Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Những tiền đề xác lập vai trò Phật giáo trong việc hình...

Những tiền đề xác lập vai trò Phật giáo trong việc hình thành vương triều Lý vào đầu thế kỷ XI

131
0

Nói như vậy, bởi chính vương triều này hình thành thông qua một cuộc “cách mạng lam”, một cuộc đảo chính hòa bình chuyển giao quyền lực từ nhà Tiền Lê sang nhà Lý. Hơn thế nữa, sau khi hình thành vương triều Lý đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào một vận hội mới với những võ công lẫn văn trị hiển hách mà cho đến nay và chắc rằng mãi mãi về sau vẫn là niềm tự hào lớn của dân tộc, của mọi người Việt Nam, dù là họ sống ở bất cứ ở đâu trên hành tinh này.

Trước khi khảo cứu những tiền đề dẫn đến việc xác lập vai trò Phật giáo trong việc hình thành vương triều Lý, điều không một nhà nghiên cứu nào có thể phủ nhận được, đó là việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi lập nên vương triều Lý, chính thiền sư Vạn Hạnh là người trực tiếp thiết kế, xét trong chuổi quá trình từ khi Lý Công Uẩn được thiền sư Lý Khánh Vân nhận làm con nuôi, sau đó được thiền sư Vạn Hạnh dạy dỗ, rồi cả việc chuẩn bị dư luận xã hội bằng những bài sấm ký cho việc lên ngôi của Lý Công Uẩn nhằm được lòng thiên hạ. Và cả ngay khi Lý Thái Tổ đăng quang, Vạn Hạnh đã ra yết thị với nội dung xiển dương, đề cao họ Lý trong việc xây dựng một đất nước thanh bình để vỗ về thiên hạ:

Tật Lê chìm biển Bắc
Cây Lý che trời Nam
Bốn phương binh đao dứt
Tám hướng thảy bình an

Nguyên văn:

Tật Lê trầm bắc thủy
Lý tử thọ nam thiên
Tứ phương qua can tịnh
Bát biểu hạ bình an[1].

Nhưng những tiền đề nào đã làm cho thiền sư Vạn Hạnh, nói rộng ra là Phật giáo đảm nhận được vai trò nổi trội như vậy. Đây chính là nội dung chủ yếu mà tham luận này góp phần làm sáng tỏ.

1. Tư tưởng siêu việt của Phật giáo xét cả về thế giới quan và nhân sinh quan. Không một nhà nghiên cứu nào phủ nhận được tư tưởng bao la, rộng lớn, đầy tính nhân văn của Phật giáo. Do giới hạn của vấn đề đặt ra, bài viết xin được dẫn ra một số nét “chấm phá”.

– Về thế giới quan, Phật giáo đã đi liền với khoa học. Phật giáo khẳng định tính phi Thượng đế về sự  hình thành vạn vật trọng vũ trụ, về sự hằng hà sa số thế giới trong “tam thiên thế giới”, về qui luật vô thường của vạn pháp, về sự liên hệ biện chứng trong sự hình thành các sự vật và hiện tượng (luật nhân duyên), … Khoa học càng phát triển càng chứng minh cho sự chân xác những quan điểm của Phật giáo về mặt thế giới quan. Kinh Hoa Nghiêm khẳng định trong vũ trụ có vô số những thế giới có hình dạng khác nhau với vô số chúng sinh khác nhau. “Dường như” để làm rõ lập luận với Phật giáo, vào cuối thế kỷ XVI, Giordano Bruno đã ra đưa ra quan niệm về một vũ trụ bao la vô cùng tận trong đó, ngoài thế giới chúng ta, còn có vô số các thế giới khác nhau với vô số hình dạng khác nhau. Điều này khiến chúng ta không ngạc nhiên khi Edwin Arnod, tác giả thi tập: “The Light of Asia” (Ánh sáng châu Á), viết: “Tôi thường nói, và tôi sẽ nói mãi, là giữa Phật giáo và khoa học tân tiến có một mối liên hệ trí thức mật thiết”; còn Albert Einstein, một khoa học giao nổi tiếng nhất của thế kỷ XX thì khẳng định rằng: “Nếu có một tôn giáo đương đầu với những nhu cầu khoa học tân tiến, thì đó là Phật giáo” [2].

 – Về nhân sinh quan, Phật giáo đề cập đến khát vọng hòa bình của nhân loại. Tư tưởng Phật giáo như Nietzch đã nhận xét: “Phật giáo không kích thích người ta làm chiến tranh chống các tôn giáo khác. Điều cảm động nhất, chính là ở chỗ giáo lý nhà Phật chống lại tư tưởng phục thù hằn học hoán ghét” [3]. Phật giáo đề cao tinh thần Từ bi Hỷ xả, Vô ngã Vị tha, Cứu khổ Cứu nạn: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng yên vui và no ấm” [4]; tinh thần bình đẳng giữa người và người, bất kể màu da, quốc tịch, giới tính, … Lời dạy của Đức Thế Tôn: “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ; không có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn”.  Phật giáo đề cao sự tự ngộ của mỗi chúng sinh: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, “mỗi chúng sinh đều có Phật tính”, “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”.  Nổi bật và cao cả nhất là Đức Thích Ca Mâu Ni không bắt buộc bất cứ ai phải tin vào Ngài hay những lời dạy của Ngài một cách mù quáng, không cần hiểu, không cần biết. Phật khuyên chúng sinh không nô lệ vào tư tưởng của Ngài: “49 năm qua ta chưa nói một lời nào cả” và đừng tin những lời thuật lại, những lời đồn hay đừng để bị dẫn dắt bởi uy quyền của kinh điển … chỉ khi nào các người tự suy nghĩ, phán xét, biết rằng những gì đó là sai, xấu, ác, thì hãy dứt bỏ chúng và biết rằng những gì đó là đúng, là thiện, là tốt thì hãy chấp nhận và theo chúng” [5]. Phật giáo phát huy tuyệt đỉnh tinh thần phá chấp, đề cao tự do, phát huy tư duy độc lập của mỗi con người, phá đi sự ràng buộc của truyền thống. Phật dạy: “Này các tỳ kheo, ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để giữ lấy. Chư tỳ kheo, các người cần hiểu ví dụ cái bè, Chánh pháp còn bỏ đi, huống nữa là phi pháp” [6].

2. Trước lúc Vương triều Lý hình thành, Phật giáo đã có thế đứng vững chắc trong lòng xã hội Đại Cồ Việt. Phật giáo truyền vào nước ta từ những thế kỷ đầu sau Tây lịch và đã nhanh chóng bắt rễ sâu rộng trong quần chúng, dẫn đến sự hình thành trung tâm Phật giáo và Phật học Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Trung tâm Phật giáo này gắn liền với tên tuổi của hai vị đại sư: Mâu Tử, tức Mâu Bác với tác phẩm Lý Hoặc Luận đến từ Trung Quốc và Khương Tăng Hội đến từ Ấn Độ với tác phẩm Lục Độ Tập kinh [7].

Từ trung tâm Luy Lâu, Phật giáo đã được truyền sang Trung Hoa, cụ thể là năm 247, Khương Tăng Hội sang Kiến Nghiệp và được vua Ngô là Tôn Quyền dựng chùa Kiến Sơ để nhà sư có “bản doanh” truyền đạo. Khương Tăng Hội được xem như là người đầu tiên truyền Phật giáo vào miền Nam Trung Quốc. Điều này khiến chúng ta không ngạc nhiên khi Giao Châu vào thời kỳ này có đến 500 vị tăng, 15 bộ kinh Phật, 20 ngọn tháp được xây dựng khắp đất nước.

Vào thế kỷ thứ VI, Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ đến Trung Hoa học đạo và truyền đạo, sau đó đến Trung tâm Luy Lâu và hình thành nên Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Trong những đệ tử của Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, xuất sắc nhất là Pháp Hiền. Thiền sư Pháp Hiền dựng chùa Thiền Chúng ở núi Từ Sơn. Tại đây, lúc nào cũng có chừng ba trăm đệ tử học đạo. Thiền sư Pháp Hiền còn mở rộng thiền tông Phật giáo bằng cách dựng chùa ở Phong Châu, Ái Châu, Hoan Châu, v.v… Pháp Hiền nổi tiếng không chỉ ở Giao Châu mà đến cả triều đình nhà Tùy (Trung Quốc). Về công án của Pháp Hiền, Pháp sư Đàm Thiên viết: “Nay lại có Pháp Hiền Thượng sĩ, đắc pháp với Tỳ Ni Đa Lưu Chi, truyền bá tông chỉ của tam Tổ, là một vị bồ tát sống, cư trú tại chùa Chúng Thiện, dạy dỗ giáo hóa đồ chúng có hơn 300 người, không thua gì ở Trung Quốc” [8]. Tiếp theo, thiền sư Vô Ngôn Thông từ Trung Hoa đến chùa Kiến Sơ (Bắc Ninh), mang theo tư tưởng Thiền tông Trung Hoa mà cốt tủy là Tâm tông – vô sinh vô trụ. Vô Ngôn Thông truyền tâm ấn cho Cảm Thành và từ đây một thiền phái khác ra đời với tên gọi là Thiền phái Vô Ngôn Thông. Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh đến chủ trương đốn ngộ và vô đắc, rất gần gũi với đời sống xã hội, tham dự vào đời sống xã hội nhưng vẫn duy trì được sinh hoạt tâm linh độc lập của mình. Thiền sư Ngô Chân Lưu, tức Đại sư Khuông Việt, người đã có mặt ngay từ đầu khi Ngô Quyền phất cờ đuổi quân Nam Hán, thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông.

3. Phật giáo đã sớm tạo được truyền thống “đồng hành cùng dân tộc”. Khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, cũng là lúc phong kiến phương Bắc, từ triều đại này đến triều đại khác tiến hành xâm lăng và thiết lập ách đô hộ trên đất nước ta. Trong bối cảnh đó, Phật giáo đã trở thành một điểm tựa vững chắc đối với tinh thần và tư tưởng của người Việt nhằm để đánh đổ sự độc tôn của tư tưởng văn hóa Trung Hoa, xây dựng ý thức dân tộc và văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần to lớn trong phong trào đấu tranh giành độc lập suốt 1000 năm Bắc thuộc. Nổi bật nhất là cuộc nổi dậy do Lý Bí lãnh đạo (542-544). Ngay khi vừa giành được độc lập, Lý Bí lên ngôi, hiệu là Lý Nam Đế, tuyên cáo dựng nước với quốc hiệu là Vạn Xuân, dựng chùa lớn đặt tên là chùa Khai Quốc [9]. Điều này cho thấy rằng trong phong trào đấu tranh giành độc lập, đông đảo Tăng Ni, Phật tử đã tích cực nhập cuộc, tham gia theo phò Lý Nam Đế. Công án của Lý Nam Đế đối với Phật giáo khẳng định rằng: “Ngay từ thế kỷ thứ VI, qua các triều đại độc lập đầu tiên của dân tộc sau 600 năm lệ thuộc, Phật giáo không những đã ở trong dân tộc mà còn là nền tảng tâm linh và tinh thần của dân tộc” [10], rằng “đây là một sự khẳng định minh bạch, một sự dứt khoát, một sự tuyên dương công trạng rõ ràng: Phật giáo đã có công lớn trong việc khai sinh ra một nước độc lập (Khai Quốc), Phật giáo là chủ đạo văn hóa – chính trị của chính quyền mới, Phật giáo là quốc giáo của triều đại. Không những thế đây còn là một bản tuyên ngôn độc lập hùng hồn, độc lập chính trị cũng như độc lập văn hóa, đối với đế quốc phương Bắc” [11] . Rõ ràng “mối quan hệ giữa Phật giáo với cuộc vận động độc lập, nói lên rằng nhà chùa thuở nọ là một trong những cơ sở quan trọng cho tư tưởng dân tộc phát triển” [12]. Sau Lý Nam Đế, để qui tụ nhân dân, nói chính xác là Tăng Ni và Phật tử, vào cuộc đấu tranh giữ vững nền tự chủ của đất nước, một thủ lĩnh tự xưng là Lý Phật Tử, đã cùng nhân dân vào sinh ra tử chống quân xâm lược nhà Tùy. Tuy thất bại, Lý Phật Tử vẫn được lòng dân mến phục, “sau khi Lý Phật Tử băng hà, người dân trong nước chỗ nào cũng lập đền thờ, có miếu  ở tại cửa Tiểu Nha, phường An Khang, rất linh dị” [13].

Nổi bật hơn hết là vai trò của các thiền sư trong trách nhiệm hộ quốc an dân dưới hai triều đại Đinh và Tiền Lê, tiêu biểu là hai bậc anh tài, hai ngôi sao sáng chói trên bầu trời Đại Cồ Việt ở thế kỷ thứ X là thiền sư Ngô Chân Lưu và Đỗ Pháp Thuận.

Về thiền sư Ngô Chân Lưu, sách Thiền uyển tập anh viết: “Năm bốn mươi tuổi, danh tiếng vang dội triều đình. Vua Đinh Tiên Hoàng mời về kinh đô (Hoa Lư) hỏi chuyện. Sư đối đáp hợp ý, được vua phong chức Tăng thống. Năm thứ 2 niên hiệu Thái Bình (971), sư được ban hiệu là Khuông Việt đại sư” [14]. Tư liệu này cho thấy Ngô Chân Lưu đã phò giúp Đinh Tiên Hoàng những kế sách nhằm giữ vững sơn hà xã tắc, có vậy, thiền sư mới được vua ban hiệu là Khuông Việt, tức là “khuông phò, giúp đỡ nước Việt”. Theo Lê Mạnh Thát: “Với một tước phong như thế, rõ ràng đại sư phải có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp đế vương của Đinh Tiên Hoàng” [15]. Điều này không có gì cần phải bàn thêm bởi Ngô Chân Lưu được ban hiệu Khuông Việt đại sư cùng một lần với những người có công lớn như Định quốc công Nguyễn Bậc và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, những người phò tá Đinh Tiên Hoàng dẹp được loạn “Thập nhị sứ quân”, thống nhất đất nước. 

Đối với nhà Tiền Lê, vai trò của thiền sư Ngô Chân Lưu như sách Thiền uyển tập anh viết: “Dưới triều vua Lê Đại Hành, sư đặc biệt được vua kính trọng, phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự” [16]. Khi biết quân Tống do Hầu Nhân Bảo cầm đầu, kéo sang xâm lược nước ta, Lê Đại Hành đã nhờ thiền sư cầu đảo ở chùa Vệ Linh (tức chùa Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội ngày nay) để cầu nguyện. Hành động này là đòn binh pháp về mặt tư tưởng, cốt là để quân sĩ giữ vững ý chí cho cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước sắp diễn ra. Sách Thiền uyển tập anh viết: “Năm Thiên Phúc thứ nhất (981), quân Tống sang xâm lược nước ta. Trước đó, vua đã biết chuyện này, bèn sai (Ngô Chân Lưu – TG chú thích) đến cầu đảo xin thần phù hộ. Quân giặc kinh sợ lui về giữ sông Hữu Ninh. Đến đây, bọn chúng lại thấy gió to nổi lên ùn ùn, giao long nhảy tung mặt nước, quân giặc sợ hãi tan chạy” [17]. Trên mặt trận ngoại giao, Ngô Chân Lưu nổi tiếng với bài từ Ngọc lang qui mà về sau trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quí Đôn  đã hết lời ca ngợi: “Chân Lưu  từ điệu, tiếng nổi một thời”.

 Về thiền sư Đỗ Pháp Thuận, sách Thiền uyển Tập anh viết: “Trong buổi đầu sáng nghiệp của triều Tiền Lê, ông có công trù tính và quyết định chính sách” [18]. Khi được hỏi về vận nước, Đỗ Pháp Thuận đã trả lời vua Lê Đại Hành bằng một bài kệ :

Quốc tộ như đằng tạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.

Bằng thiên tư trí tuệ, sự nhạy bén về chính trị, thiền sư Đỗ Pháp Thuận khẳng định chắc nịch rằng để đất nước thái bình, triều đại trường tồn, điều quan trọng bậc nhất là toàn dân đoàn kết. Không chỉ toàn dân đoàn kết, mà hơn thế nữa để toàn dân đoàn kết, Pháp Thuận đòi hỏi bậc nhân chủ phải hành xử vì quyền lợi nhân dân, tức là phải vô vi. Vô vi mới tạo được niềm tin trong nhân dân, để từ đó họ xả thân bảo vệ đất nước, vương triều.

Trên mặt trận ngoại giao, đóng góp của thiền sư Đỗ Pháp Thuận hết sức nổi bật. Đối thoại với sứ Tống là Lý Giác trên chiếc thuyền sang sông [19], Đỗ Pháp Thuận công khai khẳng định nền độc lập của Đại Cồ Việt; đồng thời biểu lộ quyết tâm bảo vệ nền độc lập ấy bằng chính sức mạnh của dân tộc mình trước mọi thế lực xâm lược [20]. Ứng xử ngoại giao của thiền sư Đỗ Pháp Thuận đã khiến Lý Giác đi từ chỗ thán phục thần dân Đại Cồ Việt đến sự ngưỡng mộ vua Lê Đại Hành không khác gì hoàng đế triều Tống:

Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu,
Khê đàm ba tĩnh kiến  thiềm thu.

Tác giả Lê Mạnh Thát đã có lý khi cho rằng: “Sự kiện đối đáp giữa Pháp Thuận và Lý Giác đã chứng tỏ sự trưởng thành của ý thức dân tộc trong mọi người dân, nhất là trong tầng lớp trí thức Phật giáo, mà Pháp Thuận là một đại biểu xứng đáng. Họ ao ước làm thế nào để nâng thể diện quốc gia trước sứ bộ đối phương, mà cho đến lúc ấy vẫn chưa từ bỏ dã tâm xâm lược và quận huyện hóa đất nước Đại Cồ Việt. Nền độc lập dân tộc vì thế cần phải được bảo vệ dưới mọi hình thức. Nhận thức được ý nghĩa của sự kiện trên, mấy trăm năm sau, Lê Quý Đôn còn phải ngỡ ngàng để ghi nhận trong Kiến văn tiểu lục:

Thuận sư thi cú
Tống sứ kinh dị”  [21].

Nhìn lại lịch sử dân tộc, đặc biệt là lịch sử chống Bắc thuộc và các triều đại độc lập, tự chủ đầu tiên Ngô, Đinh, Tiền Lê, điều chúng ta dễ dàng nhận thấy là  dân tộc Việt có một diễm phúc lạ thường, đó là có một đồng minh chung thủy là Phật giáo; và Phật giáo cũng có được cái vinh dự lớn lao là được được luân lý dân tộc chấp nhận, hòa nhập vào dân tộc, trở thành tinh hoa, cốt tủy của dân tộc và góp phần to lớn đưa dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của phong kiến phương Bắc đi đến kỷ nguyên tự chủ, vinh quang nhất. Đánh giá về vai trò của Phật giáo dưới các triều đại Ngô – Đinh – Tiền Lê, Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Phật giáo bên ngoài thì giúp cho triều đình việc bang giao, còn bên trong thì chắc cũng đã góp phần đem lại những yếu tố tư tưởng nhân ái, từ bi, hỷ xả, thuần hậu cho việc trị bình” [22].

Tóm lại, tư tưởng siêu việt của Phật giáo, thế đứng vững chắc của Phật giáo trong lòng xã hội Đại Cồ Việt, sự đồng hành cùng dân tộc của Tăng Ni, Phật tử mà đỉnh cao là hai thiền sư Ngô Chân Lưu và Đỗ Pháp Thuận, là những tiền đề tất yếu, khẳng định vai trò của nhà chùa trong đời sống chính trị – xã hội Đại Cồ Việt, nên khi nhà Tiền Lê mất chỗ dựa xã hội, đất nước đứng trước họa binh đao, biên cương đang bị kẻ thù dòm ngó, quần thần và nhân dân vẫn một lòng ngưỡng mộ và đặt hết niềm tin vào Phật giáo về một đất nước thanh bình, thịnh trị, mà đại diện là các thiền sư anh kiệt, những người vốn từ lâu đã xác lập uy tín trong xã hội. Điều này giúp chúng ta nắm bắt được vì sao thiền sư Vạn Hạnh, nói rộng ra là Phật giáo Đại Cồ Việt có được vai trò thực hiện cuộc “cách mạng lam” đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, lập ra Vương triều Lý vào đầu thế kỷ XI.
 

  L.C (Giao Điểm)

* Trường Đại học Sư phạm Huế

——————————————————————————–

[1]. Thích Thanh Từ. Thiền sư Việt Nam. Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, 1992, tr. 53-54.
[2]. Sciene and Buddhism (Khoa học và Phật giáo). Giao Điểm, Số 38, P.O. BOX, USA, 2000, tr. 67. 
[3]. Trần Văn Giàu. Sự phát triển của tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến trước Cách mạng tháng Tám, Tập I. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974, tr. 475.
[4]. Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 8. Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, tr. 290.
[5]. Lý Khôi Việt. Hai ngàn năm Việt Nam và Phật giáo, Phật học viện Quốc tế, North Hills, CA, USA, 1988, tr. 315.
[6]. Thích Phước Sơn. Mục đích chiếc bè. Tạp chí Hoa Sen, số 26, Garden Grove, USA., 1995, tr. 5. 
[7]. Trong Lục độ Tập kinh, Khương Tăng Hội đề cập đến bốn trình tự của thiền (tứ thiền) như là phương pháp để chính tâm, nhất ý, tập trung điều thiện duy trì trong tâm, ý thức những ý niệm dơ bẩn mà diệt trừ. Theo Nguyễn Lang, Khương Tăng Hội “đã thực sự khơi mở cho Thiền học đại thừa bằng cách nói tới tâm như uyên nguyên và chân như vạn pháp” . 
[8]. Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập I. Nxb. Văn Học, Hà Nội, 1994, tr. 137.
[9]. Nay là chùa Trấn Quốc, Hà Nội.
[10]. Lý Khôi Việt. Hai ngàn năm Việt Nam và Phật giáo, Phật học viện Quốc tế, North Hills, CA, USA, 1988, tr. 76.
[11]. Lý Khôi Việt.  Phật giáo và quốc đạo Việt Nam. Viện tư tư tưởng Việt Phật xuất bản, (Không ghi năm xuất bản), USA, tr. 18-19.
[12]. Trần Văn Giàu, Sđd, tr. 491.
[13]. Đức Nhuận. Đạo Phật và dòng sử Việt. Viện Triết  lý Việt Nam và Triết học thế giới California (USA) xuất bản, 1996, tr. 52.
[14]. Thiền uyển tập anh (Ngô Đức Tộ và Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích). Nxb. Văn học, Hà Nội, 1990, tr. 42-43.
[15]. Lê Mạnh Thát. Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 2. Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 415.
[16]. Thiền uyển tập anh, Sđd., tr. 43.
[17].   Thiền uyển tập anh, Sđd., tr. 43. 
[18]. Nguyễn Lang, Sđd., tr. 171.
[19].  Khi Lý Giác ngâm:  Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nhai.
Pháp Thuận đang cầm chèo liền nối vần ngay:
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba.
[20]. Trích ý trong “Lê Cung, Huỳnh Thị Cận. Thiền sư Đỗ Pháp Thuận với sự nghiệp nhà Tiền Lê”. Hội thảo khoa học: “Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước” do Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức tại Ninh Bình, ngày 28-29 tháng 6-2010. 
[21]. Lê Mạnh Thát, Sđd., tr. 492-493.
[22]. Trần Văn Giàu, Sđd., tr. 492.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here