Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Nội quán" – Nhận thức hướng nội độc đáo của Minh triết...

Nội quán" – Nhận thức hướng nội độc đáo của Minh triết Phật giáo (phần 2): Đánh giá chung về nội quán- minh triết của Phật giáo

137
0

Nội quán là cả lý luận và thực hành về nhận thức bằng trực giác, trực tiếp siêu vượt ngôn ngữ và khái niệm của Phật giáo Thiền tông Đại thừa. Nội quán không chỉ góp phần làm phong phú thêm phạm trù trực giác (intuition) trong nhận thức luận của triết học hiện đại, mà còn đưa một cách nhìn độc đáo của phương Đông về vấn đề tính tương đối của giá trị nhận thức. Thêm nữa, nội quán của Phật giáo mở ra một hướng rèn luyện, chủ động khai thác tư duy sáng tạo của con người – như một năng lực tiền ẩn – như sức mạnh nội năng sẵn có. Ý nghĩa của nội quán (trực giác) Phật giáo có thể đánh giá sơ bộ trên một số vấn đề của nhận thức luận hiện đại như sau:

Thức nhất: Theo thuyết tính Không của Phật giáo Đại thừa, nội quán là con đường, phương thức nhận thức trực tiếp bằng trực giác (vượt qua cảm tính đơn giản và cả lý tính trừu tượng). Đó là phương thức nhận thức trực tiếp đối tượng không thông qua bất kỳ trung gian nào với một số đặc tính sau:

1. Tính trực tiếp: Trực giác nắm bắt đối tượng không qua các phương tiện hay giai đoạn trung gian, trung chuyển nào khác.

2. Tính cụ thể, đặc thù: Trực giác nắm bắt đối tượng trong thực tại hiện hữu không chia tách, không qua phân tích.

3. Tính phi ngôn ngữ: Thực tại luôn phong phú hơn nhiều so với ngôn ngữ diễn đạt, miêu ta về thực tại đó. Ngôn ngữ chỉ có thể miêu tả một cách tương đối về thực tại và nó không đồng nhất với thực tại. Đức Phật đã có lần nói: “hễ mở miệng nói về thực tại là đã sai rồi.” Trực giác là phương thức chứng nghiệm trực tiếp của mỗi cá nân. Đây là quan điểm riêng của Phật giáo trên cơ sở nguyên lý tính Không về vấn đề tính tương đối của giá trị nhận thức.

4. Có thể rèn luyện: Trực giác có thể có được bằng rèn luyện theo kỹ thuật nội quán của Phật giáo. Bằng nội quán có thể làm tĩnh lặng dòng tâm thức tới mức vô niệm, và tại trạng thái đó trực giác sẽ bừng sáng.

Thứ hai: nội quán (trực giác) của Phật giáo có thể so sánh và làm phong phú thêm nội dun về trực giác của phương Tây nói riêng và của nhân loại nói chung. Trực giác ở nhiều loại khác nhau:

1. Trực giác dựa trên kinh nghiệm theo các nghĩa: – Trực giác dựa trên giác quan: nhận thức trực tiếp các sự kiện bằng giác quan; Trực giác dựa trên tâm lý: nhận thức trực tiếp các sự kiện nội tâm và định hướng cho trực giác giác quan.

2. Trực giác trừu tượng: Nhận thức trực tiếp những ý niệm trừu tượng, chân lý hiển nhiên và mối tương quan lôgíc giữa các sự vật, hiện tượng.

3. Trực giác phát minh: khả năng nhận thức trực tiếp các tương quan lôgíc ẩn tàng, mà không theo phương thức thông thường bằng nhiều suy luận phức tạp, hay thực nghiệm nhiều lần mới thấy được.

4. Trực giác siêu nghiệm: Nhận thức trực tiếp bản chất thực tại siêu vượt lên những kinh nghiệm thông thường. Trực giác (Prajna) của Phật giáo đang được coi là cùng tầng, thậm chí cao hơn trực giác siêu nghiệm. Đây là trình độ trực giác đang còn được nghiên cứu và kiểm chứng của liên ngành một số khoa học hiện đại.

Thức ba: Trực giác nắm bắt được bản chất thực tại hiện hữu, cá biệt đem lại thường là đúng đắn. Tuy nhiên, khi có sự can thiệp của suy luận, nhận thức lý tính, hoặc ảo tưởng, ảo giác thì trực giác cũng có thể sai lầm.

Thứ tư: Trực giác có thể đóng vai trò tích cực và khả thi trong nhận thức thông thường hay nhận thức khoa học nói chung ở hai khía cạnh: Trực giác góp phần khám phá, phát minh ra tư tưởng mới; Trực giác là sự tổng hợp chuỗi dài các ý niệm được bừng sáng. Khả năng này có thể rèn luyện bằng thiền định hay tập trung nghiên cứu cao độ.

Nhìn chung, Phật học và Thiền học đã triển khai nội dung nội quán trong việc phối hợp các yếu tố tâm linh, tâm lý với kỹ năng tập trung điều chỉnh, hay thậm chí dừng dòng suy nghĩ để khai thác và phát triển năng lực trực giác của cá nhân. Đây cũng là một nội dung thú vị, độc đáo của Thiền học và Phật học so với nhận thức luận của triết học phương Tây.

Ngày nay mô hình nội quán của Phạt giáo đã được thừa nhận tư cách độc lập. Nhiều học giả đã công nhận không thể lấy phân loại tư duy của phương Tây để đánh giá hoặc hệ thống tư duy phương Đông nói chung và Phật giáo nói riêng. Mô hình tư duy phương Tây đã tỏ ra không phải là duy nhất. Nhân loại trong quá trình hoàn thiện khả năng nhận thức đã tìm kiếm và học tập các mô hình tư duy, trong đó nội quán của Phật giáo cũng được trân trọng. Arthur Schopenhauer (1788-1860) có lúc đã nói: “Nếu đánh giá kết quả triết học của mình theo tiêu chuẩn chân lý thì tôi buộc phải thừa nhận Phật giáo ưu việt hơn hẳn mọi triết học” . Sức sống của Phật giáo cũng chính là sự kết hợp triết lý nhân văn với các phép tu luyện nội quán. Trong tương lai, giá trị này chính là cơ sở để Phật giáo ngày càng được phổ cập, đa dạng và hiện đại hoá.

Nhận loại tiến bộ ngày càng khẳng định Phật giáo là một trong những phông tri thức đối với toàn bộ tư duy của loài người, nhất là trên phương diện triết học nhân văn. Thực tế là vấn đề “tồn tại người” đang còn những câu hỏi bỏ ngỏ. Chẳng hạn các vấn đề năng lực của ý thức là năng lực vật chất hay năng lực siêu vật chất?

Con người có làm chủ được ý thức của mình không? Nhìn chung, trên phương diện tích cực, với tư cách là một phông tri thức về con người hướng nội của nhân loại thì triết học Phật giáo là mọt trình độ khái quát đặc sắc. Hướng tiếp cận “nội quán”, “trực giác” của Phật giáo là một tiếp cận độc đáo mà tư duy phương Tây vẫn còn thiếu hụt khi cần khẳng định sức sống nhân văn của xã hội hiện đại.

Sự phê phán của Phật giáo đối với hạn chế của nhận thức hướng ngoại có mức độ hợp lý nhất định về tính tương đối của giá trị nhận thức, và đây là cơ sở để Phật giáo triển khai, xây dựng phương pháp nội quán. Tuy nhiên, sự chiêm nghiệm trực tiếp của nội quán lại có hạn chế ở chỗ khi nó trở thành một giá trị chủ quan tuyệt đối, vì thứ nhất, chân lý tuyệt đối có được bằng trực giác khó có thể kiểm chứng; thức hai; do nhất quán nguyên tắc vô ngôn nên chân lý đó không thể chia sẻ và hay phản bác. Vậy giá trị đích thực của nội quán là gì, thực tại tối hậu (Chân Như) hay bản tâm được giác ngộ (Phật tính) là gì lại là vấn đề bất khả tranh luận, mà trả lại cho sự chiêm nghiệm có tính cá biệt, và sự chiêm nghiệm siêu việt, phi khái niệm. Đây là nan đề của của nội quán của Phật giáo, và đây cũng là điểm dừng khi Phật giáo đụng tới vấn đề tính đồng nhất của nhận thức và đối tượng nhận thức trong thuyết Giác ngộ và giải thoát.

Tuy nhiên, nội quán của Phật giáo cho đến bây giờ vẫn có một số giá trị độc đáo và có tính nhân văn cao. Trước hết, nếu đặt mục đích để rèn kuyện nội tâm, làm chủ các cảm xúc, thư giãn tuyệt đối, điều chỉnh dòng ý thức và tập trung tư tưởng… thì Phật giáo là một khuynh hướng khả thi, và đã được khoa học về tâm sinh lý hiện đại kiểm chứng, chứng minh và được rất nhiều người theo học và thực hành tu tập, kể cả những người không phải tín đồ Phật giáo. Khi làm chủ được nội tâm và các dòng suy nghĩ tập trung cao độ vào một việc, thì sẽ không tốn phí năng lượng một cách tản mát, mà có thể đạt được những kết quả kỳ diệu, chẳng hạn như hoạt động sáng tạo trong khoa học cũng như trong nghệ thuật. Phát huy nội quán của Phật giáo, nhiều môn nghệ thuật phương Đông đã đạt được những thành tựu độc đáo như là hoa trái của Phật giáo. Chẳng hạn như Thiền học, Trà đạo, Thư pháp, Võ đạo, Hoa đạo…

(Phần 3. Việt nam tiếp thu nội quán- minh triết của Phật giáo)
TS. H.K.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here