Chưa đầy 48 giờ nữa, Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VI sẽ chính thức diễn ra tại Hà Nội. Toàn thể Phật tử Việt Nam hân hoan chào đón sự kiện này với tất cả niềm tin tưởng lớn về sự ổn định và lớn mạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong xu thế tiến triển chung của xã hội và đất nước. Niềm tin và kỳ vọng mà quần chúng Phật tử Việt Nam đặt ở Giáo hội Phật giáo Việt Nam là rất lớn và hoàn toàn có cơ sở. Phật giáo được truyền vào Việt Nam hơn 2.000 năm và đã trở thành nguồn sống của dân tộc qua nhiều chặng đường lịch sử. Suốt hơn 20 thế kỷ có mặt ở Việt Nam, Phật giáo luôn luôn là điểm tựa, là cái giá chống đỡ cho mọi thăng trầm của lịch sử dân tộc. Niềm tin đã được chứng thực và do đó lòng kỳ vọng của quần chúng Phật tử Việt Nam đối với Giáo hội hiện tại là rất lớn. Vậy quần chúng Phật tử Việt Nam kỳ vọng điều gì ở Giáo hội? Thật khó có thể nói lên đầy đủ niềm tin và kỳ vọng vốn rất lớn và rất nhiều mà quần chúng Phật tử Việt Nam luôn luôn gửi gắm ở Giáo hội. Tuy nhiên, có một điều mà hình như người Phật tử nào cũng kỳ vọng và tin tưởng là làm sao Giáo hội thể hiện đầy đủ và trọn vẹn nhất bản chất thanh tịnh và hòa hợp của một Tăng già, để không những xứng đáng đại diện cho truyền thống giải thoát cao quý của đạo Phật, mà còn làm chỗ nương tựa lớn cho người con Phật để sống bình an, hạnh phúc hơn. Cuộc sống biến đổi thực hư khó lường nên lòng người cũng lắm bất an. Đã thế, cho dù đời sống con người và xã hội có tiến bộ đến đâu thì người Phật tử vẫn luôn cảm thấy như thiếu một điều gì đó thanh cao hơn để hướng về, và họ mong mỏi kỳ vọng điều đó ở Tam bảo mà cụ thể nhất là ở Tăng già hay Giáo hội. Tâm lý ấy là rất thực và kỳ vọng ấy cũng rất chính đáng. Đặc điểm lớn của Tăng già hay Giáo hội do chính Đức Phật thiết lập thể hiện ở sự thanh tịnh và hòa hợp. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng được xây dựng và hoạt động trên tinh thần ấy. Thanh tịnh là bản thể của Tăng già hay Giáo hội, ngụ ý một tổ chức gồm những con người sống đời sống phạm hạnh thanh tịnh, không còn phiền não tham, sân, si, hoạt động với tâm nguyện mang lại an lạc đến cho muôn loài. Hòa hợp là sự thể hiện sinh động và hết sức tự nhiên của bản thể thanh tịnh của Tăng già hay Giáo hội vì mục đích thanh tịnh hóa cuộc đời. Nói khác đi, đó là thể hiện ý chí sống và hoạt động một cách đầy trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của toàn thể thành viên Tăng già hay Giáo hội vì mục đích lợi lạc cho quần sinh. Xác định rõ vai trò và sứ mệnh thiêng liêng của mình trong đời sống xã hội sẽ mở đường cho Giáo hội ổn định và lớn mạnh về nhiều phương diện để từ đó có thể cống hiến nhiều hơn và thiết thực hơn cho con người và đất nước. Giáo hội cần phải đồng hành với dân tộc nhưng phải luôn luôn là chỗ nương tựa lớn cho Tăng Ni và Phật tử. Cuộc sống hiện đại có nhiều tiến bộ nhưng biểu lộ dấu hiệu thực hư khá nhiều nên lòng người cũng lắm dao động và bất an. Bởi vậy hơn bao giờ hết, người Phật tử Việt Nam rất kỳ vọng và trông chờ sự chuyển biến tích cực của Giáo hội trong đời sống thanh tịnh tự nội và trong các hoạt động thiết thực nhằm phụng đạo và giúp đời. Ngày xưa, vua Pasenadi nước Kosala từng nêu nhận xét tin tưởng lớn về nếp sống thanh tịnh và hòa hợp của các thành viên Giáo hội: “Ở đây, bạch Thế tôn, con thấy nhiều vị Sa môn, Bà la môn hành trì Phạm hạnh có giới hạnh trong mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm. Những vị này, sau một thời gian, khéo tắm, khéo thoa phấn sáp, với râu tóc khéo chải chuốt, sống thụ hưởng một cách sung mãn, đầy đủ năm dục trưởng dưỡng. Còn ở đây, bạch Thế tôn, con thấy các tỷ khiêu sống hành trì Phạm hạnh viên mãn, thanh tịnh cho đến trọng đời, cho đến hơi thở cuối cùng. Lại nữa bạch Thế tôn, vua chúa cãi lộn với vua chúa, Sát đế ly cãi lộn với Sát đế ly, Bà la môn cãi lộn với Bà la môn, gia chủ cãi lộn với gia chủ, mẹ cãi lộn với con, con cãi lộn với mẹ, cha cãi lộn với con, con cãi lộn với cha, anh em cãi lộn với anh em, anh em cãi lộn với chị em, chị em cãi lộn với anh em, bạn bè cãi lộn với bạn bè. Còn ở đây, bạch Thế tôn, con thấy các Tỷ khiêu sống với nhau thuận hòa, thân hữu, không cãi lộn nhau, hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau với cặp mắt ái kính. Bạch Thế tôn, con không thấy ngoài đây ra, có một Phạm hạnh nào khác viên mãn, thanh tịnh như vậy”. Một ông vua mà đã nhìn thấy được đặc điểm thanh tịnh và cao quý như vậy để Giáo hội thời Đức Phật tại thế và xem như là khuôn vàng thước ngọc cho cuộc đời thì rõ là Giáo hội ấy xứng đáng làm chỗ nương tựa lớn cho nhiều người. Cuộc sống hiện tại có ít thanh tịnh và đầy tranh chấp nên không chỉ riêng người Phật tử kỳ vọng mà hình như mọi người Việt Nam đều kỳ vọng Giáo hội sẽ thể hiện được vai trò là điểm tựa trong sáng và an ổn lâu dài cho các thế hệ Việt Nam. Tất nhiên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các hoạt động của mình để đáp ứng các mục tiêu phụng sự trước mắt và lâu dài. Nhưng trước hết và trên hết, Giáo hội cần hoàn thiện chính mình theo tinh thần thanh tịnh và hòa hợp của một tổ chức Tăng già đúng nghĩa. Mọi thành viên của Giáo hội cần thể hiện và nêu cao nếp sống thanh tịnh và hòa hợp của người con Phật. Bởi thanh tịnh và hòa hợp không chỉ là đặc điểm khiến Giáo hội lớn mạnh và hoạt động có hiệu quả, mà còn là khởi điểm của lòng tin hướng thượng và hướng thiện cho nhiều người khác. Cuộc sống vốn rất cần niềm tin. Hơn ai hết, Giáo hội là nơi gửi gắm và làm phát khởi niềm tin hướng thiện, tất cần thiết cho cuộc sống an lạc lâu dài của con người và xã hội ở trong mọi thời đại. |
Hoàng Hải (Theo VHPG) |