Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Niệm Phật đường thời nay

Niệm Phật đường thời nay

208
0

Tu thì phải lên chùa, vào chùa đảnh lễ Thầy. Tu là sửa mình bằng niềm tin vượt qua niềm tin của triết học, của minh triết dân gian theo cách miệng đọc tâm suy. Tu đi liền với học và với niệm, với hành, học Giáo lý của Đức Như Lai.

Ngôn từ nói về chùa thật phong phú và đa dạng theo dòng sử Việt cũng là dòng sử Phật trải qua hơn hai ngàn năm kể từ khi Phật giáo du nhập vào đất nước ta. Đó là một đặc điểm về ngôn ngữ mà người nước ngoài nhận thấy khó khăn trong dịch thuật. Để cho chắc ăn, người dịch hoặc người thông dịch phải thêm tính từ có nghĩa “thuộc về chùa” đi kèm theo danh xưng như am, đền, các, am chủng sanh, quán, thất, cốc…
 
Âm hưởng và nhịp điệu của hai vế đối được ngắt khoảng theo lối gối hạc với chủ ý như lời nhắn nhủ lại cho hậu thế đừng bao giờ quên vai trò của chùa làng: Đất vua chùa làng phong cảnh Bụt.
 
Hiện nay, thuộc quyền quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh TT Huế có hơn 330 Niệm Phật đường con số này có sai khác ít nhiều nếu đem so sánh với số lượng sách báo viết nghiên cứu về chùa Huế. Vì sao? theo năm tháng số lượng chùa đã gia tăng mà các tác giả không tài nào cập nhật, nắm bắt để cung cấp cho độc giả biết một con số tương đối gần đúng.
 
Có nhiều danh lam cổ tự đã trở thành chùa làng từ năm 1885 đến năm 1918 và từ sau năm 1918 bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Và đặc biệt có những quốc tự đã trở thành chùa hoặc Niệm Phật đường.
 
Niệm Phật đường phát triển mạnh vào những năm của cuối thập kỷ 30, đầu thập kỷ 40 và nhất là vào suốt thập kỷ 50 của thế kỷ 20. Trong quá khứ đã có nhiều làng đồng thuận cải biến chùa làng thành Niệm Phật đường; có làng không hoan hỷ bằng lòng thì dân làng, Phật tử địa phương xây mới Niệm Phật đường.
 
Đặc điểm về kiến trúc của Niệm Phật đường là tiền đường phía tả có lầu chuông, phía hữu có lầu trống. Chánh điện chỉ thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chùa Từ Đàm (cũ) là khuôn mẫu điển hình.
 
Tại Niệm Phật đường có Gia đình Phật tử sinh hoạt, có đoàn quán, có phòng đọc sách tọa lạc trong khuôn viên. Khuôn hội Tịnh Độ điều hành mọi sinh hoạt Phật sự ở hạ tầng cơ sở tại các phường xã của thành thị và nông thôn. Đứng đầu khuôn hội là bác Khuôn trưởng.
 
Năm 1950 tại tỉnh nhà có 102 Niệm Phật đường, góp phần làm cho đạo pháp hưng long ở cố đô Huế và các huyện trực thuộc.
 
Theo sách Lịch sử Phật giáo xứ Huế, đồng tác giả là Hòa thượng Thích Hải Ấn và cư sĩ Hà Xuân Liêm cho biết Đại sư Thích Kim Sơn đã đúc kết được 4 thành tựu của Niệm Phật đường. Nguyên văn như sau:
 
1) Trình độ hiểu biết, phân biệt chánh tà được nâng cao.
 
2) Hủ tục bị bãi bỏ không ngờ. Người dân có sinh hoạt trong các khuôn hội Tịnh độ, không tin phù phép, không đốt vàng mã, ít giết gà vịt trong cúng kỵ.
 
3) Ở thôn quê, nơi nào có Khuôn hội Tịnh độ, nơi đó có cuộc sống hài hòa và hoạt động tập thể rất hòa thuận. Ngay từng cá nhân cũng vậy. Họ cảm hóa một cách mà chính họ không ngờ.
 
4) Riêng đối với tuổi trẻ, những thành tích trên lại mạnh hơn. 
 
Thế thì, lấy quá khứ gần đem so với thời nay thì những thành tựu nói trên là Phật quả rất quý giá. Bốn thành quả ấy là những điểm son, như đã truyền chuyển thấm sâu vào lòng dân gian một bài học lịch sử vô giá.
 
Thời mới, ban Hộ tự thay thế Khuôn hội Tịnh độ điều hành Phật sự ở Niệm Phật đường. Đổi mới không có nghĩa là đoạn tuyệt với quá khứ mà là kế thừa, dựa vào truyền thống mà tiếp thu cái mới. Nét tinh hoa được sàng lọc để phát huy vẻ đẹp, nét sáng tạo theo hướng đúng của tinh thần PHẬT NHẬT TĂNG HUY và phương châm DUY TUỆ THỊ NGHIỆP. Tinh thần và tinh hoa ấy đã được Phật hoàng Trần Nhân Tông nói rõ trong bài kệ ở chùa làng Cổ Châu, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh năm 1308. Xin ghi lại ý nghĩa thâm hậu ở hai câu đầu:
 
Thế số nhất tức mặc
Thế thời lưỡng hải ngân.
 
Tạm dịch:
 
Số đời một màn kéo
Tình người đôi mắt ngân.
 
Đôi mắt là cửa sổ của con người, của trí tuệ; chính đôi mắt làm rạng rỡ khuôn mặt có thần thái theo nhịp thở xuất phát từ trái tim nhân hậu.
 
MỘT VÀI GÓP Ý XÂY DỰNG
 
Niệm Phật đường, cơ sở hạ tầng của Giáo hội ở cấp phường xã, cũng là chùa do ban Hộ tự điều hành các Phật sự ở từng địa phương trong 25 năm qua và trong tương lai. Một số thành tựu của Niệt Phật đường đã được nói tản mạn, dày mỏng ở hai phần bên trên.
 
Ngôn ngữ có tính mặc ước – Tuy vậy, chúng tôi thích từ “hộ” trong các thuật ngữ “hộ quốc”, “hộ pháp” hoặc “hộ tự” thật có ý nghĩa thâm hậu và cao sang. Làm việc nước, việc làng, việc chùa đều cần thiết là bổn phận. Làm việc chùa phải có đạo tâm, có tâm Phật mới chóng vánh nên việc, được việc và lợi lạc cho làng nước. Ban Hộ tự các Niệm Phật đường nhập cuộc, bắt tay vào việc một cách tự tại với cái tâm thái ung dung. Vì vậy Phật sự cho dù khó khăn đến mấy cũng sớm thành tựu. Đại sư Thích Kim Sơn đã đúc kết thành văn: “Ngay từng cá nhân cũng vậy. Họ cảm hóa một cách mà chính họ không ngờ”.
 
Về với nông thôn, chúng ta dễ dàng nhận ra những nhận xét đã trình bày vừa rồi, do thấy tận mắt cách thờ phượng ở chùa làng đã trở thành Niệm Phật đường. Đình, chùa đều có hoành phi sơn son thếp vàng các thành ngữ: QUỐC THÁI DÂN AN, HỘ QUỐC TÝ DÂN, PHONG ĐIỀU VŨ THUẬN, AN CƯ LẠC NGHIỆP, CƯ NHÂN DO NGHĨA… Chùa cổ thờ Phật, phía sau hậu điện thờ thần hoàng, khai canh, khai khẩn và các bậc Tiên hiền, Hậu hiền.
 
Bên cạnh những việc đã làm được, ban Hộ tự như tự mình thấy còn một số nhược điểm cần trao đổi góp ý để xây dựng cho tốt lành hơn. Nhân bất thập toàn, câu chấp lắm có thể làm hư việc, bỏ qua cơ hội vàng.
 
1) Kinh nghiệm là cần thiết nhưng chưa hẳn là thước đo chuẩn mực, cái thiết thực là phá vỡ kinh nghiệm với tinh thần sáng tạo đi theo đúng định hướng để làm việc một cách hài hòa, uyển chuyển, nhẹ nhàng tránh được tính cục bộ, chủ quan. Các vị trong ban Hộ tự lịch lãm với phần việc được giao thật hiếm hoi. Cho nên bộ khung nhân sự thiếu cân bằng, cân đối và hài hòa làm hạn chế thành quả của Phật sự.
 
2) Vào thời hiện đại, phương tiện thông tin và kỹ thuật tiến bộ đòi hỏi các thành viên trong ban Hộ tự phải đa năng và quyền biến, sáng tạo trong lúc làm Phật sự để khỏi vướng vào lãng phí thời gian nhóm họp như làm việc làng, việc quan theo lối vác tù và lo việc hàng tổng.
 
3) Cái khó bó cái khôn. Ở nông thôn, xóm nghèo lao động có đời sống kinh tế còn thấp cho nên cái khâu vận dụng, vận động còn lúng túng, không kịp thời. Thiếu phương tiện, thiếu nhân sự, trở thành nỗi lo làm dễ sinh ra thối chí. Không phải cả tin, nhưng phải có niềm tin khi làm Phật sự thì mới tìm ra con đường ngắn nhất, đỡ tốn kém nhất nhưng lại trong sáng. Đó là tài ứng xử, giao lưu, giao tế xã hội.
 
4) Thâm nhập vùng ven đô thị và nông thôn, chúng tôi thấy rõ ở địa phương nào sớm cung thỉnh được Quý Đại đức Tăng Ni về giữ chức Trú trì thì Niệm Phật đường khởi sắc theo chiều hướng phát triển từng tháng từng năm.
 
5) Về xã Phong Chương, huyện Phong Điền, chúng tôi lấy làm cảm động vì tỏ lòng thán phục khi biết rõ có những Niệm Phật đường do các Nữ Huynh trưởng Phật tử điều hành – Phận gái đảm trách vừa Trưởng ban Hộ tự vừa Liên đoàn trưởng Gia đình Phật tử, vừa là người giữ chùa… Và đặc biệt, vị nữ Trưởng ban Hộ tự có chồng mất sớm, đã vượt qua nhiều khó khăn để liên hệ với nhiều cơ quan tìm cách xin lại đất rộng cho vườn chùa.
 
6) Phật tử ở vùng sâu, vùng xa rất mong ước Chư tôn về thăm viếng, thuyết pháp và động viên tinh thần, nhất là sớm bổ nhiệm chức vị Trú trì ở các Niệm Phật đường gặp nhiều khó khăn. Niệm Phật đường đang có nhu cầu cần tiếp sức.
 
L.Q.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here