Có thể vì tòa chính điện ở vị trí cao nhất, lại sử dụng nhiều kim loại trong xây dựng và có nhiều cây cổ thụ, nên điện Càn Nguyên liên tục bị sét đánh. Lý Thái Tổ đã nhiều lần phải chuyển vị trí coi chầu, nên khi mới lên ngôi, Lý Thái Tông đã quyết định phá bỏ điện, san phẳng nền. Thế nhưng, theo sử cũ, vì rồng thần vẫn hiện ở nền điện mà Lý Thái Tông không thể không nhớ đến tuyên ngôn của vua cha trong Chiếu dời đô và thực tin: đó là đất tốt, đức lớn hưng thịnh, ở chỗ chính giữa trời đất (Ðại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, 1993). Vì thế ông cho mở rộng quy mô, nhắm lại phương hướng mà làm lại, đổi tên thành điện Thiên An. Bên tả dựng điện Tuyên Ðức, bên hữu dựng điện Diên Phúc, Thềm Rồng trước điện gọi là Long Trì. Hai bên tả hữu Thềm Rồng đặt lầu chuông đối nhau để dân chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên. Bốn chung quanh Thềm Rồng đều có hành lang để tụ hội các quan và sáu quân túc vệ… Bên ngoài đắp thành bao quanh gọi là Long thành. Mặc dù cho đến ngày nay vẫn còn nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng tòa Long thành mà Lý Thái Tông cho đắp bao quanh cung điện là Cấm thành và điện Thiên An cùng Long Trì ở vào vị trí trung tâm của Cấm thành thời Lý – Trần.
Tạo mọi điều kiện để hoàn cảnh éo le, tiếng nói oan khuất của người dân chốn thôn cùng xóm vắng được trực tiếp đến tai nhà vua, vào năm 1033, Lý Thái Tông cho đúc quả chuông một vạn cân để ở lầu chuông Long Trì và 19 năm sau, năm 1052, ông lại cho đúc quả chuông lớn nữa để ở Long Trì cho dân ai có oan ức gì không bày tỏ được thì đánh chuông đó để tâu lên. Việc triều đình dành sự quan tâm để dân chúng được tự do giãi bày oan khuất thì quả là chính quyền ấy là chính quyền của dân và vì dân. Ðây cũng chính là giá trị nhân văn, nhân bản cao cả của nền chính trị thời Lý. Trong kiến trúc khu trung tâm quyền lực chính trị quốc gia thời đó – Long Trì là điểm hội tụ và tỏa sáng mà đến hôm nay vẫn còn là mẫu hình đặc sắc, độc đáo trong quy hoạch, thiết kế các khu trung tâm quyền lực của đất nước. Lầu chuông Long Trì đã đi sâu vào tâm thức, trở thành dấu ấn thiêng liêng đối với người dân Thăng Long.
Là một quảng trường lớn nằm ở ngay trước chính điện của nhà vua, Long Trì thường được sử dụng làm nơi tổ chức các đại lễ của vương triều và đất nước. Hai vương triều Lý – Trần đều tôn sùng Phật giáo, nên các lễ hội quan trọng nhất của quốc gia thường gắn với các nghi lễ Phật giáo và tiến hành đại xá thiên hạ. Có rất nhiều đại lễ được tổ chức tại đây, trong đó phần nhiều là những lễ được tổ chức nhằm cầu mong cho quốc thái dân an, như: Hội La Hán (1040), đại xá thiên hạ, khánh thành việc tạc hơn nghìn pho tượng Phật, vẽ hơn nghìn bức tranh Phật…; hội Nhân Vương Bát Nhã Bà La Mật kinh cầu cho muôn dân được tai qua, nạn khỏi; hội đèn Quảng chiếu (1121 và 1126) của vua Lý Nhân Tông được bia tháp Sùng điện diên linh ở chùa Ðọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) đã mô tả khá cụ thể và ấn tượng, nhằm ‘dồn hòa vui thiên hạ, đêm trở thành ngày, tỏa tâm lực của thế gian, già nay trẻ lại’. Hội đèn Quảng Chiếu là đại lễ hội cầu nguyện quốc thái dân an diễn ra trong không khí mùa xuân thiêng liêng và hoành tráng là biểu trưng của sự hòa quyện tín ngưỡng Phật giáo cung đình và dân gian, đã tạo nên nét đặc sắc của văn hóa ở khu trung tâm Cấm thành Thăng Long thời Lý.
Ðặc biệt, nhiều sự kiện quân sự, chính trị lớn có liên quan đến vận mệnh quốc gia, vương triều, rất nhiều cuộc hội họp các quân nhân và hội thề quốc nhân cả nước diễn ra ở trước Thềm Rồng (Long Trì). Ðây có thể là những cuộc tập hợp các thành phần rộng rãi mang tính chất toàn quốc để bày tỏ lòng trung thành hay quyết tâm bảo vệ chế độ, vương triều, nhất là trong lúc vận mệnh đất nước chông chênh. Có nhiều cuộc đại tập hợp để thể hiện quyết tâm đánh giặc hay để chia vui cùng triều đình và hoàng gia với những chiến công vừa giành được đều diễn ra trước Thềm Rồng. Bên cạnh các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng hay chính trị, quân sự được tổ chức ở quảng trường Long Trì, trước Thềm Rồng, nhiều hoạt động vui chơi giải trí quy mô lớn hết sức tự nhiên, sống động, như: đánh cầu (1130), xem bắt voi (1149),… Ðiều này cũng phần nào nói lên cấu trúc mở và thoáng, rất gần dân và vì dân của khu Cấm thành thời Lý – Trần.
Sau 10 năm kháng chiến thắng lợi (1418-1428) chống quân Minh, ngày 15-4-1428, tại trung tâm thành Ðông Ðô (khu điện Kính Thiên ngày nay), Lê Lợi chính thức lên ngôi Hoàng đế, lập ra vương triều Lê, khôi phục quốc hiệu Ðại Việt, đổi tên Ðông Ðô thành Ðông Kinh. Quy mô, cấu trúc thành Ðông Kinh hầu như không có sự thay đổi so với thành Thăng Long thời Lý – Trần. Ðến thời vua Lê Thánh Tông, tòa thành giữa được chính thức gọi là Hoàng thành với các quy định bảo vệ chặt chẽ và được thể chế hóa trong Quốc triều hình luật.
Ðiện Kính Thiên dựng năm 1428 và dựng lại quy mô lớn hơn vào năm 1465 cùng với việc xây dựng lại Thềm Rồng. Dấu tích còn để lại đến hôm nay trong khu Thành cổ Hà Nội, số 9 Hoàng Diệu. Thềm Rồng điện Kính Thiên gồm chín bậc có bốn lan can đá chia thành ba lối lên điện. Lan can đá được xây dựng năm 1467, hai lan can giữa chạm hình rồng uốn khúc, hai lan can bên chạm mây lửa và hoa lá cách điệu. Khu quảng trường Long Trì xưa đổi thành Ðan Trì.
Thời Lý – Trần, Phật giáo phát triển, sân Long Trì thường được sử dụng để tổ chức các lễ hội Phật giáo. Sang thời Lê, Phật giáo mất dần vai trò, nhường chỗ cho Nho giáo, quảng trường trước Thềm Rồng (Ðan Trì) trở thành nơi tổ chức các cuộc thi Ðình (hay thi Ðiện). Tại đây, vua Lê Thánh Tông trực tiếp ra đề bài hỏi về đạo trị nước và trực tiếp tuyển chọn người hiền tài để ghi nhận và tuyên dương thật xứng đáng những tài năng Nho học hàng đầu đất nước.
Sang thời Lê – Trịnh, việc thi Ðình, xướng danh Tiến sĩ, các nghi lễ ban mũ áo, đai, ban yến cho Tiến sĩ và nghi thức các Tiến sĩ lạy tạ vinh quy vẫn được tổ chức tại sân rồng (Ðan Trì) điện Kính Thiên với các nghi thức nghiêm trang, trọng thể. Lễ rước bảng vàng trước đây từ Ðan Trì ra treo ở cửa Ðông Hoa thì nay chuyển về treo ở nhà Thái học.
Nhà Nguyễn thành lập, chuyển kinh đô vào Huế, điện Kính Thiên trở thành hành cung cho nhà vua Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Năm 1804, tại đây, vua Gia Long đã nhận lễ tuyên phong của nhà Thanh, khẳng định sự ra đời của vương triều và quốc hiệu Việt Nam. Nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng của vương triều Nguyễn được tổ chức tại điện Kính Thiên và điện Thị Triều.
Như vậy, khu quảng trường trước Thềm Rồng điện Càn Nguyên-Thiên An-Kính Thiên tức Long Trì – Ðan Trì trong cấu trúc Cấm thành Thăng Long tuy chức năng ít nhiều thay đổi qua các triều đại, nhưng vẫn là hình ảnh tập trung của một nền chính trị thân dân, là nơi đại hội và giãi bày tâm nguyện của các tầng lớp nhân dân trong nước. Chức năng này khó có thể tìm thấy ở các tòa thành kinh đô các nền quân chủ chuyên chế ở phương Ðông khác.
(Theo Nhân Dân)