Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Nói đi nói lại

Nói đi nói lại

185
0

Giáo dục dễ là vấn đề làm hao tốn giấy mực nhiều hơn cả, nhưng vấn đề đâu vẫn vào đó; nếu không muốn nói là thụt lùi hoặc vô vọng. hình ảnh một ngôi nhà dột tứ bề, vô phương trám trét. Những yêu cầu cải tổ cấp thiết về loại hình đào tạo, chất lượng tốt nghiệp, đánh giá học lực, chương trình học, sách giáo khoa, cách học, cách dạy… lâu lâu có rùng mình một thoáng rồi vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Các kỳ thi tốt nghiệp trung học và tuyển sinh đại học là những dịp lớn đặc biệt để cho những người thực hành giáo dục ngắm nghía thành quả dạy học của mình. Và dư luận xã hội đối với những kỳ sát hạch này như thế nào chúng ta đã rõ. một xã hội bình thường phải có những phản ứng chạy chữa cấp kỳ mới mong sống còn một cách phẩm giá trong hoàn cảnh toàn cầu hóa hiện nay; bằng không chúng ta chỉ sống bằng mưu mẹo, lọc lừa, xin xỏ mà thôi. Nguyên nhân của bức tranh giáo dục ảm đạm của ta là những gì? Nguyên nhân có thể là đủ loại, nhiều tác nhân, nhiều di chứng dị tật. Có thể đổ tội cho chiến tranh, cho cái nghèo, cho sự mất căn bản toàn diện, cho chủ nghĩa duy ý chí, cho xu thế “đóng cửa dạy nhau”, cho triết lý vị ngã phi vị tha… Suy đi tính lại, tình trạng băng hoại trong giáo dục hiện nay đều do người lớn, mà chủ chốt là người trực tiếp dạy dỗ.

Văn học nghệ thuật cũng phải chuyển mình. Nó nhạy bén hơn tất cả những gì nhạy bén; vì nó không phản ảnh thực tại mà còn phải đánh hơi, đi trước, gợi mở, và nếu cần, nó có thể khiêu khích. Mọi người đều cần văn nghệ vì nó giúp con người, vừa chơi, vừa học, bồi dưỡng trí năng và làm đẹp tâm hồn.

Văn nghệ trong nước hiện nay, trong đại thể, là văn nghệ “ta với ta”, “đóng cửa dạy nhau”, “đọc cho nhau nghe”. Người nước ngoài thảng hoặc biết đến ta sẵn lòng ưu ái tặng thưởng nức nở, khen ngợi hết lời; đó chẳng qua là thái độ “xoa đầu” là chính. Càng ngày ta càng hiếm bắt gặp con người lao động nghệ thuật, vì cách thế này vất vả quá, tốn nhiều công sức tự đào tạo mà kết quả lại không cầm chắc. con người bao giờ cũng dễ tuốt dốc hơn là leo dốc; dễ khuynh theo lối làm vội, ăn xổi. Viết cái gì? Viết cho ai? Là những câu hỏi muôn đời dằn vặt người cầm bút chân chính. Nhưng cũng bởi vì những câu hỏi ấy dằn vặt quá nên người ta chọn giải pháp tiện lợi hơn cả là: không đặt ra những câu hỏi ấy làm gì. Và từ đó nảy sinh: đi ngang về tắt, đốt giai đoạn, hú dọa, ngông nghênh.

Vấn đề giáo dục là vấn đề trọng đại. Vấn đề văn nghệ là vấn đề lớn. Cả hai đều cần vươn tới hội nhập. Một đằng là thước đo tri thức, khoa học. Một đằng là thước đo thẩm mỹ, văn hóa. Có điểm đi, mà không có điểm đến, cũng như không có điểm dừng.

Trong xã hội có ai là người không quan tâm đến vấn đề giáo dục? Nếu anh là người không ở trong ngành giáo dục, anh vẫn có đứa con đi học, không chỉ nó học ở trường mà còn học thêm túi bụi, ít có thì giờ thăm viếng và suốt ngày chạy xe trên những đoạn đường đông đúc, còn anh phải xoay xở kiếm tiền trả đủ học phí. Nếu chị không có con đi học, chị cũng phải nghi ngại theo đứa cháu có khả năng tầm thường nhưng lại đoạt bằng cao. Nếu bác là người không con không cháu, bác vẫn có người bạn có con tốt nghiệp nhưng vẫn thất nghiệp mà bác cẩm thương đến không biết làm thế nào giúp đỡ nó. Rốt cuộc toàn thể xã hội phải rối lên trong cái “thiên la địa võng” của giáo dục bùng nhùng trong hiện tại và sờ soạng bước tới trong tương lai.

Trong xã hội có ai là người lọt ra khỏi vòng tiêu thụ văn nghệ? Ai cũng có lần nghe xong một chương trình ca nhạc mà cảm thấy lòng trống rỗng. Ai cũng có dịp vào một phòng tranh mà bước chân vô tình lướt nhanh vì con mắt bắt gặp nhiều hình thể, đường nét, màu sắc hoặc cẩu thả hoặc trùng lặp. Và ai cũng có lần ghé thăm một nhà sách, nhìn thấy rất nhiều truyện, rất nhiều thơ,… cuối cùng chọn một tác phẩm nghiên cứu hoặc một tác phẩm nước ngoài.

Sống trong vùng ảnh hưởng rộng lớn của giáo dục và văn nghệ hiện nay, khó có ai có thể bàng quang thõng tay đứng nhìn. Người người đều có ý kiến, suy nghĩ; chẳng qua mỗi người mỗi khác đấy thôi. Ngay cả con người hoàn toàn im lặng, cái im lặng bao hàm rằng: lời nói của mình là thừa thải, bất lực, chỉ tổ chuốc lấy ngộ nhận.

Những ai đọc báo, theo dõi vô tuyến truyền hình, không khỏi nhận thấy hai vấn đề trên đây có tần số xuất hiện rất cao, rất dày bao gồm: phát biểu ý kiến, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ lập trường, phản bác thái độ, than phiền, khiếu nại, phẫn nộ, hòai nghi… trước vấn đề giáo dục và văn hóa ấy.

Tóm lại, có hai dòng thông tin và ý kiến thường bắt gặp: một dòng nói đi và một dòng nói lại. Hai dòng ấy nhập lại tạo nên một khối lượng thông tin gấp đôi làm rõ nét thêm cho hai hoạt động lớn của đất nước.

Nói đi, ở đây là bộc phát những lời nói, câu viết xét thấy cần thiết để rộng đường dư luận; nói và viết luôn cả những gì mà người khác có thể cho là “dại” là “điên” nữa; tức là những gì lẽ ra không cần viết, không nên viết. Chính các tác giả là những người ý thức về điều này trước tiên, nhưng chẳng qua vì vâng theo sự thôi thúc từ bên trong mình, mà một nhu cầu riêng tư phải viết ra, dẫu “dại” hay “điên” cũng cam lòng. Do lẽ đó, họ nói hết, họ viết sạch. Sản phẩm của họ – là bài viết – tất nhiên không phải là bản sao thực tại. Nó có thể méo mó, nhăn nhúm, quẫy quậy, phóng đại,…, đó là lẽ thường tình. Bởi nó là thực tại đèo thêm trong lòng nó bao nhiêu thứ giận hờn điên dại. Vậy thì bài viết có thể không hẳn là thực tại nhưng… vẫn là thực tại.

Nói lại là tiếng phản hồi những bài viết nhằm điều chỉnh, sửa sai, phát xuất từ gọc độ khác. Những bài này, nửa phần bổ sung thông tin, nửa phần còn lại gọt tỉa, bôi xóa, và ren tua cho tấm chân dung giáo dục và văn nghệ. Người tiêu thụ các món giáo dục và văn nghệ này ý thức rằng: những lời nói lại này thế nào cũng phải lên tiếng. Và tác giả, hơn ai hết, tiên liệu sẽ lãnh trọn những lời nói lại này ngay từ khi mình châm ngòi nói đi. Họ biết như vậy, hiểu như vậy, nhưng chấp nhận màn “hồi mã thượng”, vượt qua nó, vẫn nói lên, viết ra từ góc độ nhỏ nhoi của mình.

Và cuối cùng, nói đi nói lại thế nào, vấn đề giáo dục và văn nghệ vẫn còn nguyên vẹn.
 

Bửu Ý

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here