Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước Núi Linh Thái: di tích chùa tháp trong tình trạng hoang phế,...

Núi Linh Thái: di tích chùa tháp trong tình trạng hoang phế, lãng quên

151
0

Vượt đầm Cao Đôi mênh mông, chạy dọc theo bãi Tiểu Trường Sa nằm sát biển đông ngút ngàn quanh năm sóng vỗ, đến gần cửa biển Tư Dung (nay là Tư Hiền)(1) bỗng thiên nhiên hiển bày phép lạ, đột khởi lên nơi đây một ngọn núi nhỏ, cao chừng 150 mét, hình thù trông giống như con rùa đang bò hướng ra biển cả.

    Ngọn núi xinh đẹp ấy, năm 1837 đã được vua Minh Mạng sắc danh là Linh Thái Sơn, và chẳng biết từ lúc nào được người dân đặt tên là núi Rùa hay núi Cổ Rùa. Trên đỉnh núi còn sót lại dấu tích của Thiền Tĩnh viện, chùa Vinh Hòa và chùa Trấn Hải, những ngôi cổ tự nổi tiếng một thời của Phật giáo xứ Đàng Trong.

    Linh Thái sơn – một thắng cảnh của quốc gia.

    Đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt nhìn quanh, du khách mới thật sự ngỡ ngàng trước địa thế đặc biệt của núi Linh Thái: Nằm sát bên cửa biển Tư Dung về hướng nam, lấy Thuý Vân sơn làm thế gối đầu ở hướng Tây, phía bắc giáp đầm Thuỷ Tú thông ra cửa Thuận An; phía Nam tiếp ngọn Vĩnh Phong phát xuất từ dãy Trường Sơn ôm sát chạy ra tận biển, núi Rùa nổi lên giữa đầm phá Cầu Hai mênh mông, xa xa phía trước là núi Bạch Mã, núi Truồi, rồi đến hòn Doi, hòn Cạnh… Tất cả đã làm cho núi Rùa có đủ trời nước núi mây, tạo thành cảnh trí của một hòn non bộ vừa tĩnh mặc vừa trầm hùng giữa phong vân hoà cùng âm ba của biển cả. Chính vì có địa thế đặc biệt như vậy nên từ lâu, cùng với núi Thuý Vân, núi Rùa đã trở thành nơi thắng cảnh nổi tiếng "tứ khí hiển linh", đồng thời vừa là nơi "chân như thắng tích"; thu hút mặc khách tao nhân.   

    Núi Rùa, vào thời chúa Nguyễn Phúc Tần có tên chữ là Quy sơn, Linh sơn hay Hãn Môn sơn. Mùa hạ tháng tư năm 1667, một hôm ngự giá ra chơi cửa biển Tư Dung, thấy Quy sơn có thế núi đẹp và biết ở đây vốn có một ngọn tháp của Chiêm Thành nổi tiếng linh thiêng, nên chúa đã sai Thủ bạ Trần Đình Ân đốc suất quân lính dựng một ngôi chùa phía đằng sau tháp. Xây xong, chúa đặt tên chùa là Vinh Hoà(2) và cho mở hội trên núi bảy ngày đêm.

Quy sơn cũng từng được chúa Nguyễn Phúc Tần đặt tên là Quy Cảnh sơn và lập trên núi một thiền viện gọi là Thiền Tĩnh thiền viện hay Quy Kính thiền viện. Chúa cũng đã nhiều lần cho mở đạo tràng  lớn, mời Thiền sư Hương Hải ở đảo Tiêm Bút La (tức cù lao Chàm ngày nay) thuộc hải phận Quảng Nam về thuyết pháp tại đây.

HT. Thích Hải Ấn cùng Tăng chúng và các Phật tử chùa Thánh Duyên thăm núi Linh Thái, chiều 6/7/2009

    Tư Dung – cửa biển chiến lược.

     Nằm sát bên núi Linh Thái là cửa biển Tư Dung mà ngày nay gọi là Tư Hiền. Khi chưa có Thuận An, Tư Dung là cửa biển duy nhất và quan trọng của Thuận Hoá trong việc giao lưu chính trị, kinh tế với nước ngoài. Cửa Tư Dung, nơi có Quy sơn "trấn trị" từ xa xưa đã là điểm quan tâm của các vua chúa, kể từ thời Thuận Hoá còn thuộc về người Chiêm Thành. Chính các vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông sau những lần cất quân chinh phục Champa, đều đã thấy nơi đây là một địa thế chiến lược. Cho đến sau này, kể từ thế kỉ XIII, Quy sơn đã không ít lần chứng kiến cảnh quân Nguyên mượn cửa Tư Dung làm bàn đạp để tiến đánh Đại Việt; cũng như chứng kiến Thượng hoàng Trần Nhân Tông sang giao hảo chính trị, kinh tế với người Chiêm Thành. Và một điều chắc chắn rằng, Quy sơn đã tận mắt chứng kiến cảnh Công chúa Huyền Trân về làm dâu đất Chiêm, một lễ vu quy có một không hai trong lịch sử dân tộc từng diễn ra qua cửa biển Tư Dung.

    Đặc biệt, kể từ năm 1470, trong nhiều cuộc hành quân, vua Lê Thánh Tông đã xem Tư Dung là một cửa biển trọng yếu. Sách Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên Phủ, tập thượng, mục Quan Tấn còn ghi rõ: "Đầu niên hiệu Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, ngang qua cửa biển Tư Dung, bùi ngùi than rằng: núi sông này hùng dũng lắm thay, đời sau chắc có kẻ anh hùng chiếm cứ chỗ này. Sau vua Thái Tổ (Nguyễn Hoàng) dựng cơ nghiệp ở miền Nam, vua Anh Tôn (Nguyễn Phúc Trăn) đóng đô ở Phú Xuân, lời nói ấy quả có ứng nghiệm". Vua Quang Trung trong lần tiến quân ra Bắc giải phóng dân tộc dưới danh nghĩa phò Lê diệt Trịnh, đã lấy cửa Tư Dung làm điểm xuất quân. Về sau nhà Tây Sơn cũng đã dùng nơi đây làm cứ địa tiến thủ. Đào Duy Từ, Lê Quý Đôn, vua Minh Mạng, vua Tự Đức… tất cả các vị này cũng đã từng khẳng định Tư Dung là cửa biển khải hoàn và tháo chạy trong thế chiến lược dưới nhiều triều đại khác nhau. Đặc biệt, chính Quy sơn là nơi chứng kiến sự tiến bộ của dân tộc ta qua việc vua Tự Đức, vào mùa thu năm Quý Dậu, 1873, đã cử sứ thần Bùi Viện lên tàu ra nước ngoài học tập nền văn minh khoa học kỹ thuật, đem về ứng dụng vào việc xây dựng, phát triển đất nước.

Đầm Cầu Hai thông ra cửa biển Tư Dung – góc nhìn từ núi Linh Thái

    Dưới thời chống đế quốc Pháp và Mỹ, chính Tư Dung là cửa biển chiến lược mà Quy sơn là cứ địa tiến thủ rất quan trọng của quân đội nước ta. Ngoài ra, cùng với Bạch Mã và Thúy Vân, Quy sơn là vùng đất có nhiều dược thảo quý, trong đó Kim Giao là loại cây có khả năng giúp con người nhận biết được ác tính của độc dược, nên người xưa thường dùng nó làm đũa cho vua ăn.

    Linh Thái Sơn – linh địa thu hút mặc khách tao nhân.

    Tư Dung không chỉ là cửa biển chiến lược, mà còn là một cảnh quan lí tưởng. Đọc Tư Dung vãn của Đào Duy Từ, ta không khỏi ngỡ ngàng trước cái nhìn tinh tế của người xưa khi ông mô tả cảnh đẹp nơi đây:

                "Khéo ưa thay, cảnh Tư Dung!
                Cửa thâu bốn bể nước thông trăm ngòi.
                Trên thời tinh tú phân ngôi
                Đêm treo thỏ bạc ngày soi ác vàng.
                Dưới thời sơn thuỷ khác thường,
                Động thời ấy nước, thái hàng kia non".

    Các Thiền sư Trung Hoa nổi tiếng như Hoán Bích Nguyên Thiều, Minh Hoằng Tử Dung, Đại Sán Thạch Liêm… sau những lần đến hoằng pháp tại Thuận Hoá, ngang qua cửa biển Tư Dung đều ghé vào thăm Quy sơn. Điển hình như Thiền sư Đại Sán Thạch Liêm, sau lần được chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang Thuận Hóa giảng pháp năm 1695, khi vào Hội An để trở về nước, ngang qua cửa biển Tư Dung, đã  ghé thăm chùa Vinh Hòa. Ông cũng đã tức cảnh đề thơ:

                Đỉnh xưa khắc chữ “Vĩnh Hòa niên”,
                Bên mé biển xanh mở cửa thiền.
                Mặt đất mù sa non dợn sóng,
                Lưng trời mây bủa nóc như thuyền.
                Tre xanh nghìn xóm màu thu rạng,
                Khe đá một bầu bóng nhật xuyên.
                Ham ngắm dáng chiều bên đỉnh núi,
                Phiên tăng lễ bái thỉnh khô thiền.

    Cả hai ngôi chùa Vinh Hoà và Thiền Tĩnh viện về sau do chiến tranh đều đã trở  thành hoang phế. Mãi đến gần 200 năm sau, vào triều Minh Mạng, năm 1836, nhân lần ngự giá ra chơi cửa biển Tư Dung, thấy di tích cũ hoàn toàn đổ nát, chỉ còn lại bức bình phong quân sự, nên vua đã cho trùng tu lại chùa. Sau lần trùng tu này, vua đã đặt tên chùa là Trấn Hải, đồng thời đổi tên núi thành Linh Thái sơn. Ngoài ra vua còn cho dựng thêm lầu Vọng Hải, có vệ binh phòng  ngự để trấn giữ cửa biển Tư Dung.

    Nhiều di tích chùa tháp bị lãng quên

    Do trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm nên các di tích cũ đến nay đã hoàn toàn bị đổ nát, khiến ta rất khó có thể xác định được vị trí của lầu Vọng Hải, Thiền Tĩnh viện và chùa Trấn Hải, tức chùa Vinh Hòa cũ. Nằm xuôi theo triền núi là một đống gạch vụn có cây Bồ Đề mọc ở trên.

Trong đống đổ nát này, có một am đá bị chôn vùi sâu chừng hai mét. Trong am có tượng Phật kiết già bằng đá bị gãy phần thân trên, chỉ còn lại bán thân của phần dưới.

Nằm xuôi theo triền núi về hướng đông nam xuống thêm chừng 20 mét, tại đây có hai phiến đá nằm cách nhau không xa mấy, mỗi phiến chu vi chừng 0,5 mét. Phiến thứ nhất có hình bệ của một tòa sen và phiến kia là hình trái khế có 8 cạnh. Cả hai phiến đá này đều không thấy có khắc chữ gì. Phải chăng đây là hình chóp của một ngọn tháp có từ thời Champa? 

  

    Theo người dân địa phương, năm 2002, trong đống phế tích cũ trên núi Linh Thái vẫn còn sót lại nhiều pho tượng Phật và một tấm bia có khắc chữ Chàm bằng đá. Tiếc là tấm bia và các pho tượng Phật bằng đá ấy đến nay đã không còn.

    Hiện nay tại chùa Hải Triều, cách núi Linh Thái về phía nam chừng 700 mét còn tôn trí một bức phù điêu có khắc chữ Chàm bằng đá. Phù điêu này do các Phật tử vớt lên từ hồ Tam Bạc nằm trong vùng núi Linh Thái và thỉnh về thờ tại đây.

    Nằm dưới chân núi Linh Thái, ở ngã ba hướng đi từ đường làng ra biển, đến nay vẫn còn dựng một tấm bia đá, cao khoảng 0,5 mét. Lòng bia khắc ba chữ Hán « Linh Thái sơn ». Bia do vua Minh Mạng sắc danh, lạc khoản đề « Minh Mạng thập thất niên », tức năm 1836, cùng niên đại với việc vua cho dựng chùa Thánh Duyên trên núi Thuý Vân.

     Cần sớm phục dựng các di tích.

    Hòa thượng Thích Hải Ấn, Trưởng ban Văn hóa tỉnh Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế, Trú trì chùa Thánh Duyên nói: Nếu chùa Linh Mụ, về mặt phong thuỷ được xem là vị trí trọng yếu, là điểm sáng của kinh thành thì ta cũng có thể nói Linh Thái cũng là vị trí trọng yếu của chốn kinh thành, là điểm sáng của kinh thành nằm ở mạn Nam. Dưới thời Pháp thuộc, khi nghiên cứu về chùa Huế, Linh mục Léopold Cadière cũng đã nói rằng "chính Linh Mụ là điểm sáng của kinh thành Huế". Đào Duy Từ, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hữu Bài… sau khi viếng thăm thắng cảnh này cũng đã viết thơ ca ngợi. Chính những Thiền sư như Hương Hải, Thạch Liêm, Nguyên Thiều… cũng đã từng khẳng định Linh Thái là phước địa sáng giá của nước Đại Việt. Tất cả các vị đó đều đã xem ngọn núi này là linh khí của quốc gia. Và lịch sử cũng đã chứng minh điều ấy: Linh Thái đã gắn liền với vận mệnh thịnh suy của dân tộc Việt Nam, không chỉ cho xứ Đàng Trong mà còn cho cả xứ Đàng Ngoài. Chính vì xem Linh Thái là linh địa của quốc gia nên chúa Nguyễn Phúc Tần đã cho dựng chùa trên núi để trấn giữ. Vua Minh Mạng và các triều đại sau cũng đã một thời làm cho các cổ tự ở hai ngọn núi này trở nên huy hoàng khởi sắc, bởi chỉ có linh khí phước địa mới là điểm thuận lợi cho việc gìn giữ vận mệnh của tổ quốc ta.

« Người xưa đã từng đắp đất tạo thành núi để mong tụ linh khí. Ngày nay chúng ta có Quy sơn là một trong những nơi hội tụ linh khí thì phải biết xem đó là viên ngọc vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho ta, ta phải biết gìn giữ. Không làm cho Quy sơn hưng vượng được thì cũng phải cố gắng bảo tồn, đừng bao giờ để cho nó ngày một hư hoại thêm. Nếu vì một lý do nào đó mà làm mất đi "linh khí" và mỹ quan vốn có của nó, thì chúng ta sẽ có lỗi rất lớn đối với tiền nhân và dân tộc », Hòa thượng mong mỏi Giáo hội Phật giáo và các cấp chính quyền có biện pháp bảo vệ Linh Thái sơn và sớm có chính sách phục dựng những ngôi cổ tự trên núi để làm điểm tụ linh khí cho quốc gia.

P.N.T

Chú thích:

(1) Cửa Tư Dung dưới thời nhà Lý có tên là Ô Long, sau đến thời nhà Trần đổi thành Tư Dung, thời nhà Mạc đổi sang Tư Khách; qua thời Hậu Lê đổi lại Tư Dung, và đến thời vua Thiệu Trị đổi thành Tư Hiền. Cửa lại có tên là Ông Hải Môn, Biện Hải Môn,

(2) Có tài liệu cho rằng, chùa Vinh Hoà ban đầu có tên là Hoài Vinh, trùng với tên xã Hoài Vinh. Một tài liệu khác nói chùa có tên là Hoà Vinh. Phải chăng do kỵ huý nên chùa đã nhiều lần được đổi tên?
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here