Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Nội dung của Hội nghị Phật giáo tại Nhà Trắng

Nội dung của Hội nghị Phật giáo tại Nhà Trắng

169
0

Mục đích đầu tiên của Hội nghị này, như phát biểu của ông Bill Aiken, giám đốc Hoạt động Cộng đồng, Tổ chức Sokka Gakai International là “sử dụng sức mạnh của Nhà Trắng để quy tụ những nhà lãnh đạo Phật giáo nhằm khẳng định những cam kết về vai trò của Phật giáo đối với biến đổi khí hậu cũng như chia sẻ với cộng đồng những phương thức hành động hiệu quả tối ưu và lắng nghe đại diện của chính quyền Obama trình bày quan điểm về các vấn đề này”.

Hội nghị tập trung vào hai nội dung lớn: Một là, mối quan ngại về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với đời sống con người. Hai là, hội nghị đã đề cập đến việc bình đẳng sắc tộc khi nhắc đến các sự vụ người không vũ trang thuộc các sắc tộc khác nhau bị cảnh sát sát thương gần đây.

Hội nghị chia làm hai phiên. Phiên sáng diễn ra tại hội trường Đại học George Washington với các bài thuyết diễn về biến đổi khí hậu, chủng tộc ở Châu Mỹ và những nỗ lực biểu hiện các giá trị của Phật giáo với đời sống cộng đồng. Theo đó, nguyên nhân của biến đổi khí hậu được soi dẫn dưới học thuyết Tứ đế của nhà Phật, chỉ ra sự cần thiết phải tiến đến một sự quá độ, thay đổi sự phát triển kinh tế lấy các yếu tố môi trường làm trọng, phát triển nguồn năng lượng sạch.

Một nội dung khác của các bài thuyết trình cho rằng “cách chúng ta hành xử thiếu tôn trọng với môi sinh là biểu hiện của ý thức hệ cho phép chúng ta thiếu tôn trọng con người giữa các sắc tộc khác nhau”. Do đó, đào sâu vào nguyên nhân của biến đổi khí hậu đồng nghĩa với việc chúng ta cắt giảm nguồn gốc của phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử và bạo lực đang diễn ra.

Phiên hội nghị buổi chiều diễn ra tại Nhà Trắng với điểm nhấn là sự tổ chức nghi thức chào mừng Đại lễ Vesak, vốn lần đầu tiên được tổ chức tại Nhà Trắng. Tiếp sau đó là các bài trình bày với phần vấn đáp cũng tập trung vào các nội dung trọng tâm của Hội nghị.

Hội nghị kết thúc với phát biểu tổng kết: Hội nghị này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của Phật giáo trên đất Mỹ. Với sự tụ hội của các lãnh đạo Phật giáo cùng nhau bàn bạc về các mối quan ngại xã hội đã cho thấy người theo Phật giáo không phải “động thổ” những vùng đất mới mà là tiếp tục và duy trì sự quay về với Đức Phật – Người đã du hóa vùng đông bắc Ấn Độ nhằm thiết lập và xây dựng đời sống con người dưới sự soi dẫn của Chánh pháp, từ giới vương tôn quý tộc cho đến người dân bình thường. Phật giáo không hướng đến việc áp đặt niềm tin tôn giáo lên giới chức lãnh đạo nhưng đi vào hướng tiếp cận rằng các chính sách lãnh đạo phải được xây dựng và thực hiện trên nền tảng của tình thương, lòng từ bi, công bằng xã hội, hòa bình và có trách nhiệm với môi sinh – vốn là giá trị cốt lõi nhất của Phật giáo và các giá trị tôn giáo chân chính trên thế giới.

Đưa các giá trị của Phật giáo vào đời sống là sự chung tay cùng các tổ chức có cùng chí hướng, sẽ giúp chia sẻ và hợp tác để hướng đến công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sống, giảm sức mạnh chưa chính nghĩa của quân đội và cao nhất là xây dựng một thế giới hòa bình. 

anh 2.png
Đại biểu dự hội nghị nghe thông điệp Vesak tại Nhà Trắng 
– Ảnh: Phillip Rosenberg

anh 3.png
Tại một phiên diễn thuyết, thảo luận của Hội nghị 
– Ảnh: Phillip Rosenberg

anh 4.png
Hòa thượng Bodhi trình bày về biến đổi khí hậu
 – Ảnh: Phillip Rosenberg

Trần Trọng Hiếu: nguồn: GNO 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here