Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Những tháng ngày không quên

Những tháng ngày không quên

147
0

Năm 1963, trong khi Phật giáo Việt Nam đang bị chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đàn áp, vào ngày 11.6 năm đó, Bồ-tát Thích Quảng Đức đã vị pháp thiêu thân để nguyện cầu cho Phật pháp trường tồn. Ngọn lửa của Ngài đã đánh thức lương tri nhân loại, trở thành linh hồn của phong trào 1963 mà những người Phật tử qua các thế hệ mãi mãi không quên.

Giáo sư Thái Kim Lan, 46 năm về trước, từng tham gia phong trào sinh viên tranh đấu chống lại sự kì thị Phật giáo của chính phủ Diệm, đã viết lại truyện ký "Phượng trên trời, Hải đường dưới đất", nói về phong trào đó. Nhân kỷ niệm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (11/6/1963-11/6/2009), chúng tôi đăng lại đoạn bài viết "Những tháng ngày không quên" do chính tác giả trích trong tập truyện ký nói trên gửi đến trang nhà Liễu Quán Huế. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Lửa đỏ trong tim

Hôm ấy là ngày 11. 6. dương lịch. 9 giờ rưỡi sáng tất cả Phật tử trong chùa  đã họp nhau trên chánh điện  để tụng kinh hàng tuần cho các Thánh Tử Ðạo. Chúng tôi cùng nhau đọc kinh và nghe giảng đến khoảng hơn 11 giờ trưa. Vừa dứt câu “nguyện đem công đức này hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, thề trọn thành Phật đạo“ mọi người lạy từ lui ra, bỗng nghe chuông trống bát nhã vang lừng một cách lạ thường. Mọi người đều giật mình quay ra phía góc tả hữu hai bên chánh điện, thấy một bên anh Từ, bên kia Thầy Chánh Trực đang dùng hết sức bình sinh nổi chuông và trống liên hồi. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn nhau không biết chuyện gì trầm trọng đã đang và sẽ xảy ra mà trống chuông đổ khẩn cấp đến thế ! Vừa dứt tiếng trống, anh Từ nói lớn, sắc mặt và giọng nói đầy bi hùng pha lẫn chút nghẹn ngào của nước mắt đang quanh mi : "mời tất cả ở trong chánh điện, Thầy có chuyện nói với qúi vị !“
Vài phút sau tin truyền ra như sét đánh : Hoà Thượng Thích Quảng Ðức đã tự thiêu vào khoảng 11 giờ sáng hôm nay với lời nguyện “Tôi sẵn sàng tự thiêu để cúng dường Tam Bảo và để giác ngộ cho chính quyền mau mau thỏa mãn năm nguyện của của Phật giáo":

“Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, Hòa thượng trụ trì chùa Quán Âm, Phú Nhuận (Gia Định).

Nhận thấy Phật giáo nước nhà lúc ngữa nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh là Trưởng Tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật Pháp tiêu vong, nên tôi phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường Chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật Giáo.

Mong ơn mười phương Chư Phật, Chư Đại đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành ý nguyện như sau:
1- Cầu hồng ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận 5 nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong Bản Tuyên ngôn.

2- Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.

3- Mong nhờ hồng ơn Đức Phật gia hộ cho Chư Đại đức, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tại nạn khủng bố, bắt bớ giam cầm của kẻ gian ác.

4- Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

Trước khi nhắm mắt mà về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gửi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở.
Tôi thiết tha kêu gọi Chư Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni, Phật tử đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật Pháp.
Nam mô Đấu Chiến thắng Phật.

Làm tại chùa Ấn Quang ngày 8/4 Nhuần Quý Mão.
Chùa Quán Thế Âm.
Tỳ Kheo Thích Quảng Đức kính bạch

Nghe tin tất cả mọi người đều thảng thốt như bị điện giựt, rồi không ai bảo ai mọi người đều quì xuống, các ni sư có người oà lên khóc, nhiều tiếng niệm Phật nho nhỏ thốt lên như những tiếng kêu tán thán, rồi tất cả mọi người đồng sụp lạy và qùi tụng theo lời của anh Từ xướng lên "Nam Mô tiếp dẫn đạo sư A di đà Phật“, tiếng tụng kinh ban đầu còn lảo đảo ngập ngừng trong cơn xúc động, nhưng càng lúc càng vững vàng tự tin lấn át mọi nghẹn ngào của nước mắt đang chảy tràn trên mặt nhiều người, nghe ầm ì như tiếng của một cơn sóng thần từ trên trời dội xuống.

Tôi ngồi đó như bị câm, môi tê cứng không thể mấp máy tụng theo mọi người. Hình như tôi chưa có một ý niệm hay chưa vẽ ra được trước mắt hình ảnh về mấy chữ vừa được nghe : "Hoà Thượng Thích Quảng Ðức vị Pháp thiêu thân“. "Ðốt cháy thân xác thịt da mình để cứu đạo Pháp và giác ngộ con người !“ ! Ðã đành mỗi chữ trong dòng thông tin này như "đốt cháy“"thân xác – thịt da“"cứu“"Ðạo Pháp“ thì rõ nghiã, nhưng sau từng chữ là tổng thể của một chí nguyện và sức mạnh tinh thần vô úy vô ngại dũng mãnh để biến thành ngọn lửa thiêu thân hiện thực, điều này đang vượt quá giới hạn kinh nghiệm của một đứa sinh viên Phật tử nhỏ bé yếu đuối là tôi đang cúi đầu sụp lạy. Tôi tự hỏi không biết mình sẽ phản ứng như thế nào khi được chứng kiến tận mắt cảnh tượng hy sinh chưa từng có này : khóc, la hét, ngất xỉu, niệm Phật, lạy, sửng sờ, sợ hãi, chết cứng, sùng bái ? Mọi liên tưởng hay so sánh của con người về hình ảnh đó bỗng trở nên hạn hẹp và tố cáo kinh nghiệm chủ quan cũng như trình độ hiểu biết của từng cá nhân. Tôi nhớ đến màu đỏ lửa của hoa phượng trong giấc mơ : Lửa ! Lửa! Lửa !  Một kẻ ngu ngơ như tôi chỉ có thể tưởng tượng được ngọn lửa vây quanh ngài cũng đỏ như màu hoa phượng trong giấc mơ, nhưng trong giấc mơ, hoa phượng có thành lửa đỏ cũng chỉ là mơ…lửa không nóng mà lại mát rượi cả tâm hồn ! Và cho dù tôi có học thuộc lòng lý thuyết của D. Hume về kinh nghiệm bỏ tay vào lửa là bị phỏng, phỏng làm đau…mà bản tính của con người sợ đau nên học được thói quen thấy lửa là tránh, đã sợ đau tránh lửa thì  làm sao có thể hiểu hết được sức mạnh siêu nhiên vô úy của người ngồi kiết già trong lửa ?

Có người như bà Trần Lệ Xuân, vợ của ông Cố vấn Ngô đình Nhu, chủ tịch Phụ nữ Liên đới VN, trong tình cảm riêng tư, khi nghe tin "lửa cháy…thân xác“ liền nghĩ ngay đến món "thịt nướng“ trong biệt thự sang cả của bà, không hơn không kém ! Tổng thống Ngô Ðình Diệm, trong vai trò của ông, vừa nghe tin đã rụng rời, rơi cả giấy đang cầm tay và hốt hoảng đọc lời hiệu triệu nhưng vẫn tuyên bố một câu đầy oai quyền "sau lưng hiến pháp còn có tôi“ như một lời tự thú về quá trình độc tài của chính ông. Cả thế giới nhìn Việt nam với nỗi kinh ngạc về sức mạnh tâm linh của một hiện tượng tôn giáo độc nhất vô nhị trên đời. Và báo chí khắp năm châu kín trang đi tìm ý nghĩa hành động tự thiêu của Thích Quảng Ðức như một hy sinh cao cả ! Họ làm sao hiểu hết được hành động phi  thường này qua những tam đoạn luận, phép tỷ giảo, loại suy, phân tích, so sánh ngay cả với chúa Jesus ! Hình như mọi so sánh đều là những quá trình giảm thiểu rút gọn vào kinh nghiệm thuộc thế giới thường nghiệm, do đấy trở nên ngờ nghệch và khập khiểng.

Trái tim Bồ tát

Vượt lên trên tất cả sức tưởng tượng của con người cũng như lòng tin căn cứ vào thói quen cho rằng "lửa có khả năng khủng khiếp đốt cháy tiêu hủy hết tất cả những chi thuộc về "sắc tướng“, Thích Quảng Ðức đã đưa một thông điệp khác cho loài người : THẾ NHƯNG ! LỬA đã không thể thiêu hủy trái tim Bồ tát Thích Quảng Ðức ! – nghe Thượng Tọa Ðức Nghiệp, người đã đưa Hoà Thượng Thích Quảng Ðức đến ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Ðình Phùng (Sài gòn) ngồi xuống ung dung châm lửa tự thiêu, kể lại rằng hôm ấy mấy chục ký giả ngoại quốc chứng kiến vụ tự thiêu – những kẻ được tôi luyện trong tri thức khoa học và tin tưởng vào khoa học -, đã lon ton chạy đi tìm thêm mấy bình xăng, quẹt hết mấy hộp diêm, hì hà hì hục cố tình đốt lui đốt tới hầu mong có thể tiêu hủy trái tim vẫn còn nguyên vẹn sau khi nhục thể của Ngài đã thành tro, nhưng LỬA hơn nghìn độ của lò hỏa thiêu cũng như mấy chục lít xăng super của người ngoại quốc đã qui hàng trước TRÁI TIM BỒ TÁT.
 
Trái tim có sức mạnh biến lửa tam muội thành LỬA TỪ BI. Hiện tượng bất ngờ ! Những kẻ tự hào văn minh Tây phương ngơ ngác ! Hình như mọi thứ ngôn từ khoa học vừa dừng lại nơi đây, nơi cái gạch nối ấy, gạch nối giữa thể xác và tâm linh, giữa trái tim nhục thể và trái tim bất diệt, khoa học đang dừng lại bên bờ nhịp đập và nhịp ngừng của trái tim, quờ quạng không tiến xa hơn một bước, trong lúc kẻ hành thâm bát nhã đã thâm nhập vào bến bờ của tâm – ý – thức siêu ngã, đã qua bờ và đã quay về – khi đi cũng như khi trở lại không bằng con đường nào khác hơn là con đường của TÂM – của trái tim : từ trái tim khả tử đến trái tim bất tử – tuy hai mà chỉ là một, trái tim Quảng Ðức ! :
       
 "Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ, Phật pháp chẳng rời tay“ ,
"Bóng người vượt chín tầng mây, nhân gian mát rượi bóng cây Bồ Ðề“.

Có chăng chỉ còn "vần điệu của thi nhân“, trong một phút giây trực cảm, đã đến gần với nhịp đập của trái tim Bồ Tát ấy, đã có thể "sờ“ được ngọn lửa từ bi, khả dĩ đem ánh sáng ngọn lửa Quảng Ðức chiếu dọi vào tâm hồn của người Việt trên khắp miền Nam và cả thế giới. Một tháng sau ngày Thích Quảng Ðức tự thiêu, với "Lửa Từ Bi“ thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã thêm một lần làm ngọn lửa này rực sáng thiên thu bất diệt, đã làm bừng cháy ý nguyện của Phật tử miền Nam :

Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc 
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi  
Chỗ người ngồi: một thiên thu tuyệt tác 
Trong vô hình sáng chói nét từ bi. 
Rồi đây… rồi mai sau… còn chi ? 
Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát 
Với thời gian, lê vết máu qua đi 
Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ tát 
Dội hào quang xuống chốn A tì  
Ôi ngọn lửa huyền vi…

Lời thơ vang dội đã gây nên một tác dụng mãnh liệt nung đốt ý nguyện vô úy của Phật tử miền Nam, đến nỗi những người có uy quyền phải giật mình thảng thốt. Ông Cố vấn Ngô Ðình Nhu nổi giận trước đám bộ hạ tướng tá giám đốc công an, cảnh sát, mật vụ  của ông và quát tháo rằng, cả guồng máy công an cảnh sát miền Nam chẳng làm gì được mà thua một bài thơ của tên thi sĩ quèn trói gà không chặc. Hình như trong cơn nóng giận, bị nung đốt trong lửa dục độc tôn và lửa hờn ghét tất cả những ai không theo mình, bị mê hoặc trong lửa ái ngã và chấp ngã, ông Cố vấn vốn nổi tiếng thông minh tài ba đầy mưu thần chước quĩ đã không thấy được sức mạnh của một  « cung » rất nhỏ trong « vần điệu thi nhân », một dấu nhấn hầu như vô hình nhưng có mãnh lực đưa mũi tên mỏng như lá tre phá cả thành trì vô minh, khai phóng giác ngộ giải thoát, đưa bài thơ theo cùng với ngọn lửa Quảng Ðức tỏa khắp mười phương :

Từ cõi vô minh
Hướng về cực lạc
Vần điệu thi nhân chỉ còn là rơm rác
Và cũng chỉ nguyện được là rơm rác.

Chính cung thương « nhạn quá trường giang » của tâm vô ngã « chỉ nguyện được là rơm rác » đã giúp thi nhân « tự đốt mình » diệt mọi sân si tham ái, vượt bờ giới hạn ngã chấp, lời thơ bay vút rực sáng trong tâm nhân loại ngọn lửa từ bi Quảng Ðức :

Thơ cháy lên theo với lời kinh,
Tụng cho nhân loại hoà bình,
Trước sau bền vững tình huynh đệ này…

Hôm nay khi viết những giòng này, như một cuộc hẹn vô tình, lại cũng là ngày 11. tháng 6 của năm xưa, đã vừa vặn 40 năm ngọn lửa Thích Quảng Ðức ! Bút mực thời ấy đã chảy ra rất nhiều, lời ca ngợi tán thán cũng đã lắm, sự sùng bái quá đà tột bực. Nhưng bỗng giựt mình cho hôm nay và cho cả ngày xưa ấy ! 40 năm đã đem lại nhiều thăng trầm cho Việt nam, quá nhiều tang thương ngẫu lục cho cả mấy thế hệ 50, 60, 70, đến nỗi lịch sử lắm khi vì quá đau hay quá kiêu hãnh lại bỏ sót một vài điều tâm linh đáng để quan tâm, nhưng dễ bị bốc hơi ở nơi những trang sử thiên về vật chất ! Bia đá dễ mòn nhưng bia miệng có lẽ không nên mòn về hiện tượng tâm linh Thích Quảng Ðức.

"Vĩ nhân mà siêu nhân"
 
Hòa thượng Thích Trí Quang tán thán ngọn lửa Quảng Ðức bằng một câu đáng suy ngẫm : «nước Việt nam có lắm vĩ nhân.  Nhưng Bồ tát Quảng Ðức là vĩ nhân mà siêu nhân »

Thật thế, Việt nam của thế kỷ hai mươi đã có nhiều điều đáng nói, nhưng trên bình diện thể tính văn hoá Việt nam – hay nói nôm na trên bình diện tu tâm, – có lẽ điều đáng nói nhất mà không quá đáng là Việt nam đã có một siêu nhân Thích Quảng Ðức với một sức mạnh tâm linh đã được thực chứng bằng « trái tim Bồ tát ».

Ngọn lửa Thích Quảng Ðức không chỉ bùng cháy cho người Phật tử, ngọn lửa Thích Quảng Ðức là một minh chứng cho cả một nền văn hoá Việt nam được thể nhập như một đồng nhất « tâm thể », khơi dậy cho thế hệ nối tiếp một niềm hi vọng nhân ái trên con đường hội nhập nội tâm – và có lẽ chỉ ở điểm này – ở tính nhân ái từ bi nhẫn nhục nhưng đầy vô úy vô ngại –  trái tim Quảng Ðức khác với « trái tim bốc lửa linh thiêng » (« heilig gluehend Herz ») của một Prometheus , – kẻ đem lửa cho trần gian –  mà Goethe đã từng ca ngợi ( J. W. v. Goethe, Prometheus). Prometheus phản kháng và  thách đố Thượng đế, kẻ đánh lừa trái tim « tươi trẻ và thánh thiện » đã bùng cháy một thời cho thần linh và Thượng đế ngủ yên, đã là một giấc mơ  huyền thoại về lý tưởng văn hoá của con người Tây phương, giấc mơ về hiệu hữu của loài người không phụ thuộc vào thần linh và Thượng đế, của một giống người với trái tim bốc cháy theo hình tượng một Prometheus « biết đớn đau, biết khóc biết cười, biết vui chơi và hạnh phúc » và « vô úy » (J. W v. Goethe, đã dẫn), không hãi sợ thần linh. Prometheus bắt đầu xây dựng nhân tính bằng tự do, nhưng cũng bằng sự kiêu hãnh chấp ngã của một cá tính phương Tây. Xét cho cùng Prometheus cũng chỉ là giấc mơ huyền thoại lý tưởng của Tây phương ! Với Hitler, tập đoàn thuộc địa, đế quốc và độc tài phương Tây, giấc mơ Prometheus phần nào đã trở thành cơn ác mộng của loài người.  Trong lúc « Thích Quảng Ðức ngồi yên thế hoa sen trong biển lửa » là một hiện thực « vô úy – từ bi » trọn vẹn của con người đã vượt chấp ngã, của « vị Phật đã thành », khởi đầu bằng sự phát triển chánh kiến chánh niệm, mở rộng trái tim cho tất cả chúng sinh, quên mình cho lý tưởng giác ngộ, chỉ nẻo cho tha nhân lầm đường và cầu nguyện cho chính những người thù nghịch với con người. Ngọn lửa Thích Quảng Ðức  không phải là một huyền thoại hay một niềm tin mù quáng mà là ngọn lửa của con người, của « mỗi người tự thắp đuốc lên mà đi ».
 
Ðứng đầu thế kỷ hai mươi mốt, vào một thời điểm mà thế giới chưa bao giờ như ngày hôm nay bị phá sản về tinh thần và văn hóa trầm trọng đến từ hai phía : sự hung hăng thô bạo của thế lực vũ lực ngụy tín  và sự vô vọng hư  vô (nihilist) của  cuồng tín tâm linh, nền tảng đạo đức nhân loại đang lung lay sụp đổ dưới chân của mỗi người. Với LỬA TỪ BI và TRÁI TIM BỒ TÁT, Việt nam có lý do hơn ai cả để tin tưởng vào sức mạnh vô úy siêu nhiên đầy tình nhân loại của chính con người Việt nam.

Nói điều ấy mà không mang một chút ảo tưởng, nếu mỗi người, nhất là người Phật tử  Việt nam không xem câu chuyện Thích Quảng Ðức như một hiện tượng đặc biệt duy nhất, chỉ nên được nhớ hay quên như một dữ kiện lịch sử. Tấm gương Bồ Tát Quảng Ðức là một minh kính sửa lại cái nhìn sai lệch cho rằng hiện tượng tâm linh tôn giáo là một liều thuốc độc mê ngủ, đồng thời mở ra một chân trời mới cho thấy khả năng tâm linh của con người liên hệ với thực tại siêu việt trong nổ lực vươn tới tuyệt đối thiện mỹ, mà những tôn giáo độc thần giáo điều thường  giao trọn trong tay Thượng đế.
 
Câu trả lời nằm trong câu hỏi: công án Thích Quảng Ðức

Ðối với thế hệ trẻ, ngọn lửa Thích Quảng Ðức trở nên một vấn nạn, một tiền đề tu chứng khởi đầu hành trình tỉnh thức cho cả một đời người, một tấm gương khai phá sức mạnh tâm linh siêu nhiên của con người Việt nam.

Vấn nạn ấy anh em sinh viên đã thao thức đặt ra ngay sau ngày Thích Quảng Ðức tự thiêu cũng như trong những buổi hội thảo những năm tháng kế tiếp, rồi bị rơi vào quên lãng.
Câu hỏi thường được đặt ra là « Thiêu thân có phải là một sự tự sát và đạo Phật có chấp nhận tự sát hay không ? ». Trả lời câu hỏi ấy mà chẳng trả lời, Thầy Trí Quang đưa ra lời dạy của Ðức Phật  làm cả bọn chưng hửng «  Thân người khó được ! »

Vĩnh Tùng ngay hôm đầu tiên, với tiếng nói sư tử hống hề hề, lại đặt câu hỏi cố hữu : « Rưá là răng, thưa Thầy ». Phan Chánh Ðông, thường khi hay phản bác lại  câu  « Huế chay » đó bằng một câu khác cũng « Huế rặt » không kém « Răng trong miệng a tề !», hôm ấy bỗng dưng im lặng, đôi mắt ốc bưu cũng bớt long lanh. Cả bọn thanh niên trẻ vốn ưa suy luận, ốn ào đặt vấn đề bỗng thấy đang đứng trước một vách đá, băn khoăn : chúng tôi đang vấp vào một nghịch lý mà luật chơi lý luận lý không cho phép. Rõ ràng nếu « thân người khó có » thì phải qúi trọng « thân người », có nghĩa là phải « ái », phải  « thủ » phải « chấp » lấy tấm thân » khó có » này, có nghĩa là phải bảo vệ thân xác đến mức toàn thiện tận cùng, phải qúi hoá nâng niu nó, không được coi thường coi nhẹ mạng sống của con người !  Từ đó « tự thiêu thân » phải chăng là điều cấm và Thích Quảng Ðức đã không tuân lời Phật dạy ?
Vĩnh Kha hạ kính cận xuống, nhìn mà không thấy ai : « thưa Thầy, hình như chưa đả thông được lời dạy « thân người khó được » với sự tự thiêu“  !   Chị Tuyết xen vào : « Thưa Thầy, theo con nghĩ, Ðức Phật đã dạy coi tấm thân ngũ uẩn tứ  đại là vô thường, thì chuyện tự thiêu chẳng có chi mâu thuẫn ! ». « Nhưng lại mâu thuẫn với thân người khó có ! » Ðông tủm tĩm nhắc lại câu hỏi ban sơ.
 
Ðến đó Thầy Trí Quang mới dẫn chứng thêm « trong kinh cũng có nói về đốt thân xác như một hành động tu chứng chế ngự bản thân và nhất là trong trường hợp cần phải cứu độ sinh linh,  hành giả có thể tự  nguyện hủy thân mình !» . Chúng tôi thở phào an tâm, đã có lời Phật dạy như thế !

Nhưng trong lòng nỗi băn khoăn vẫn chưa dứt. Hình như chúng tôi cũng đang quanh quẫn trong rừng rậm hoài nghi mà một người chưa học Phật thấu đáo thường mắc phải, và những kẻ ngộ nhận Phật giáo thường vội vàng dựa vào đó để đi đến những kết luận xuyên tạc : kết luận Ðạo Phật là phi tôn giáo, từ chối bản thể siêu việt và không giải đáp được những câu hỏi siêu hình của con người. Những kết luận này cho thấy sự nông cạn, không thấy được hay không muốn thấy hai bình diện chân lý khác nhau trong lời dạy « tấm thân ngũ uẩn » và « thân người khó có » của Ðức Phật.

Trong lúc thấy được tính giả hợp của tấm thân ngũ uẩn là nhìn đúng bản chất của sự vật trên bình diện khoa học khách quan,  thì mặt khác lời dạy « thân người khó được»  nhấn mạnh đến giá trị hiếm có của chính thân người trên thế gian, chính giá trị này mang đến ý nghĩa cho sự hiện hữu của con người như là một thực thể có khả năng giác ngộ, giải thoát. Ngay ở điểm này cho thấy, trí tuệ trong cái nhìn khách quan khoa học « thân ngũ uẩn » luôn luôn đi đôi với câu hỏi về đạo đức tâm linh « thân khó được » đã làm nên yếu tính tu học của người Phật tử. Hành giả  thấy được sự giả hợp của tấm thân ngũ uẩn, nhưng không bao giờ vất bỏ tấm thân muôn kiếp mới được làm người trên thế gian này!

Phải suốt cả cuộc đời tinh tấn, hành thâm chính kiến ngũ uẩn, tận tâm lực qúi trọng nhưng không chấp thủ « thân người khó được » mới hiểu được ý nghĩa hạnh nguyện khẩn thiết «được tự thiêu » của Bồ Tát Quảng Ðức. Ý nghiã này, ngoài lòng từ bi vô lượng, không bắt nguồn từ đâu khác hơn sự thâm nhập và thực chứng lời dạy của Ðức Phật về giá trị đạo đức và tâm linh của thực thể con người.
 
40 năm vấn nạn Thích Quảng Ðức như một công án cho cả đời người. Ngờ đâu câu trả lời đã nằm trong câu hỏi. Thích Quảng Ðức là câu trả lời, là gạch nối giữa « thân khó được » trong sự tu luyện thân xác trở nên kim cương bất hoại và « tự thiêu vì chánh pháp cứu độ sinh linh » như một hạnh nguyện từ bi vô lượng vô biên. Nhìn lại Thích Quảng Ðức là nhìn lại cả hành trình tu chứng của Phật Giáo Việt nam như một thực chứng giác ngộ giải thoát mà mỗi người Việt nam đang có sẵn trong tâm thức của chính mình !

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here