Trang chủ Phật học Nói lời dịu dàng dễ thương

Nói lời dịu dàng dễ thương

157
0

Chim khôn hót tiếng thanh nhàn
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Trong cuộc sống chúng ta, hạnh phúc hay khổ đau đều khởi đi từ lời nói. Lời nói dịu dàng đằm thắm, dễ thương, lịch sự luôn mang lại một cảm giác ấm áp, an vui, nhẹ nhàng và thoải mái cho người nghe. Tuyệt nhiên, đó không phải là lời nói khách sáo, tâng bốc, dua nịnh để cho được việc. Và ngược lại, đôi khi một lời nói mà làm cho người khác phải tan nhà nát cửa, gây ra sự thù oán, nghi kị lẫn nhau: cha con bất hòa, vợ chồng không tin tưởng, anh em mất đoàn kết, người người công kích mạ lị lẫn nhau….Có khi, vì uất ức một lời nói mà người ta phải kết liễu cuộc đời trong âm thầm lặng lẽ.

Nhìn thấy được tầm quan trọng của lời nói như thế nên đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta bốn phương pháp (Tứ Nhiếp Pháp) nhằm nhiếp hóa hữu tình, mang lại hạnh phúc, an vui thiết thực cho mình và cho người. Một trong Tứ Nhiếp Pháp đó là Ái Ngữ.

Ái ngữ được định nghĩa là:

– Ái ngữ là lời nói của lòng từ bi nhân ái.
– Ái ngữ là lời nói hiền hòa chân thật.
– Ái ngữ là lời nói về công đức, trí tuệ và làm cho tâm được cởi mở.
– Ái ngữ là lời nói vì lợi ích người khác.
– Ái ngữ là lấy tâm vô nhiễm mà chỉ rõ cho mọ người đâu là mê đâu là ngộ.
– Ái ngữ tối thắng là nói pháp đúng thời, và nói cho người hợp căn cơ.

Như vậy, Ái ngữ là lời nói sự thật, là biểu hiện của lòng từ bi, là trí tuệ, là tư cách đạo đức và phẩm hạnh của người đó.

Trong kinh A Hàm đức Phật dạy có ba cách nói: một là nói như phân, hai là nói như hoa và ba là nói như mật. Nói như phân là loại người nói điêu ngoa xảo trá, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói đâm thọc, nói ác khẩu và nói không đúng sự thật. Nói như hoa là loại người không nói điêu ngoa xảo trá, không nói thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, không nói đâm thọc, không nói ác khẩu và nói đúng sự thật. Nói như mật là loại người không nói điêu ngoa xảo trá, không nói thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, không nói đâm thọc, không nói ác khẩu và nói đúng sự thật. Ngoài ra, họ còn nói những lời không hại ai, nói lời hướng thiện, nói lời êm thắm, dịu dàng, lịch sự, làm cho ai nấy đều thích nghe, sanh tâm chánh tín Tam bảo.

Trong ba loại người kể trên, đức Phật khuyên chúng ta nên làm loại người thứ ba hoặc chí ít cũng làm loại người thứ hai, chứ đừng bao giờ làm loại người thứ nhất. Vì rằng, khi chúng ta làm loại người này sẽ bị mọi người xa lánh, tởm lợm, không muốn tiếp xúc, gần gũi. Còn khi ta làm loại người thứ ba thì sẽ thích hợp với chánh pháp, đem chân lý đi vào cuộc đời, làm cho đời sống được thăng hoa, mọi người đều được sống trong tình thương yêu hòa thuận, an bình, như cơn mưa mát dịu giữa mùa hè oi bức tưới cùng khắp mặt đất cằn khô đầy rẫy sự bất an này. 

Cổ nhân có dạy:

Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Hay:

Muốn nói bớt bảy còn ba
Bớt hai còn một mới là an vui.

Một lời nói chẳng mất gì cả, vậy mà vì tánh ích kỷ tham lam, sân hận, si mê nên đã tuôn ra những lời khó nghe, tạo sự ly gián giữa người với người, gây thù kết oán, làm cho họ phải điêu đứng, ấm ức, thất điên bát đảo, trong khi đó, mình lại vui cười sung sướng trên sự đau khổ của người khác. Những loại người như vậy thật ác độc hơn loài thú dữ. Bởi lẽ, thú dữ chỉ ăn thịt loài khác trong một đời, còn người nói lời thô ác, nham hiểm làm người khác phải chết dần chết mòn, uất hận từ đời này qua kiếp khác.

Nếu chúng ta không thể nói lời dịu dàng, dễ thương được thì tốt nhất là nói ít lại hoặc thực tập im lặng, còn hơn là phải xổ ra những lời nói khó nghe, ngược ngạo phi lý, gây tổn hại đến đời sống và danh dự của người khác.

Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật dạy: “Dù nói hàng ngàn lời vô ích, không bằng chỉ nói một lời đúng chánh pháp. Lời nói đúng chánh pháp có lợi ích làm cho tâm người nghe được an tịnh”.

Thật đúng như vậy, chúng ta nói nhiều những lời vô ích thì sẽ mắc bệnh nói nhiều, nói dai, nói dở, bằng như chúng ta biết nói ít lại, nói những lời đúng chánh pháp thì không chỉ chúng ta được lợi ích mà người khác cũng được vui theo. Cho nên, lời đức Phật dạy “im lặng như chánh pháp, nói năng như chánh pháp” làm cho ta thấm thía biết dường nào.

Ngoài tấm gương của đức Phật khuyên chúng ta nói đúng, nói ít hay thực tập im lặng ra, còn có những bậc thánh nhân, triết gia, thi hào, nhân sĩ cũng đều khuyên chúng ta nên nói ít lại. Đức Khổng tử đã dạy học trò rằng: “Đa ngôn đa quá” (nói nhiều thì lỗi nhiều).

Và đây, hãy nghe thi sĩ Hàn Mặc Tử nhắn gửi:

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu rung trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu.

Lắng đọng tâm tư, chúng ta mới có thể nghe được tiếng “nước hồ reo”, tiếng “tơ liễu rung trong gió” và thấy được bầu trời giao cảm đang giải nghĩa yêu thương. Chỉ có tâm hồn lắng đọng tợ nước hồ thu như thế, chúng ta mới “nghe” được những cung bậc rung lên từ đáy sâu thăm thẳm của nội tâm đang bắt nhịp cùng ngoại cảnh, để rồi từ cái “một” nhỏ nhoi đó nhập vào mênh mông đại hải của vạn hữu đất trời. Đây là triết lý “nhất quy vạn pháp” của nhà Phật.

Cần nói thêm nữa là, trong Phật giáo, im lặng đôi khi đó là sự “im lặng sấm sét”. Tổ sư Bồ-đề Đạt-ma là một minh chứng hùng hồn với “cửu niên diện bích”, chín năm quay mặt vào vách đá. Sự im lặng của Ngài là một tiếng thét sấm sét làm bung vỡ cái vỏ bọc vô minh, u ám từ nhiều đời kiếp tan tành thành trăm ngàn mảnh, chỉ còn lại bản tánh Chơn Như Diệu Hữu, sáng suốt và giác ngộ.

Hay như thi sĩ Thiền Basho đã lịch nghiệm:

Chuông chùa đã lặng
Mà tiếng ngân còn vang khắp đồi hoa.

Vậy mới biết, một lời nói đúng như chánh pháp hay im lặng như chánh pháp như tiếng chuông chùa, dù đã lặng nhưng âm vọng vẫn còn ngân mãi ngân mãi đến muôn trùng.

Đức Phật còn khuyên rằng, ngoài sự thực tập Ái ngữ, chúng ta phải biết giữ tâm mình cho thăng bằng, an tịnh, không bị giao động bởi những tiếng thị phi, ác khẩu, những vu khống, mạ lị, lăng nhục. Giữ được trạng thái như vậy thì, dù cho người khác có cố ý ám hại, nói xiên xỏ đặt điều, nói bóng nói gió, nói thêu dệt lắm chuyện… mình vẫn an nhiên tự tại, xem đó như là thử thách trong bước đường tìm cầu đạo giải thoát của chính mình. Có câu chuyện kể rằng: Nhà hiền triết nọ có bà vợ bị bệnh nói nhiều. Một hôm, bà bị bệnh không thể nói nhiều được nữa. Hôm đó nhà hiền triết than là, ông đã mất cơ hội thực hành hạnh tu nhẫn nhục và hạnh lắng nghe.

Một điều không thể thiếu bên cạnh lời nói dễ thương, biết nhẫn nhục, giữ tâm thanh tịnh, đó là chúng ta cần thực tập lắng nghe, lắng nghe một cách sâu sắc mới có thể thấu hiểu hết được những nỗi đau, những điều u uất dồn nén từ lâu trong lòng họ, kể cả những người ác ý vu hãm mình, họ cũng có cái “biệt nghiệp” huân tập từ nhiều đời nhiều kiếp của họ. Vì vậy, chúng ta cần có cái tâm vững chãi, tâm từ bi bao dung độ lượng để nhiếp phục họ, chuyển hóa họ. Nếu không chuyển hóa họ được, thì ít ra cũng không gây thù, chuốc oán thêm nữa. Thiền Tăng Hàn Sơn hỏi Thập Đắc: “Người thế gian phỉ báng tôi, khích bác tôi, làm nhục tôi, cười tôi, khinh tôi, rẻ rúng tôi, lừa tôi thì làm thế nào để đối trị?” Thập Đắc trả lời: “Chỉ nên nhẫn họ, nhường họ, tránh họ, vì họ, nhịn họ, kính họ, không để ý đến họ rồi qua một thời gian đến thăm họ.”

Trong cuộc sống, ai mà chẳng có lúc phạm phải sai lầm. Nhưng nếu người phạm lỗi biết nhận lỗi, biết ăn năn hối hận, còn những người xung quanh thì biết bao dung tha thứ cho những người lầm lỗi đó thì đâu có xảy ra hận thù, đố kỵ, hiềm khích gây đau khổ cho nhau, mà ngược lại, người người sẽ sống hòa thuận, nhà nhà yên vui, gia đình hạnh phúc, xã hội an bình, thịnh vượng. Ôi, thật cao quý biết bao!

Khổ nỗi, chúng ta không làm được như thế, cứ mãi ngụp lặn trong hỷ, nộ, ái, ố, trong tham lam, sân hận, si mê rồi gây khổ cho mọi người và cho chính cả bản thân mình.

Đúng là:

Đường đời chật hẹp người chen lấn
Lối đạo thênh thang hiếm kẻ tìm.

Cho nên, đức Phật nhắc nhở chúng ta luôn luôn sống tỉnh thức, bên trong thì tinh cần nỗ lực, thúc liễm thân tâm, trau dồi trí tuệ; bên ngoài thì không bon chen danh lợi, không đua tranh hơn thua với ai, sống hòa ái, nhu mì, đức độ.

Nói tóm lại, nếu chúng ta muốn có một đời sống an lạc, hạnh phúc thực sự thì chúng ta phải biết sống đúng như chánh pháp: biết ăn ở hiền lương, biết nói lời chân thật dịu dàng dễ thương hay nói khác hơn là thực hành Ái ngữ theo lời Phật dạy. Làm sao để mỗi lời nói của chúng ta sẽ thơm ngát như bông hoa, sẽ đậm đà như mật ngọt, ngõ hầu góp phần hóa giải phiền não, khổ đau, hận thù, đem lại lợi ích, an vui cho tất cả nhân loại.

Vậy thì, bạn còn chần chờ gì nữa mà không nói lời dịu dàng dễ thương ngay bây giờ?


August 2009
T.L–H.L.A

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here