Chúng ta đang hiện hữu trong ngôi nhà tam giới, và ngôi nhà đó đang rực cháy. Ngôi nhà bị bao phủ bởi ngọn lửa tham, sân, si, và chúng sanh đang bị đoanh vây bởi đắm tham ngũ dục, mãi trôi lăn trong ba cõi sáu đường, không thể nào thoát ra được, nhiều đời nhiều kiếp như vậy trong biển khổ luân hồi sanh tử, bị vô minh phủ lấp nên quên mất đường về, không biết được tự thân còn có Phật tánh, chơn như!
Đức Phật vì một đại sự nhân duyên đã hiện ra nơi đời, Ngài đã bằng mọi cách, mọi phương tiện làm cho chúng sanh “ngộ nhập Phật tri kiến” để thấy được cuộc đời là khổ đau, vô thường, thấy được Phật tánh là luôn sẵn có ở nơi mỗi chúng sanh.
Với lòng từ bi vô hạn, đức Như Lai đã dạy rằng có 84.000 trần lao phiền não thì cũng có 84.000 pháp môn tu để đối trị. Chúng ta có thể nương vào pháp môn nào thích hợp để tùy tâm tu tập cho có hiệu quả. Nhưng điều cốt yếu là mỗi người cần phải tinh cần và dõng mãnh, “phải tự mình thắp đuốc lên mà đi”, tự chọn cho mình một pháp môn thích hợp tu hành, thì mới có thể thoát ra khỏi nhà lửa trong ba cõi, vượt biển sanh tử luân hồi, ra khỏi sông mê quay bề bờ giác.
Tám vạn bốn ngàn Pháp môn tu của đức Phật là nói chung; còn những pháp môn khá phổ biến thì không ngoài việc hành thiền, tu chỉ, tu quán, tụng kinh, lễ sám, chú tâm niệm Phật, hành Tứ vô lượng tâm, hành Lục độ Ba-la-mật, phát tâm bồ-đề cầu đạo vô thượng, v.v… là suối nguồn từ bi vô tận để dập tắt ngọn lửa tam độc tham, sân, si phát xuất ra từ thân, khẩu, ý đang ngày đêm âm ỷ cháy trong mỗi con người và sẵn sàng bốc lửa.
Trong các pháp môn tu tập, pháp môn niệm Phật là một trong những pháp môn phổ biến và vi diệu. Nhất tâm bất loạn thì công năng vi diệu của nó như suối nguồn từ bi vô hạn, có thể đem đến sự giải thoát cho chính ta trong hiện tại mà còn giúp cho chúng sanh an lạc trong nhiều kiếp trong tương lai.
Chỉ có suối nguồn từ bi bất tận thì mới có thể trải rộng cùng khắp, như tình mẹ bao la vô bờ, có thể chịu đựng tất cả mọi khổ đau vì con “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn” chỉ một lòng nuôi con khôn lớn, mong con nên người… Cao sâu và thiêng liêng hơn thì như tấm lòng đại từ đại bi của mẹ hiền Quán Thế Âm. Ngài vì tất cả chúng sanh, nơi nào có khổ nạn thì Ngài liền tùy duyên và hiện thân cứu khổ!
Tự thân con nghĩ rằng muốn có lòng từ bi không cách nào khác là phải thực tập, trước hết là phải làm cho tâm an, ý lặng. Nhờ ý lặng và tâm an thì mới nghĩ việc thiện, nói điều hay và làm việc lành được. Vì từ vô thỉ, tham, sân, si đã huân tập từ nhiều đời nhiều kiếp, cho nên che lấp bổn tâm, làm mờ tuệ giác, giờ phải nương nhờ vào oai lực nhiệm mầu của đức Phật và Bồ-tát Thánh Tăng trong mười phương để gột rửa phiền não, nỗ lực thường tu quán để làm chủ và điều khiển được tâm.
Nhớ lại hồi còn bé, song thân thường nhắc nhở “các con luôn nhớ niệm câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, đặc biệt là khi tai ương hoạn nạn…”. Vì thương cha, nhớ mẹ, con đã mang theo lời dặn dò đó vào đời đi suốt những năm tháng chiến tranh, bom đạn, chết chóc vẫn nhớ niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Đến khi bình yên, trong cuộc sống đời thường đắm say vào vòng danh lợi, biển nghiệp tràn đầy, bánh xe mê mờ quay như chong chóng, nào là tham ái, kiêu căng và ngã chấp…, không còn nhớ gì ngoài hai chữ duy vật.
Giờ bịnh tật đến, tuổi già đến, tự thân thấy nghiệp khổ và cái chết cận kề mới sực tỉnh thì mình đã đi lạc đường quá xa. Nhưng nhờ có duyên lành là biết đi chùa, niệm Phật và nghe Pháp, và đặc biệt là có được tham dự lớp tu học tại Hồng Đức. Ngày nay nhờ có duyên lành gặp được chư Tăng, gặp được các bậc thiện tri thức và những bạn đạo chân tình, nhờ được quý giáo Thọ sư trao truyền dạy dỗ, nhờ những công đức sâu dày đó mà ít nhiều tâm được khai mở, và cũng từ đó hiểu được dù chỉ là rất ít và rất nhỏ trong sở học và sở hành theo Pháp Phật.
Pháp môn niệm Phật nhất tâm đã cho con sự bình an, được mọi sự yên ổn từ thân, khẩu, ý. Nhờ luôn niệm Tam bảo, niệm Phật A Di Đà:
“Một lòng giữ niệm Di Đà
Hồng danh sáu chữ thật là rất cao
Năng trừ tám vạn trần lao
Người đời nên sớm hồi đầu mới hay
Khuyên ai xin chớ mê say
Tịnh tâm niệm Phật việc gì cũng an”
(Sám A Di Đà)
Thật vậy, mỗi khi có chuyện bồn chồn, bất an, lo lắng, hoảng hốt, thì niệm Nam Mô A Di Đà Phật hoặc Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngay trong lúc ấy tâm của chúng ta cảm nhận được sự bình an trở lại, như không có chuyện gì xảy ra. Và cũng từ đó đến nay, con thường xuyên niệm Nam Mô A Di Đà Phật.
Nhờ niệm hồng danh đức Phật mà tâm khởi lòng từ bi và biết phát nguyện thương yêu và tha thứ đối với những gì trái ngược và bất như ý. Chính hồng danh của Ngài đi vào lòng chúng ta là suối nguồn từ bi vô tận, là biển nước cam lồ đã dập tắt ngọn lửa tham lam, sân hận và si mê, đã trở thành pháp môn nhiệm mầu trong tâm chúng ta và đưa chúng ta trở lại sự bình yên trong từng suy nghĩ, trong từng bước đi mỗi ngày.
Qua thực tế cuộc sống cho thấy rằng tất cả mọi hạnh phúc nào cũng chỉ là sự tạm bợ và trá hình. Sau niềm vui thoáng qua trong chốc lát, để lại niêm khổ đau bất tận; vì tất cả đều vô thường.
Nam Mô A Di Đà Phật, nhờ niệm hồng danh Ngài mà được an vui và giải thoát ngay trong hiện tại. Nguyện rằng khi xả bỏ báo thân này sẽ được sanh về quốc độ của Ngài – quê hương cực lạc.
Q.T-L.T.M.N