Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Nốt nhạc thiền hòa hiếu trong quan hệ Đại Việt và...

Nốt nhạc thiền hòa hiếu trong quan hệ Đại Việt và Chăm Pa thời Trần Nhân Tông

133
0

Do đó, chính sách đối ngoại của Đại Việt tập trung ứng xử  với các nước lân bang ở đôi đầu đất nước. Phía Bắc trở thành tiền phương, nhằm chống lại sự  xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Hoa; phía Nam trở thành phên dậu, sân sau của Đại Việt, nhằm phá thế trận vu hồi quen thuộc của phương Bắc.

Nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì đã ba lần chiến thắng quân Nguyên – một đội quân xâm lược đã từng làm mưa làm gió khắp Á-Âu.

Trong chiến công chung đó, người ta ghi nhận sự đóng góp, sự  hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ. Nhà  Trần được mở đầu bằng sự nhường ngôi của nữ chúa Lý Chiêu Hoàng cho cha con Trần Cảnh. Theo đó, cha là Trần Thừa trở thành Thái Thượng Hoàng với miếu hiệu là Trần Thái Tổ, con Trần Cảnh là vua Trần Thái Tông. Phải chăng vì thế mà  nhà Trần có nhiều công chúa, nhiều phu nhân  được giao nhiệm vụ gánh vác việc nước, trong đó nổi lên hai công chúa được “trưng dụng”  trong chính sách đối ngoại với phía Bắc và phía Nam trong hai nghịch cảnh rất khác nhau.

Người thứ  nhất, công chúa An Tư, con gái út vua Trần Thái Tông, em ruột Trần Thánh Tông. Năm Ất Dậu (1285), trong đợt tấn công xâm lược lần thứ hai, quân Nguyên vây hãm thành Thăng Long, vua Trần Nhân Tông cùng với Thượng Hoàng Trần Thánh Toongnphair chạy ra vùng Tam Tri (Ba Chẽ). Thế  nước lâm vào cảnh “nghìn cân treo sợi tóc”, nghĩa tướng Trần Bình Trọng hy sinh ở bờ sông Thiên Mạc, một số hoàng tộc hoảng loạn chạy theo giặc (Trần Kiện, Trần Lộng, Trần Ích Tắc, …). Để cứu nguy và có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến, Trần Thánh Tông đã buộc phải sai người dâng em gái  – công chúa An Tư, như là một vật cống nạp cho Thoát Hoan để “ hoãn binh chi kế”. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Sai người đưa công chúa An Tư đến cho Thoát Hoan là có ý làm giảm bớt tai họa cho nước vật”. Người con gái  “cành vàng lá ngọc” ấy vì nợ nước ra đi không trở lại! Nhưng trớ trêu thay, sau chiến thắng quân Nguyên, tháng 7-1285, vua trở về kinh thành hân hoan khen thưởng những người có công, nhưng không một ai nhắc tới công chúa An Tư!

Người thứ  hai, 16 năm sau, công chúa Huyền Trân, con gái Trần Nhân Tông được nhà vua hứa gả cho Chế Mân (Djaia Shinhavarma III), vua của vương quốc Chăm Pa. Đại Việt sử ký  toàn thư ghi: Chiến thắng quân Nguyên, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và tháng 3 năm Tân Sửu (1301), ông đã đi “vân du” sang Chiêm Thành, đến “mùa đong tháng 11 từ Chiêm Thành trở về”. Năm Bính Ngọ (1306), Trần Anh Tông thực hiện lời hứa của vua cha, đã gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiên Thành Chế Mân, đổi lấy hai châu – châu Ô, châu Lý làm của hồi môn. Nhà Trần đổi thành châu Thuận và châu Hóa, “sai hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân hai châu đó”.

Mùa hạ  tháng 5 năm Đinh Mùi (1307) chua Chiêm Thành chết. Theo tục lệ Chiêm Thành, chua chết thì bà hậu yêu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung mượn cớ sang viếng tang và nói với người Chiêm: “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ  biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về rồi cùng vào giàn thiêu”. Người Chiêm nghe theo, Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa  đem về!!!

Con Chế  Mân là Chế Chi (Djiia Sinhavarman IV) rất căm phẫn  đòi lại hai châu Thuận, châu Hóa và quan hệ Đại Việt – Chăm Pa lại tiếp tục theo vết cũ  của sự hận thù!

Như chúng ta đã biết, để xây dựng các quốc gia cổ đại, người Đông Nam Á đều tiếp nhận hai mô hình Ấn Độ (Chăm Pa, Ăngkor,…) và Trung Hoa (Đại Việt). Mặc dù các nước đến đều có chung một cơ  tầng văn hóa lúa nước Đông Nam Á, nhưng thể chế  chính trị và nền văn hóa quốc gia dân tộc lại rất khác nhau.

Người Chăm Pa là cư dân biển đã có mối giao lưu tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ từ rất sớm. Cho đến thế kỷ III-IV, Chăm Pa đã là một trong những quốc gia cổ bậc nhất ở Đông Nam Á tiếp nhận mô hình văn hóa Ấn Độ một cách sâu sắc, thông qua con đường truyền giáo. Vì thế các văn bản Ấn Độ (đạo pháp, luật pháp, chính pháp,…) có một vai trò đặc biệt quan trọng và các vua Chăm Pa đã áp dụng khá nguyên vẹn.

Chế  độ vương quyền Ấn Độ đã được cấp nhãn hiệu của thần quyền. Vua là hiện thân của thần tiên trên mặt đất – người bảo vệ thần dân bằng “thánh luật” tức “luật thiêng”. Vì vậy, đất nước không thể không có vua. “Đất nước không có vua khác nào như sông không có nước, rừng không có cây, đàn gia súc không người chăn”. Người Ấn Độ trong đời có ba việc lớn phải làm theo trình tự: chọn vua, chon vợ, tích lũy tài sản. Vì vậy, toàn bộ cơ cấu tổ  chức chính trị – văn hóa là sự kết hợp vua – thần (vương quyền kết hợp với thần quyền) dựa trên cơ sở một xã hội đẳng cấp. Các vị vua Chăm Pa đều theo Ấn Độ giáo và  tự coi mình có gốc thần linh, đồng nhất với các vị thần như Siva, Brahma, Indra, Kama, Krisna, Visnu,… (1). Họ rất thông thạo kinh điển Ấn Độ từ kinh Vệ Đà đến văn phạm Kyakaranna, các bài luận Kasika, các truyền thuyết Akhyana,… và rất nhiệt thành với các tôn giáo. Họ tự cho mình có quyền uy tối thượng, nắm trong tay luật thiêng và xử theo nguyên tắc: kẻ nào mạnh thì  thắng, kẻ nào không đủ phẩm chất làm vua thì  phải rút lui theo thánh luật.

Mặc dù  nhà nước cổ đại Chăm Pa đã trở thành một quốc gia vững mạnh và có một nền văn hóa nổi tiếng thế giới, nhưng cũng bộc lộ những nhược điểm dẫn đến sự tiêu vong, đó là tình trạng mất ổn định về chính trị.Trong nội bộ vương quốc đó thì các triều đình thôn tính lẫn nhau, tranh giành quyền lực, các vương triều luôn luôn bị thay thế, bị hãm hại, bị chia cắt bởi các lực lượng địa phương và không thể  tạo dựng một quốc gia thống nhất bền vững.  Với các nước láng giềng thì hay gây hấn, chinh phạt trả  thù, đặc biệt là với Đại Việt và  Chân Lạp. Cuối cùng họ bị chính kẻ thù  thôn tính.

Trong khi đó nhà nước Đại Việt lại mô phỏng theo vương triều và từ chương học Trung Hoa rất khác với mô hình Ấn Độ. Tiếp nhận Nho giáo trên cơ  tầng văn hóa bản địa Đông Nam Á, do yêu cầu có  một chính quyền vững chắc để chống ngoại xâm, nhà nước Đại Việt đã phát triển với ba đặc điểm:

Một là, một nước quân chủ tập quyền, dựa trên chế độ tông pháp, phụ quyền, cha truyền con nối theo giòng trưởng, thuần túy dân sự, tôn giáo tách khỏi nhà nước, bộ máy cai trị được đào tạo công phu theo lối “văn trị”, không có giai cấp quý tộc ăn bám và cát cứ. Sự thống nhất quốc gia dựa trên văn hóa và chính trị.

Hai là, có  ý thức đầy đủ về một quốc gia văn hiến, về vai trò nhà nước: có cương vực rõ  ràng, có lịch sử được ghi chép đầy đủ, có chính quyền thống nhất, có văn hiến riêng và được coi trọng.

Ba là, một nước theo Nho giáo, rất coi trọng học vấn, lấy lễ  làm gốc.

Tuy nhiên, nhà nước Đại Việt cũng mang nhiều yếu tố hạn chế. Trong quan hệ với các dân tộc ít người, hoặc các nước láng giềng nhỏ hơn, người Việt chịu ảnh hưởng kkhas nặng nề tư tưởng đại dân tộc (Đại Việt) của người Hán, nên xem họ là man di, là phên dậu, buộc họ phải làm chư hầu, thuần phục và cống nạp.

Vương quốc Chăm Pa trong quan hệ với nhà nước Đại Việt gặp phải hai điều bất lợi:

Một là, người Việt là cư dân lúa nước đồng bằng châu thổ sông Hồng, thường xuyên bị sức ép về  dân số. Họ phải mở mang bờ cõi theo hướng, đâu có ruộng là họ cứ đi. Họ không tây tiến lên núi, cũng không đông tiến xuống biển (mặc dù họ tự nhận là con Rồng, cháu Tiên) mà chỉ còn một hướng là Nam tiến. Trên con đường đi đó họ gặp Chăm Pa và tìm cách thôn tính dần.

Hai là, họ  xem Chăm Pa, Chân Lạp là thuộc quốc, có lúc tự  xưng mình là thiên triều, thiên tử, phong vương cho các vua Chiêm Thành như phong Chế Chí (Sinhavarman IV), lập em là Chế Đà A Bà Niêm làm quốc vương Chăm Pa, v.v…

Vì thế  trong suốt chiều dài lịch sử từ thời Lý, Trần cho đến nhà Nguyễn sau này đã lấn chiếm  đất Chăm Pa, mở mang bờ cõi vào phía Nam, kể  cả biện phpas cắt đất chuộc vua (Chế Củ  phải dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh để chuộc mạng, thời Lý Thánh Tông), cắt đất làm của hồi môn (Chế Mân dâng hai châu Ô, châu Lý  (tức Thuận Hóa) để cưới công chúa Huyền Trân). Vì  vậy quan hệ Đại Việt và Chăm Pa luôn luôn là  đối nghịch giữa một bên chiếm đất, một bên gây gổ. Tuy nhiên Chăm Pa chỉ tấn công ra Thăng Long khi họ mạnh và Đại Việt yếu nhằm trả đũa và tỏ rõ sức mạnh, rồi cướp bóc của cải, bắt tù binh và rút về không chiếm đất mà chỉ đòi lại đất đai đã bị mất. Theo cách giải thích của một số nhà nghiên cứu người Chăm thì quan niệm về biên giới của Chăm Pa theo biên giới quốc giáo. Ở đâu có người Chăm thì ở đó mới là đát của vương quốc Chăm Pa. Còn Đại Việt thì thì rất quan tâm đến việc mở mang bờ cõi và xác định chủ quyền quốc gia trên biên giới hành chính và kèm theo đó là di dân khẩn hoang. Tuy nhiên cả hai nước đều có mối quan hệ tùy thuộc lẫn nhau và cần hợp tác với nhau để đối phó với sự xâm lược của phương Bắc, bởi vì các triều đại phong kiến Trung Hoa đều có mưu đò thôn tính phương Nam (Đại Việt, Chăm Pa, Chân Lạp) và thường dùng chiến lược gọng kìm với thế trận vu hồi để tiêu diệt Đại Việt, nhất là thời đế quốc Nguyên Mông. Đại Việt và Chăm Pa, do đó phải liên kết với nhau chống kẻ thù chung.

Trần Nhân Tông là ông vua duy nhất đã thiết lập được mối quan hệ hữu hảo với Chăm Pa, và sau chiến thắng quân Nguyên đã đi vân du trên đất nước này gần mười tháng, và hứa gả con gái Huyền Trân công chúa cho Chế Mân để tạo lập sợi dây ràng buộc giữa hai quốc gia. Có lẽ nhà vua đã cảm nhận được hai điều tâm đắc với Chăm Pa:

Một là, họ đã cùng nhau cong lưng đấu cật để chống quân Nguyên, trong đó vua Trần Nhân Tông đã có công lớn trong chiến thắng vĩ đại này. Sau khi có thắng lợi, Trần Nhân Tông chắc muốn sang cảm ơn bạn bè  và xây dựng quan hệ hòa hiếu, muốn xóa đi quan hệ xung đột giữa Đại Việt và Chăm Pa trước đó.

Hai là, Trần Nhân tông là một ông vua say mê đạo Phật, là người xây dựng nên thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam, cho nên có thể ông rất có cảm tình với nền văn hóa Bà-la-môn giáo và Phật giáo của nước này, thích giao du thưởng ngoạn những thắng cảnh, những đền đài, tháp điện nổi tiếng của Chăm Pa.

Vì những lã đó mà Trần Nhân Tông đã tạo nên được một nốt nhạc thiền hòa hiếu trong quan hệ với Chăm Pa, mặc dù không phải mọi người trong triều đình đã chia sẻ với ông điều đó.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì các văn sĩ trong triều ngoài nội, nhiều người mượn chuyện nhà Hán đem Chiêu Quân gả cho Hung Nô làm thơ, từ bằng quốc ngữ để châm biếm việc đó. Sau này sứ thần Ngô Sĩ Liên đã bình luận như sau: “Kết hôn với người không chung giống nòi, các tiên nho đã từng chê trách, song dụng ý là muốn bình yên, dân nghỉ thì còn có thể nói được. Hán Nguyên đế thì vì Hồ Hàn sang chầu, xin làm rể nhà Hán, nên lấy Vương Tường mà ban cho, cũng là có cớ”.

Nhân Tông đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa làm sao? Nói rằng nhân khi đi chơi đã trót hứa gã, sợ  thất tín thì sao không đổi lại mệnh đó có được không? Vua giữ ngôi trời mà Thượng Hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi lại mệnh thì có khó gì, mà lại gả cho người xa không phải giống nòi  để thực hiện lời hứa trước, rồi sau đó lại dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tín ở  đâu?”

Lịch sử  là những gì đã diễn ra, lịch sử không có  “giá như” thế này, thế kia. Người đời sau chỉ có thể rút ra bài học lịch sử  cho mình… và cứ như thế lịch sử  sẽ được nối tiếp theo chiều hướng ngày càng tốt  đẹp hơn, thành công hơn.

Nếu như  nhà nước Đại Việt có được một triều Trần hiển hách với những chiến công vô cùng vĩ đại là chiến thắng đế quốc Nguyên Mông, thì nhà  Trần, đặc biệt là vua Trần Nhân Tông, đã đưa một bàn tay thứ hai giương cao ngọn cờ nhân  ái nhân ái, từ bi của đức Phật với phái Thiền Trúc Lâm. Giữa đôi bờ của cuộc sống thực và ảo ấy, vua Nhân Tông cũng đã biểu hiện những tình cảm tốt đẹp với người bạn láng giềng Chăm Pa, nhằm hàn gắn những vết thương lịch sử. Dù  sao trong giai điệu gập ghềnh ấy của lịch sử, nốt nhạc thiền hòa hiếu cũng để lại dư âm đầy tính chất nhân bản khá quyến rũ và hấp dẫn cho người đời sau.

 

GS.P.Đ.D

———————————————————

Chú  thích:

Vua Bhadravana I được đồng hóa với Siva dưới tên gọi Bhadresvara và được thờ ở Mỹ Sơn. Các vua thuộc thời Hoàn Vương đều ví mình với các thần như Indravarmar! Tự so sánh với Vikrama (hóa thân với Vismu) nâng quả đất bằng hai tay, hay Narayma (Visnu hóa thân) nằm trên con rắn, nâng thế giới bằng bốn cánh tay. Các vua thời Đồng Dương cũng vậy Harivarmar IV dựng bia, tự ca ngợi và so sánh với các thần Krina, Kama, India, Brhma, Siva, ông vua tài ba Yuya Harivrmam I được bia ký gọi ông là “hình thức có thể thấy được của thần Visnu”.

Tài liệu tham khảo:

Đại Việt sử ký toàn thư tập II, NXB KHXH, Hà Nội, 1998.
Ngô Văn Doanh – Văn hóa Chăm Pa, NXB VHTT, Hà Nội, 1994.
Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hưng – Các triều đại Việt Nam, NXB TN, Hà Nội, 1995.
A.B.Pôliacôp – Sự phục hưng của nhà nước Đại Việt thế kỷ X – XIV – NXB CTQG, Hà Nội, 1956.
Viện sử – Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý, Trần, NXB KHXH, Hà Nội, 1980.
Kính Dân – Hào khí Đông Á, tr.9-105 – Tuyển tập, NXB VHDT, Hà Nội, 2000.
Hoàng Quốc Hải – Vương triều sụp đổ, NXB Phụ nữ, Hà Nội, 1999.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here