Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi “Nội quán" – Nhận thức hướng nội độc đáo của Minh triết...

“Nội quán" – Nhận thức hướng nội độc đáo của Minh triết Phật giáo (phần 3-hết):Việt Nam tiếp thu nội quán- minh triết của Phật giáo

122
0

Đây là một thực tế không thể bỏ qua khi nghiên cữu Phật giáo như một trong ba bộ phận tư tưởng truyền thống trong tư tưởng Việt Nam. Vì thế, ở đây khi bàn về Phật giáo nói chung hay nhận thức Phật giáo nói riêng của người Việt Nam, không thể tuyệt đối tách riêng Phật giáo mà buộc phải trừu tượng hoá một cách tương đối, bằng cách nghiên cứu tư tưởng Phật giáo qua một số tác phẩm của một số đại diện tư tưởng Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử.

Toàn cảnh có thể thấy ảnh hưởng Phật giáo từ Ấn Độ vào Việt Nam sớm, nhưng về sau tác động của Phật giáo từ trung Quốc càng nhiều lần và lấn át hoàn toàn. Song Phật giáo được gọi là truyền thống của Việt Nam chủ yếu là Phật giáo Thiền Đại thừa tiếp thu và phát triển từ Trung Quốc, với các đạ diện tư tưởng hầu hết là các lãnh tụ hoặc là nhà Phật học thuộc Phật giáo Đại thừa (Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, và Trúc Lâm Yên Tử). Tuy nhiên, những yếu tố Phật giáo tiếp thu lần đầu từ Ấn Độ vẫn có ảnh hưởng nhất định trong các lựa chọn của người Việt Nam, mà đó là lựa chọn để hoàn thiện hoặc nâng cao minh triết của người Việt để giải quyết các vấn đề sống còn của dân tộc Việt.

Lần thứ nhất, Phật giáo vào Việt Nam khi nhận thức của người Việt chưa thoát khỏi thời kỳ thứ nhất- thần (huyền) thoại để bước sang thời kỳ thứ hai -thần quyền, nên sự tiếp nhận thức Phật giáo như một văn hoá tiến bộ đã ở thời kỳ thứ ba- giải/ giản thần quyền, vậy hẳn nó đã để lại dấu ấn đậm trong nhận thức của họ và đặc biệt tạo nên một tiền đề mở đối với sự tiếp thu cái mới, cái ngoại lai. Thực tế sau đó Việt Nam đã tiếp thu thêm cả Nho giáo và Lão- Trang từ Trung Quốc và hơn nữa, Thiền tông là Phật giáo nâng cao của Trung Quốc càng dễ dàng được người Việt Nam tiếp nhận trên cơ sở đã quen với Phật giáo.

Trong lần đầu tiên ấy, chúng ta không đủ tư liệu để phân tích nhận thức của người Việt cổ đã có gì và thay đổi gì khi tiếp thu Phật giáo-Bụt  từ Ấn độ. Nhưng chắc chắn biểu tượng ông “Bụt”  từ bi với những triết lí về cuộc sống như lẽ vô thường, khổ, giải thoát, luân hồi, cũng như khuyên con người nên kiềm chế dục vọng và làm điều thiện, tránh điều ác, tích phúc đức cho kiếp sau… Đã được tín ngưỡng dân gian của văn minh lúa nước Việt nam tiếp nhận, và chúng còn được lưu giữ trong một số truyện cổ tích, huyền thoại, huyền sử cũng như trong nghi lễ, lễ hội nông nghiệp lúa nước của người Việt . Lúc đó, Việt nam chưa tiếp thu ảnh hưởng của Phật giáo Trung quốc, thậm chí ngược lại có thể từ có thể từ trung tâm Luy Lâu của Việt Nam, Phật giáo đã truyền sang Trung Quốc . Tới thời Trần ta vẫn thấy vua Phật Trần Nhân Tông nhắc đến Bụt nhiều lần trong Cư Trần lạc Đạo, có lẽ vì Bụt đã thành Phật giáo của người dân Việt.

Đối với người Việt Nam, từ góc độ tư duy, có thể nói Phật giáo được tiếp thu chủ yếu trên hai phương diện: 1- Lý luận khái quát về con người nội tâm-đạo đức tôn giáo (khổ và giải thoát khỏi khổ là tự chính mình từ bên trong) và; 2- phương thức nội quán, điển hình nhất là nhận thức trực giác của Thiền tông. Đó cũng chính là những phương diện Phật giáo bổ sung thêm cho Nho và Lão mà người Việt đã tiếp thu từ Trung Quốc. Đúng ra, Nho và Lão cùng Phật như là ba bộ phận cấu thành để giải quyết các vấn đề con người, tự nhiên và chính trị-xã hội, và chúng luôn bổ sung cho nhau trong nhận thức và tư duy của người Việt.

Các trước tác và dịch phẩm Phật giáo ở Việt Nam thời kỳ này như Lý Hoặc Luận của Mâu Tử. Lục Độ Tập Kinh, Bát Thiên Tụng Bát Nhã, An Ban Thủ Ý…là những tư liệu đầu tiên, giới thiệu các nội dung giáo lý cơ bản của Phật giáo, và ảnh hưởng của chúng đến nhận thức và lối sống người Việt là rất ấn tượng. Nội quán cũng là một yếu tố được giới thiệu và được tiếp thu từ thời kỳ này.

-Lý Hoặc Luận của Mâu Tử, đã giới thiệu quan niệm cơ bản của Phật giáo trên tinh thần so sánh với Nho và Đạo để làm nổi ưu điểm của giáo lý Phật giáo về con người tự giác giải thoát khỏi khổ. Các phạm trù vạn vật vô thường, Đạo, chúng sinh, nghiệp báo, ngũ giới, trì giới, ăn chay, Đại giác, thành Phật, bố thí, vô vi, Nê viên, giải thoát… được giới thiệu như một cách nhìn mới mẻ, độc đáo về thiện ác, về con người và lẽ sanh tử của Phâth giáo.

-Lục Độ Tập kinh giới thiệu các khái niệm nhân sinh, vũ trụ như: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, ngũ giới, hạnh Bồ tát, cứu độ chúng sanh vô số kiếp, Tam giới, quy y, Tam Tôn, Tam Bảo, Như Lai, Bản nguyên, Tứ Đại, Tứ Thiền, hình tướng, bản vô, tồn tại vắng lặng… Nói chung, nội dung của kinh này thiên về luận giải nội tâm và khuyên người ta tự giác thực hành tu luyện thiền định và giữ giới để đạt tới giác ngộ và giải thoát.

– Bát Thiên Tụng Bát Nhã là bộ kinh thuộc văn hệ Bát Nhã, trình bày tư tưởng tính Không, của Phật giáo Đại thừa. Tư tưởng tính không là tư tưởng cơ bản của Phật giáo Đại Thừa, được phát triển đặc biệt ở Trung Quốc và là cơ sở hình thành nên Thiền Tông”. … ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ thiền học Việt nam nói riêng, cũng như toàn bộ Phật giáo Việt nam nói chung, đặc biệt là Phật giáo thời kỳ Lý-Trần”. Đây là bộ kinh nền tảng của toàn bộ nhận thức luận hướng nội Phật giáo.

– An Ban Thủ Ý là cuốn kinh dạy kỹ thuật thực hành nội quán bằng phép đếm hơi thở để điều tâm, thiền định của Phật giáo.

Những lần tiếp sau Việt nam chủ yếu tiếp thu Phật giáo Đại thừa từ Trung quốc, với các phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Các lần sau này, Phật giáo chủ yếu tiếp thu qua lớp tri thức, vua chúa, quan lại trong triều và một số người Trung quốc di cư sang Việt nam, và nó đã tạo nên một văn hoá Phật giáo bác học của Việt nam với đỉnh cao là dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử thời Trần. Tuy nhiên Phật giáo dân gian cũng không bị mất đi, mà nó tiếp tục phổ biến trong các tầng lớp lao động và vùng làng quê thông qua các lễ nghi, tín ngưỡng Phật giáo bình dân, thậm chí nhiều yếu tố Phật giáo dân gian còn ảnh hưởng tới một số dòng Phật giáo bác học và tạo nên đặc trưng Phật giáo Việt nam.

– Tỳ Ni Đa Lưu Chi là phái thiền lấy tên vị thiền sư Ấn độ. Đây là dòng thiền đầu tiên ở Việt nam. Dòng thiền này chú trọng tu luyện thiền định (tức nội quán) để khai thác trí tuệ Bát Nhã (trực giác) và các nội năng kỳ diệu trên cơ sở thuyết tính Không của Trung quán luận. Thiền phái này cũng chủ trương tư duy siêu việt ngôn ngữ, với “tinh thần không chấp trước, … vô trú nghĩa là không chấp có cũng không chấp không, không trú ở có, cũng không trú ở không… cảnh giới của thiền định siêu việt ngôn ngữ văn tự và tư duy khái niệm…” Các thiền sư Việt nam thuộc các thế hệ sau của phái này đều chịu ảnh hưởng của tư tưởngs đó. Điển hình như vua Lý Thái Tông (thế hệ thứ 7) cho đến Đạo Hạnh (thế hệ thứ 12) và Huệ Sinh (thế hệ thứ 13).

– Vô Ngôn Thông là thiền phái thứ hai vào Việt Nam lấy pháp hiệu của một thiền sư Trung quốc. Tư tưởng cơ bản của thiền phái này là tu luyện thiền định (nội quán) để đạt tới cảnh giới Vô niệm. Đó là một thế giới nội tâm hoàn toàn vắng lặng, khi dòng suy nghĩ miên man, liên tục, lộn xộn của tâm thức được chấm dứt. Khi ấy, trí tuệ vốn có của con người bừng sáng, thực tại sẽ hiển lộ rõ ràng trước mắt. Đó chính là sự giác ngộ và giải thoát. Đó chính là Niết Bàn”. Các thế hệ sau của dòng Thiền Vô Ngôn Thông như Cảm Thành (Tổ thứ hai), Thiện Hội (Tổ thứ ba)…vẫn tiếp tục khẳng định rằng “chân lý không phải ở đâu xa, mà ở ngay hiện tiền, ở trong bản thân mỗi người, nhưng chân lý đó chỉ có thể tu chứng trực tiếp…, mọi sự phân tích lý tính đều phương hại đến sự ngộ đạo (ngộ tâm- chân như).

– Thảo Đườmg là thiền phái thứ ba của Việt Nam, ra đời trong thời Lý, do sư Thảo Đường vì chiến tranh mà dạt đến Thăng Long năm 1069, rồi truyền cho vua  Lý Thánh Tông (thế hệ thứ nhất), vua Lý Anh Tông (thế hệ thứ năm)…Dòng thiền này chủ yếu phát triển trong Hoàng gia và giới quý tộc có thế lực thời đó. Do vậy mà ảnh hưởng của nó có ảnh hưởng của nó có tác động trực tiếp đến tư duy của họ trong đường lối trị nước.

-Trúc Lâm Yên Tử là dòng thiền Phật giáo của Việt Nam, hình thành vào đời Trần. Vua Trần Nhân Tông là tổ sáng lập ra thiền phái này, song trên cơ sở tiếp thu, kế thừa tư tưởng cơ bản của các phái thiền trước đó ở Việt Nam, cho nên vẫn không ngoài đường hướng chung của Thiền tông Đại thừa. Có thể nói đây là sự thống nhất giáo hội Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên, “dứt bỏ các truyền thừa từ trước có nguồn gốc bên ngoài. Các nhà tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm đều là các vị vua chúa, hoàng tộc giữ các trọng trách lớn của quốc gia, họ còn là các vị anh hùng dân tộc, và nhiều người đã để lại trước tác thể hiện tư tưởng Phật giáo Việt nam thời kỳ này. Nhiều tác phẩm Thiền học và Phật học lúc đó đã bàn về các vấn đề bản thể tính Không và nhận thức nội quán đặc sắc của Thiền tông. “Điểm đáng chú ý là các thiền học thời Trần rất tích cực trong việc kêu gọi hướng vào tâm mà tìm thấy tính”, và “quay đầu nhìn vào phía bên trong”… coi sự “tìm thấy bản tính là một sự trở về” “…nếu tự mình không tìm thấy bản tính … thì chẳng ai có thể truyền tâm cho mình… mọi người phải tự tìm lấy! Hay trong lời tựa của Thiền Tông Chỉ Nam, vua Trần Thái Tông đã đề cao vai trò của tư tưởng Phật giáo như là đường lối trị quốc lúc đó: “… phương tiện để mở lòng mê muội, con đường sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế; làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trọng trách của tiên thánh, là trách nhiệm của mình, giáo lý của Phật làm giáo lý của mình ư!” Đến đây ta thấy nội quán của Phật giáo đã được vận dụng linh hoạt trong hoạt động chính trị – xã hội ở Việt nam.

 -Đến thời kỳ này, có thể coi là Phật giáo đã chấm dứt quá trình du nhập, và đã khẳng định một đường hướng và phong cách độc lập với những đóng góp to lớn cho dân tộc. Về mặt tư duy, một số phạm trù cơ bản về con đường nội quán của Phật giáo bác học đã được nhiều nhà Phật học và Thiền học giải thích bằng tâm hồn người Việt, khiến chúng trở nên gần gũi với nếp tư duy của nhiều tần lớp xã hội. Chẳng hạn các thuật ngữ “vô chấp”, vô trụ”, vô trú” của Thiền Trung quốc được luận giải qua các thuật ngữ Việt thông dụng và dễ hiểu hơn như: “trực nhập”, vô niệm, vô ngôn, quay đầu trở vào phái bên trong “, trở về, mở lòng,… Trong giới trí thức, đặc biệt là các quan và quân vương trong triều đều hiểu hoặc thông thạo Phật học và Thiền học, và họ có thể ứng dụng những kiến thức đó trong các đối sách ngoại giao, văn hoá với nước lớn Trung quốc- cũng là một nước có truyền thống Phật giáo.

 Đối với tầng lớp bình dân ở Việt Nam, Phật giáo được coi là tôn giáo truyền thống và nó rất gần gũi, tuy không cao siêu như là Thiền học hay Phật học, nhưng lại chứa đựng những triết lý nhân sinh thể hiện sinh động qua lối sống và tín ngưỡng của người Việt một cách giản dị. Đối với Phật giáo dân gian ta thấy nội quán không phải là các chủ đề bác học về bản thể hay chân lý tuyệt đối như Phật tính, tính không, Bát Nhã, Chân như, Vô Ngôn, Vô Trụ… mà chú trọng tới việc tu dưỡng đạo đức cá nhân một cách tự giác theo nguyên tắc hướng nội: “Phật tại tâm”. Việc đánh giá hành vi đạo đức đúng hay sai, thiện hay ác không phải là từ người khác, mà phải tự mình ngay thẳng với tâm mình, hay tự “mình làm mình chịu”. Việc tự đánh giá này luôn có phân biệt rõ; coi trọng cái đạo đức bên trong (tâm) hơn là cái tài có thể thi thố với thiên hạ. Người dân thường tự nhắc “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, và thực hiện phương châm “diệt Tam độc” (tham, sân, si) trong tâm để bỏ các hành vi gây nghiệp ác của bản thân như ái, ố, hỷ, nộ và đó cũng là cách để xây dựng, bồi đắp các hành vi cao đẹp, như từ bi, bác ái, hỷ xả,… để tích nghiệp thiện.

Nhìn chung, Phật giáo dân gian, nội quán không ảnh hưởng trực tiếp, mà gián tiếp qua các hoạt động tín ngưỡng như tụng kinh, tu trì các tín đồ tại gia hoặc trên chùa. Những lúc đó họ gần như tự phát theo nội quán khi điều chỉnh hành vi đạo đức theo ngũ giới, thập thiện, chay tịnh…với tinh thần “Phật tại tâm”. Khi tụng kinh hay niệm Phật trước bàn thờ, tín đồ Phật giáo thường phải tịnh tâm, dừng các dòng suy nghĩ tản mạn, lan man, và lâu dần thành thói quen làm chủ dòng tâm thức khi làm các lễ nghi đó. Ví dụ như Bát Nhã Tâm Kinh rất được coi trọng trong các nghi lễ tụng, niệm của tín đồ Phật giáo tại gia hay khoá lễ trên chùa. Bát Nhã Tâm Kinh thường được tụng như phần kết của khoá tụng. Một số tín đồ bình dân thừa nhận rằng tuy hiểu hết ý nghĩa vi diệu trong kinh, nhưng tụng trì nhiều đến một lúc nhất định sẽ thấu hiểu và nó có thể làm thay đổi tâm tính cũng như nâng cao khả năng tập trung năng lực suy nghĩ và khả năng làm chủ cảm xúc của người tụng kinh này. Trong hội thảo khoa học này, tôi mới chỉ cố gắng đạt được một số phân tích về giá trị của nội quán Phật giáo như trên, hy vọng được các quí vị tiếp tục góp ý và chỉ bảo, nhất là phát hiện thêm những vận dụng sáng tạo, nhân văn của nội quán Phật giáo trong đời sống đạo đức và tâm linh của người Việt nam trong bối cảnh mới của thiên niên kỷ mới.

H.K.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here