Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Nơi Tiểu Thừa và Đại Thừa gặp nhau

Nơi Tiểu Thừa và Đại Thừa gặp nhau

156
0

Đi dạo chơi các phố rộng rãi và yên tĩnh của thủ đô Phật giáo Lào, Luang Prabang, cứ vài trăm thước, lại thấy xuất hiện một ngôi chùa Vát (đền chùa).

Một hôm, trong số mặt tiền hình tam giác của các Vát, tôi phát hiện một cổng tam quan điển hình cho kiến trúc chùa Việt Nam. Thật là thú vị và cảm động, cái nét thân thương quê hương ấy.

Có điều là tam quan của chùa này, tên chùa viết quốc ngữ là: Phật tích tự (tên Lào là Vat Phra Bat Tay) không quét vôi trắng như ở đất Việt mà sơn màu rực rỡ. Ở nóc không có mặt nguyệt hay bầu nước cam lồ mà có bánh xe pháp luân. Hai bên có đôi câu đối:

Phật địa riêng cho người hữu đức

Đất thiêng chung để khách quan chiêm.

Chùa Việt Nam ở Lào! Như vậy là rặng núi Trường Sơn, tấm bình phong làm hàng rào chắn khí hậu và văn hóa, đã không ngăn cản được sự gặp gỡ của nền văn hóa Lào mang dấu ấn Ấn Độ và nền văn hóa Việt chịu ảnh hưởng Trung Hoa, cụ thể, ở ngôi chùa này, là sự gặp gỡ của hai nhánh Phật giáo Tiểu Thừa và Đại Thừa.

Trước cửa chùa, dưới ánh nắng ban mai, sau một chiếc mõ gỗ to bằng trái bom Mỹ treo trên một cái giá, bảy tám nhà sư trẻ mặc áo vàng đang đập đất. Trong số đó có thể sẽ có người ở lại chùa tu suốt đời, nhưng cũng sẽ có người về nhà lấy vợ đẻ con. Theo phong tục Lào, đàn ông thế nào cũng ở chùa trong thời gian ba tháng, giờ thì có thể rút ngắn lại vài tuần, để tu hành góp công đức. Người ta thường đi ở chùa vào mùa hạ, sau khi đã học hành xong trước khi vào đời. Có thể gửi trẻ vào chùa trong khi trường học nghỉ hè. Tôi cho đây cũng là phong tục hay để các cậu ấm được bố mẹ quá ư nuông chiều nếm mùi dưa muối đạm bạc mà tu tỉnh.

Sư cụ Thích Thái Phùng (tên Lào là Phra Kham Pha), 54 tuổi, là người vùng Tam Điệp ở Ninh Bình. Người trụ trì ở chùa cùng hai vị sư người Lào. Thiện nam tín nữ đến lễ có nhiều người gia đình gốc Việt và cả người Lào chính cống trong vùng. Sư cụ giảng kinh Đại Thừa tiếng Việt, nhưng cũng giảng cả kinh Tiểu Thừa chữ Pali.

Cụ Thích Thái Phùng tiếp tôi ở một phòng nhỏ có bàn ghế, kiểu như ở các chùa Việt Nam, các chùa Lào không có phòng khách này, khách ngồi ngay trên sàn trước bàn thờ.

Sư cụ cho biết là ngôi chùa Phật Tích đã được xây dựng cách đây hai trăm năm, lấy tên là Chùa Vết Chân Phật. Tục truyền Đức Thích Ca đi hành đạo, có ngừng lại ở đây, nên để lại một vết bàn chân cho đến nay vẫn còn thấy trong một hốc lớn ở chân tường đá cao ngay bên sông Mekong hùng vĩ, chùa bị bỏ hoang một thời gian dài. Mãi đến năm 1959, một nhà sư Việt Nam và một số Việt kiều xin được phép trùng tu chùa.

Chùa mang một số chi tiết của chùa Việt Nam như trên đã nói cũng phải kể cả bàn thờ Mẫu và nhà tổ. Nhưng nói chung, vẫn là Vát Lào. Các điện chỉ thờ Phật Thích Ca mà thôi, nhưng Phật Thích Ca có rất nhiều hóa thân và đủ các cỡ lớn nhỏ, thường bằng đồng hoặc bằng gỗ, đều phết kim nhũ. Tượng được tạc ở nhiều thế, mỗi thế mang một ý nghĩa riêng. Tượng đứng hai cánh tay ép vào sườn, hai bàn tay ngửa ra phía trước, có nghĩa: Thôi, đừng lý sự, đừng cãi nhau nữa! Cũng thế đứng ấy, nhưng một tay buông xuôi có nghĩa: Hãy đẩy lùi cái xấu, cái ác. Thế đứng hai tay buông dọc theo thân mình, các ngón tay chỉ xuống đất, có nghĩa cầu mưa. Cũng thế đứng ấy, hai tay chắp, có nghĩa: ngắm cây bồ đề. Thế nằm có nghĩa: nhập Niết Bàn. Phật thường mặc quần áo nhà vua vì Phật tử muốn tỏ lòng tôn kính.

Vát Lào có một bộ phận điển hình: điện thờ và nơi lễ gọi là Sim, thư viện chứa kinh Pali viết trên những lá gồi dài, trai phòng là nơi sư ở, nhà con để một chiếc trống to để báo khất thực, chỗ chung quanh sân là nơi hội họp, các tháp chôn tro thi hài. Sáng sớm, các sư đều đi khất thực sau khi nghe mõ. Buổi trưa, sau khi nghe trống, các gia đình trong vùng mang thức ăn đến chùa. Từ sau bữa ăn trưa thì không còn bữa ăn nào nữa trong ngày hôm đó.

Những chùa Việt Nam theo Đại Thừa, trên điện thờ nhiều vị, chứ không chỉ thờ một mình đức Thích Ca với nhiều hóa thân của người. Đại Thừa là cỗ xe lớn; sở dĩ gọi như vậy vì Đại Thừa chủ trương giải thoát khắp các sinh linh, rồi bản thân mới vào cõi Niết Bàn (chiếc xe lớn mới chở hết được). Còn Tiểu Thừa chỉ là xe nhỏ vì chỉ cần tự cứu vớt bản thân. Chùa Việt Nam thờ nhiều Phật, Bồ Tát, La Hán, (có cả Thích Ca, A Di Đà, Di Lặc…) và cả thần thánh đạo Lão và đạo Mẫu.

H.N 

(Một Thế Giới)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here