1. Không khí trong phòng họp 313-Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) chiều 15.5 thực sự là cuộc trò chuyện tâm tình giữa các đại biểu và người nghe (phần nhiều là nữ) dự Đại lễ Phật đản LHQ Vesak 2008 về những kinh nghiệm cá nhân về cuộc sống hôn nhân, các mối quan hệ trong gia đình.
Dù nhiều năm hành thiền, nhưng khi nhớ tới những năm tuổi trẻ bị chính cha, anh trai, sau đó là bạn phổ thông lạm dụng tình dục (LDTD), cô Trish Thompson-đại biểu người Mỹ vẫn không khỏi nghẹn ngào: “Tôi ôm hận trong nhiều năm, cho tới khi lấy chồng, cũng không sao giải toả được. Sau những khổ đau ấy, nỗi đau mất những người thân, bất hoà với chị gái, …tôi đến với tăng đoàn (Đạo tràng Làng Mai – NV) – nơi trở thành gia đình tinh thần của tôi. Tôi thực hành “Năm nguyên tắc tỉnh thức” của đức Phật. Thay vì xua đuổi nỗi khổ, niềm đau, tôi nhìn nhận, sống và chuyển hoá nỗi khổ của mình. Tôi nghiệm thấy, kháng cự lại khổ đau sẽ tạo ra căng thẳng, làm chướng ngại truyền thông, cản trở sự thay đổi và phát triển của gia đình. Hiểu sâu đau khổ, đau khổ sẽ vơi đi. Với tôi, Phật là bác sĩ gia đình. Tôi đã mỉm cười trở lại”.
Một người đàn bà phương Tây khác – đại biểu dự Vesak cũng nghẹn ngào cho biết thời trẻ từng bị LDTD và hiện bà làm cho một tổ chức thiện nguyện chuyên giúp đỡ những bé gái bị LDTD. Kể vài chuyện những phụ nữ Việt-nạn nhân tình trạng bạo lực gia đình, ni sư Thích Nữ Huệ Liên đề nghị: “Thực hành các chuẩn mực đạo đức-nhân tố cơ bản để chữa lành vết thương bạo hành. Các tổ chức giáo dục và xã hội đề cao hơn nữa vai trò người phụ nữ để vấn đề bình đẳng giới được thực hiện tốt hơn”.
“Về phương diện cá nhân, để có được thân thể khỏe mạnh, đời sống lành mạnh, chúng ta phải khai thông những bế tắc về tình cảm. Sức khỏe, hạnh phúc gia đình-nền tảng cho sức khỏe và hạnh phúc toàn xã hội” – sư cô Làng Mai pháp danh Chân Đức (tục danh là Anabel Laity)-giảng viên Viện Thực tập đạo Phật Châu Âu – nói. Sự bế tắc trong gia đình nhiều khi từ nguyên nhân nhỏ nhặt như mải xem tivi, cho tới to lớn – như áp lực công việc, không có thời gian dành cho người thân trong gia đình. Vật chất đầy đủ, nhưng cá nhân trong gia đình và cả gia đình vẫn thấy khổ đau vì thiếu sự hài hoà và truyền thông thật sự với nhau. Đồng thời, trong gia đình cũng chứa đựng nhiều hạt giống, bạo động, bất mãn, cô đơn. “Thiết lập bình an trong mỗi con người và gia đình sẽ đem lại bình an cho thế giới nhiều khi bắt đầu từ việc vợ chồng thực tập nói với nhau một câu đơn giản: “Anh (em) yêu, cảm ơn anh (em) hôm nay đã nấu ăn ngon”. Nói lời yêu thương, lắng nghe nhau là cách trị liệu màu nhiệm” – TS tâm lý Miriam Goldberg nói.
Vậy, nghệ thuật lắng nghe là sao? Ông Fred Eppsteiner – bác sĩ tâm lý trị liệu người Mỹ – chia sẻ: “Hãy chăm chú lắng nghe và không phán xét. Thậm chí cứ để họ nói, khóc…”. Bàn về hôn nhân, TS Manpreet Singh – người Ấn Độ – nhận xét, sợ hãi hôn nhân chính là cản trở các mối quan hệ đầy thương yêu và hạnh phúc trong gia đình.
2. Mùi ngò gai, Tình yêu phalê, Cô gái xấu xí, Ma làng, Chàng trai đa cảm, Chạy án, Lọ lem thời @, Mưa thuỷ tinh, Những người độc thân vui vẻ… Những vấn đề của gia đình trong mỗi phim được thể hiện khác nhau. Thử đề cập tới hai phim tâm lý xã hội và tâm lý hình sự đã và đang thu hút sự chú ý của khán giả truyền hình là Chàng trai đa cảm và Chạy án. Anh chàng Tuấn trong CTĐC thoạt tiên là người rất sợ cuộc sống hôn nhân. Nhưng tình yêu của Nga đã chinh phục được Tuấn. CTĐC còn là câu chuyện về cách ứng xử với nhau sao cho văn minh sau khi hôn nhân tan vỡ (câu chuyện chia tay của gia đình hoạ sĩ Quân); trường hợp của Ngọc vợ Quân là mẫu phụ nữ điển hình chấp trước chồng mình. Có thể nói, CTĐC là một bộ phim truyền hình tương đối hiếm hiện nay đề cập tới hôn nhân gia đình với cách xử lý là chuyên chở những thông điệp thương yêu.
Trong Chạy án, bi đát là gia đình ông Thứ trưởng Cẩm. Tình yêu thương con mù quáng, sự chấp trước, phong thái “gà mái gáy” của mẹ nhân vật Cao Thanh Lâm là những nguyên nhân khiến anh này hư hỏng, sa vào vòng lao lý… Chất liệu cho phim ảnh là cuộc đời. Sau những bộ phim, khán giả có thể rút ra cái gọi là bài học về luật nhân quả ở đời, vai trò quan trọng của gia đình…
Mong rằng, những người làm phim truyền hình Việt có thể góp thêm vào sự bền vững của gia đình Việt bằng những bộ phim mang màu tích cực và đầy ắp những thương yêu.
Nói lời thương yêu, lắng nghe nhau…
Thuỳ Ân