Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Niềm hy vọng

Niềm hy vọng

162
0

Bị ám ảnh bởi những cái thế giới siêu hình huyền bí, con người luôn luôn cố gắng tìm hiểu. Bây giờ họ có máy truyền thanh truyền hình, máy vi tính, internet, v.v. Hẳn người thời xưa xem những thứ đó như huyền bí. Thế giới bây giờ là huyền bí của thế giới ngày xưa. Muốn dùng ngôn ngữ để diễn tả thế giới ngày nay hẳn không khó. Họ bắt đầu quen dần với hai chữ huyền bí, nhưng họ tin rằng huyền bí vẫn là những thứ có thể dùng ngôn ngữ để diễn tả. Nhưng họ vẫn không thể hình dung ra những cái thế giới siêu hình mà người ta đã giáo huấn họ. Phải chăng thế giới siêu hình đó chẳng qua là tương lai của thế giới chúng ta ngày nay? Họ nghĩ đến vũ trụ với hàng tỷ thiên hà, và mỗi thiên hà có hàng tỷ những vì sao. Hẳn phải có rất nhiều thái dương hệ na ná thái dương hệ của chúng ta. Và có thể có nhiều thái dương hệ như thế có chấp chứa sự sống. Những sự sống đó có giống sự sống trên địa cầu không? Văn minh hơn? Lạc hậu hơn? Phải chăng những thế giới siêu hình nói trên có thể là những thế giới xa xôi trên các thái dương hệ đó? Tất nhiên họ không trả lời được.

Nhưng chính những bế tắc này đã phấn chấn họ. Họ nhớ đến hình ảnh Phật Thích Ca ngày xưa vì theo con đường tu khổ hạnh mà đã kiệt sức suýt bỏ mạng. Nhờ đó Ngài đã khám phá ra Trung Đạo và đã tu thành Phật. Đối với chúng sanh bây giờ, chính sự ngờ vực về cái thế giới siêu hình huyền bí kia đã thúc dục họ đổi hướng đi trở lại: Xây dựng một Tây Phương Phật ngay trên địa cầu này trước đã.

Chúng ta không ngạc nhiên thấy Phật Giáo đã biến đổi những bước nhảy vọt trong nhiều thập niên vừa qua. Nhiều hội nghị Phật Giáo đã được tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới, thảo luận về hướng đi của Phật Giáo ngày nay. Những phong trào Phật Giáo nhập thế, Tân Phật Giáo được xem là những bước tiến của Phật Giáo mà trọng tâm là sự sống hiện tại trên địa cầu. Tất nhiên, mù quáng chấp nhận những phong trào này hoặc nhắm mắt bác bỏ chúng một cách thiếu suy xét là những cực đoan. Chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng để hội nhập những điểm tốt đẹp và để tránh những điểm không có lợi cho Phật Giáo. Hội nghị quốc tế sắp được tổ chức tại viện nghiên cứu Phật học, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, sẽ là một cơ hội để Phật Giáo thế giới tham gia đóng góp ý kiến về đường lối đối phó và đóng góp của Phật Giáo trước những thách thức nóng bỏng của thời đại như nạn gia tăng dân số thế giới, nạn khủng bố, quan hệ giữa các tôn giáo, các bệnh dịch thời đại như dịch cúm gà, hiệu ứng nhà xanh, vấn đề dân chủ và nhân quyền, vấn đề truyền thông trong thời đại mới, vấn đề toàn cầu hóa, v.v.

Đối với Phật Giáo Việt Nam, cần tìm những hướng đi và phương pháp giáo dục hữu hiệu để đóng góp cho thế giới, cho văn hóa dân tộc, cho thế hệ trẻ rường cột của nước nhà, v.v.

Hy vọng trong một tương lai gần, thế giới chúng ta sẽ tràn đầy những vị bồ tát đúng với ý nghĩa nguyên thủy của nó. Phật sẽ mỉm cười thấy công lao của Ngài không bị hoang phí.

Phật muốn biến sự sống trên thế gian này không còn tham sân si, không còn gia cấp, không còn hận thù chém giết. Thế giới này phải là một thế giới vị tha, giúp đỡ lẫn nhau, tương thân tương ái. Thế giới này phải là chân thiện mỹ, phải là niết bàn. Những câu hỏi, chẳng hạn, anh thuộc giai cấp nào, anh thuộc tôn giáo nào, anh là người nước nào, v.v., sẽ trở nên không còn ý nghĩa trong khung trời niết bàn đó.

Nhưng từ đây tới đó đường còn dài thật dài. Thế giới hiện tại của chúng ta là một thế giới đa hình đa dạng, tốt xấu có đủ. Liệu Phật Giáo có thể giúp chúng sanh thu ngắn thời gian để biến chốn hồng trần này thành một niết bàn không? Quả đây là điều không tưởng. Tham lam vẫn còn đó. Hận thù vẫn còn đó. Hiếp bức vẫn còn đó. Ranh giới tôn giáo và ranh giới quốc gia vẫn còn đó. Phải cần thời gian. Và vào mỗi giây phút trong khoảng thời gian đó, Phật Giáo càng có những nhạy bén để có thể bước vững vàng trên Trung Đạo.

Thế giới hiện tại là một thế giới đa dạng. Chúng ta không thể không chấp nhận những ranh giới tôn giáo cũng như những ranh giới quốc gia. Và Phật Giáo có trách nhiệm biến đổi những hận thù cạnh tranh giành giựt chém giết chiến tranh giữa tôn giáo và tôn giáo, giữa quốc gia và quốc gia thành những hợp tác tương thân tương trợ thương yêu và tôn trọng lẫn nhau. Nhiệm vụ của Phật Giáo là thuyết phục những nước văn minh giàu có giúp đở tương trợ những nước nghèo khó chậm tiến trong những lĩnh vực kinh tế tài chánh, khoa học kỹ thuật và y tế. Phật Giáo phải tạo điều kiện tốt trao đổi học tập văn hoá phong tục tập quán lẫn nhau để hiểu nhau hơn và từ đó tôn trọng lẫn nhau hơn. Đó chỉ là một vài ví dụ trong rất nhiều nhiệm vụ quốc tế khác mà Phật Giáo phải đương đầu. Phải đối phó như thế nào trước sự kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo, trước chiến tranh cá lớn nuốt cá bé, chiến tranh khủng bố, …

Tất nhiên con đường Phật Giáo đi là Trung Đạo. Mọi vấn đề Phật Giáo phải đương đầu đều phải phù hợp với Trung Đạo. Phật Giáo chủ hòa bất bạo động. Phật Giáo không bao giờ là một đe dọa của bất cứ một quốc gia nào. Đây là một điều thuận lợi để Phật Giáo có thể tiếp xúc với tất cả những phe đối nghịch trong mọi cuộc xung đột. Phật Giáo không tin vào thần quyền, cuồng tín, mê tín dị đoan:

Thần quyền cuồng tín dị đoan
Chỉ đưa nhân loại đến ngàn vực sâu.

Trong mỗi quốc gia, Phật Giáo và chính quyền không thể không có quan hệ lẫn nhau. Bảo rằng Phật Giáo có thể tồn tại độc lập với chính quyền là một điều thiếu thực tế. Nếu được sự ủng hộ của chính quyền, việc hoằng pháp sẽ thuận tiện gấp bội lần. Tôi có xem cuốn phim tài liệu về việc trùng tu chùa Thánh Duyên ở Huế. Mối quan hệ hài hòa giữa chính quyền địa phương và Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên Huế đã tạo thuận lợi cho việc trùng tu được thành công mỹ mãn. Có thể nói đây là một dấu hiệu tốt cho Phật Giáo Việt Nam.

Tuy nhiên nếu Phật Giáo trở thành một con cờ bù nhìn của chính quyền thì chính Phật Giáo sẽ khó có thể bước vững trên Trung Đạo, đừng nói chi việc dìu dắt chúng sanh giải thoát khổ đau. Để tránh điều này, Phật Giáo cần có một đội ngũ gồm những vị bồ tát “sống” với đầy đủ từ bi trí huệ để có thể góp ý chính quyền trong việc trị quốc an dân, ngăn cản chính quyền thi hành những chính sách có thể nguy hại cho tổ quốc, cho dân tộc. Đồng thời cần bày tỏ thái độ cứng rắn trước những tệ nạn như tham ô bạo quyền bất công. Được như vậy Phật Giáo mới có thể đưa dân tộc Việt Nam xích gần với Trung Đạo hơn.

Đối với những chính sách của chính quyền có liên hệ đến chết chóc như án tử hình, và quan trọng nhất là khi đất nước bị đe dọa chiến tranh xâm lăng, thái độ của Phật Giáo phải như thế nào? Buôn lậu á phiện thì có thể tử hình. Phật Giáo nghĩ sao khi biết rằng á phiện đã làm biết bao nhiêu người trở nên nghiện ngập tan cửa nát nhà và chết chóc? Tuy Phật Giáo chủ trương không sát sanh, nhưng phải chăng tội tử hình luôn luôn là sai trái? Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm với giặc ngoại xâm. Nhìn lại những kinh nghiệm đó, Phật Giáo Việt Nam hẳn đã rút tỉa được những bài học quý giá. Nếu có một đe dọa tương tự trong tương lại, Phật Giáo sẽ có kế gì hay để hiến nhà nước? Nên hòa? Nên chiến?

Án tử hình hay chiến tranh chống ngoại xâm, tất cả đều tùy thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả không gian và thời gian. Không thể có những sách kế bất di bất dịch như những giáo điều không bao giờ thay đổi. Nếu phải giết một người để cứu hàng trăm hàng ngàn người, Phật Giáo nghĩ sao? Nếu bị ngoại xâm, Phật Giáo phải làm sao để có thể duy trì hòa bình đất nước? Phải chăng Phật Giáo sẽ không bao giờ sát sanh dù trong bất cứ tình huống nào? Nếu vậy phải chăng chủ thuyết “không sát sanh” đã trở thành một giáo điều bất di bất dịch? Tôi cho rằng những vấn đề này cần được thảo luận kỹ lưỡng.

Có được quan hệ tốt với chính quyền quả thật không dễ. Hoằng pháp để cứu vớt chúng sanh lại là một nhiệm vụ còn khó khăn hơn. Trong việc truyền Pháp, Phật Giáo phải đương đầu với vấn đề đạo đức. Xã hội hiện tại quả thật có quá nhiều tệ nạn. Trong một xã hội tiêu thụ như hiện nay, dường như mọi thứ tình cảm đều được đánh giá trên tiền bạc. Hành hung cướp giật xảy ra gần như cơm bữa. Rồi nạn nghiện ngập ma túy. Phật Giáo cần tìm những phương thức hữu hiệu để đối phó với những tệ nạn đó.
 
Cuối cùng, để kết thúc bài này, tôi xin vắn tắt đóng góp hai điểm về việc dịch kinh sách và việc trang trí chùa chiền tại Việt Nam, hầu giúp người Việt hiểu nhiều hơn và tự hào hơn về Phật Giáo Việt Nam.

Trong mấy quyển sách biếu không hôm tôi đi dạo phố, có một vài quyển Kinh. Đọc những quyển Kinh đó quả thật rất khó khăn đối với tôi. Dường như hầu hết những từ ngữ đều được phiên âm thay vì dịch từ chữ Hán. Tôi không có vốn liếng chữ Hán. Và tôi tin rằng ngày nay đa số người Việt cũng đều như tôi. Tôi đã đọc nhiều kinh kệ dịch từ ngôn ngữ Pali hay Sanskrit sang tiếng Anh. Rất nhiều dịch giả vẫn than phiền rằng thật không dễ dàng tí nào trong việc dịch Kinh. Có nhiều từ của ngôn ngữ này không dễ gì tìm được từ hoàn toàn tương đương trong ngôn ngữ kia. Hẳn các dịch giả Việt Nam cũng đã từng thấm thía những khó khăn này, nhất là khi phải dịch Kinh. Nhưng theo tôi, cuối cùng các dịch giả phải làm điều đó. Phải dịch, không thể chỉ phiên âm. Nói chung, cần phải phổ thông hóa kinh sách. Được như thế, người đọc sẽ dễ hiểu hơn, do đó hứng thú hơn, và Kinh Phật sẽ được phổ biến rộng rãi và nhanh chóng hơn.

Đối với các chùa, dường như chỉ có tên chùa là được viết bằng tiếng Việt, còn hầu hết các thứ khác, như các bức hoành, các câu đối câu liễn, viết toàn chữ Tàu. Bình dân bá tánh đi ngang chùa nhìn vào, họ chỉ thấy nhưng không hiểu. Họ đành tiếp tục bước đi. Cửa chùa thì mở rộng mà họ thấy như đang đóng kín. Việt Nam thoát ách đô hộ của Tàu đã lâu. Tiếng Việt cũng đã được phổ thông hóa từ lâu. Nhưng những ngôi chùa vẫn như thời xa xưa, vẫn giống như chùa Tàu trên đất Việt. Theo tôi, phải Việt Nam hóa những ngôi chùa Việt Nam! Những ngôi chùa  xây trong tương lai phải 100% Việt Nam. Nếu phải dùng những ngôn ngữ khác thì đó chỉ là phụ, chỉ để giúp du khách nước ngoài tìm hiểu mà thôi. Chùa Việt phải dùng tiếng Việt cho dân Việt. Tất nhiên có những ngôi chùa xây dựng từ xa xưa, nổi tiếng và đã trở thành lịch sử, cần được giữ nguyên vẹn những di tích lịch sử quý giá đó.

Phật Giáo đã đến với Việt Nam 2000 năm nay. Chắc chắn ai cũng mong muốn kho tàng văn hóa Phật Giáo Việt Nam được phổ biến rộng rãi trong lòng mỗi người dân Việt.

T.Đ 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here