Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Niềm tin và hạnh phúc

Niềm tin và hạnh phúc

162
0

Một ngày, mỗi ngày trôi, trôi qua mãi… Mỗi bước chân, mỗi nụ cười, một câu nói, tất cả tạo nên không gian thật êm đềm và đẹp đẽ xiết bao. Và còn có những cái đẹp hơn thế, cao quý hơn thế khi mỗi người biết dừng lại để kiểm soát thân mình, lắng nghe tiếng nói của thật lòng mình. Đó là tiếng nói ước nguyện. Tuy chỉ là ngôn ngữ, song nó là một biểu tượng để diễn tả cái khát vọng hướng thượng của mỗi người đang thật sự sống trong giờ phút hiện tại.

Niềm tin có một vị trí rất quan trọng. Khi chưa có một sự hiểu biết nào về tôn giáo, thì ở ban sơ, người ta còn tìm tòi học hỏi và tin ở các truyền thuyết, huyền thoại mà tôn giáo đó đưa ra các tích truyện và bối cảnh lịch sử, tường thuật lại những biến cố lịch sử trọng đại, hay cuộc đời của các giáo chủ. Thông qua đó, những chân lí và thực hành mới được khai sinh và làm nền tảng cho một đời sống mới, hoặc được biểu hiện bằng các nghi lễ tế tự, bài kinh thánh, và cả qua những chi tiết nghệ thuật tôn giáo. Nói sao cho hết! Chỉ nói rằng tôi đến với đạo bằng cảm nhận thật đơn sơ, với hình ảnh chiếc áo lam, những ánh mắt hiền từ, nụ cười hoà ái của các vị sư mà tôi được gặp mỗi khi lên chùa sau những buổi học vào ngày rằm hoặc ngày mồng một. Dần dần, tôi cũng nhận thấy cái bản sắc ấy đã in đậm trong tôi; và cùng với thời gian, tôi hiểu được rằng, cuộc đời có những cái không ai đem đến cho mình, và mãi mãi chẳng ai lấy cắp của mình, nếu nó được đến thật sự, với niềm tự tin và sự hiểu biết.

Chỉ có niềm tin và sự hiểu biết mới mang lại niềm hạnh phúc chân thật. Đấy là niềm vui lớn, là lợi ích thiết thực và sống động ngay trong trái tim mỗi người, ngay cuộc đời hiện tại. Tuy biết rằng, mỗi tôn giáo đều có lý tưởng riêng, đều đưa ra những luận cứ nhằm bảo vệ cho tôn giáo mình. Song cái cần nhất là làm sao tìm ra chân lý. Từ đó, ngay buổi ban sơ, trong cuộc sống nhân loại trên hành tinh này, con người đã bắt đầu tìm kiếm một thực thể để làm cội nguồn cho thế giới.

Vấn đề đó thuộc về lĩnh vực của triết học, và khoa học cũng phần minh định giá trị đúng sai của mỗi tôn giáo. Điều đáng nói là ngay trong giờ phút hiện tại, con người có tìm ra chính mình, có niềm tin đối với tự thân, để từ đó đem niềm tin trang trải cho mọi người cùng có được an vui, để sống có ý nghĩa hai chữ “con người” hay không. Con người ở đây là lòng tự tin, là sức tự chủ và ý thức vươn lên chỗ chân thiện, để bảo toàn cái mỹ vốn có trong con người ấy.

Đến với chốn thiền môn, trong cái tĩnh lặng của ngoại cảnh trải qua bao hạ khô, đông lạnh của cuộc sống, tôi ý thức được một cách sâu xa lời dạy của Thế Tôn: "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Không nương tựa vào một gì khác."

Và đôi khi có một chút nao lòng, tôi lại nhớ những lời ngoại tôi dặn: kẻ xuất gia là đi ngược dòng đời, như con thuyền đi ngược dòng chảy. Nếu pháp âm của Phật là hành trang đưa tôi vươn lên xứng đáng là đệ tử của ngài, thì lời dạy của ngoại tôi lại khiến tôi vững bước trên đường tu.

Chiếc lá thu rơi có để lại trong lòng ai một ý niệm về cuộc đời, thì sự rung cảm vẫn là cảm giác xốc nổi chóng qua. Và trong lòng người có tồn tại những gì sâu lắng, khó có thể diễn tả bằng lời? Điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là, mấy ai biết rằng, tôi cũng như mọi người, cố nở một nụ cười thật tươi, thật đẹp để cho ánh mắt không lộ nỗi.

S.V 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here