Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Nói chuyện với Huynh trưởng GĐPT Việt Nam

Nói chuyện với Huynh trưởng GĐPT Việt Nam

253
0







Trước khi làm huynh trưởng có cấp bậc thì anh chị em đã là đoàn sinh Gia đình Phật tử. Trước khi là đoàn sinh Gia đình Phật tử thì anh chị em đã là người quy y Tam Bảo. Như vậy, quy y Tam Bảo, thọ trì Ngũ giới là căn bản, là cội gốc — từ đó mà nảy nở ra đoàn sinh, nảy nở ra huynh trưởng, rồi huynh trưởng có cấp bậc.


Và cũng từ đấy anh em mới thấy trong sinh hoạt đoàn thể của mình cái gì là gốc, cái gì là ngọn, cái gì là chính cái gì là phụ. Nếu giả sử một mai đây, anh em không làm huynh trưởng có cấp bậc, thì anh em cũng đừng bỏ cái gốc Gia Đình Phật tử của mình. Nếu vì một lẽ gì đó, anh em không làm đoàn sinh Gia đình Phật tử được, thì đừng bỏ mất mình là một người Phật tử đã quy y Tam Bảo.


Ngày hôm nay, các anh em — theo tôi biết — đã bao nhiêu năm tháng vào với Gia đình Phật tử, sinh hoạt với Gia đình Phật tử, đã dày công học tập, anh em cũng đã nhận thức được rằng mình có bổn phận phải dìu dắt lớp đàn em đi sau hiểu đúng và làm theo lời Phật dạy, từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha; cho nên mới khẳng khái phát nguyện lãnh trách nhiệm hướng dẫn cho đàn em Gia đình Phật tử.






Đây là một lời phát nguyện quý báu, một lời phát nguyện cao cả, phát nguyện để chịu lấy thêm sự nhọc nhằn, sự lo lắng; vì mục đích cao cả là hoằng pháp lợi sinh mà anh em nhận lãnh sự nhọc nhằn, lo lắng đó cốt để phụng sự lý tưởng tôn thờ Tam Bảo của mình, hầu làm cho Đạo pháp của mình ngày càng được phát huy, ngày càng được nhiều lợi lạc cho hữu tình như đức Phật hằng mong mỏi.






Trong khi sinh hoạt, anh em cũng nên thận trọng trong tâm ý, trong ngôn ngữ, trong hành động, trong cử chỉ của mình. Làm thế nào để luôn luôn là một huynh trưởng Phật tử, người có cấp bậc phải làm gương mẫu cho đoàn sinh noi theo. Lòng tin không lay chuyển, sự hiểu biết không lay chuyển, đức hạnh không lay chuyển, có như vậy tất nhiên anh em sẽ đóng góp được một phần lớn lao, quý báu vào sự nghiệp xây dựng và phát huy đạo pháp.






Ở giữa đời vô thường, lúc thế này, lúc như thế khác, tất nhiên chúng ta phải có một ý thức sáng suốt để lựa chọn. Nhưng trong khi chúng ta lựa chọn, chúng ta có điểm nhìn để lựa chọn, luôn luôn chúng ta phải nhìn đến Tam Bảo, phải suy xét lời dạy của đức Phật và phải hướng đến chư Tăng mà mình đã phát nguyện noi theo. Phải nhìn theo những vị Tăng thật sự là đống lương của Chánh pháp, những vị luôn hoằng dương Chánh pháp để giúp cho mình có một nhận thức rõ ràng, vững chắc trước mọi mê mờ, trước trăm ngàn ý kiến này khác. Không thể nhìn một cách chung chung “Thầy nào cũng là thầy cả, thầy nào cũng đúng cả”!






Là một Phật tử, anh em phải kính trọng tất cả mọi người, dầu là người đó ở vào địa vị thấp nhất trong xã hội, chúng ta phải kính trọng. Sự kính trọng đó là sự kính trọng chung, nhưng khi tìm người nương tựa để tu tập, để học học đạo là một chuyện khác, chứ không thể bình đẳng nhất loạt. Nếu như mình đã nhất loạt, thì với “đầu tròn áo vuông”, đức Phật cũng giống một ông thầy phàm phu thôi chứ không có gì khác. Thành thử có những lúc chúng ta cần phải nhận thức cho rõ ràng cái ngôn ngữ, cái hình tướng phải có một ý nghĩa sâu xa, chứ không phải dựa vào hình tướng bên ngoài mà nhận thức được giá trị đích thực của nó.


Vì vậy, hôm nay các anh chị em lãnh thọ cấp bậc thế này, tôi rất cảm động, bởi vì anh chị em đã lãnh thêm một phần khó khăn, phải ưu tư nhiều, phải lo lắng nhiều để hướng dẫn đàn em hậu tấn. Thật là một lời phát nguyện cao cả, phát nguyện quý báu: Phát nguyện để đi lên, phát nguyện để hướng thiện, phát nguyện để thăng hoa, để được giải thoát. Cho nên khi đã phát nguyện rồi, dầu gặp khó khăn., dầu có cực nhọc, anh em cũng phải cố gắng giữ vững lời phát nguyện của mình.






Nếu một mai kia, ý nghĩa của anh em có đổi khác, hoặc muốn chuyển hướng một con đường khác, thì cũng nên thảo luận với các huynh đệ trong hàng ngũ của mình, hoặc thảo luận với các thầy của mình để việc hành đạo, việc hướng dẫn Gia đình Phật tử của mình được nhiều tốt đẹp.






Ở đây, tôi suy nghĩ lại cuộc sống tu tập của mình trong mấy chục năm qua, đối với Tam Bảo, đối với đạo pháp, nhất là tại tỉnh Thừa Thiên này, tôi luôn luôn nghĩ đến các sinh hoạt của Giáo hội, nhất là các Khuôn giáo hội, chẳng làm một điều gì sai trái, cũng chẳng vì danh, vì lợi mà bỏ đạo, chẳng làm điều riêng cho tự thân mình; thế mà có người lại giáng cho chúng tôi như một người phản Đạo, thật là một điều ngang trái mà người tu phải vượt qua.






Vì vậy, tôi mong mỏi rằng anh em từ nay về sau, trên bước đường đời còn đang dài, công việc hành đạo còn đang gặp nhiều khó khăn, anh em nên trước sau nhất trí, đoàn kết hòa hợp với nhau, có điều gì không hợp cũng nên bàn luận với nhau thì công việc mới mong manh thành tựu tốt đẹp. Chúng tôi tự nghĩ rằng, lớp chúng tôi không phải là những người quá mù mờ u tối, ai nói gì nghe nấy, ai biểu gì làm nấy. Chúng ta cũng nên biết rằng, giáo lý và tổ chức là hai thực thể khác nhau, không thể gắn liền giáo lý với tổ chức làm một được. Tổ chức là để phát huy giáo lý, chứ tổ chức không thể là chủ của giáo lý, làm chủ của giáo lý. Vì thế nên luôn luôn phải lấy giáp lý làm căn bản. Giáo lý thì bất di bất dịch, nhưng tổ chức thì tùy duyên bất biến, do đó mới có tổ chức Gia đình Phật Hóa Phổ tiến lên tổ chức Gia đình Phật tử. Từ tổ chức các hội Phật giáo Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ rồi tiến lên Tổng hội Phật giáo và đến Thống nhất Phật giáo. Nhận thức rõ như thế thì mình mới biết rằng phần nào là phần bất di bất dịch và phần nào cần được tùy duyên bất biến. Có như vậy mới có thể giữ được sự bất biến của giáo lý đạo Phật. Và anh em cần chú trọng đến sự tu học Phật pháp, trao dồi đạo đức cho đoàn sinh của mình; không để mắc phải tệ trạng thói hư tật xấu như những bạn trẻ khác trong xã hội hiện đang mắc phải.






Cuối cùng, tôi mong mỏi anh em nên nhận thức rõ ràng và sâu sắc lời phát nguyện của anh em hôm nay, và tôi cũng như chư Tăng hết sức tán thán. Bởi vì đây là lời phát nguyện gánh thêm sự khó khăn cho mình, nhưng mà có trách nhiệm khó khăn là để tiến lên trên bước đường hành đạo của mình, chứ không phải khó khăn mà thụt lùi, làm những chuyện thóai hóa của đạo lý con người.






Bấy nhiêu lời, mong mỏi anh em thủy chung duy nhất, phát nguyện và thực hành phải luôn đi đôi để phụng sự đạo pháp và con người.






Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật


HT. Thích Thiện Siêu

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here