ý thức bằng những cung cách gọi là hiện đại, văn minh, sành điệu … gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức truyền thống. Nhà chùa cần phải giữ gìn nếp sống thanh đạm của Thiền môn, cần sách tấn quần chúng Phật tử thúc liễm thân tâm, góp phần xây dựng nếp sống hiền hòa lành mạnh cho xã hội.
Tháp Ấn Tôn
T.N