Trang chủ Phật học Niệm Phật, trì chú, tọa thiền

Niệm Phật, trì chú, tọa thiền

157
0

Tại sao người Phật tử phải tụng kinh, niệm Phật, trì chú và tọa thiền. Phật tử thường nghĩ rằng mình tu thì phải tụng kinh, niệm Phật, trì chú và tọa thiền. Tất cả những việc ấy là một hay khác, chúng ta nên thực hiện hết hay thực hiện từng phần ? Đó là nội dung buổi giảng hôm nay.

Nếu Phật tử tu vừa tụng kinh, vừa niệm Phật, vừa trì chú, vừa tọa thiền thì quá nhiều. Phật bảo: “Chúng sanh có nhiều phiền não nên Phật cũng có nhiều pháp môn để đối trị”. Cho nên mỗi một phương pháp tu là thích ứng với mỗi căn cơ, mỗi bệnh của chúng sanh. Ai thích hợp với pháp môn nào thì tu pháp môn ấy, tu một cách triệt để cũng đạt đến kết quả viên mãn. Không nhất thiết tu một lượt hai ba pháp môn, mà chẳng pháp nào ra pháp nào, rốt cuộc không có kết quả gì. Tại sao chúng ta phải tụng kinh ? Khi nói tới tụng kinh, nên biết có hai ý nghĩa quan trọng. Ý nghĩa thứ nhất, tụng kinh là để nghe nhớ lời Phật dạy, ứng dụng tu hành. Ý nghĩa thứ hai, tụng kinh cốt làm sao cho tâm mình không xao động, không chạy theo ngoại cảnh như lúc bình thường. Cho nên khi tụng kinh bắt buộc chúng ta phải chú ý từng lời, từng chữ trong kinh, dồn hết tâm vào kinh, tụng cho đúng.

Vừa tụng vừa nghe tiếng tụng của mình, tâm lắng diệu, tỉnh sáng. Còn vừa tụng kinh vừa nghĩ chuyện này chuyện nọ là làm mất giá trị của việc tụng kinh. Tụng kinh đúng pháp, tâm chúng ta từ từ bớt xao xuyến, bớt loạn động. Đó là hiệu quả của tụng kinh. Tại sao Phật tử phải niệm Phật ? Vì muốn về Cực Lạc. Pháp môn này chắc quý Phật tử đã từng thực hành. Thật ra niệm Phật là một pháp rất thiết yếu đối với người Phật tử. Phật tử nào đầy đủ lòng tin là Tín, nguyện sanh về Cực Lạc là Nguyện và luôn luôn niệm Phật là Hạnh. Nói rõ hơn Tín là tin cõi Cực Lạc có thật, tin đức Phật A Di Đà sẽ đến đón mình.

Hạnh là đi đứng nằm ngồi luôn luôn niệm Phật. Nguyện là khi lâm chung, mong Phật sẽ đến đón chúng ta về Cực Lạc. Có đầy đủ ba yếu tố Tín, Hạnh, Nguyện thì niệm Phật sẽ đạt được kết quả tốt. Nhưng hiện nay Phật tử niệm Nam mô A Di Đà Phật, mà đã hiểu ý nghĩa câu niệm Phật ấy chưa ? Nhiều người thế gian hơi khó tính hay giễu cợt: “Ông bà nếu nghe người ta kêu tên mình hoài chắc giận lắm.” Quý Phật tử nghĩ sao ? Niệm Phật là gọi tên Phật hoài phải không, vậy Ngài có buồn có giận không ? Đó là điều rắc rối, nếu chúng ta không hiểu sẽ không giải quyết được những thắc mắc của người thế gian. A Di Đà là danh hiệu Phật, tức tên của Ngài. Khi chúng ta niệm Phật là niệm Nam mô A Di Đà Phật. Chữ Nam mô nghĩa là cung kính. Nam mô A Di Đà Phật là cung kính đức Phật A Di Đà. Nhiều Phật tử đơn giản quá cứ A Di Đà Phật thôi, đó là gọi tên mà không nói lời cung kính. Còn chúng ta xưng danh hiệu Ngài với lòng cung kính quy ngưỡng thì không có lỗi. Phật tử cần nên biết điều này để có ai thắc mắc hỏi, chúng ta giải đáp rõ ràng. Câu hỏi kế, chúng ta niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà để Ngài đón mình về Cực Lạc hay để làm gì ? Kinh A Di Đà nói rõ quá, người niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà từ một ngày cho tới bảy ngày, nhất tâm bất loạn thì sẽ thấy đức Phật hiện tiền. Như vậy mục đích Phật dạy niệm danh hiệu đức A Di Đà, trước hết là để chúng ta nhất tâm bất loạn.

Mà nhất tâm là vô niệm, vì không còn một niệm tạp loạn nào. Nên nói niệm đến chỗ vô niệm, tức là chúng ta niệm Phật tới khi tâm không còn dấy niệm. Chỉ một tâm hoàn toàn tri giác không dấy động, gọi là nhất tâm. Bấy giờ nhắm mắt đức Phật A Di Đà và chư Thánh chúng sẽ hiện ở trước. Chúng ta thấy ý nghĩa tu hành quá rõ ràng. Dùng câu niệm Phật với lòng cung kính, quên hết chuyện thế gian, chỉ nhớ Phật thôi. Nhớ cho tới bao giờ câu niệm Phật lặng, chỉ còn một tâm thanh tịnh, lúc đó thấy Phật A Di Đà ở trước mắt. Hình ảnh này nói lên điều gì ? Chúng ta tu là để lặng tâm lăng xăng điên đảo hàng ngày của mình. Muốn lặng tâm đó phải tin tuyệt đối vào đức Phật, dốc lòng niệm danh hiệu Phật càng ngày càng miên mật. Cho tới bao giờ được nhất tâm tức là vô niệm thì Phật Di Đà hiện ở trước, không nghi ngờ gì hết. Quý Phật tử niệm Phật tới chỗ miên mật chưa ? Chưa. Vậy mà đòi Phật đón mình, lỡ Ngài quên không đón thì sao ? Tại mình tu chưa đến nơi đến chốn nên không có kết quả, chớ không phải tại Phật quên. Người nào niệm Phật đến nơi đến chốn cũng đều có kết quả tốt. Tôi kể câu chuyện có thật để quý Phật tử, nhất là các Phật tử lớn tuổi cố gắng niệm Phật miên mật. Bà thân của thầy chúng tôi có nhiều con và tất cả đều ham tu. Thầy chúng tôi là con thứ chín. Bà ăn chay một tháng mười ngày thôi, nhưng chuyên niệm Phật, lúc nào cũng có xâu chuỗi huyền trên cổ.

Khi bà quét nhà, một tay lần chuỗi một tay quét, nhổ cỏ cũng vậy, một tay lần chuỗi một tay nhổ. Ngày nào tháng nào năm nào cũng thế. Đến 84 tuổi bà bệnh nặng sắp tịch, chúng tôi về trợ niệm. Bà đang mệt nằm trên giường, thầy chúng tôi đứng trên đầu, Tăng Ni đứng hai bên, con cháu ngồi ở dưới chân cùng nhau trợ niệm cho bà. Khi bớt mệt bà cười hết sức vui, đứa cháu nội gọi:

– Bà nội, bà nội ! Bà thấy gì mà cười ?

Bà nói:

– Thấy Phật A Di Đà đến rước tao.

Đứa cháu hỏi:

– Có cho tụi con theo không bà nội.

Bà nói:

– Không được, rước có mình tao hà.

Rồi bà lại cười, cười một hồi thì im. Chừng mười phút sau bà cười một lần nữa y như vậy. Như thế đến ba lần thì bà tắt thở. Cho nên bà chết không ai khóc được, vì thấy bà cười mọi người đều mừng vui theo. Quý vị thấy người niệm Phật chí tâm, đi tới chỗ miên mật thì thấy Phật không nghi ngờ. Đó là điều xác thật, không phải là tưởng tượng. Chúng ta niệm Phật cốt để đi tới chỗ nhất tâm. Nhờ câu niệm Phật không nhớ gì hết, nhất là quý cụ già có bệnh hay nhớ con nhớ cháu. Bây giờ đổi lại, nhớ niệm Phật, nhớ mãi như thế sẽ quên nhớ con nhớ cháu. Nếu nhớ con nhớ cháu khi nhắm mắt sẽ lẩn quẩn theo con cháu nữa, chịu khổ trầm luân không biết bao giờ ra khỏi. Nên người tu lớn tuổi phải dồn hết tâm lực nhớ Phật thôi. Chỉ nhớ Phật thì khi nhắm mắt theo Phật, không đi đường nào khác. Đó là ra khỏi vòng sanh tử, hết khổ đau.

Nếu còn nhớ con nhớ cháu thì còn đi lại trong thế gian, lúc tốt lúc xấu không cố định. Nhiều khi đời này tốt mà đời sau không tốt. Cho nên Phật tử phải dè dặt cẩn thận. Các vị Tổ trong Tịnh Độ thường nói câu này: “Người tu Tịnh độ như người đạp gai lấy gai mà lể” Nghĩa là sao ? Tâm chúng ta lăng xăng lộn xộn quá, bây giờ muốn hết tâm đó phải mượn câu niệm Phật để trấn áp nó. Do đó câu niệm Phật giống như cây gai thứ hai để lể cây gai thứ nhất ra. Gai thứ nhất đã lấy ra rồi, nếu để cây gai thứ hai ở vết thương cũ thì vết thương có lành không ? Không. Lể rồi cũng phải bỏ cây gai thứ hai luôn vết thương mới lành. Chúng ta niệm Phật nhập tâm rồi, được miên mật không còn một niệm nào chen lẫn, cuối cùng câu niệm Phật cũng lặng luôn. Đó mới gọi là nhất tâm. Khi ấy nhắm mắt thấy Phật. Phật A Di Đà, Trung Hoa dịch là vô lượng thọ, vô lượng quang.

Vô lượng thọ là sống lâu vô lượng, Vô lượng quang là ánh sáng vô lượng. Sáng suốt và sống mãi đó là danh hiệu của Phật A Di Đà. Đức Phật dạy tất cả chúng ta khi tu đến chỗ kết quả viên mãn sẽ có đầy đủ ba thân: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Pháp thân không còn chết nên gọi là vô lượng thọ. Pháp thân luôn luôn sáng suốt, không mờ tối nên gọi là vô lượng quang. Quý Phật tử thấy Phật A Di Đà tức thấy được Pháp thân của mình. Bấy giờ Phật khỏi đón về Cực Lạc, ta cũng nhập Niết-bàn được như thường. Kinh nói thấy Phật hiện tiền chính là ý này, chớ không phải mong Phật đón về Cực Lạc mà được thấy Ngài hiện tiền. Chúng ta tu nếu không nắm vững, không biết lối đi, cứ lẩn quẩn hoài.

Càng niệm Phật càng quên chuyện đời, niệm càng lâu càng nhiều thì việc đời càng giảm. Cho tới câu niệm Phật cũng lặng luôn, chừng đó nhất tâm bất loạn, đâu còn mong muốn sanh về chốn nào nữa. Chính khi ấy đức Phật mới hiện tiền. Phật đó chính là Phật pháp thân của mình. Đó là kết quả của sự tu. Hiện giờ thân của chúng ta là thân gì ? Báo thân. Báo là thân theo quả báo mà có. Người quả báo lành được thân đẹp, ít bệnh. Người quả báo dữ tuy được thân người mà bệnh hoạn tàn tật. Thân chúng ta không giống nhau tùy theo phước nghiệp của mỗi người. Đã là thân quả báo, chúng ta không thể nào giữ được mãi, vì hết nghiệp nó phải đi.

Còn Hóa thân ở đâu, chúng ta có không ?

Thật ra chúng ta cũng có Hóa thân mà ít ai biết. Tôi nhớ trong kinh Pháp Hoa, phẩm Hiện Bảo Tháp đức Phật Thích-ca giới thiệu với đại chúng trong tháp báu có thân của đức Phật Đa Bảo. Lúc đó chư Tăng hỏi làm sao thấy được thân đức Phật Đa Bảo.

Phật Thích Ca trả lời: Muốn thấy thân Phật Đa Bảo thì các Hóa thân của Ngài đi làm Phật sự khắp nơi tụ họp về, mới thấy được. Thân Phật Đa Bảo trong tháp tượng trưng cho Pháp thân, các Phật đi làm Phật sự khắp nơi là Hóa thân. Khi nào Hóa thân tụ hội về một chỗ thì thấy được Pháp thân. Chúng ta cũng có Pháp thân mà không thấy vì Hóa thân đi làm việc nhiều quá, chạy ngược chạy xuôi đầu này đầu nọ liên miên. Chừng nào Hóa thân tức những niệm vọng động dừng lặng, bấy giờ Pháp thân mới hiện ra. Một ngày quý vị nghĩ chừng bao nhiêu việc ? Có khi chạy từ đây qua Mỹ, rồi trở về Việt Nam… xong lại chạy tiếp, chạy liên miên. Thử hỏi làm sao Pháp thân xuất hiện được ? Tất cả kinh Phật dạy ý không khác, đều nhắc chúng ta phải quy tụ tâm lăng xăng về chỗ lặng lẽ, không còn dấy động nữa. Lúc đó Pháp thân hiện ra, là giải thoát sanh tử. Còn nếu chạy theo tâm lăng xăng, tích cực làm Phật sự trong cõi ngũ dục, thì ngược xuôi trong ba cõi hoài, không có ngày ngừng. Chúng ta tu cố gắng làm đúng như lời Phật dạy, nhất định sẽ được kết quả tốt. Đó là tôi nói về ý nghĩa niệm Phật.

Tại sao chúng ta trì chú ? Trì chú là sao ? Thí dụ quý bà khi gặp tai nạn hay qua chỗ tối sợ ma, thì trì chú để bớt sợ. Quý vị tưởng nhờ thần chú ma quỷ hoảng chạy. Như vậy trì chú để dẹp ma dẹp quỷ hay tai qua nạn khỏi. Hiểu như thế là quá sơ sài. Phật không dạy điều này bao giờ. Vậy ý nghĩa trì chú ra sao ? Mật tông dạy chúng ta trì chú muốn được kết quả viên mãn thì phải tam mật: là Thân mật, Khẩu mật và Ý mật. Mật là thâm diệu. Thâm diệu tới chỗ ba nghiệp lặng lẽ hoàn toàn, thân lặng, khẩu lặng, ý lặng. Nói tam mật chớ động cơ chủ yếu là ý.

Ý mật thì tất nhiên thân, miệng cũng mật, dù ta vẫn đi vẫn nói nhưng tâm luôn thanh tịnh. Ý lặng yên thì còn lăng xăng không ? Không. Như vậy trì chú được tam mật có khác với nhất tâm đâu. Cho nên trì chú cũng với mục đích đưa chúng ta tới chỗ ý mật, tức là nhất tâm. Vì vậy niệm Phật, trì chú đều gặp nhau ở chỗ cứu kính, chỉ khác nhau ở phương pháp. Nếu niệm Phật muốn có kết quả thì khởi đầu phải Tin. Tin cõi Cực Lạc, tin đức Phật A Di Đà, rồi tới Hạnh, Nguyện. Còn trì chú khởi đầu là tin sự huyền bí của câu chú. Như chú này linh lắm, khi trì chú này được các vị thần ủng hộ, ma quỷ chạy hết. Một bên tin Phật, một bên tin sự linh nghiệm, mầu nhiệm của thần chú.

Nhờ lòng tin đó hành giả cố gắng niệm. Kết quả một bên được nhất tâm, một bên được ý mật. Rõ ràng hai phương pháp khác nhưng cứu kính không hai

HT.T.T.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here