Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Những tượng Phật 'độc nhất vô nhị' ở Việt Nam

Những tượng Phật 'độc nhất vô nhị' ở Việt Nam

137
0
Pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni từ khối đá bán quý màu xanh ngọc

Lúc 9h ngày 16/9/2011, pho tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni toạ toà sen từ khối đá bán quý màu xanh ngọc nặng 10 tấn được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) chính thức công nhận là kỷ lục Việt Nam.

Pho tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni toạ toà sen từ khối đá bán quý màu xanh ngọc nặng 10 tấn. Ảnh: Vietkings

 

Tháng 4/2010, với lòng kính ngưỡng Đức Phật Thích Ca, Thượng toạ trụ trì và tăng ni Phật tử chùa Tùng Vân (thị trấn Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã làm lễ khởi công chế tác pho tượng này, với chiều cao 2,1m, từ khối đá bán quý màu xanh ngọc được tìm thấy ở tỉnh Yên Bái.

Tượng Phật hoàn thành sau 5 tháng, gồm pháp toà và đài sen được tạc liền khối dựa theo nguyên mẫu của pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đất nung có niên đại cách đây 300 năm tại Việt Nam và hiện đang được tôn thờ tại chùa Tùng Vân.

Pho tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam

Tượng dài 52m, cao cách mặt đất 24m, nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh Bình Dương. Xung quanh là 840 cánh hoa sen đắp bằng xi măng và tượng các chư tiên, đệ tử tề tựu xung quanh.

 

Pho tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Dân Trí

Tổng thể công trình Trung tâm Văn hóa Phật giáo có diện tích 3.200m2. Bên trên là tượng Phật nhập Niết bàn (tượng nằm), bên dưới là 4 phòng chức năng dùng làm nơi học tập, tổ chức hội nghị, thư viện sách…

Cầu thang chính đi lên tượng Phật gồm 49 bậc, tượng trưng cho 49 năm hành đạo của Đức Phật. Dọc theo cầu thang và bao quanh sân thượng là 52 ngọn đèn giả đá biểu tượng cho 52 phẩm vật dâng cúng trong Hội Niết bàn. Ngoài ra, dưới chân bệ nằm của Đức Phật có 20 bức phù điêu tái hiện hình ảnh Đức Phật từ khi đản sinh đến lúc nhập Niết Bàn. Đặc biệt, 4 mái đao của sân thượng có hình rồng cách điệu lá sen, đắp lên những mảnh gốm sứ tạo vẻ sắc sảo và tráng lệ cho công trình.
 
Sáng 30/3/2010, trong đại lễ khánh thành tượng Phật nhập Niết bàn long trọng diễn ra tại tổ đình chùa Hội Khánh (thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), Vietkings đã trao quyết định xác lập kỷ lục tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam.

Tượng Phật di lặc trên núi lớn nhất

Tượng Phật Di Lặc cao 30 m nằm trên đỉnh Hồ Mây – Núi Lớn, là đỉnh ngọn núi cao 250 m so với mực nước biển của Vũng Tàu, đã được Vietkings trao danh hiệu “Tượng phật di lặc trên núi lớn nhất” của thành phố biển này.
 

Tượng phật di lặc trên núi lớn nhất ở Vũng Tàu. Ảnh: Vietkings

Để hoàn thành bức tượng, 10 nghệ nhân phải làm việc ngày đêm trong 9 tháng với sự trợ giúp của nhiều người để vận chuyển nguyên vật liệu lên đến đỉnh núi.
 
Xung quanh chân tượng là một quần thể các công trình kiến trúc với những bức tượng các vị la hán sống động. Cạnh đó có Phật tích động, một hang động được dùng làm nơi chiêm bái mang đậm màu sắc tâm linh cho du khách. 

Pho tượng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn lớn nhất Việt Nam 

Tượng Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn được xây dựng gồm 5 tầng bảo tháp cao 36m, đường kính 18m. Tượng có 11 khuôn mặt và 1 tượng Phật tổ Như Lai ngồi trên đỉnh cao, thể hiện nét trang nghiêm, từ bi. 
 

Pho tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn lớn nhất Việt Nam.

 
Tượng được an vị trên tòa sen cao 2m. Trên thân tượng có ngàn tay và ngàn mắt. Các đôi cánh tay lớn như đang múa, các cánh tay nhỏ được sắp xếp theo vầng hào quang tỏa sáng chung quanh. Trong mỗi lòng bàn tay đều có một mắt. Bàn tay tượng trưng cho sự từ bi, mắt tượng trưng cho trí tuệ soi đường, dẫn lối.

Trong lễ khánh thành vào tháng 11/2010, Vietkings cũng xác lập kỷ lục cho thánh tượng thiên thủ thiên Nhãn tại Suối Tiên là Tượng Bồ tát Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn lớn nhất Việt Nam.

Ngoài ra, theo danh sách 10 kỷ lục Phật giáo Việt Nam giai đoạn 2, Vietkings còn trao danh hiệu Pho tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn xưa nhất Việt Nam cho pho tượng Quan Âm Nam Hải thiên thủ thiên nhãn nằm trong thượng điện của chùa Thánh Ân, hay còn gọi là Đào Xuyên (xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội).

Tượng được đặc tả ngồi trên tòa sen với nhiều lớp tay. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học năm 1983, pho tượng này có 42 tay chính và 610 tay phụ, có kích thước cao 132cm, kể cả bệ cao 231cm, ngang gối 90cm, ngang bệ 91cm, cao bệ 37cm, dài cánh 103cm, nganh cánh 43cm, ngang hai tay chỗ rộng nhất 154cm, bệ dưới rộng 81cm, dài 127cm, hình lục lăng cạnh ngắn 92cm, cao 17 – 125,22cm.

Mặt tượng đầy đặn, đôn hậu, giữ nguyên những nét trần tục, cổ ngắn, thân hơi mập. Đầu phủ khăn rồi lại đội mũ, thân mặc áo nhiều nếp chảy cả xuống tòa sen. Tòa sen do một đầu rồng còn nhiều nét mặt người như đầu quỷ, có hai mác dài chảy lan trên mặt bể, cùng hai tay lực lưỡng nhô lên đỡ. Tượng đội mũ Thiên quan với nhiều trang trí như những khối gắn vào nổi cục. Áo tượng cũng tạo thành mảng vuông với nét chảy xuôi chắc chắn. Dựa vào dáng thôn nữ như chưa thoát tục cùng với đầu rồng và các hoa văn trang trí khác đã xác định tượng thuộc thời Mạc và đây là pho Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn xưa nhất Việt Nam.

Pho tượng này là gợi mẫu để các nghệ nhân của các thế kỷ tiếp sau học theo nhưng có cải biên.

 
Theo ĐVO

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here