Thật vậy, tuy mới có mặt trên đất cố đô khoảng trên dưới 70 (bảy mươi) năm trở lại đây; nhưng sự sinh hoạt, kết quả và ảnh hưởng của Ni Viện này rất lớn. Một trung tâm vừa tu vừa học, vừa đào tạo, đã cung cấp cho Phật giáo Huế những danh ni tên tuổi như các sư bà Diệu Hương, Diệu Không, Thể Quán, Diệu Trí, Viên Minh…. Hiện nay lại có cơ sở Trường Trung cấp Phật Học 2 của Giáo hội đặt tại đây; thì quả tình việc viết lại lịch sử Ni Viện Diệu Đức là việc nên làm. Tuy thế, trong bài này chúng tôi chỉ trình bày sơ lược về chùa Diệu Đức và Ni viện Diệu Đức qua mấy mục nhỏ sau đây.
I. Duyên khởi thành lập.
Vị trí địa thế:
Từ đường Điện Biên Phủ (xưa gọi là đường Lam Sơn; trước đó nữa là đường Nam Giao; thời các nhà vua kể từ Thành Thái mà lui gọi là Nam Giao Tân lộ) Ngang ngả rẽ về phía phải để về chùa Tường Vân thì đi theo ngả này. Vào đến góc thành chùa Hương Sơn, rẽ tay phải đi vào một đoạn thì đến Ni Viện Diệu Đức. Cổng đề trên cao “Phật Học Ni Viện Diệu Đức”, biển số nhà 92/6/4 đường Điện Biên Phủ.
Nguyên xưa đây là một quả đồi thuộc thôn Tứ Tây huyện Hương Thủy Thừa Thiên. Lúc xây dựng chùa thì vùng này thuộc thôn Bình An, xã Dương Xuân Hạ, tỉnh Thừa Thiên. Thời gần đây thuộc xã Thủy Xuân, và hiện nay là Phường Trường An thuộc thành phố Huế.
Phạm vi vườn chùa khá rộng, nhưng mặt trước đã bị nhà dân chiếm dụng, nên ngõ đi vào chùa gần như nằm sau, bên phải vườn chùa. Mặt tiền của chùa nhìn về hướng đông bắc nếu băng qua cổng chính thì trước là đồi Vạn Phước trên đó có chùa Vạn Phước; chùa Tịnh Độ nay là chùa Ni “Vạn Phước Di Đà tự”. Bên tay phải giáp hai chùa Hương Sơn và Kiều Đàm cũng thuộc Ni bộ; sau lưng, cách một con đường nhỏ thì đến chùa Kim Tiên, chùa Từ Quang; vào xa hơn có chùa Tường Vân. Bên trái giáp thôn Bình An, nhà cửa của dân.
Chính điện chùa Diệu Đức
Duyên khởi thành lập:
Nói đến duyên khởi thành lập chùa Diệu Đức và Ni Viện Diệu Đức, sẽ xét đến ba tiểu tiết sau:
Ni Trưởng Diên Trường: Ni trưởng là y chỉ sư của Ni sư Diệu Hương người đứng vị trí khai sơn chùa Diệu Đức sau này. Ni trưởng Diên Trường là vị tỳ kheo ni đầu tiên của Phật giáo Thừa Thiên Huế. Thế danh Hồ Thị Nhàn, sinh năm Quí Hợi (1863) thuộc dòng Hồ Đắc. Quán An Truyền, huyệ Phú Vang, Thừa Thiên. Bà là con thứ ba của cụ Hồ Đắc Tuấn và bà Công nữ Thức Huấn. Bà Công nữ là con thứ hai của Hoàng tử Tùng Thiện Vương. Như vậy, Ni Diên Trường là cháu ngoại của nhà thơ lớn Tùng Thiện Vương. Vốn sinh trưởng trong một gia đình danh gia vọng tộc, nhưng cuộc đời riêng của bà lại có lắm nỗi đắng cay. Lớn lên được lập gia đình, chồng bà là ông Nguyễn Đôn Lý, người làng Thế Lại, huyện Hương Trà. Hai ông bà đã sinh được một người con trai. Nhưng lên năm tuổi người con này tự nhiên chết, bà chỉ còn lại người con gái là Nguyễn thị Kim Đính, sau này lấy B.S Trương Xướng, hai người rất có công xây dựng An Nam Phật Học Hội. Sau hai năm ông Lý cũng qua đời. Những tai họa này làm cho bà cảm nhận được nổi khổ đau của nhân sinh, và sự vô thường của cuộc đời, nên năm 36 tuổi, Mậu Tuất (1898), bà lên chùa Từ Hiếu xin ngài Hải Thiệu Cương Kỹ thế độ cho bà xuất gia học Phật. Hòa thượng Cương Kỹ chấp nhận, ban cho bà pháp danh là Thanh Linh, pháp tự là Diên Trường. Bà được thọ cụ túc Tỳ kheo ni giới tại Giới đàn Vĩnh Gia, Quảng Nam, năm Canh Tuất (1910).
Bà đã được Hòa thượng Bổn sư phái ra trùng tu chùa Phổ Quang, bên trái dốc Bến Ngự để thực hiện dự định mở Ni Viện cho Ni chúng đến tu học. Nhưng sau vì nhà nước mở đường sắt chạy ngang trước chùa ồn ào, nên bà vào tìm một ngọn đồi gần Cầu Lim thuộc thôn Thuận Hòa là Dương Xuân Hạ để lập ngôi chùa ở đó. Bà đến chùa Tây Thiên, lễ Hòa thượng Tâm Tịnh xin rước đệ tử của Hòa thượng là ngài Giác Tiên đến trú trì làm vị khai sơn chùa; đồng thời bà xin y chỉ với ngài Giác Tiên để tu học ở chùa Trúc Lâm này. Lúc đó, có các ni cô Chơn Hương, Giác Huệ, Diệu Hương cùng tu tập với Ni Diên Trường tại đây. Ni trưởng Diên Trường tịch năm Ất Sửu (1925) thọ 64 tuổi đời. Tháp ở vườn chùa Trúc Lâm.
Ni trưởng Diệu Hương: Đây là vị tỳ kheo ni rất quan trọng của Diệu Đức, vì bà đã đứng vị trí khai sơn Diệu Đức Ni Tự và làm Giám Viện Diệu Đức Ni Viện Huế.
Thế danh là Nguyễn thị Kiều, sinh năm Giáp Thân (1884) thuộc dòng họ Nguyễn làng Giạ Lê Hạ, Hương Thủy, Thừa Thiên. Thân phụ bà là ông Nguyễn Công Chí và thân mẫu là bà Nguyễn thị Cảnh. Năm bà 16 tuổi, Kỷ Hợi (1899) được tuyển vào cung nội triều vua Thành Thái (1889 – 1906), bà được nhà vua phong làm Mỵ Tân. Đến năm 23 tuổi bà hạ sinh được một hoàng nữ xinh đẹp.
Nhưng sau đó, vua bị phế và bị đày sang Réunion, hoàng nữ cũng chết vì bệnh. Thâm nhận được nổi khổ đau của nhân thế và sự vô thường của cuộc đời bà đã lên chùa Tường Vân xin xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Thanh Thái Phước Chỉ. Năm đó bà đã 32 tuổi, Ất Mão (1915). Được bổn sư ban pháp danh là Trừng Ninh, pháp tự là Diệu Hương. Năm 40 tuổi, Giáp Tý (1924) dưới triều vua Khải Định, bà được thọ cụ túc giới ở Giới đàn Từ Hiếu. Chính trong thời gian này sư lên Trúc Lâm y chỉ với Ni trưởng Diên Trường để tu học cùng với các ni sư Chơn Hương, Giác Huệ …
Năm Mậu Thìn (1928), Sư bà về làm tự chủ chùa Diệu Viên. Năm Nhâm Thân (1932) Hòa thượng Giác Tiên (chùa Trúc Lâm) và Hòa thượng Tịnh Khiết (chùa Tường Vân) đồng phái ni sư Diệu Không , cư sĩ Ưng Bàng mượn chùa Từ Đầm để lập cơ sở cho Ni Bộ khắp nước về tu học. Ni trưởng Diệu Hương, lúc này đã 49 tuổi, được thỉnh về làm lãnh chúng. Sau đó, chùa Diệu Đức xây dựng xong, mọi người thỉnh sư bà về làm tọa chủ khai sơn chùa này. Sư bà viên tịch năm Tân Hợi (1971) thọ 88 tuổi đời. Tháp được xây dựng trong khuôn viên chùa Diệu Đức. Đệ tử danh tiếng của sư bà là các ni sư Thể Yến, Thể Quán, Thể Thanh, Thể Chánh…
Ni trưởng Diệu Không: Thế danh là Hồ Thị Hạnh, con thứ ba của quan đại thần Hồ Đắc Trung; em gái Ni trưởng Diệu Huệ. Bà sinh năm Ất Tỵ (1905) quán An Truyền, huyện Phú Vang, Thừa Thiên. Bà đã lập gia đình với ông Cao Xuân Xang, Bà và chồng bà là hai người hoạt động rất tích cực trong việc thành lập An Nam Phật Học Hội. Năm 28 tuổi, Qúy Dậu (1933) bà xin xuất gia và lên chùa Trúc Lâm xin theo học với y chỉ sư là Hòa thượng Giác Tiên. Bà có pháp danh là Trừng Hảo,pháp tự là Diệu Không. Năm Giáp Thân (1944) sư thọ Cụ túc tỳ kheo ni giới tại giới đàn Thuyền Tôn do Hòa thượng Giác Nhiên làm đường đầu Hòa thượng.
Ni trưởng Diệu Không đã đóng góp nhiều Phật sự to lớn cho Phật Giáo Huế không thể kể hết được. Chúng tôi chỉ nêu vài ba việc sau đây:
Năm 1928, khi còn là cư sĩ bà đã có công trong việc vận động xây dựng chùa Diệu Viên và lập Cô nhi viện Tịnh Lạc.
Năm 1932, bà đã cùng các nam nữ cư sĩ Ưng Dinh, Ưng Bàng và nhiều người khác lập thành một ban vận động để mua lại sở đất của cụ Nguyễn Đình Hiến (1) tọa lạc tại thôn Bình An, xã Dương Xuân Hạ, huyện Hương Thủy để lập ngôi chùa Diệu Đức và thỉnh Ni Trưởng Diệu Hương về làm tọa chủ khai sơn.
Năm 1935 Sư bà đã tìm lại được bộ kinh Kim Cương thêu chỉ gấm ngũ sắc rất qúi do tỳ kheo ni Diệu Tâm ở chùa Thầy thực hiện vào triều Quang Toản. Vua Gia Long tịch thu đem về thờ ở Phước Thọ am trong Đại Nội. Cuối triều Khải Định, bộ kinh bị thất lạc. Sư bà Diệu Không tìm ra tại nhà riêng một viên Đội và đã mua lại với giá 250 đồng Đông Dương (tương đương giá 7 lượng vàng thời đó). Lúc đầu đem về thờ ở chùa Tây Thiên, sau thỉnh về chùa Trúc Lâm, nay đang còn.
Năm 1939 Sư bà được ni sư Diệu Tịnh ở trong Nam ra thỉnh mời vào giảng dạy ở Ni Viện chùa Giác Linh, Sa đéc.
Năm (?) dịch bộ “Lăng Già tâm ấn”
Năm 1975 nhận lãnh trú trì và trùng kiến chùa Đông Thuyền ..
.
Một buổi tụng kinh của Chư Ni tại chính điện chùa Diệu Đức
II. Lịch sử xây dựng, tu bổ và cách thờ tự.
Xây dựng và tu bổ:
Tuy nói rằng Ni trưởng Diệu Hương khai sơn chùa Diệu Đức, song cứ sự lịch sử thì ngôi chùa Ni này đã do cả một Ban Sáng lập. Có lẽ do yếu tố này mà Hòa thượng Phước Huệ (1869-1945) chứng minh trong buổi lễ Nư trưởng Diệu Hương nhận làm tọa chủ chùa Diệu Đức, đã đặt cho chùa thêm một cái tên là “Ni trường Diệu Đức”.
Thời bình minh của Diệu Đức Ni Trường cũng chỉ xây dựng với nhà cửa tranh tre. Ngoài ngôi chùa chính bằng tranh để thờ tự, thì còn có hai ngôi nhà tranh làm Tăng xá, một rạp lớn làm nhà giảng.
Bốn năm sau (1936) khi tranh tre khởi sự hư mục thì chùa mới được tái thiết vách gạch mái ngói; và đúc chuông, chú tượng. Mãi đến năm 1948 chùa mới được trùng tu. Dần dà từ đó đến nay, Diệu Đức Ni Tự được xây thêm cổng Tam quan (1971), bên trên có bảng đề bằng chữ Hán “Diệu Đức Ni Tự”;
Đến năm 1991 thì chùa được đại trùng tu trở nên khang trang và đẹp đẻ như hiện nay, ngoài ra còn xây dựng thêm nhiều dãy nhà ở, nhà giảng, nhà bếp cho chư ni khắp nơi về tu học. Một ngôi nhà khang trang phía tay phải, trở mặt vào vách phải của chùa, hiện được thiết “Trường Cơ Bản Phật Học 2” cho ni bộ của Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên Huế. Công trình đại trùng tu nầy do một Ban Trùng tu chủ quản mà Ni trưởng Thích Nữ Diệu Trí chủ trì.
Trước cổng chùa nguyên có hồ và đường đi, sau bị bồi lấp dần, nay chỉ có lũy tre làm hàng rào vì nhà dân chiếm dụng hết đất đai sa bồi trước mặt chùa. Sân chùa có hai cấp: phần sân ngoài thấp có xây hồ nước nhỏ hình tròn để trồng sen rất thơm. Giữa hồ có non bộ; phần sân trong cao hơn, trồng cây cảnh. Chính điện ở trên nền cao.
Cách thờ tự:
Chính điện thờ tự giản dị nhưng rất trang nghiêm. Bên trên chính điện ở án giữa có treo bức hoành đề ba chữ “Thiên Nhân Sư” (chữ “Thiên” (trời) ở bên phải, chữ “Nhân” (người) bên trái, chữ “Sư” (bậc thầy) ở chính giữa). Bàn thờ chính ở giữa thờ pho tượng Phật Thích Ca, bên sau cao hơn, thờ Tam Thế Phật, tượng vẽ. Bên án tả (nhìn ra) thờ tượng Quán Âm; bên án hữu thờ tượng Phổ Hiền.
Hậu tổ thì chính giữa thờ bài vị Tì Kheo Ni Diệu Hương, án hữu thờ chư ni đã tịch; án tả thờ chư hương linh bổn đạo.
Tháp, mộ:
Ngoài vườn chùa, phía trước bên phải có ba ngôi mộ của các vị Tì Kheo Ni đã viên tịch. Các ngôi tháp được xây cùng một kiểu như tháp Tăng. Song mỗi tháp chỉ cao ba tầng. Tháp chính giữa chính là tháp của Tì Kheo ni Diệu Hương, pháp húy là Trừng Ninh, pháp tự là Diệu Hương; khai sơn chùa Diệu Đức. Cách đề văn khắc trong lòng bia tháp có khác với bia tháp chư Tăng là không xưng “Lâm Tế Chánh Tông…”. Bên trái chỉ có một ngôi tháp của sư bà Thích Nữ Thể Yến. Sư bà Thể Yến là đệ tử thượng túc của Sư Bà Diệu Hương, thế danh là Tuyết Sơn quê ở Nghệ An. Năm1942, Sư bà Thể Yến đã ra Bắc để giảng dạy theo lời thỉnh cầu của Ni Bộ miền Bắc. Sư là vị kế tục Ni Trưởng Diệu Hương, làm viện chủ Ni Viện Diệu Đức sau khi ni Trưởng Diệu Hương viên tịch.
III. Chương trình đào tạo.
Một thoáng nhìn lại
Được thành lập từ năm 1932, đến nay Ni viện đã đào tạo ra nhiều thế hệ Chư Ni cho Ni Bộ; và đã có nhiều vị Tì Kheo ni danh tiếng của Phật Giáo Huế xuất thân từ Ni Viện này. Chúng tôi xin được dẫn một số danh ni mà chúng tôi biết được như sau: Ngoài các danh ni Diệu Hương, Diệu Huệ, Diệu Không, Thể Yến mà chúng tôi đã nói trên thì còn có các Sư Bà như Sư bà Diệu Trí (ở Diệu Đức), Sư bà Thể Quán và Cát Tường ở Ni tự Hoàng Mai (Huế); Sư bà Viên Minh ở Hồng Ân (Huế); các Sư bà Như Hường, Diệu Hạnh ở Ni tự Bảo Thắng (Qủang Nam); Sư bà Từ Thịnh ở Ni tự Châu Phong (Đà Nẵng); Sư bà Huyền Tông (Phan Thiết); Sư bà Từ Hương (Đà Lạt); Sư bà Tâm Đăng (Nha Trang) v.v…
Đặc biệt có Ni trưởng Chí Kiên, thế danh Đặng Thị Mười, sinh năm 1913 ở Sa Đéc. Xuất gia từ năm 15 tuổi (1928) tại chùa Từ Ân (Gia Định) có pháp danh là Trí Kiên, pháp tự là Như Chí. Năm 1938 thọ Cụ Túc Tì Kheo ni giới xong bà ra Huế học tại Ni Viện Diệu Đức. Về sau Ni trưởng trở thành một Tỳ Kheo ni rất danh tiếng ở miền Nam về giới luật tinh nghiêm, đạo hạnh cao vời. Ni Trưởng đã được thỉnh làm Hòa Thượng đàn đầu cho các giới đàn thuộc Ni Bộ, như giới đàn của chùa Khánh Hội (1949), chùa Kim Huê (1951), chùa Dược Sư (1954), Ni Viện Từ Nghiêm …Ni Trưởng lại hoằng pháp bằng cách làm thơ, viết báo rất nhiều như Hoa Đàm, Hoa Sen, Hoằng Pháp…Ni Trưởng Chí Kiên là ngôi sao sáng chói của Ni Bộ miền Nam đã xuất thân từ nguồn đào tạo “Diệu Đức Ni Viện” Huế vậy.
Từ khi có Ni viện cho đến trước khi có “Trường Phật Học Cơ Bản 2” dành cho Ni Bộ Thừa Thiên Huế và các tỉnh thì Ni Viện Diệu Đức đã đảm trách việc đào tạo Ni chúng. Có thời chư Ni cả ba miền Nam, Trung, Bắc về tu học tại đây đến hơn 100 vị.
Hiện nay, Ni viện Diệu Đức có một Ban quản giám Ni viện do Ni trưởng Thích Nữ Diệu Trí là mTrưởng ban và quản chúng là Ni trưởng Thích Nữ Diệu Tấn. Số lượng chư ni thường trú tại ni viện để tu học có đến 65 vị. Ni viện cũng đảm trách việc quản giám của hơn 50 chùa Ni lớn nhỏ khắp trên địa bàn Huế.
Tháp mộ chư Ni trưởng sáng lập chùa
Cách thức đào tạo.
Ở đây chúng tôi xin trình bày vừa như là nội dung của một ngôi chùa (Diệu Đức Ni Tự) vừa như là nội dung của một Ni Viện (Diệu Đức Ni Viện) hiện nay. “Trường Phật Học Cơ Bản 2” thuộc Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên Huế quản nhiệm, nằm trong hệ thống giáo dục của Giáo Hội Phật Giáo toàn quốc, thuộc hẳn phạm trù khác, để cho bài khác.
Vấn đề xuất gia:
Không nói lại thời trước, chỉ nói hiện nay, thì một người nữ bình thường muốn xuất gia để tu tập và để theo học ở ni viện Diệu Đức phải có mấy điều kiện cơ bản sau:
– Học đời phải hết cấp hai.
– Có đơn xin và chính cha mẹ đến xin cầu thọ xuất gia.
– Lương thực phải tự túc do chính gia đình đài thọ.
Tiến trình tu tập:
Phần này có thể thuộc về luật giới, song cứ sự thực tế tại chùa Diệu Đức, chúng tôi vẫn ghi lại như một nét sinh hoạt của chùa Diệu Đức đồng thời là Ni viện Diệu Đức.
Từ khi vào chùa cho đến một năm sau, nếu cả hai phương diện tu tập và học hành đều có thăng tiến thì được làm lễ xuống tóc. Sau lễ này thì nữ dự tập phải qua hai năm tu tập và học hành; nếu thấy “có thể được” thì người nữ này được Bổn sư cho thọ Sa-di-ni giới. Sa-di-ni phải tu tập, học hành, làm việc theo thanh quy Ni viện trong hai năm nữa, mới được thọThức-xoa, tức là thời gian dự bị để thọ đại giới.
Sau hai năm đó, vị Thức-xoa sẽ qua một cuộc lấy ý kiến toàn Ni chúng trong viện; nếu toàn viện đồng ý hết là vị này có đủ oai nghi giới luật tinh nghiêm, tu học cần mẫn tinh tấn thì mới được thọ giới Tỳ-kheo Ni. Chỉ một người trong chúng không đồng ý là cuộc xét bình vô hiệu. Khi học xong và ra đi hoằng pháp thì tùy duyên: Trở về chùa cũ hoặc do ni viện bổ xứ.
Thanh quy Ni viện:
Cứ nửa tháng thì toàn Ni chúng vân tập về ngôi nhà vuông phía sau hậu tổ để kiểm điểm về giới luật. Chủ nhật đầu mỗi tháng, toàn Ni chúng của 50 chùa thuộc Ni Bộ Thừa Thiên Huế phải vân tập về Ni Viện Diệu Đức để kiểm điểm về giới luật.
Nếu vị nào trong Ni chúng phạm lỗi thì lần thứ nhất phải sám hối trước toàn chúng; tái phạm sẽ bắt để tóc trở lại, nếu tiếp tục tái phạm thì mời cha mẹ đến nhận về. Trên lý thuyết thì vậy, trên thực tế một vị Ni phạm lỗi thì ở Ni Viện Diệu Đức rất hiếm xảy ra nếu không muốn nói là không có hẳn.
Học nội điễn, giới luật thì chính trong Ni bộ phụ trách thỉnh vị Giáo thọ dạy Luật; thỉnh các vị Tăng trong Giáo Hội đến giảng Kinh, Luận.
Tuy không là chính khóa, nhưng hiện nay chư ni ở ni viện Diệu Đức còn được Sư bà Quản Chúng nói chuyện thân mật cho nghe về tâm lý học rất vi tế của nữ giới. Ngoài ra chư ni còn được học ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật; học các ngành nghề thêu, may, đan, làm hương và học cả máy vi tính.
IV. Thay lời kết.
Xét về mặt tôn giáo thì ngôi “chùa Diệu Đức” có điều đặc biệt hơn các chùa Huế, là các Ni Trưởng khai sơn lập viện đã do hai tổ đình truyền xuống là Từ Hiếu (Ni Trưởng Thanh Linh Diên Trường) và Tường Vân (Ni Trưởng Trừng Ninh Diệu Hương). Theo dòng kệ của tổ Liễu Quán thì Ni Trưởng Diệu Hương là đệ tử của Ni Trưởng Thanh Linh Diên Trường; vì đứng sau một chữ trong thế thứ. Theo thực tế vẫn đúng, vì Ni Trưởng Diên Trường tuy không phải là Bổn sư truyền giới, nhưng là y chỉ sư của Ni trưởng Diệu Hương. Ni trưởng Diệu Hương với Ni trưởng Diệu Không (Trừng Hảo) là pháp lữ vì đồng hàng chữ “Trừng”.
Xét về mặt đào tạo thì “Diệu Đức Ni Viện” tập trung ni sinh cả nước, đặc biệt là vùng Huế và các tỉnh lân cận. Có ngân quỹ riêng, có sinh hoạt riêng, mỗi ni sinh có Bổn sư truyền giới riêng. Chỉ những thời lễ thì mới tụng kinh hành lễ ở chính điện của “Diệu Đức Ni Tự” mà thôi.
Hiện nay, Diệu Đức với hai chức năng “Tự” và “Viện” đang sinh hoạt trong Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên Huế. Ngoài hai chức năng ấy thì hiện tại Diệu Đức là nơi có trường Phật Học Cơ Bản 2 tọa lạc trong khuôn viên tự viện. Dù trong chức năng nào, Diệu Đức vẫn là nơi đào tạo hàng thế hệ Ni chúng trong Phật giáo Huế ngày trước, và đang nằm trong hệ thống giáo dục đào tạo Tăng Ni theo chương trình của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ngày nay.
Huế, 2009
N.A