Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi “Nụ hôn đồng tính" dưới góc nhìn truyền thông

“Nụ hôn đồng tính" dưới góc nhìn truyền thông

150
0
(LQ) Trong những ngày vừa qua, vụ sư thầy bị ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, một tín đồ của đạo Công giáo khoá môi (đồng giới), ở những góc nhìn cận cảnh, không khỏi khiến người Phật tử và dư luận bức xúc.
 
Chúng tôi không bàn thêm nữa về chuyện ai đúng ai sai trong sự việc trên, vì mọi kết quả đều có những nguyên nhân liên đới và tương quan của nó. Nhìn ra sự thật để bao dung là một chuyện, nhìn ra sự thật để điều chỉnh oai nghi của hàng tăng sĩ trẻ là một chuyện khác nữa… Nói chung mỗi một góc nhìn dù khác nhau, đều cho thấy sự quan tâm thực sự của dư luận đối với Phật giáo. Nếu được, xin có thể nhìn ở góc độ “Tái ông mất ngựa”!
 
Chúng tôi nhìn sự việc từ “bình thường” đến “bất thường” là nhìn vào một “sự kiện” truyền thông, hơn là nhìn vào “bản chất” nặng hay nhẹ của sự việc. Bởi nụ hôn kia, nhìn trong không gian phòng trà Không Tên và mục đích chương trình từ thiện gây quỹ, nếu chỉ dừng ở phạm vi của những khách mời tham dự, thì vẫn có thể thông cảm được. Tuy nhiên, đối tượng gây ra “nụ hôn” ấy từ lâu vốn đã thu hút sự nhòm ngó của giới truyền thông. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng được xem là “ông hoàng nhạc Việt” với không ít đồn đoán là người “đồng tính”. Vì thế, nụ hôn ấy xảy ra với sư thầy, hay xảy ra với một người đàn ông khác thì cũng sẽ được khai thác. Điều đáng nói, dù có ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có được giới truyền thông khai thác thêm một hay nhiều “nụ hôn đồng tính” như vậy, thì bản thân anh ta cũng chẳng còn gì phải giấu giếm. Chúng tôi dùng từ “bình thường” ở trên bởi đối tượng chủ động đưa ra “nụ hôn đồng tính” ấy. 
 
Sự “bất thường” ở đây là đối tượng nhận nụ hôn ấy là một vị thầy tu Phật giáo. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có nói sẽ dành tăng một nụ hôn cho người mua chai rượu kia. Dĩ nhiên, anh ta không nói đó là “nụ hôn đồng tính”. Sự việc sẽ bình thường nếu anh ta nói, tôi hứa sẽ dành tặng một nụ hôn cho ai mua chai rượu, nhưng đây là quý thầy, nên tôi đành thất hứa, thì tin chắc thầy Pháp Định cũng không thể yêu cầu ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phải thực hiện. Đằng này mr Đàm không nói như thế và thầy Pháp Định lại yêu cầu mr Đàm thực hiện lời hứa, nên nụ hôn đã diễn ra đúng ý của mr Đàm. Và dưới hình ảnh được đăng tải, thì đó là một “nụ hôn đồng tính” 100% không thể chối cãi, dù sư thầy có thể bị động. Tuy nhiên, trong một hình ảnh, sư thầy có chu môi ra trước nụ hôn kia, có vẻ như “thỏa hiệp”, và chỉ có thể nói đó là “nghiệp dẫn”, dẫn đến mất oai nghi.
 
“Nụ hôn đồng giới” được ném về phía thầy tu kia càng trở thành mảnh đất màu mỡ để truyền thông khai thác. Đặc biệt khi nó được pha trộn với những lời nói hài hước, bông đùa của sư thầy, tạo nên sự “tổng hợp” cho “nụ hôn đồng tính” cất cánh dư luận. Truyền thông chỉ cần giật tít thổi phồng thêm là ra những chuyện “Sư Phá Giới”… Nên nhìn nhận thầy tu cũng là một đối tượng đáng khai thác của truyền thông. Ở ta, những chuyện liên quan đến tôn giáo có vẻ thận trọng hơn vì tính chất “nhạy cảm”, nhưng ở nước ngoài người phạm tội không kể có tôn giáo hay không, cứ tuỳ theo mức độ mà pháp luật xử lý. Cái “bình thường” ở nước họ, nhưng có thể là cái “không bình thường” ở nước ta. Cần phải chấp nhận với nhau như thế!
 
Trở lại với vị sư thầy kia, vị này chẳng phải là người nổi tiếng gì, nhưng tôn giáo mà vị này theo thì đang thu hút sự chú ý quan tâm của dư luận. Thời gian vừa qua, xuất hiện một số vụ việc liên quan đến tu sĩ Phật giáo, xét về bản chất, có khi còn nặng hơn rất nhiều “nụ hôn đồng tính” kia. Nhưng vì nó không xuất hiện ở một sự kiện truyền thông mà chỉ là những tiêu cực được điều tra, tố cáo, phanh phui, nên chỉ xuất hiện lẻ tẻ trên một vài trang báo rồi nhanh chóng trôi vào im lặng.
 
Do đó, điểm không bình thường nữa là thời điểm truyền thông “thổi bùng” vụ khoá môi này lên ở hàng hoạt các tờ báo, gần với thời điểm sắp diễn ra Đại hội Phật giáo Toàn quốc. Sẽ chẳng đáng nói, nếu các tờ báo không chịu một sự chỉ đạo chung nào đó từ những nhà quản lý thông tin. Vốn như đã từng thấy, có thể có những vụ việc được các báo đồng loạt đăng tin, nhưng có thể hôm sau, tất cả sẽ im lặng một cách khó hiểu. Có một sự chỉ đạo rất kịp thời để báo chí, truyền thông đưa một vụ việc lên cấp độ sóng nào đó trong phạm vi cho phép. Đương nhiên, chúng ta không mong muốn một sự “dung dưỡng” kiểu ấy cho vụ việc sư thầy bị khoá môi, trong một nền báo chí cần phải tiến tới sự công bằng và lành mạnh. Nhưng cũng chính điểm này hé lộ sự không bình thường buộc chúng ta phải đưa ra câu hỏi giữa sự “dung dưỡng” quá mức (cho ai?) và tác động của “lợi ích nhóm” (từ phía nào?).
 
Dù gì thì đây cũng là một gáo nước mát, để người uống xong kịp tỉnh táo. Sự cảnh cáo của truyền thông, trong tương lai sẽ đi đến truyền thông cởi mở hơn, kể cả việc có sự chỉ đạo về mặt thông tin, thì cũng là điều cần phải đặt ra một cách thẳng thắn đối với Giáo hội, cụ thể là Ban truyền thông của Phật giáo. Cái nhìn “Tái ông mất ngựa” ban đầu chúng tôi nói đến là ý này vậy.
 
Bất kể một tổ chức nào cũng cần phải đặt ra những vấn đề cần phải ứng phó với sự tình bên trong và truyền thông bên ngoài. Xử lý thông tin theo các bước đã được lên kế hoạch sẵn ở những giả định ở thì tương lai (nếu có cái này…, thì sẽ cái gì…). Chúng tôi từng yêu cầu trước Hội đồng Trị sự, cần nâng cấp tờ báo Giáo Ngộ trở thành tờ báo của Trung ương Giáo hội và đề cử người phát ngôn chính thức. Giáo hội phải có người phát ngôn chính thức, tránh tình trạng vụ việc xảy ra, một số người chẳng có trách nhiệm, nghĩa vụ gì trong Giáo hội lại đi trả lời tuỳ tiện trên báo chí. 
 
Chắc chắn sẽ còn những vụ việc ở dạng “nuôi án” sẽ xuất hiện. Khi chủ động về mặt thông tin và nhạy bén trước các luồng dư luận, phát ngôn chính thức của Giáo hội, nếu quy tụ và được tư vấn bởi một tập thể đoàn kết, có trí tuệ thì vẫn có thể có cơ hội điều chỉnh theo hướng tích cực. Chẳng hạn nhân vụ việc này, Giáo hội chính thức đưa vấn đề quản lý tăng sĩ vào chương trình nghị sự của Đại hội Phật giáo toàn quốc sắp tới. Nhất cử lưỡng tiện, tỏ rõ thiện chí, và đẹp lòng cả những người muốn đưa ra lời cảnh cáo và nhắc nhở nghiêm khắc đối với sự quản lý của Giáo hội. Một Giáo hội muốn trở thành Hộ Pháp của dân tộc, thì phải điều chỉnh mình theo hướng trong sạch ấy. Phật hoàng Trần Nhân Tông từng nói: “Tịnh Độ chính là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương. Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc!”. Và nếu những người giữ vai trò quản lý nhà nước về tôn giáo, thực tâm và chân thành muốn Phật giáo được trong sạch theo cách ấy, thì vụ việc vừa xảy ra là một tín hiệu tích cực.
 
Chúng ta cần phải bao dung với hai nhà sư kia, vì đó là sự liên đới của rất nhiều những nguyên nhân, không ai khác, chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề và dũng cảm nhận trách nhiệm.
 
T.T.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here