Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước Những thông điệp của Phật giáo thế giới

Những thông điệp của Phật giáo thế giới

159
0

Hôm qua, trong ngày làm việc thứ hai của Đại lễ Phật đản LHQ, các đại biểu đã thảo luận hàng loạt chủ đề về vai trò của Phật giáo với xã hội. Nhiều thông điệp của Phật giáo thế giới đã được gửi đến toàn nhân loại.


* Công bố các kỷ lục của Phật giáo Việt Nam



7 hội thảo với các nhóm chủ đề khác nhau đã diễn ra đồng thời, bao gồm: Vai trò của Phật giáo trong việc giải quyết xung đột và ngăn ngừa chiến tranh; Sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội; Phật giáo nhập thế và sự phát triển; Chăm sóc môi trường: Vấn nạn gia đình và Giải pháp của Phật giáo; Diễn đàn “Giáo dục Phật giáo: Sự kế thừa và phát triển”; Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số; Chăm sóc môi trường: giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu.








Phật tử nồng nhiệt chào đón Vesak 2008 – Ảnh: D.Đ.M


Với chủ đề thảo luận chính của Đại lễ là Phật giáo và xã hội công bằng dân chủ văn minh, hội thảo đã được nghe nhiều bài tham luận súc tích, sâu sắc về vai trò của Phật giáo đối với xã hội. Trong tham luận “Sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho rằng: “Từ khi có mặt trên thế giới này, sự công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do là những ước vọng muôn đời của con người. Những ý niệm ấy được đặt trên nền tảng của đạo đức. Nếu thiếu đạo đức thì công bằng xã hội chỉ mang tính khái niệm nhiều hơn là một hiện thực. Liên quan đến vấn đề này, hơn 2.500 năm qua, Phật giáo đã thể hiện được rất nhiều sự quan tâm thiết thực. Sở dĩ như vậy là vì mục tiêu của đạo Phật là kiến tạo cho đời sống nhân sinh những giá trị mang chất liệu của hạnh phúc, yêu thương, bình an và lợi lạc. Bằng giáo lý thực tiễn được xây dựng trên tinh thần từ bi, bình đẳng, đạo đức nhân bản của con người, đạo Phật đã cải thiện đời sống tâm linh, làm bớt đi tham ái, sân hận, để thay vào đó là sự hỷ xả với nhau, thương yêu đùm bọc nhau, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm tri thức, những tài sản vật chất, phúc lợi xã hội, để cùng phát triển trong sự cân đối giữa trí tuệ và vật chất, thể xác và tâm hồn, hay giữa người với người trong cộng đồng xã hội”.


Đại lễ cũng đã nhận được nhiều thông điệp của Phật giáo khắp nơi trên thế giới. Chủ tịch sáng lập Hội hòa bình thế giới Gangchen phát biểu: “Chúng ta có thể kết luận rằng, nếu chỉ chú trọng hiện đại hóa vật chất thì không đủ để cải thiện sức khỏe, hạnh phúc và thiết lập nền hòa bình trên quả đất này. Do vậy những giá trị tâm linh vô cùng quan trọng và cần thiết để xây dựng một xã hội hài hòa cân đối”. Hòa thượng Thích Phước Huệ, Chủ tịch Tổng hội Phật giáo Úc nói: “Vào thời điểm mà nhiều quốc gia trên thế giới đang đương đầu với chiến tranh, xung đột và bất công xã hội, các đe dọa về sự biến đổi khí hậu và sự xuống dốc của môi trường thì trách nhiệm của mỗi phật tử chúng ta là phát huy hết khả năng để đóng góp một cách thiết thực nhất cho việc giải quyết những vấn đề nóng bỏng này”…


Tối qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mở tiệc chiêu đãi các trưởng phái đoàn Phật giáo và các đoàn khách cao cấp quốc tế. Và trong chương trình văn nghệ, vở cải lương Phật giáo Cuộc đời Đức Phật đã được công diễn trước đông đảo các đại biểu và bà con tăng ni phật tử tham dự Đại lễ. 







Công bố các kỷ lục của Phật giáo Việt Nam








Lá cờ Phật giáo lớn nhất Việt Nam – Ảnh: D.Đ.M


Hôm qua Ban tổ chức VESAK 2008 cũng đã công bố những kỷ lục của Phật giáo VN, trong đó đáng chú ý là: Hội thảo có nhiều người ăn chay nhất Việt Nam – 5.000 người do Công ty thực phẩm chay Âu Lạc cùng Ban tổ chức thực hiện trong 3 ngày; cặp đèn lớn nhất Việt Nam tại chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn (TP.HCM), mỗi đèn cao 12m, nặng 10 tấn sườn bằng sắt bọc vải; khinh khí cầu Đức Phật đản sanh lớn nhất Việt Nam do Công ty xây dựng và đầu tư Nam Việt Á thiết kế; lá cờ Phật giáo lớn nhất Việt Nam (phá kỷ lục Việt Nam) do Công ty dịch vụ Chiến Thắng may, dài 26,32m (ứng với năm Phật đản 2632), rộng 18m, nặng khoảng 60 kg, bay cao bằng chùm khí cầu 14 quả; chương trình nhạc giao hưởng Phật giáo lớn nhất với 500 nhạc công biểu diễn; lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình lớn nhất Việt Nam có 20.000 người tham dự, thuộc 75 quốc gia, thắp 20.000 cây nến; lễ trồng nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam tại chùa Bái Đính, Ninh Bình (100 cây, chiết từ cây bồ đề Ấn Độ).  


Như Nguyễn



Cơ bản hoàn thành chùa Bái Đính








3 pho tượng đồng trong điện Tam thế – Ảnh: Trường Sơn


Suốt nhiều tháng qua, trên công trường xây dựng chùa Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, các đơn vị thi công đã huy động tối đa nhân lực cùng phương tiện, đẩy nhanh tiến độ. Đến hôm qua 15.5, việc xây dựng điện Tam Thế, điện Giáo Chủ, điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, cổng Tam Quan, La Hán Đường, tháp chuông, giếng ngọc, khu hồ phóng sinh, đặt tượng La Hán… đã cơ bản hoàn thành.  Điện Tam Thế được xây dựng nằm trên đồi cao gồm ba tầng mái cong có 12 mái ở bốn phía, cao 30m, dài 52m, rộng 47m. Các chi tiết kiến trúc như: mái đao, các bức phù điêu trước cửa… đã cơ bản hoàn thiện, tầng một đã lát xong nền. Trong điện đặt ba pho tượng Tam Thế bằng đồng, mỗi pho tượng nặng 50 tấn. 


Theo độ dốc của đồi là điện Giáo Chủ, gồm 2 tầng mái cong, có 8 mái ở bốn phía, cao 27m, dài 47,7m. Điều đặc biệt ở chùa có đặt tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối nặng 100 tấn – tượng Phật lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Các chi tiết kiến trúc cũng đang được gấp rút hoàn thành… 


Với quy mô hoành tráng, được đánh giá là khu chùa lớn nhất Việt Nam hiện nay, chùa Bái Đính đang là một trong những biểu tượng, là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập.


Ngọc Minh







Bên lề VESAK


1. Manocanh nhà sư. Hội chợ văn hóa phẩm Phật giáo với hàng trăm gian hàng trưng bày và bán các văn hóa phẩm liên quan đến Phật giáo diễn ra ngay trong khuôn viên của Trung tâm Hội nghị quốc gia. Hội chợ bày bán từ quần áo, sách kinh Phật, CD, túi xách cho các nhà sư và cả những người tu tại gia. Chùa Hoằng Pháp, TP.HCM mang đến đây rất nhiều sách kinh Phật và CD tặng miễn phí cho khách tham quan, chiêm bái. Mọi người rất thích thú trước những mẫu vật quần áo được trưng bày trên hình manocanh là hình nhà sư!








Ảnh: C.K


2. Internet cho đại biểu. Ngay trong sảnh của Trung tâm Hội nghị quốc gia là hai dãy bàn với mấy chục chiếc máy tính xách tay được kết nối internet phục vụ cho đại biểu. Sóng wifi miễn phí và rất mạnh, truyền hình ảnh chất lượng cao tương đối nhanh. Tại đây thường xuyên thấy hình ảnh xưa nay hiếm, đó là các nhà sư lướt web, viết mail. Có nhà sư còn quay sang hỏi có thể chat với Yahoo ! messenger trên máy tính này được không? 


3. Những nhà tài trợ giấu tên. VESAK lần đầu tiên tổ chức tại VN đã được rất nhiều nhà tài trợ công đức cho đại lễ với 10.000 suất ăn chay miễn phí, khinh khí cầu hình Đức Phật đản sinh trong hình hài nhi với một tay chỉ đất, một tay chỉ trời (trị giá 2 tỉ đồng), và rất nhiều những vật phẩm khác. Tại Bái Đính, Ninh Bình (một trong ba địa điểm dự kiến sẽ có hơn 2 ngàn đại biểu sẽ đến tham quan vào ngày 17.5), một doanh nghiệp đã tài trợ khoảng 100 nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn Mỹ để phục vụ cho sự kiện này. Hầu hết các nhà tài trợ không công khai danh tính!








Ảnh D.Đ.M


4. Đa màu sắc áo cà sa. Mấy ngàn đại biểu đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tạo nên một quang cảnh rất đẹp mắt của sự đa sắc từ màu da đến màu áo cà sa. Màu vàng truyền thống của các Đại đức, Hòa thượng. Màu cam rực của các nhà sư Kh’mer và gốc Kh’mer. Màu áo lam thanh nhã của các nhà sư và phật tử, và màu áo nâu quen thuộc. Chưa kể các phật tử từ khắp nơi trên thế giới trong các sắc phục truyền thống hiện đại, tự nhiên. Và không nhất thiết là nhà sư nghĩa là phải cạo đầu. Chủ tịch IOC, giáo sư Lê Mạnh Thát có lẽ là điển hình cho hiện tượng trên.  


5. Khách sạn “các sao” của Hà Nội – hết phòng.  Gần như không thể tìm được khách sạn nếu không đặt phòng trước đó nhiều ngày. Các khách sạn đều trả lời hết phòng với khách không đặt trước. Khi được hỏi là hết phòng đến ngày nào thì câu trả lời thường xuyên nhất: sau ngày 18.5 – cũng là ngày kết thúc các hoạt động của VESAK. Với hơn 6 ngàn đại biểu chính thức cùng các thiện nam tín nữ từ khắp nơi đến Hà Nội thời điểm này, việc “cháy phòng” khách sạn có lẽ không phải là điều quá khó hiểu!


Cát Khuê


Như Nguyễn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here